Trực tuyến: Tư vấn tuyển sinh 12/3

Thứ tư - 17/04/2013 21:37
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thông báo về việc nhận hồ sơ
tuyển sinh đại học khối C của thí sinh dự thi vào Đại học Quốc gia Hà
Nội.
Trực tuyến: Tư vấn tuyển sinh 12/3
Trực tuyến: Tư vấn tuyển sinh 12/3
Đang tư vấn trực tuyến, sáng 12/3/2013

Chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình tư vấn tuyển sinh đại học trực tuyến của Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN).

 

Chương trình tư vấn hôm nay dành riêng cho các ngành khoa học cơ bản của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đó là các ngành Lịch sử, Triết học, Văn học, Hán Nôm, Chính trị học, Nhân học.

Chương trình tư vấn sẽ kết thúc vào 11h30, ngày hôm nay nhưng mọi câu hỏi của các bạn thí sinh sẽ đều được trả lời trong ngày tiếp theo sau khi chương trình kết thúc.

Chủ trì buổi tư vấn hôm nay là PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ) cùng các thầy, cô:

1. GVC Trần Hinh – Ngành Văn học
2. ThS Đinh Thanh Hiếu – Ngành Hán Nôm
3. PGS.TS Nguyễn Văn Sửu – Ngành Nhân học
4. TS Trần Thị Hạnh – Ngành Triết học
5. TS Trần Thiện Thanh – Ngành Lịch sử
6. TS Lưu Minh Văn – Ngành Khoa học chính trị
7. ThS Đinh Việt Hải – Phó Trưởng phòng Đào tạo

Hỏi: Em muốn hỏi về việc hỗ trợ sinh viên các ngành khoa học cơ bản của trường năm nay. Có phải sinh viên được miễn học phí không ạ?

ThS Đinh Việt Hải: Chào em, trước hết, Thầy giới thiệu tới em danh sách các ngành khoa học cơ bản bao gồm:

- Chính trị học
- Hán Nôm
- Lịch sử
- Nhân học
- Triết học
- Văn học

Khi trúng tuyển vào học một trong các ngành nêu trên, sinh viên vẫn nộp học phí bình thường nhưng ngoài học bổng khuyến khích học tập, học bổng tài trợ thì sinh viên được cấp kinh phí hỗ trợ học tập như năm 2012 là 4.200.000đ/năm học/sinh viên.

Ngoài ra, sinh viên được học (miễn học phí) các khoá học về phát triển kĩ năng nghề nghiệp, phát triển năng lực thông tin, tư duy tích cực và tranh biện, phương pháp học tiếng Anh… ngay trong năm học đầu tiên.

ThS Đinh Việt Hải - Phó Trưởng Phòng Đào tạo.

ThS Đinh Việt Hải – Phó Trưởng Phòng Đào tạo.

Hỏi: Thưa ban tư vấn, em muốn hỏi có phải học Văn học ra được cấp bằng báo chí đúng không ạ?

ThS Đinh Việt Hải: Khẳng định ngay với em là không có chuyện đó. Sinh viên học ngành Văn học khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Văn học. Nếu muốn có bằng cử nhân Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì phải thi tuyển và trúng tuyển ngành Báo chí, hoàn thành khoá học, được công nhận tốt nghiệp mới được.

Tuy nhiên, điều mà em và các bạn nên biết là từ năm học tới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mở thêm các chương trình đào tạo bằng kép của ngành Báo chí, ngành Quốc tế học, ngành Khoa học quản lí (hiện nay Trường đã có bằng kép ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành) cho sinh viên tất cả các ngành trong Trường có nguyện vọng học bằng kép các ngành này.

Giả định rằng em thi và trúng tuyển ngành Văn học thì hết năm học 2013 – 2014 (tức là năm học đầu tiên), nếu em đáp ứng các điều kiện học tập trong quy chế đào tạo thì sẽ được xét tuyển vào học ngành Báo chí, chương trình đào tạo bằng kép (lưu ý là xét tuyển theo kết quả học tập năm thứ nhất ở ngành Văn học chứ không phải thi lại đại học em nhé). Nếu được xét tuyển, em sẽ vừa là sinh viên ngành Văn học, vừa là sinh viên ngành Báo chí và tối đa, sau 6 năm, em có thể có 2 bằng cử nhân Văn học và cử nhân Báo chí.

Chúc em sức khoẻ và có lựa chọn ngành học phù hợp với đính hướng nghề nghiệp và năng lực của mình!

Hỏi: Em muốn tìm hiểu về chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Chính trị học các năm trước? Mong các thầy cô tư vấn giúp em.

TS Lưu Minh Văn: Năm 2008 và 2009, ngành Chính trị học bắt đầu tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân. Theo quy định đối với các ngành mới đưa vào đào tạo, chỉ tiêu của hai khoá giới hạn là 50 sinh viên.

Từ năm 2010, đáp ứng nguyện vọng ngày càng đông đảo của các thí sinh, ngành Chính trị học đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 70 sinh viên. Năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 68 sinh viên.
Hi vọng sẽ gặp em là một trong số 68 sinh viên của ngành Chính trị học.

Chúc em thành công.

TS Lưu Minh Văn (phải) và ThS Đặng Anh Dũng (Khoa Khoa học Chính trị).

TS Lưu Minh Văn (phải) và ThS Đặng Anh Dũng (Khoa Khoa học Chính trị).

Hỏi: Em đang băn khoăn về việc chọn ngành, nhất là giữa ngành Nhân học và một số ngành khác, các thầy cô giới thiệu về cơ hội việc làm của ngành Nhân học sau khi ra trường được không ạ?

PGS.TS Nguyễn Văn Sửu: Em đúng la một người biết lo xa vì em đã nghĩ đến ngày mình tốt nghiệp đại học thì sẽ làm việc gì!

Tôi xin nói ngắn gọn thế này. Ngành Nhân học hiện nay ở Trường ĐHKHXH&NV được chuyển đổi và phát triển từ ngành Dân tộc học. Dân tộc học đã được giảng dạy ở Việt Nam và ở Bộ môn Nhân học từ những năm 1960. Tính đến năm 2011, tính trung bình mỗi năm có hàng chục sinh viên chuyên ngành Dân tộc học. Hầu hết số sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm.

Người có bằng cử nhân ngành Nhân học tiếp tục làm việc ở các cơ quan vừa nêu trên, nhưng với trình độ chuyên môn và năng lực tốt hơn vì chương trình đào tạo ngành Nhân học trang bị cho họ những kiến thức có hệ thống hơn, toàn diện hơn về cả lí thuyết, phương pháp và những thi thức cơ bản của ngành học.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy họ đã và đang làm ở UỶ ban Dân tộc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du Lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bảo tàng, khu du lịch, khu bảo tồn, thư viện, Ban Dân tộc ở các tỉnh. Một số người dạy ở các trường đại học, làm ở các viện nghiên cứu, có người làm việc ở các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam, có người đi học sau đại học ở các nước phát triển ở châu Mĩ, châu Âu, châu Úc, v.v.

Chúng tôi đã có bài viết giới thiệu về các cơ hội việc làm của sinh viên ngành Nhân học đăng trên website của Bộ môn Nhân học tại: http://nhanhoc.edu.vn. Xin mời bạn dành thời gian xem để biết thêm về ngành Nhân học, Bộ môn Nhân học và những cơ hội việc làm tuyệt vời cho người có bằng Nhân học.
Chúc bạn thành công và tìm được ngành học ưng ý.

PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Bộ môn Nhân học).

PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Bộ môn Nhân học).

Hỏi: Em muốn biết thông tin về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ngành Chính trị học?

TS Lưu Minh Văn: Nhu cầu của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực Chính trị học ngày càng gia tăng, trong khi đó, ngành khoa học này mới được đưa vào đào tạo trong hệ thống các trường ĐH&CĐ ở Việt Nam, chính vì thế, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Chính trị học là rất lớn. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành Chính trị học có thể làm các công việc sau:

+ Làm công tác tham mưu trong các cơ quan hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
+ Làm công tác tham mưu trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế – xã hội.
+ Làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan lí luận chính trị.
+ Làm phóng viên, biên tập viên bình luận thời sự, chính trị tại các báo, đài trung ương và địa phương.
+ Làm công tác nghiên cứu và giảng dạy chính trị học trong hệ thống trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

Năm 2012, 31/42 sinh viên khoá đầu tiên ngành Chính trị học đã tốt nghiệp có việc làm, ngoài các lĩnh vực công tác kể trên, một số sinh viên đang làm viêc trong các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ.

Hỏi: Năm 2012, em thi vào khoa Ngôn ngữ học nhưng không đạt. Năm nay em muốn thi vào khoa Ngữ văn. Tuy nhiên, em lo lắng là ôn thi không tốt nên mong ban tư vấn chỉ dẫn cách ôn thi.

