Ngôn ngữ
Sinh viên học cần có mục tiêu rõ ràng
Phương pháp học tập ở bậc đại học có nhiều thay đổi so với quá trình học phổ thông. Học đại học buộc sinh viên phải luôn chủ động trong học tập, chủ động trong việc chọn giáo trình, tài liệu nghiên cứu…Hơn nữa, môi trường đại học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên có cơ hội phát triển, sáng tạo. Điều này đòi hỏi các bạn sinh viên cần có những mục tiêu rõ ràng trong quá trình học tập tại giảng đường đại học.
Chia sẻ với các tân sinh viên, TS Nguyễn Thu Hiền (Phó Chủ nhiệm Khoa Văn học) cho biết, việc học tập ở bậc đại học chủ động hơn và nên có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng. Thứ nhất, chủ động được thể hiện ngay từ khi bắt đầu vào trường, với tư thế sẵn sàng tìm hiểu chương trình đào tạo của ngành mình học. Thứ hai, học chủ động là trước khi bước vào bất cứ môn học nào, sinh viên chuẩn bị tốt những yêu cầu của giảng viên; xem trước đề cương, tài liệu liên quan đến môn học. Như vậy, sinh viên cũng chủ động và có sự chuẩn bị tốt thì tiếp thu kiến thức sẽ tốt hơn.
Các vị đại biểu đang tham gia giao lưu với sinh viên
“Điều khác biệt là học có mục tiêu tức là mỗi sinh viên đặt ra cho mình về chất lượng đầu ra hoặc mục tiêu học để làm nghề. Những mục tiêu khác nhau sẽ là định hướng chung cho phương pháp mỗi cá nhân chúng ta”, TS Nguyễn Thu Hiền khẳng định.
Giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên về vấn đề ôn thi qua đề cương, TS Đào Đức Thuận (Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng) thẳng thắn cho biết: “Đề cương môn học là tài liệu được yêu cầu khi giảng viên không cung cấp để sinh viên có thông tin về chương trình học trong vòng 15 tuần. Tuy nhiên, đề cương không phải là tài liệu duy nhất để ôn thi, chỉ là tài liệu cung cấp “sườn” lịch trình mang tính kỹ thuật về quản lý đào tạo và giảng dạy hơn kiến thức. Cách đánh giá ở bậc đại học không chỉ những gì có trong đề cương mà có cả tính sáng tạo để đạt điểm cao”.
Nhiều bạn tân sinh viên đã đặt các câu hỏi cho các vị khách mời
Về việc học môn đại cương, kiến thức liên ngành, kiến thức xung quanh chính, TS. Đào Đức Thuận khẳng định, đây là kiến thức bổ trợ, trang bị cho sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên ngành sau này kể cả trong nghiên cứu hay giảng dạy. Rào cản về ngôn ngữ, rào cản về cách tiếp cận vấn đề, sinh viên nên chủ động trao đổi với sinh viên trong lớp hay với giảng viên bộ môn, bám vào đề cương chuẩn đầu ra.
“Tình yêu là động lực cho học tập. Sao không yêu?”
Đó là những chia sẻ hài hước trong chương trình tọa đàm, khi các vị khách mời trả lời câu hỏi về việc cân bằng giữa học tập và tình yêu khi bước chân vào giảng đường đại học của các tân sinh viên.
Cả TS. Đào Đức Thuận và TS. Nguyễn Thu Hiền đều cởi mở cho biết: “Yêu mà tốt cho học tập thì tại sao chúng ta không yêu?” Các vị khách mời giải thích thêm, yêu mà mải mê quên học thì chúng ta sẽ chẳng nhận được sự ủng hộ từ phía thầy cô và gia đình. Bởi tình yêu là đôi cánh cho cánh cửa tương lại, là động lực đi lên của cả hai. Tình yêu cũng như học tập nên xây dựng từ sự chia sẻ, hỗ trợ.
Thêm vào đó, việc cân đối giữa hoạt động học tập và các hoạt động xã hội trong đó có hoạt động Đoàn – Hội cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của hầu hết các tân sinh viên. TS. Nguyễn Thu Hiền chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Với cán bộ Đoàn – Hội muốn lan tỏa thì kết quả học tập không được thua kém ai, thể diện không cho phép thua kém ai. Những trải nghiệm qua hoạt động Đoàn – Hội chính là bệ phóng tốt cho sinh viên chúng ta”.
Chương trình thu hút nhiều bạn tân sinh viên tham gia
Đồng quan điểm trên, TS. Đào Đức Thuận nói, bên cạnh các hoạt động Đoàn, các bạn sinh viên cần bổ sung kiến thức về ngoại ngữ bởi ngoại ngữ là công cụ quan trọng để nắm bắt nhiều cơ hội.
Cùng đó Diệu Linh (Thủ khoa tốt nghiệp K56 Khoa Xã hội học) chia sẻ kinh nghiệm đạt được học bổng bằng cách cân bằng thời gian giữa học và hoạt động Đoàn – Hội. Tham gia hoạt động Đoàn hội chính là một cơ hội, động lực cho sinh viên phấn đấu trong học tập. Ngoài học trên lớp, trao đổi với bạn bè cùng học, giảng viên bộ môn, chị Linh còn tự học ở nhà rèn luyện phương pháp chủ động
Diệu Linh cũng cho biết thêm: “Các bạn sinh viên không nên dán nhãn cho bất kỳ môn học nào, thay vào đó nên vận dụng lý thuyết của các môn học vào thực tế. Cách vận dụng lý thuyết vào thực tế của môn Xã hội học đại cương, mạnh dạn chủ động chia sẻ với thầy cô được giải đáp những thắc mắc”.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ trao đổi sôi nổi, buổi tọa đàm Phương pháp học tập ở bậc Đại học do Đoàn trường tổ chức đã khép lại, mở đầu cho chuỗi các tọa đàm về Phương pháp học tập của từng ngành học cụ thể sẽ được các Liên chi Đoàn tổ chức cho đoàn viên K60 của mình trong thời gian gần nhất.
Tác giả: USSH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn