Ngày 10/12/2010, Trường ĐHKHXH&NV đã phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Vai trò của Việt Nam ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.
Tham dự Hội thảo có các học giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế đến từ Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công An), Viện Quan hệ Quốc tế, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Tạp Chí Cộng sản, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội), đại diện các Khoa thuộc Trường Đại học KHXH & NV. Đặc biệt Hội thảo còn có sự hiện diện GS. Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia và TS. Gerhrard Will từ Viện nghiên cứu khoa học và chính trị (CHLB Đức).
Tổng cộng có 15 báo cáo được trình bày tại Hội thảo.
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Nguyễn Văn Kim, cám ơn Quỹ Rosa Luxemburg trong thời gian qua đã hợp tác chặt chẽ với Nhà trường thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và đào tạo đạt hiệu quả và chất lượng cao. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Kim cũng đánh giá cao sáng kiến của Khoa Quốc tế học và Quỹ Rosa Luxemburg trong việc tổ chức Hội thảo này vào những ngày cuối cùng của năm 2010, khi Việt Nam đảm nhiệm chức vụ chủ tịch ASEAN và tình hình khu vực đang diễn ra những diễn biến phức tạp với một kiến trúc an ninh mới đang dần hình thành. Thay mặt Quỹ Rosa Luxemburg, Bà Dorit Lehrack cũng bày tỏ sự hài lòng về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên và khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ những dự án trong tương lai.
Trong phần trình bày và thảo luận, các đại biểu đã trao đổi hết sức sôi nổi về một số nội dung chủ yếu sau đây. Thứ nhất, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có vị trí địa-chính trị, địa-kinh tế đặc biệt quan trọng, có sự đan xen của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống và cũng là nơi cạnh tranh lợi ích chiến lược của các cường quốc lớn nhất thế giới như Hoa Kì, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Thứ hai, các học giả cũng cho rằng hiện tại cũng như trong những năm tới, an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng và định hình chủ yếu bởi cuộc đấu tranh giữa các cường quốc mà chủ yếu là giữa một bên là siêu cường Hoa Kì và bên kia là Trung Quốc, một quốc gia đang trỗi dậy. Thứ ba, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang dần hình thành một kiến trúc an ninh mới với sự tham gia ngày càng tích cực của các nước vừa và nhỏ mà tiêu biểu là các nước ASEAN, với vai trò trung tâm và chèo lái của mình. Thứ tư, trong bối cảnh phức tạp đó, câu hỏi đặt ra là phải đánh giá một cách chính xác, khách quan và khoa học về vị thế, sức mạnh của Việt Nam.
Với tinh thần đó, Hội thảo đã thảo luận một cách thẳng thắn và sôi nổi về vai trò của Việt Nam từ các góc độ lịch sử, chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá và ngoại giao.
Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng các học giả đều nhất trí cho rằng đây là một đề tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng và với tư cách là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của đất nước, Nhà trường nên tiếp tục duy trì và cố gắng tổ chức thường niên các cuộc hội thảo như vậy nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và đưa ra những luận cứ khoa học góp phần giải quyết những vấn đề mà đất nước và xã hội đang quan tâm.