GVC Trần Hinh: Về việc thi vào khoa Ngữ Văn của em, thầy xin đính chính lại, khoa Ngữ Văn là tên cũ của hai khoa Văn và Ngôn ngữ trước đây. Bây giờ chỉ tồn tại hai khoa Ngôn ngữ và Văn học. Như vậy thầy nghĩ có lẽ em muốn thi vào khoa Văn trong năm nay. Năm ngoái em đã thi rồi nên thầy nghĩ năm nay thi lại em càng có nhiều kinh nghiệm hơn chứ không có gì khó khăn cả. Theo thầy em không cần phải học lớp cấp tốc nào cả, mà nên tự ôn, và em có thể học từng môn hoặc song song cả ba môn, em thích cách nào thì học theo cách ấy. Với môn Văn em chú ý sắp tới đây sẽ có một cuốn Hướng dẫn ôn thi môn Ngữ Văn theo tình huống đề do Trần Hinh viết, em tìm cuốn sách đó để học là tốt nhất. Còn lại hai môn Sử và Địa thì nên hỏi các chuyên gia của hai khoa đó xem cuốn nào là tốt nhất nhất hiện nay để dựa vào đó mà học là tốt nhất. Không có cách nào tốt hơn là tự học với thời gian ngắn ngủi như của em hiện nay. Chúc em thi tốt.

GVC Trần Hinh (Khoa Văn học)

GVC Trần Hinh (Khoa Văn học)

Hỏi: Khoa Lịch Sử có ưu tiên gì cho học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch Sử không ạ?( không chỉ trong việc thi đại học, còn trong cả quá trình học tập sau này).
 
TS Trần Thiện Thanh: Chào em. Theo Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội, các học sinh đạt giải ba toàn quốc trở lên trong kì thi học sinh giỏi lớp 12 (năm tuyển sinh và năm liền kề trước đó) về môn học phù hợp với ngành học được tuyển thẳng vào Khoa lịch sử.
 
Trong quá trình học tập, ngoài các ưu tiên dành cho sinh viên 6 ngành khoa học cơ bản của Trường (trong đó có ngành Lịch sử) bắt đầu thực hiện từ năm 2013, các sinh viện diện tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển vào học hệ chất lượng cao và được hưởng các quyền lợi dành cho sinh viên hệ đào tạo này, chẳng hạn: được học các giảng viên, GS, PGS.. có uy tín chuyên môn cao, được ưu tiên xét các loại học bổng trong và ngoài nước, được ưu tiên sắp xếp chỗ ở trong kí túc xá, được học miễn phí các khoá học nhằm nâng cao kĩ năng nghề nghiệp, được cấp tài khoản thư viện điện tử, ưu tiên khai thác kho tư liệu của Khoa (với số đầu tài liệu lớn nhất Trường)….

Hỏi: Năm nay, em có ý định thi vào ngành Lịch sử, ban tư vấn cho em hỏi học ngành Lịch sử có những môn học gì. Em cảm ơn ạ.

TS Trần Thiện Thanh: Chương trình đào tạo hệ đại học ngành Lịch sử có 5 hướng ngành: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn hoá học và Khảo cổ học. Sau khi hoàn thành học các khối kiến thức chung, kiến thức chung theo lĩnh vực, kiến thức chung của khối ngành, kiến thức chung của nhóm ngành và các môn học chung của ngành, em được đăng kí vào một trong 5 hướng ngành nêu trên và sẽ làm khoá luận tốt nghiệp hoặc học môn tương đương với khoá luận tốt nghiệp dành cho hướng ngành em lựa chọn.

* Các vị trí công tác sinh viên có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp:

- Làm công tác nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội có yêu cầu chuyên môn liên quan trực tiếp đến kiến thức lịch sử.
- Làm công tác giảng dạy lịch sử tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học.
- Làm công tác quản lí tư liệu lịch sử, quản lí bảo tàng, di tích lịch sử,…
- Làm công tác lịch sử, văn hoá ở các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội (ở trong và ngoài nước).
- Làm những công việc liên quan đến những vấn đề khác nhau thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn.

* Các loại hình cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có khả năng và cơ hội làm việc phù hợp:

- Các trường đại học, cao đẳng, phổ thông có giảng dạy lịch sử và môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Các Viện Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Châu Mĩ, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viên Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Dân tộc học…), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng…

- Các cơ quan Nhà nước và đoàn thể có sử dụng kiến thức lịch sử (các cơ quan trung ương của hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, UBND các cấp, bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu lịch sử-văn hoá, các đơn vị quản lí di tích lịch sử, các nhà xuất bản, tạp chí chuyên ngành lịch sử…).

TS Nguyễn Thiện Thanh (trái) và PGS.TS Nguyễn Văn Kim (phải)

TS Nguyễn Thiện Thanh (trái) và PGS.TS Nguyễn Văn Kim (phải)

Hỏi: Em muốn nghiên cứu những tài liệu và những gì liên quan đến sự kiện, câu chuyện trong quá khứ, những văn hoá cổ xưa thì em nên thi vào ngành Lịch sử hay Hán nôm sẽ phục vụ tốt cho mục tiêu nghề nghiệp và đam mê của mình ạ? Nếu thi vào ngành Lịch sử và chọn chuyên ngành Khảo cổ học em có được học về đọc về các văn tự cổ, kí hiệu cổ không ạ?
ThS Đinh Thanh Hiếu, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm – Khoa Văn học:

Xin cảm ơn câu hỏi của em! Nếu mục tiêu và đam mê của em là nghiên cứu những tài liệu, “đọc văn tự cổ” và “những văn hoá cổ xưa” thì trong hai ngành Hán Nôm và Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Hán Nôm gần với mục tiêu của em hơn. Chương trình đào tạo ngành Hán Nôm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho việc tiếp cận và xử lí, khai thác văn bản Hán Nôm, với kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức ngữ văn cơ bản, kiến thức chuyên ngành bao gồm: Hán văn cổ (Trung Quốc, Việt Nam), chữ Nôm, văn bản Nôm và kiến thức văn hoá truyền thống, lí thuyết chuyên ngành, kết hợp kiến thức bên trong Hán Nôm (Hán Nôm nội tại – văn bản Hán Nôm) với kiến thức bên ngoài Hán Nôm (Hán Nôm ngoại tại) về các phương diện lịch sử, văn hoá, văn học…nhằm khai thác giá trị hàm chứa trong di sản Hán Nôm phục vụ cho đời sống Việt Nam, nối liền dòng mạch văn hoá dân tộc từ truyền thống đến hiện đại. Người học cũng được trang bị kĩ năng ngoại ngữ (Tiếng Trung Quốc hiện đại) để có thể giao tiếp thông dụng và đọc được các tài liệu chuyên môn cơ bản, kĩ năng ứng dụng tin học chuyên ngành Hán Nôm và các kĩ năng cần thiết để tiếp cận, xử lí và khai thác tư liệu Hán Nôm phong phú, đa dạng trên thực tế.

GVC Trần Hinh (trái) và ThS Đinh Thanh Hiếu (phải)

GVC Trần Hinh (trái) và ThS Đinh Thanh Hiếu (phải)

Hỏi: Kiến thức học ngành Văn học ở đại học có gì giống với khi em học môn Ngữ văn ở cấp 3 không? Khi học ở bậc đại học thì em sẽ được học thêm những kiến thức gì ngoài những tác phẩm văn học như ở cấp 3 ạ?

GVC Trần Hinh:

Về cơ bản kiến thức môn Văn ở đại học rộng hơn và sâu hơn. Ở phổ thông kiến thức văn chủ yếu chỉ tập trung học các tác phầm văn học Việt Nam, nước ngoài rất ít, ngoài ra không có mở rộng gì nhiều. Lên đại học bọn em sẽ phải học nhiều hơn. Chẳng hạn, ngoài văn học gồm cả VH Việt Nam và VH nước ngoài (Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, Mĩ, Đông Á và Đông Nam Á…), bọn em còn được học Lí luận văn học, Hán Nôm, báo chí truyền thông và đặc biệt là Nghệ thuật học, mà cụ thể là ba nhóm nghệ thuật Điện ảnh, Sân Khấu và Truyền hình. Nhờ các kiến thức trên, sinh viên sau khi tốt nghiệp Văn học sẽ có thể làm trong rất nhiều công việc khác nhau như nghiên cứu văn học, báo chí và truyền hình, xuất bản, dạy học và rất nhiều lĩnh vực truyền thông khác…Ngoài kiến thức cơ bản, khoa Văn học còn trang bị cho học sinh những kĩ năng ngành nghề, nên th nghĩ, nếu em có ý chí và khát vọng, thì nhất định sau khi tốt nghiệp khoa Văn, em sẽ có nhiều cơ hội công việc. Và tất nhiên việc học văn ở đại học tuy không hoàn toàn giống với ở bậc phổ thông nhưng không đến mức quá xa lạ… Khoa sẽ có trách nhiệm hướng dẫn kĩ năng học cho các em. Chúc em thành công.

Hỏi: Thưa Thầy/Cô, em được biết Khoa Lịch sử là đơn vị đào tạo duy nhất trong cả nước đào tạo hướng ngành Khảo cổ học. Em rất quan tâm tới ngành học này. Kính mong Thầy/ Cô cho em biết những thông tin cụ thể về ngành này và các cơ hội làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp ạ. Em cảm ơn Thầy/ Cô.

TS Trần Thiện Thanh: Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử – Trường ĐHKHXH&NV) là cơ sở đào tạo duy nhất xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đào tạo từ bậc đại học cho đến cao học, tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học. Chương trình đào tạo của Bộ môn được xây dựng cập nhật, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước như Pháp, Nga, Mĩ. Bộ môn cũng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học lớn trên thế giới có ngành khoa học khảo cổ rất phát triển như Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), Viện Khảo cổ học Cộng hoà Liên bang Đức… Nhiều dự án hợp tác lớn được triển khai như Dự án nghiên cứu niên đại AMS văn hoá Hoà Bình với Đại học Quốc gia Seoul, Dự án nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh với Viện KCH Đức, Dự án Đào tạo và Nghiên cứu Di sản văn hoá với Đại học Kanazawa… Trong nước, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Bộ môn đã đóng góp công sức và để lại dấu ấn với việc phát hiện và khai quật nhiều nền văn hoá khảo cổ của đất nước. Việc công nhận Hội An, Mĩ Sơn, Kinh thành Huế là di sản thế giới cũng có công rất lớn của các thầy cô giáo của Bộ môn.

Sinh viên Khoa Lịch sử từ năm thứ 3 được đăng kí lựa chọn theo học chuyên ngành này nếu đạt các yêu cầu về năng lực học tập. Ba năm đầu, sinh viên học các kiến thức chung về lịch sử. Năm thứ 4, các em được học những kiến thức chuyên môn như những đặc trưng cơ bản của khảo cổ học Việt Nam và thế giới, những thành tựu khảo cổ học mới nhất…; được giảng viên giúp tiếp cận với những vấn đề thực tế của ngành. Bên cạnh đó, Bộ môn chú trọng đào tạo kĩ năng khai quật, ra hiện trường, tổ chức công việc, và rèn luyện cho các em khả năng làm việc độc lập.

Những cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng sinh viên chuyên ngành này là Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Bảo tàng Quốc gia (trước đây là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), các cơ quan quản lí khảo cổ khác là các bảo tàng và ban quản lí di tích địa phương. Ngoài ra, nhiều cơ quan, công ti làm về du lịch cũng rất cần tuyển sinh viên ngành Khảo cổ học. Đặc biệt, từ năm 2001, Nhà nước ban hành Luật Di sản văn hoá với những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn của nhân lực làm trong ngành Khảo cổ học. Điều này càng mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên chuyên ngành này. Sinh viên Khảo cổ cũng rất năng động tìm kiếm cho mình những trải nghiệm nghề nghiệp ngay từ năm thứ 2, thứ 3. Nhiều em đã được đi theo các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước khai quật khảo cổ ở nhiều dự án lớn. Tất cả những thuận lợi này giúp sinh viên đáp ứng tốt với công việc sau này.

Hỏi: Học triết học có khó không ạ?

TS Trần Thị Hạnh: Học triết học không khó nếu chúng ta say mê, thực sự muốn khám phá, tìm hiểu tri thức của nhân loại: Đông – Tây, kim cổ…

Trong chương trình của ngành triết học: các em được học các môn của khoa học xã hội như: kinh tế học, chính trị học, lịch sử văn minh thế giới… các môn học chuyên ngành triết học: triết học Trung hoa, Ân độ, Việt Nam, Hi lạp, La Mã, Pháp, Đức, Ý, Mĩ các chuyên đề của các hướng chuyên ngành: triết học Mác- Lenin, Lô gic học, Tôn giáo học, Mĩ học, Đạo đức học, Lịch sử triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học… các môn học phương pháp, nghiệp vụ: phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy, kĩ năng soạn thảo văn bản, kĩ năng điều tra xã hội học các môn học Thực tập thực tế, viết Niên luận chương trình ngành triết học còn chú trọng phát triển khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hàng năm , sinh viên được đăng kí các đề tài nghiên cứu khoa học, nếu đạt giải có thể được chuyển điểm thay thế cho một môn học chuyên ngành.

Hi vọng em sẽ đạt nguyện vọng, thành công nhé!

TS Trần Thị Hạnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học

TS Trần Thị Hạnh – Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học

Câu hỏi: Khi tư vấn chọn ngành thi đại học cô giáo em nói nên thi vào ngành Chính trị học nhưng em chưa hiểu gì về ngành này cả, mong thầy cô giải đáp.

TS Lưu Minh Văn:

- Ý kiến của cô chủ nhiệm rất đáng quan tâm bởi cô hiểu biết về ngành nghề và có trách nhiệm với học sinh của mình.

- Chính trị học là một ngành học rất trẻ, rất mới của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nói riêng, cả nước nói chung. Trước đây, mọi người đều nghĩ chính trị là quyền lực, khoa học chính trị là khoa học nghiên cứu về giành và giữ quyền lực, với một nguyên lí mẹ là mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nay khái niệm chính trị và chính trị học cần được mở rộng, không chỉ là vấn đề tổ chức quyền lực, mà là khoa học nghiên cứu về quyền của con người, của cộng đồng dân cư. Nghiên cứu về chính trị dần dần trở thành hoạt động phổ biến, ứng xử hàng ngày của mỗi người, nhưng muốn hiểu biết, cần nghiên cứu thật sự một cách khoa học. Nghiên cứu Chính trị học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng phong phú, sinh động và thiết thân hơn. Dẫu còn nhiều những khó khăn, nhiều thách thức, nhưng Chính trị học là lĩnh vực đầy triển vọng, có thể gắn bó suốt cả cuộc đời.

- Lưu ý em thêm một điều: Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị đi tiên phong trong hệ thống các trường đại học và cao đẳng trong cả nước về đào tạo và nghiên cứu Chính trị học. Qua một số năm đào tạo cả bậc đại học và sau đại học ngành Chính trị học, trường ĐHKHXH&NV đã khẳng định được vị thế và uy tín.

- Em có thể tham khảo chương trình đào tạo trên mạng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ussh.edu.vn) để có thêm nhiều thông tin về ngành Chính trị học.

Hỏi: Triết học có phải là ngành giống môn Giáo dục công dân không ạ?

TS Trần Thị Hạnh:

Ngành triết học không phải là ngành Giáo dục công dân.

Triết học có tuổi đời gần bằng ngành Toán học, là một trong những ngành học cơ bản của khoa học xã hội, là khoa học cung cấp thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình chinh phục, cải tạo thế giới phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của con người. Sẽ không thể có trình độ tư duy trừu tượng, lí luận ở tầng bậc phổ quát nếu không được trang bị tri thức triết học.

Trong sự phát triển của nước ta hiện nay, cái thiếu và yếu nhất mà chúng ta đều thấy, đó là tầm tư duy lí luận chiến lược cho sự phát triển trong từng lĩnh vực cũng như toàn xã hội. Để nâng tầm tư duy lí luận, thì khoa học triết học là nòng cốt.

Môn giáo dục công dân ở phổ thông mới chỉ khơi mở những vấn đề đơn giản nhất trong lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hoá , tư tưởng.

Các em học triết học tốt nghiệp đại học có thể đi dạy môn GDCD ở các trường phổ thông.

Các em đã tốt nghiệp ngành GDCD ở Đại học sư phạm có thể được Bổ túc kiến thức triết học và học chương trình đào tạo Thạc sĩ triết học, từ đó có thể dạy ở các trường Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học viện.. Cơ hội việc làm luôn rộng mở với các em.

Chương trình gặp gỡ báo chí trao đổi thông tin tuyển sinh 2013 của Trường ĐHKHXH&NV, sáng nay, 12/3/2013.

Chương trình gặp gỡ báo chí trao đổi thông tin tuyển sinh 2013 của Trường ĐHKHXH&NV, sáng nay, 12/3/2013.

Hỏi: Em thấy bảo học ngành Hán Nôm thì phải học tiếng Trung nhưng ở cấp 3 em lại học tiếng Anh, khi vào đại học em có được học tiếng Trung từ đầu không ạ? Liệu phải học bao lâu thì có thể đủ khả năng để tìm hiểu các văn bản chữ Hán được? Với lại chữ Nôm của ta thì có gì khác chữ Hán không?

ThS Đinh Thanh Hiếu: Câu hỏi của em khá rộng, tôi xin trả lời tóm lược như sau:

Trong chương trình đào tạo ngành Hán Nôm, ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Trung Quốc. Khi vào ngành, em sẽ được học tiếng Trung Quốc từ đầu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được trang bị kĩ năng ngoại ngữ tiếng Trung Quốc ở mức độ giao tiếp thông dụng và đọc được tài liệu chuyên môn cơ bản. Rất khó nói “phải học bao lâu thì có thể đủ khả năng để tìm hiểu các văn bản chữ Hán được” vì biển học mênh mông, sự học là cả đời, nhưng sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo Hán Nôm 4 năm, sinh viên được trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết để tiếp cận và xử lí, khai thác văn bản Hán Nôm, như sưu tầm, giám định, phiên dịch được văn bản Hán Nôm thông thường, bước đầu khai thác giá trị hàm chứa trong di sản Hán Nôm. Chữ Nôm là văn tự do người Việt sáng tạo trên chất liệu chữ Hán để ghi tiếng Việt. Do vậy muốn học chữ Nôm thì phải có một trình độ chữ Hán nhất định. Kiến thức chuyên ngành của ngành Hán Nôm có phần Chữ Nôm và văn bản Nôm, bao gồm lí thuyết về văn tự học chữ Nôm, thực hành đọc văn bản Nôm, phiên nôm, phân tích văn bản chữ Nôm…

Hỏi: Thưa Thầy/Cô, từ khi học phổ thông, em được học và đọc nhiều cuốn sách lịch sử với nội dung rất lí thú của các tác giả Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Vũ Dương Ninh, Lê Mậu Hãn, Vũ Quang Hiển…Sau khi đăng kí và trúng tuyển ngành Lịch sử, em có được trực tiếp học, nghe giảng các Thầy/Cô nêu trên không ạ?

TS Trần Thiện Thanh:Do có những thành tích xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhiều thế hệ cán bộ của Khoa Lịch sử đã được nhận nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý trong nước và quốc tế về khoa học công nghệ, về giáo dục đào tạo:Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS Trần Văn Giầu, GS Đào Duy Anh, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng;
Giải thưởng Nhà nước: GS Phan Huy Lê, GS Phan Đại Doãn, GS Phan Hữu Dật, PGS Nguyễn Thừa Hỹ.Quốc tế: GS Phan Huy Lê: Giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka Nhật Bản (1996), Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm của Chính phủ Pháp (2002), Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn Lâm, Văn khắc và Mĩ văn cộng hoà Pháp (2011).Nhà giáo Nhân dân: GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Phan Hữu Dật, Lê Mậu Hãn, Vũ Dương Ninh, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Văn Hồng, Trịnh Nhu, Nguyễn Quốc Hùng, Hán Văn Khẩn.

Nhà giáo Ưu tú: Trần Quốc Vượng, Phạm Thị Tâm, Nguyễn Thừa Hỷ, Phùng Hữu Phú, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Xanh, Hoàng Lương, Ngô Đăng Tri, Nguyễn Hải Kế.

Khi trúng tuyển ngành Lịch sử, em được nghe giảng chuyên đề (ở nhiều bậc học khác nhau, nhất là bậc thạc sĩ và tiến sĩ), được đọc các công trình mới nhất của nhiều Thầy được lưu ở Kho tư liệu Khoa Lịch sử hoặc các nguồn khác do giảng viên, cán bộ của Khoa giới thiệu và có cơ hội được các Thầy góp ý cho các định hướng nghiên cứu của cá nhân.Bên cạnh đó, em và các học sinh trúng tuyển ngành Lịch sử được các Thầy/Cô có uy tín cao về chuyên môn thuộc các thế hệ kế tiếp các giáo sư nêu trên giảng, góp ý cho định hướng nghiên cứu cá nhân.. mà cô chắn là em cũng biết như PGS.TSKH.Nguyễn Hải Kế, PGS.TS. Nguyễn Đình Lê, PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, PGS.TS.Lâm Mĩ Dung…
Hỏi: Em muốn nhờ các thầy cô cho em biết Nhân học là gì và sinh viên học ngành Nhân học sẽ được học những kiến thức gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học:

Cảm ơn em đã quan tâm đến ngành Nhân họ! Ra đời từ thế kỉ 19, Nhân học có vị trí học thuật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, mang tính quốc tế cao, đã và đang được giảng dạy ở nhiều trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

Với đối tượng nghiên cứu là con người, Nhân học có nhiều lĩnh vực nghiên cứu học thuật và ứng dụng, có thể kể ra một số gồm:

Nhân học văn hoá xã hội tìm hiểu về sự vận động nội tại của các xã hội thông qua các mô tả dân tộc học. Đây là một lĩnh vực quan trọng nghiên cứu về thế giới quan của con người trong các nền văn hoá và ở các quốc gia khác nhau, tìm hiểu về cuộc sống của những cộng đồng tộc người đa dạng về sắc tộc, đặc trưng văn hoá và xã hội, như các các cộng đồng cư dân ở miền núi vùng cao, các cộng đồng nông dân, dân chài, buôn bán, thợ thủ công, v.v. ở khu vực đồng bằng và miền sông nước và thị dân ở khu vực đô thị. Nhân học văn hoá – xã hội còn tìm hiểu về đời sống tôn giáo, nghiên cứu về ngôn ngữ, hệ thống xã hội và tổ chức xã hội, sinh kế, trao đổi, công nghệ, hệ thống chính trị, sinh thái, tâm lí, nghệ thuật, v.v., của con người với mục đích giải mã những nét tương đồng và dị biệt của các cộng đồng dân cư, các tộc người khác nhau.

  • Nhân học hình thể theo đuổi các nguồn gốc sinh học của con người chúng ta, sự phát triển mang tính tiến hoá và sự đa dạng gen
  • Nhân học ngôn ngữ tìm cách giải thích về bản chất của ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ của con người
  • Nhân học y tế tìm kiếm những hiểu biết đầy đủ hơn về các nhân tố ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự thịnh vượng của con người
  • Nhân học pháp y tìm cách nhận dạng xương sọ hay giải mã những phần còn lại của cơ thể người
  • Nhân học kinh doanh giúp cho việc kinh doanh đạt được những hiểu biết tốt hơn về các hoạt động kinh doanh và khách hàng
  • Nhân học hình ảnh sưu tập cuộc sống hàng ngày thông qua phim ảnh
  • Nhân học về môi trường tin rằng sự thịnh vượng của con người không thể tách rời khỏi sự hài hoà và thịnh vượng của môi trường
  • Nhân học bảo tàng giới thiệu và lí giải cho công chúng biết những ý nghĩa của các sưu tập dân tộc học và khảo cổ học.
Giảng viên Bộ môn Nhân học khảo sát về nhà rông của người Ba Na ở tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên.

Giảng viên Bộ môn Nhân học khảo sát về nhà rông của người Ba Na ở tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên.

Trong nghiên cứu Nhân học thì phương pháp và lí thuyết nghiên cứu có một vị trí quan trọng. Trong lịch phát triển, Nhân học đã xây dựng một hệ thống các phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học như quan sát tham gia, phỏng vấn bán cấu trúc và những kĩ thuật nghiên cứu liên ngành để thu thập tài liệu dân tộc học trên các địa bàn nghiên cứu cụ thể. Cùng với đó, Nhân học đã sản sinh nhiều trường phái lí thuyết khác nhau để giải thích về văn hoá, xã hội và bản chất của con người.

Chương trình đào tạo đại học ngành Nhân học cung cấp kiến thức của tất cả các lĩnh vực nếu trên. Sinh viên cũng được trải nghiệm các chuyến đi thực tập dân tộc học , thực hành nghiên cứu đển rèn luyện và nâng cao năng lực của sinh viên để khi tốt nghiệp có khả năng nắm bắt tốt các cơ hội việc làm. Bạn nên xem thêm thông tin về các chương trình đào tạo đại học và sau đại học ngành Nhân học tại website: nhanhoc.edu.vn.

Hỏi: Bạn em rủ em cùng thi vào ngành Chính trị học, nhưng bạn em sôi nổi và tham gia nhiều hoạt động xã hội sôi nổi, có khả năng làm lãnh đạo còn em thì ngược lại. Vậy theo các thầy cô em có nên thi vào ngành Chính trị học không?

TS Lưu Minh Văn: Chào Tuấn, câu hỏi của em rất hay!

Trước tiên thầy nghĩ em hay tự tin vào khả năng của bản thân.

Em đừng nghĩ học Chính trị học ra chỉ làm lãnh đạo. Các bạn còn làm công tác nghiên cứu, phân tích, bình luận chính trị, tư vấn, tham mưu – những công việc đòi hỏi sự kiên trì, trầm lắng như bạn.
Thầy cũng nghĩ rằng trong quá trình học tập và công tác sau này, tự em sẽ nhận ra những thế mạnh của bản thân và sẽ thành công.

Sau kì thi tuyển sinh, rất hi vọng được gặp em tại Khoa Khoa học Chính trị và em hãy “bật mí” em đã hỏi câu này nhé.

PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Bí thư thường trực, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 12/3/2012 đã kết thúc. Cảm ơn các vị phụ huynh, các em học sinh và bạn đọc đã tham gia chương trình. Vì thời gian có hạn, không thể trả lời ngay được mọi câu hỏi của thí sinh nên Ban tư vấn sẽ tiếp tục trả lời sau buổi tư vấn này.

Tác giả: USSH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây