Tóm tắt luận án NCS: Phạn Thạnh

Thứ bảy - 15/08/2020 04:39

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

_______________________

 

 

Phan Thạnh

 

 

 

 

VĂN HỌC PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG THẾ KỶ XVII-XVIII: DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM

 

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2020

 

 

 

 

Công trình được hoàn thành tại:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

 

            Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Trần Ngọc Vương

 

 

            Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                                    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

            Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                                    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

            Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                                    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

            Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án

tiến sĩ họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

vào hồi            giờ           ngày          tháng        năm 20...

 

 

            Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

                        - Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội 

 

 

 

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Sau khi vào trấn nhậm xứ Thuận Quảng, chúa Nguyễn đã xây dựng, phát triển vùng này một cách toàn diện, mở rộng cương giới và hoàn chỉnh gần như bản đồ Việt Nam ngày nay.

 Thuận Quảng có vị trí quan trọng trong chỉnh thể lịch sử chính trị, văn hóa tư tưởng của Việt Nam. Sự khu biệt, độc lập lãnh thổ trong hai thế kỷ XVII-XVIII đã tạo nên những đặc điểm riêng biệt và có ảnh hưởng với quá trình phát triển của văn hóa và văn học Việt Nam.

Chúa Nguyễn ưu tiên lựa chọn Phật giáo làm bản lề của hệ tử tưởng Thuận Quảng. Điều này đã làm cho Phật giáo ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa văn học, hình thành dòng văn học Phật giáo nổi bật, góp phần quan trọng trong việc phát triển văn học vùng Thuận Quảng nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Để khẳng định vị trí của dòng văn học Phật giáo ở Thuận Quảng thì cần thiết có công trình nghiên cứu đầy đủ, mô tả diện mạo và chỉ ra những đặc điểm nổi bật của bộ phận văn học này.

Dựa vào những tiền đề lý luận và thực tiễn trên, chúng tôi lựa chọn hướng nghiên cứu này với đề tài Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII: Diện mạo và đặc điểm.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án: Văn học Phật giáo Thuận Quảng.

Phạm vi nghiên cứu: Diện mạo và đặc điểm văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Mốc thời gian được xác định cụ thể vào năm 1600 với sự kiện Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Quảng, chính thức ly khai khỏi triều đình Lê Trịnh cho đến năm 1802 với sự kiện Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

  • Một là: Phác thảo những vấn đề cơ bản, từ lịch sử địa lý đến nguồn gốc du nhập - hình thành - phát triển tư tưởng Phật giáo tại vùng Thuận Quảng. Từ đó, mô tả diện mạo của nền văn học Phật giáo Thuận Quảng ở các khía cạnh: lực lượng sáng tác, hệ thống thể loại, hệ thống ngôn ngữ và đề tài phản ánh.
  • Hai là: Phân tích, so sánh đánh giá và nêu lên những đặc điểm nổi bật của văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây: phương pháp nghiên cứu văn học sử; phương pháp hệ thống; phương pháp so sánh, đối chiếu; phương pháp nghiên cứu liên ngành.

5. Đóng góp của Luận án

Góp phần tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tư tưởng của Thuận Quảng.

Góp vào kho tư liệu văn học Phật giáo Việt Nam một nghiên cứu chuyên biệt mang tính khái quát văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII.

Góp phần nhận diện những yếu tố mang tính bản sắc, đặc trưng của văn hóa vùng Thuận Quảng.

Khẳng định vị trí của Phật giáo trong lịch sử tư tưởng, văn hóa và văn học của dân tộc Việt.

6. Bố cục của Luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, phần Nội dung Luận án được triển khai thành 4 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2: Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII và văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Chương 3: Diện mạo văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Chương 4: Đặc điểm văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII

NỘI DUNG

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Những vấn đề chung

1.1.1. Khái niệm Văn học Phật giáo

Từ trước đến nay, trong giới nghiên cứu có hai quan niệm văn học Phật giáo:

1) văn học Phật giáo chỉ gồm Kinh Luật Luận - tam tạng kinh điển;

2) văn học Phật giáo gồm toàn bộ các tác phẩm liên quan đến Phật giáo. Chúng tôi hiểu khái niệm văn học Phật giáo trong phạm vi đề tài luận án là tất cả những tác phẩm viết về Phật giáo, ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo dù trực tiếp hay gián tiếp, cho đến những tác phẩm bài xích Phật giáo.

1.1.2. Xứ Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Xứ Thuận Quảng là tên gọi chung của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, kéo dài từ sông Gianh (Linh Giang, thuộc Quảng Bình ngày nay) đến tận tỉnh Phú Yên ngày nay.

Mốc thời gian thế kỷ XVII - XVIII được chúng tôi tính từ năm 1600 đến năm 1802.

1.1.3. Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII bao gồm những tác phẩm chuyển tải tư tưởng Phật giáo, ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo và cả những tác phẩm đả kích Phật giáo viết ở vùng Thuận Quảng trong hai thế kỷ XVII - XVIII. Lực lượng sáng tác bao gồm những tác giả sinh sống trên vùng Thuận Quảng có liên quan tư tưởng Phật giáo.

1.2. Tình hình sưu tầm và khảo cứu văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

1.2.1. Tình hình sưu tầm văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Tình hình sưu tầm văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII gồm hai giai đoạn.

Thứ nhất, giai đoạn thời trung đại. Các nhà Nho đã có ý thức sưu tầm, biên soạn, định giá những di sản thơ văn và lưu giữ tác phẩm văn học của các bậc tiền bối. Tiêu biểu gồm có Lê Quý Đôn với tác phẩm Kiến văn tiểu lục, Bùi Huy Bích với tác phẩm Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển, Phan Huy Chú với Lịch triều hiến chương loại chí, Trần Viết Thọ - Nguyễn Phúc Hồng Vịnh với Hàm Long sơn chí....

Thứ hai, giai đoạn thời hiện đại. Các nhà nghiên cứu văn học tiếp tục sưu tầm, dịch giải, chú thích và đánh giá giá trị tác phẩm văn học của ông cha. Các nhà nghiên cứu dùng chữ Quốc ngữ (Latin) trong việc nghiên cứu tác phẩm. Có thể kể đến công lao sưu tầm của các tác giả như Phan Hứa Thụy, Nguyễn Q. Thắng, Lê Mạnh Thát, trung tâm dịch thuật Huệ Quang, trung tâm văn hóa Liễu Quán - Huế... Ngoài ra còn có các học giả là những nhà tu hành đã sưu tầm văn bản từ những tủ sách Thiền môn tại các cơ sở chùa chiền. Họ cung cấp một lượng lớn các văn bản gồm cả viết tay, mộc bản, và in ấn.

1.2.2. Tình hình phiên dịch và khảo cứu văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Trước hết phải kể đến những công trình viết về hành trạng và tác phẩm của các vị Thiền sư thuộc giai đoạn này của các nhà Phật học như Nguyễn Lang - Thích Nhất Hạnh, Thích Mật Thể, Thích Minh Tuệ; các công trình đồ sộ của Lê Mạnh Thát, Thích Hải Ấn, Thích Như Tịnh, Thích Đồng Dưỡng... Thứ hai là các công trình của các nhà nghiên cứu về văn học Phật giáo như Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Công Lý, Trần Hồng Liên, Phan Đăng, Đoàn Lê Giang...

Lê Mạnh Thát là người có công lao lớn trong việc sưu tầm, phiên dịch và chú thích hàng loạt những tác phẩm giai đoạn từ đầu thế kỷ đến thế kỷ XX, XXI. Trong số đó phải kể đến những tác phẩm đã được phiên dịch chú thích như Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, Lê Mạnh Thát đã cho xuất bản các bộ như: Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài... với đầy đủ khảo cứu, phiên dịch, chú thích từng đơn vị tác phẩm.

Thích Giới Hương tuyển dịch Văn Bia chùa Huế, Lịch sử Phật giáo xứ Huế do Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm biên soạn đã góp phần khảo cứu văn bản văn học Phật giáo tại Huế. Tương tự, các tác phẩm về lịch sử từng tỉnh mà trước đây thuộc xứ Thuận Quảng cũng nghiên cứu theo hướng trên như Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Chúc Thánh của Thích Như Tịnh; Phật giáo Phú Yên của Nguyễn Đình Chúc - Thích Như Tịnh; Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch…

Với các công trình kể trên chỉ là những nghiên cứu bước đầu để chúng ta thấy được những thành tựu nghiên cứu không chỉ về Phật giáo mà quan trọng hơn đó là tính cấp thiết của việc sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu văn bản văn học Phật giáo. Từ những công trình trên, các văn bản văn học sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho việc triển khai đề tài luận án.

1.3. Tình hình nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII

1.3.1. Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII trong các công trình nghiên cứu Phật học

Thích Mật Thể đã trình bày về sự phát triển của Phật giáo trong công trình Việt Nam Phật giáo sử lược (1942). Tác giả đã dành chương Tám và chương Chín để trình bày về “Phật giáo thời Nam Bắc phân tranh” và “Phật giáo dưới thời Nguyễn”. Tuy nhiên, do đứng từ cương vị lịch sử nên tác giả chỉ nêu lên những bài kệ hoặc những sáng tác để thống kê những nhân vật tiêu biểu mà thôi.

Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên đều có phần trình bày về cuộc đời và hành trạng, tư tưởng các Thiền sư nổi tiếng, trong đó có các Thiền sư vùng Thuận Quảng.

Lịch sử Phật giáo Đàng Trong 2 tập Nguyễn Hiền Đức viết về lịch sử Phật giáo Đàng Trong công phu và giá trị nhất. Tác giả đã kể ra những nhà văn lớn trong nền văn học như Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Nguyễn Dưỡng Hạo, Phạm Thị Lam Anh, Nguyễn Phước Tứ, Mạc Thiên Tích… là những tác giả ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo.

Viện Nghiên cứu Phật học Viện Nam chủ trương tủ sách Phật giáo và dân tộc đã công bố nhiều công trình về Phật giáo Việt Nam như Phật giáo thời Hậu Lê, Phật giáo thời Nguyễn đã quy tụ những bài viết nổi bật về Phật giáo thời hậu Lê, Nguyễn, đánh giá vai trò và vị trí của chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu trong việc mở mang bờ cõi, phát triển đất nước, cũng như ảnh hưởng đến văn học.

Ngoài những công trình nghiên cứu tổng quan về Phật giáo xứ Thuận Quảng, có đề cập đến những sáng tác văn học của các tác giả, còn có các bài nghiên cứu riêng biệt từng tác giả, tác phẩm. Các thiền sư nổi tiếng như Thiền sư Liễu Quán, thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, thiền sư Toàn Nhật Quang Đài… đã được các nhà nghiên cứu quan tâm nghiên cứu với rất nhiều công trình.

Đứng từ góc độ nghiên cứu lịch sử tôn giáo, nghiên cứu tư tưởng Phật học, văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII được định hình những nét cơ bản với lịch sử nghiên cứu khá dày dặn.

1.3.2. Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn học

Từ thực tiễn biến cố lịch sử, tính chất vùng miền và số lượng tác giả tác phẩm, các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận văn học Phật giáo Thuận Quảng từ các vấn đề lý thuyết văn học, tiểu sử tác giả, tư tưởng và nội dung tác phẩm.

Bộ Hàm Long sơn chí của Điềm Tịnh cư sĩ và Như Như đạo nhân đã giới thiệu và bình luận những tác phẩm văn học Phật giáo xứ Thuận Hóa, Quảng Nam nổi bật từ thế kỷ XVII đến XIX.

Năm 1972, Nguyễn Văn Sâm thực hiện cuốn sách Văn học Nam Hà - Văn học xứ Đàng Trong. Có thể nói đây là công trình khái quát được hết diện mạo và đặc điểm của văn học Đàng Trong. Nguyễn Văn Sâm đã phân tích đánh giá tác giả thuộc văn học Thuận Quảng như Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Nguyễn Hữu Hào, Ngọc Hân…

Lê Mạnh Thát là người quan tâm nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa văn học Thuận Quảng từ rất sớm và đã có rất nhiều công trình đồ sộ. Chẳng hạn, Toàn Nhật Thiền sư toàn tập (1979), Toàn tập Minh Châu Hương Hải (2000) đã lần lượt giới thiệu, kiến giải về tiểu sử tác giả, đánh giá nội dung tư tưởng tác phẩm của hai tác giả lớn thuộc vùng Thuận Quảng.

“Văn học Đàng Trong” của Cao Tự Thanh là một chuyên luận bàn sâu nhất về văn học Đàng Trong, xem đây như một đối tượng nghiên cứu riêng biệt. Tác giả đã ít nhiều đề cập đến vấn đề tôn giáo, trong đó có Phật giáo đã ảnh hưởng đến nền văn học ở vùng này như thế nào.

Hoàng Xuân Hãn đã biên khảo và giới thiệu Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào vào năm 1987, Lê Ngọc Trụ - Phạm Văn Luật sao lục, chú thích và giới thiệu Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh vào năm 1969, Phan Hứa Thụy sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu Thơ văn Nguyễn Cư Trinh năm 1989.

Nguyễn Q. Thắng có hàng loạt công trình về văn học vùng Đàng Trong như Quảng Nam đất nước nhân vật (1996); Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước (2005); Văn học Việt Nam nơi miền đất mới tập 1 (2007) … đã sưu tầm, đánh giá văn học nơi vùng đất mới này.

Các luận án nghiên cứu về văn bia như Nghiên cứu văn bia Hán Nôm tỉnh Quảng Nam của Nguyễn Hoàng Thân (2014), Nghiên cứu văn bia Thừa Thiên Huế của Đoàn Trung Hữu (2015), Nghiên cứu văn bia Quảng Ngãi của Nguyễn Ái Dung… đã đánh giá giá trị nội dung của văn bia, khẳng định một thể loại văn học liên quan đến Phật giáo xứ Thuận Quảng.

Trong công trình Văn học Việt Nam thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh (2018), Nguyễn Công Lý đã khái quát văn học Việt Nam giai đoạn lịch sử đầy biến động của thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Ở mục 4.10, tác giả đã có sự quan tâm đến văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng với tựa đề “Những tác gia tiêu biểu của văn học Phật giáo”.

Năm 2018, Hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định được tổ chức tại Bình Định đã đánh giá tổng quát toàn diện nền văn học Phật giáo Bình Định, cũng chính là một bộ phận trong văn học Thuận Quảng.

Từ hai hướng nghiên cứu trên cho thấy rằng Phật giáo và văn học Thuận Quảng đã được các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm. Tuy nhiên, đó chỉ là những nghiên cứu chuyên biệt về một khía cạnh của văn học Phật giáo Thuận Quảng, chứ chưa có một công trình nào trình bày đầy đủ diện mạo và làm rõ những đặc điểm của văn học Phật giáo Thuận Quảng giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII.

Chương 2: PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG VÀ VĂN HỌC THUẬN QUẢNG THẾ KỶ XVII - XVIII

2.1. Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

2.1.1. Bối cảnh xã hội vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được lệnh triều Lê - Trịnh vào làm trấn thủ vùng Thuận Quảng. Năm 1600, sau khi ra Bắc triều cống, Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Quảng và chính thức ly khai triều đình Lê Trịnh. Từ đó hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn đã xảy ra rất nhiều cuộc chiến tranh nhằm thu phục lẫn nhau, cuối cùng lấy sông Gianh (Linh Giang) làm địa giới chia thành hai miền Bắc Hà (Đàng Ngoài) và Nam Hà (Đàng Trong).

Đồng thời với việc xây dựng chính quyền Đàng Trong, chúa Nguyễn đã thực hiện công cuộc Nam tiến, mở rộng lãnh thổ về phía Nam và hoàn thiện bản đồ Việt Nam như ngày nay.

Thành phần cư dân Thuận Quảng lúc ban đầu rất phức tạp. Ở đây vừa có người Chăm, người Việt, người Minh Hương. Đây là vấn đề vừa khó khăn vừa là cơ hội để họ Nguyễn phát triển cơ nghiệp.

Gần hai trăm năm, với 9 đời chúa, họ Nguyễn đã xây dựng một vùng Đàng Trong rộng lớn và phát triển toàn diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát chết, chính quyền rơi vào tay Trương Phúc Loan - một kẻ lộng quyền. Kể từ đó, triều chính suy yếu dần, không còn sức quản lý xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.

Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn nổi dậy đấu tranh chống lại chúa Nguyễn. Đàng Trong lại lâm vào chiến tranh liên miên. Sau đó, Nguyễn Huệ đã đánh dẹp chúa Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê, thống nhất đất nước từ Bắc đến Nam. Sau đó, Nguyễn Ánh đã đánh bại Tây Sơn, lên ngôi vua lấy niên hiện Gia Long vào năm 1802.

Chúa Nguyễn đặc biệt ủng hộ Phật giáo bằng động thái cụ thể tích cực như xây chùa tháp, đắp tượng, đúc pháp khí, thỉnh cao tăng, mở giới đàn truyền pháp… Nhờ sự ủng hộ của chính quyền chúa Nguyễn mà Phật giáo xứ Thuận Quảng phát triển mạnh, ngoài việc du nhập các Thiền phái từ nước ngoài còn là nơi phát tích hai dòng Thiền phát triển mạnh về sau này. Phật giáo do đó đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Thuận Quảng.

2.1.2. Phật giáo Thuận Quảng - sự du nhập và phát triển các tông phái Phật giáo

Phật giáo Thuận Quảng được du nhập và phát triển rất sớm. Thuận Quảng thừa hưởng nền Phật giáo Chăm, đồng thời tiếp nhận Phật giáo theo chân các lưu dân Việt. Không những thế, chính sách mở của quốc tế đã cho phép các nhà sư Trung Quốc sang hoằng pháp, mở giới đàn.

Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII có mặt năm dòng thiền, bao gồm:  Dòng Thiền Lâm Tế, Tào Động được truyền vào từ Trung Quốc; Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam truyền từ Đàng Ngoài vào; Hai dòng Thiền tự phát xuất trên vùng đất Thuận Quảng là dòng Thiền Liễu Quán và dòng Thiền Chúc Thánh. Điều đặc biệt là sự phát xuất hai dòng thiền Liễu Quán và Chúc Thánh đã chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo tại vùng này. Phật giáo Thuận Quảng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa xã hội.

2.1.3. Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII trên phương diện đồng đại - lịch đại

Trên phương diện đồng đại, Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII sinh thành muộn hơn so với Phật giáo ở Đàng Ngoài. Tuy nhiên so với Phật giáo ở phía Nam thì Phật giáo Thuận Quảng đóng vai trò trung chuyển và đẩy nhanh sự phát triển của Phật giáo ở đó. Phật giáo Thuận Quảng có vai trò trong việc tiếp nối và tạo ra dòng chảy liên tục của Phật giáo Việt Nam.

Trên phương diện lịch đại,  Phật giáo Thuận Quảng thừa hưởng nền Phật giáo Chăm, sau đó tiếp nhận và dung chứa những thiền phái từ Đàng Ngoài, từ Trung Quốc để phát tích ra hai dòng thiền là dòng Liễu Quán và dòng Chúc Thánh. Chính sự phát triển này mà về sau, Phật giáo Thuận Quảng tiếp tục vai trò tiên phong trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam.

2.2. Văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII

2.2.1. Văn học Thuận Quảng phát triển trong nền văn học Việt Nam

So với trung tâm văn học Hà Tiên và Gia Định thì trung tâm văn học Thuận Quảng sinh thành sớm hơn và có những điểm đặc biệt.

Trước thế kỷ XVII, văn học Thuận Quảng đi qua nhiều thế kỷ không mấy khởi sắc khi đội ngũ sáng tác gần như ít ỏi. Sang thế kỷ XVII, đồng thời với việc mở rộng lãnh thổ là việc mở rộng cương giới văn học Việt Nam. Văn học Việt Nam đã theo chân những người mở cõi, và thực tế, vùng Thuận Quảng là bước trung gian để đưa nền văn học Đàng Ngoài định hình ở Đàng Trong. Đào Duy Từ được xem là người hoạch định một vùng văn học mới, vùng văn học Thuận Quảng. Văn học Thuận Quảng dung chứa, trọng vọng những nhà văn từ Đàng Ngoài vào. Thuận Quảng là cửa ngõ để tạo nên bàn đạp cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam, hoàn chỉnh bản đồ văn học Việt. Nếu không có một vùng văn học Thuận Quảng mang những biệt sắc thì có lẽ không có dòng chảy văn học xuyên suốt từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong để tạo thành một dòng văn học nhất quán của lịch sử văn học dân tộc sau này. Những sáng tác trên vùng Thuận Quảng đứng trên mặt thể loại trở thành những sáng tác khởi nguyên cho nền văn học Việt Nam. Song Tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự ra đời của dòng văn học truyện Nôm Việt Nam. Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm là tác phẩm khởi đầu cho thể loại văn học tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam.

Mặc dù được hoạch định bởi trí thức Đàng Ngoài nhưng ngay sau đó đã định hình nên một dòng văn học mang tính chất vùng rõ rệt, góp phần tạo nên nét phong phú cho nền văn học Việt Nam. Sự đặc biệt trong thành phần cư dân tạo ưu thế trong việc phát triển những loại hình văn học mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn đời sống. Đồng thời, vì sự đặc biệt đó nên học phong không chuộng từ chương cử nghiệp, tạo điều kiện cho văn học phát triển một cách tự nhiên nhất.

Tiến về Nam, các tác giả Thuận Quảng đã mang theo phong vị của mình đến giao hòa cũng với vùng văn học Gia Định, Hà Tiên. Vùng văn học Thuận Quảng mang sứ mệnh là trung tâm tiếp nối dòng chảy của nền văn học Việt Nam.

2.2.2. Phật giáo với văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Phật giáo có một vị trí trong đời sống tư tưởng văn hóa xã hội Thuận Quảng nên ảnh hưởng không hề nhỏ đến văn học Thuận Quảng, tạo thành dòng văn học Phật giáo với diện mạo và đặc điểm nổi bật.

Chương 3: DIỆN MẠO VĂN HỌC PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG THẾ KỶ XVII - XVIII

3.1. Lực lượng sáng tác

3.1.1. Các tác giả Thiền sư

Các tác giả Thiền sư Tăng sĩ là lực lượng nòng cốt của văn học Phật giáo. Những triết thuyết tư tưởng uyên áo của Phật giáo được chứng nghiệm bằng sự tu chứng và thể hiện bằng ngôn ngữ của các tác giả này là đặc trưng để phân biệt với dòng văn học khác.

3.1.2. Các tác giả vua chúa, quý tộc

Phật giáo được sự bảo trợ của chính quyền chúa Nguyễn nên tầng lớp này dù ít dù nhiều đều có am hiểu Phật pháp. Họ thể hiện tinh thần mộ Phật, ca ngợi Phật giáo, cảnh sắc thiền môn Phật tự bằng thơ văn.

3.1.3. Quan lại, Nho sĩ

Chúa Nguyễn là những người mang vai trò của một vị minh chủ, vừa kiêm luôn vai trò của một vị giáo chủ, hay nói cách khác chúa Nguyễn kết hợp vương quyền và giáo quyền trong việc trị vì nên chắc chắn quan lại Nho sĩ đều ủng hộ giáo quyền ấy. Dù muốn hay không thì đứng trong tình hình chung đó, các tác giả Quan lại, Nho sĩ có ít nhiều ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo.

Lực lượng sáng tác văn học Phật giáo như trên chứng tỏ Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn cả bề sâu và bề rộng đến cuộc sống xã hội.

3.2. Hệ thống thể loại

3.2.1. Thi kệ và thơ Thiền

Thi kệ và thơ thiền trong văn học Phật giáo Thuận Quảng gồm: thi kệ truyền Pháp, truyền phái, kệ thị tịch, thơ Thiền mang cảm hứng. Để nắm bắt được nội dung và hình thức nghệ thuật của thi kệ thì ngoài năng lực về văn học, người nghiên cứu còn cần phải có sự hiểu biết nhất định về tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Thiền học. Tùy theo mức độ hiểu biết, nhãn quan Phật giáo, căn cơ mà mỗi người sẽ cảm nhận tư tưởng thi kệ mỗi khác.

3.2.2. Minh, bi ký

Văn bia Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII gồm: Trình bày công đức tôn tạo trùng tu, ghi danh những thí chủ có công; Trình bày hành trạng, công lao hóa độ và sự chứng đạt đạo quả; Ca ngợi cảnh già lam, danh thắng Phật giáo xứ Thuận Quảng, qua đó trình bày triết lý nhà Phật.

Văn bia Phật giáo Thuận Quảng không chỉ cho biết tiến trình lịch sử phát triển của Phật giáo Thuận Quảng mà còn thể hiện triết lý Phật giáo Đại thừa một cách sâu sắc, sự kết hợp giữa các pháp môn trong tu tập như Thiền Tịnh song tu.

3.2.3. Vãn

Vãn trong văn học Phật giáo Thuận Quảng mang tính chất ngợi ca, tươi vui. Thể loại này chiếm ưu thế trong tổng số lượng tác phẩm với dung lượng mỗi đơn vị tác phẩm rất đồ sộ, đề tài đa dạng. Thể loại vãn tạo nên biệt sắc của văn học Phật giáo Thuận Quảng.

3.2.4. Phú

Thể loại phú trong văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII dùng để ca ngợi, tán dương Phật giáo, chuyển tải giáo lý hoặc thể hiện cảm hứng đối với nhà Phật. Phú trong văn học Phật giáo Thuận Quảng dùng chữ Nôm, thể hiện nét riêng biệt mang tính chất vùng miền cụ thể.

3.2.5. Ngữ lục

Thể loại này trong văn học Phật giáo Thuận Quảng không nhiều. Những tài liệu hiện còn cho biết hai bài Ngữ lục, trong đó bài ngữ lục của Tổ sư Liễu Quán thể hiện được tinh thần đại thừa với Tánh Không của các pháp, khẳng định sự thâm hiểu và ngộ được chân lý Thiền của Thiền sư Liễu Quán, người khai mở dòng Thiền Lâm Tế Liễu Quán.

3.2.6. Một số thể loại khác

Thể loại Tự, Bạt

Thể loại tự, bạt trong văn học Phật giáo Thuận Quảng rất phong phú chứng tỏ ngoài sự phát triển của Phật giáo còn thể hiện một phong khí sinh hoạt văn học Phật giáo rất sôi nổi.

Thể loại Luận thuyết tôn giáo

Với thể loại luận giảng kinh điển của các tác giả thời này cho thấy tình hình học thuật, nghiên cứu Phật giáo rất được chú trọng. Đồng thời chứng tỏ các Thiền sư Tăng sĩ rất có ý thức trong việc sáng tác và hoằng truyền Phật pháp bằng văn học. Thể loại này giúp cho diện mạo văn học Phật giáo Thuận Quảng thêm phong phú và đa dạng.

3.3. Hệ thống ngôn ngữ

3.3.1. Văn tự

Trên mặt lịch sử, mặc dù Thuận Quảng có mặt người Chăm, người Việt, người Trung Quốc và người phương Tây, song văn học Phật giáo vẫn chủ yếu sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác. Trong đó, chữ Nôm được sử dụng rộng rãi trong các thể loại như vãn, phú tạo nên đặc trưng của văn học Phật giáo Thuận Quảng.

3.3.2. Hệ thống ngôn ngữ Phật giáo

Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII mang đầy đủ tính chất của ngôn ngữ Phật giáo được sử dụng qua phương tiện văn chương, đó là tính hàm súc, khả năng gợi mở, gợi liên tưởng đầy trí tuệ. Đồng thời còn mang tính chất bình dân, đại chúng nhằm mục đích truyền giáo một cách rộng rải đến với quần chúng nhân dân. Ngôn ngữ văn học Phật giáo Thuận Quảng được chia thành hai phạm vi là ngôn ngữ mang tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại; phạm vi ngôn ngữ bình dân, đại chúng, mộc mạc.

3.3.3. Hệ thống điển cố Phật giáo

Văn học Phật giáo Thuận Quảng đã Việt hóa nhiều ngôn ngữ Phật học, Thiền học, điển tích điển cố Tam giáo giúp cho tác phẩm dễ hiểu, dễ truyền đạt mà không mất đi ý nghĩa tư tưởng tác giả muốn thể hiện.

3.4. Đề tài

3.4.1. Trình bày trực tiếp giáo lý nhà Phật

Đây chính là mảng đề tài để ta xác định sự khác nhau giữa văn học Phật giáo Thuận Quảng với các bộ phận khác của vùng Thuận Quảng trong cùng một giai đoạn.

Trình bày giáo lý nhà Phật một cách trực tiếp, văn học Phật giáo Thuận Quảng đã đi vào lý thuyết triết học Phật giáo như Sắc Không, Niết bàn, Chân tâm, Phật tính.... được trình bày bằng những hình ảnh sinh động, lung linh của ngôn ngữ nghệ thuật thông qua một số biện pháp tu từ để quần chúng thấy rõ ý nghĩa lời Phật Tổ dạy.

3.4.2. Thiên nhiên

Hình ảnh thiên nhiên hiện thực với vẻ đẹp sinh động khiến cho tác giả xúc cảm và phản ánh thông qua cảm quan của một nhà thơ có đôi mắt Thiền và của một Thiền sư có tâm hồn thi sĩ.

Hình ảnh thiên nhiên mang tính chất biểu tượng, siêu phóng dùng để bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp triết lý Phật giáo. Đây là hình ảnh mang tính ẩn dụ, thiên nhiên trở thành những đối tượng đầy ngụ ý liên quan đến những triết lý Phật giáo.

3.4.3. Con người và cuộc sống trần thế

Ca ngợi những con người có công hạnh lớn trong việc tu tập và hoằng hóa Phật pháp. Những vị Thiền sư nổi tiếng, những minh quân có vai trò cụ thể với sự phát triển của Phật giáo được ca ngợi và lưu truyền.

Cuộc sống của con người trần thế cũng một phần nào được diễn tả để qua đó cho thấy mức ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống nhân dân. Dù xuất hiện không nhiều nhưng người đọc sẽ thấy những bầu tâm sự của các tác giả về cuộc đời biến động. Tất cả được thể hiện ngôn ngữ, cảm quan Thiền học, Phật học với rung động cảm xúc tinh tế.

Chương 4: ĐẶC ĐIỂM VĂN HỌC PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG THẾ KỶ XVII - XVIII

4.1. Tiếp biến tư tưởng của văn học Phật giáo Việt Nam

4.1.1. Trung chuyển những giá trị của văn học Phật giáo Đàng Ngoài

Văn học Phật giáo Thuận Quảng tiếp nối văn học Phật giáo từ Đàng Ngoài, tạo ra nét riêng biệt đặc sắc, sau đó lại đẩy nền văn học Phật giáo về phía Nam Thuận Quảng. Văn học Phật giáo Thuận Quảng trở thành cửa ngõ để văn học Phật giáo Việt Nam phát triển một cách thống nhất và toàn diện.

4.1.2. Chuyển tải giáo lý nhà Phật

Với hệ thống thể loại đa dạng đã chuyển tải những giáo lý đến với chúng sanh, giúp chúng sanh thoát khỏi đau khổ luân hồi, giác ngộ giải thoát. Trong vấn đề thể hiện tư tưởng giáo lý nhà Phật ta thấy rõ xu hướng vận động và phân tầng một cách rõ rệt. Tầng thứ nhất là Phật giáo dành cho trí thức (Phật giáo trí thức), các tác giả thường thể hiện tư tưởng triết lý Sắc không, Phật tính, đề cao chữ Tâm và đạt ngộ cảnh giới của Thiền tông. Tầng thứ hai là Phật giáo dành cho quần chúng dân gian (Phật giáo dân gian), các tác giả thể hiện những tư tưởng gần gũi, thiết thực hơn như Nhân quả, Nghiệp báo luân hồi…

4.1.3. Quan điểm tu hành và tinh thần nhập thế

Các tác giả văn học Phật giáo đã có những quan niệm thực hành tu hành để giác ngộ giải thoát gần gũi với đời sống hàng ngày. Việc tu hành giải thoát trước hết đó là việc giữ Giới, niệm Phật, tọa Thiền

Tư tưởng “Cư Nho mộ Thích” chính là cách giải quyết vấn đề tu hành giải thoát và nhập thế cứu đời của cư dân Thuận Quảng.

Văn học Phật giáo Thuận Quảng đã xây dựng thành công nhân vật Đổng Vân, một hình tượng cụ thể của quan niệm tu hành không tách rời cuộc đời, tu hành giải thoát và dấn thân nhập thế cứu đời của Phật giáo Việt Nam.

4.2. Dung hợp các hệ tư tưởng

4.2.1. Chủ trương “cư Nho mộ Thích”

Chúa Nguyễn Phúc Chu khởi xướng chủ trương Cư Nho mộ Thích đã thỏa mãn thực tiễn xã hội đặt ra. Đó là sống bằng tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo và đóng góp xây dựng xã hội theo tư tưởng Nho giáo.

Quan niệm “cư Nho mộ Thích” là chính sách kịp thời cho sự khoan hòa, dung hợp tư tưởng xã hội lúc bấy giờ.Một mặt để kết nối lòng dân với các yếu tố nội tại của đặc điểm thành phần cư dân, văn hóa đa sắc. Một mặt chống lại xu hướng Tây phương hóa mà chính quyền chúa Nguyễn sợ sẽ đi quá xa so với ngôi vị độc tôn của mình, đồng thời giữ lại sự cần thiết của thiết chế đời sống truyền thống, không chạy quá nhanh và quá xa trong đời sống đô thị thị dân khi văn hóa phương Tây - Thiên Chúa giáo đang thâm nhập ngày một mạnh lên.

4.2.2. Dung hợp các hệ phái Phật giáo

Phật giáo Thuận Quảng có sự giao lưu mạnh mẽ giữa các Thiền phái, tông phái bởi đặc điểm địa lý và lịch sử. Phật giáo ở đây được tạo nên từ những bùa chú, phù thuật huyền bí của Phật giáo Chăm; bởi những dòng Thiền, pháp môn du nhập từ Đàng Ngoài và từ Trung Quốc. Có thể nói rằng, trong Thiền tông đã có sự hòa hợp của các dòng Thiền với nhau như Lâm Tế, Tào Động, Trúc Lâm, Liễu Quán, Chúc Thánh. Trong các pháp môn đã có sự hòa hợp giữa Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông tạo thành Thiền Mật Tịnh tam tu.

4.2.3. Dung hợp Tam giáo Phật - Nho - Đạo

Các tác giả văn học Thuận Quảng đều mang tâm hướng muốn dung hòa tư tưởng của Tam giáo Phật Nho Đạo và rộng ra còn có cả tư tưởng thiên Chúa giáo của phương Tây.

Việc thể hiển các tư tưởng tôn giáo khác trong văn học Phật giáo chính là thái độ ứng xử, một mặt để chọn lọc và tiếp thu, một mặt để khẳng định vị thế của Phật giáo. Để dung hòa Tam giáo các tác giả cho rằng Phật Đạo Nho cùng một gốc, cùng một nguồn, cùng một nhà. Việc du nhập những tư tưởng mới từ phương Tây, cộng thêm những mâu thuẫn nội tại khiến các tác giả văn học Phật giáo phải tìm cách dung hòa các tư tưởng ấy một cách cụ thể bằng nhiều hình ảnh đắt giá.

4.3. Quan niệm về thi học - thiền học và xu hướng vận động của văn học Phật giáo Thuận Quảng

4.3.1. Cởi mở trong quan niệm Thi học, Thiền học

Không bị gò bó trong khuôn khổ chữ nghĩa, các tác giả đã để tác phẩm của mình hình thành một cách tự nhiên như tính cách của con người nơi vùng đất mới. Các Thiền sư Tăng sĩ không bị gò bó trong vấn đề danh tự - vốn dĩ là tư tưởng “vô ngôn” của Thiền tông, càng không chịu gò bó về nguồn gốc chữ nghĩa. Từ ngữ Phật học, Thiền học được sử dụng một cách đơn giản, gần gũi, dễ hiểu để nhắm đến đối tượng cần được phục vụ là quần chúng. Tất cả đều mang một xu hướng phóng khoáng.

4.3.2. Xu hướng đời sống hóa tác phẩm văn học Phật giáo

Văn học Phật giáo Thuận Quảng có sự lựa chọn thể loại thiên về biểu diễn, hát múa, ca ngâm, mang tính chất phổ biến trong đời sống sinh hoạt của quần chúng. Chính vì vậy, có thể nhận thấy văn học Phật giáo Thuận Quảng có xu hướng đời sống hóa tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học Phật giáo được trình diễn với việc kết hợp cùng âm nhạc và nghi lễ đã làm cho tác phẩm có sức sống hơn, tư tưởng Phật giáo dễ đi vào lòng người hơn.

4.4. Đề cao Phật giáo

4.4.1. Ca ngợi cảnh sắc chùa, tháp

Thiên nhiên trong văn học Phật giáo được chia thành hai dạng gồm hình ảnh thiên nhiên siêu phóng, mang tính chất biểu tượng, bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp tư tưởng triết lý Phật giáo Thiền tông và hình ảnh thiên nhiên hiện thực với vẻ đẹp sinh động, tươi mát, kỳ thú, hấp dẫn mà các tác giả rung cảm.

Hình ảnh thiên nhiên đánh động đến tâm thức giác ngộ chân tâm. Cảnh đẹp thiên nhiên chùa tháp trong văn học Phật giáo Thuận Quảng bao giờ cũng xán lạn, xinh đẹp, thể hiện cảm quan yêu đời, yêu xã tắc, tin tưởng vào sự thịnh trị và tấm lòng vị tha đúng với tinh thần từ bi của Phật giáo.

4.4.2. Ca ngợi các bậc cao Tăng

Các vị Thiền sư tăng sĩ đạt đạo, có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội được ca ngợi tôn vinh, trở thành đề tài trong văn học Phật giáo Thuận Quảng. Nhân vật Đổng Vân trở thành hình tượng nổi bật trong văn học Phật giáo. Đây là một biệt sắc của văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII -XVIII, khẳng định vị trí trong dòng văn học Phật giáo Việt Nam.

KẾT LUẬN

Văn học Phật giáo là một bộ phận quan trọng của văn học Việt Nam. Bộ phận này góp phần làm nên diện mạo và đặc điểm văn học Việt Nam qua các thời kỳ.

Thuận Quảng là vùng đất mới so với vùng Đàng Ngoài. Thành phần cư dân đa dạng, mang nhiều nền văn hóa khác nhau, bao gồm người Chăm, người Việt, người Minh Hương và người phương Tây. Đứng trước cơ tầng văn hóa như vậy, Chúa Nguyễn đã lựa chọn Phật giáo là tư tưởng bản lề trong chính sách cố kết nhân tâm, quản lý xã hội, phát triển vùng đất mới.

Phật giáo Thuận Quảng có một sự dung hợp đặc biệt. Trước hết Phật giáo Thuận Quảng là Phật giáo của người Chăm, ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo Ấn Độ. Mặc dù đại bộ phận người Chăm rời khỏi Thuận Quảng nhưng văn hóa Phật giáo Chăm vẫn tồn tại và có sự tiếp biến, giao lưu sâu sắc với Phật giáo Việt. Khi những lưu dân Việt theo chân chúa Nguyễn vào khai hoang lập ấp vùng đất mới đã mang theo Phật giáo Việt từ Đàng Ngoài. Phật giáo Thuận Quảng không chỉ giao lưu Việt Chăm mà còn có sự dung hợp với Phật giáo Trung Quốc. Một trong những động thái tích cực trong việc phát triển Phật giáo của chúa Nguyễn là cho thỉnh các vị cao tăng từ Trung Hoa sang mở giới đàn, truyền pháp… Chính vì vậy mà Phật giáo Thuận Quảng có một sự dung hợp, tiếp biến sâu sắc. Thế kỷ XVII - XVIII, tại Thuận Quảng có mặt 5 dòng thiền lớn, đó là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng Tào Động, dòng Lâm Tế, đặc biệt có hai dòng thiền nội sinh, phát tích ngay tại Thuận Quảng là dòng Liễu Quán và dòng Chúc Thánh.

Các dòng Thiền đã có sự giao lưu mạnh mẽ, tạo nên nét riêng biệt của Phật giáo xứ Thuận Quảng. Phật giáo Thuận Quảng có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Thuận Quảng vừa là cửa ngõ tiếp nối dòng chảy của Phật giáo Việt Nam từ Đàng Ngoài vào, vừa là nơi phát nguồn cho sự phát triển Phật giáo ở phía Nam Thuận Quảng.

Chính sự phát triển đó mà Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, văn học Thuận Quảng. Thuận Quảng đã có một dòng văn học Phật giáo nổi trội, góp phần phát triển vùng văn học Thuận Quảng. Đồng thời, văn học Phật giáo Thuận Quảng còn tiếp nối dòng chảy và hoàn thiện nền văn học Phật giáo Việt Nam.

Lực lượng sáng tác, hệ thống thể loại, văn tự ngôn ngữ và đề tài phản ánh đã làm nên diện mạo văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII. Văn học Phật giáo Thuận Quang mang điểm chung của văn học Trung đại, đồng thời có những điểm riêng biệt cơ bản nhất của dòng văn học Phật giáo.

Lực lượng sáng tác của văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII bên cạnh những Thiền sư Tăng sĩ còn có sự góp mặt của Nho sĩ, quan lại, chúa Nguyễn và thân tộc. Điều đáng nói ở đây, tác giả văn học Phật giáo cũng chính là lực lượng sáng tác nòng cốt của văn học vùng Thuận Quảng. Lý do dễ hiểu là bởi chính sách ưu tiên phát triển Phật giáo của các Chúa Nguyễn đã tạo nên sức ảnh hưởng của Phật giáo đối với lực lượng sáng tác văn học giai đoạn này.

Về thể loại, văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII cơ bản có đầy đủ các thể loại của văn học Phật giáo của giai đoạn trước đó. Điểm nổi bật của thể loại văn học Phật giáo Thuận Quảng chính là sự phát triển của thể vãn. Nếu như thể vãn đối với văn học Đàng Ngoài nói chung và văn học Phật giáo Đàng Ngoài nói riêng chỉ là một dấu cộng thêm trong các thể loại, thì văn học Phật giáo Thuận Quảng đã có sự ưu tiên lựa chọn thể vãn trong sáng tác. Thể loại này chiếm ưu thế trong tổng số lượng tác phẩm với dung lượng mỗi đơn vị tác phẩm rất đồ sộ, đề tài đa dạng. Đây là điểm nhấn thứ nhất tạo nên biệt sắc của văn học Phật giáo Thuận Quảng.

Về ngôn ngữ văn tự, bên cạnh sử dụng chữ Hán thì chữ Nôm được sử dụng nhiều hơn trong sáng tác. Hệ thống từ ngữ Phật giáo, điển tích điển cố được Việt hóa. Chính điều này góp phần làm cho thể loại văn học dân tộc phát triển một cách rực rỡ.

Văn học Phật giáo Thuận Quảng có nhiều đặc điểm riêng biệt dễ nhận thấy của một nền văn học được sáng tác dưới sự ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng Phật giáo. Văn học Phật giáo Thuận Quảng đã có sự dung hợp các tư tưởng giáo phái để tạo nên sự đa dạng tư tưởng trong văn học. Đặc biệt, quan niệm “cư Nho mộ Thích”, một chủ trương do chúa Nguyễn đề xướng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống cư dân vùng Thuận Quảng nói riêng và xứ Đàng Trong nói chung. Đây là điểm nhấn thứ hai của văn học Phật giáo Thuận Quảng. Không những thế, văn học Phật giáo Thuận Quảng đã thực hiện vai trò của mình chuyển tải giáo lý nhà Phật, quan điểm tu hành và nhập thế hành đạo. Có thể nhận ra rằng, vấn đề nhập thế của văn học Phật giáo thời Lý Trần đến giai đoạn này đã được cụ thể hóa bằng nhân vật văn học. Hình tượng ông Sãi trong Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh hay hình tượng Đổng Ông trong Hứa sử truyện vãn của thiền sư Toàn Nhật Quang Đài là hình tượng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển xã hội. Nếu xem Đào Duy Từ là người xây dựng nên hình tượng người anh hùng thời loạn, phục vụ minh chúa, cứu giúp cuộc đời thì hình tượng tu sĩ dấn thân nhập thế của văn học Phật giáo Thuận Quảng là một nét biệt sắc.

Văn học Phật giáo Thuận Quảng thể hiện tinh thần phóng khoáng trong quan điểm thi học và Thiền học. Sự khoáng đạt và bản lĩnh sáng tạo ra cái mới, thoát khỏi khuôn mẫu định sẵn được hun đúc từ một cộng đồng cư dân đi mở cõi, đến với một vùng đất rộng lớn, thiên nhiên đầy ưu đãi. Như chúng tôi đã đề cập, chính quan điểm phóng khoáng trong việc Việt hóa Phật ngữ trong văn học không phải vì thiếu kinh nghiệm của một vùng đất mới mà là một sự khẳng định Phật học Việt Nam. Các tác giả dường như muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Phật học Trung Quốc. Khuôn mẫu hình thức thể loại cho đến ngôn ngữ của văn học Phật giáo Thuận Quảng đã có sự thay đổi rõ rệt, khẳng định ý thức xây dựng một nền Phật học cũng như văn học Phật giáo Việt Nam.

Văn học Phật giáo Thuận Quảng trong quá trình phát triển đã có xu hướng đời sống hóa tác phẩm văn học. Điều này đã làm cho đời sống văn học ở đây trở nên sinh động và phong phú hơn. Nếu như Đàng Ngoài từng phát triển loại hình kể hạnh các bậc cao tăng, thiền sư đạt đạo thì thể vãn của văn học Phật giáo Thuận Quảng đã mở rộng đối tượng phản ánh. Nó đã trình bày sâu hơn, đa dạng hơn các khía cạnh của đời sống cũng như việc học Phật và tu Phật. Chức năng trình diễn của thể loại đã làm cho tác phẩm văn học Phật giáo Thuận Quảng trở nên gần gũi, sinh động và dễ cảm nhận hơn.

Mặc dù là một nền văn học tôn giáo nhưng đã có tác động lớn đối với việc kiến tạo, phát triển của văn học vùng Thuận Quảng. Văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng có vai trò lớn trong việc định hình nên vùng văn học và văn hóa Thuận Quảng. Đồng thời chuyển tiếp những giá trị của văn học Phật giáo trước đó từ Đàng Ngoài vào, tạo nên sự hợp nhập cho nền văn học Phật giáo Việt Nam phát triển liên tục đến các vùng văn học Gia Định, Hà Tiên.

Nếu như xem Phật giáo Thuận Quảng dưới thời chúa Nguyễn phát triển như thời Lý - Trần thì văn học Phật giáo Thuận Quảng chính là sự lặp lại nổi bật của văn học Phật giáo Lý - Trần. Vấn đề phát triển ở đây không phải về mặt số lượng hay chất lượng tác phẩm mà là vị trí của dòng văn học này trong diện mạo và đặc điểm của văn học Thuận Quảng.

Sự xác lập và phát triển vùng Thuận Quảng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam, giúp cho việc mở rộng và hoàn thiện cơ bản bản đồ Việt Nam ngày nay. Trong lịch vực văn học, văn học Thuận Quảng đóng vai trong tiếp biến và trung chuyển văn học Việt Nam phát triển, là cầu nối thống nhất dòng chảy của văn học Việt trên toàn lãnh thổ. Chính sự phát triển của văn học Thuận Quảng đã lấp đầy sự đứt gãy của lịch sử phát triển văn học Việt Nam trong một thời gian dài.

Tương tự, văn học Phật giáo Thuận Quảng đã đóng vai trò tiếp biến và trung chuyển văn học Phật giáo Việt Nam phát triển một cách liên tục, không bị đứt quãng. Có thể khẳng định văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

 

 

 

DANH MỤC CÁC BÀI BÁO LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1. Thích Chấn Đạo (Phan Thạnh) (2018), “Phật giáo với vùng văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, In trong Kỷ yếu hội thảo Khoa học Phật giáo và văn học Bình Định, tập 2- Văn học Phật giáo Bình Định- Văn học Bình Định, Nxb Khoa học Xã hội, tr.50-67.

2. Phan Thạnh (2018), “Dấu ấn thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, In trong Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa, Viện Trần Nhân Tông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.957-969.

3. Phan Thạnh (2019), “Quan điểm và thái độ của Nguyễn Cư Trinh đối với Phật giáo”, In trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn, Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, tr.345-351.

4. Phan Thạnh (2019), “Quan niệm về thi học và thiền học trong văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 285, 12/2019, tr.39-44.

5. Phan Thạnh (2019), “Sự phát triển của Phật giáo vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Phật giáo Quảng Bình xưa và nay, tr.120-131.

6. Phan Thạnh (2020), “Hình tượng nhân vật Đổng Vân trong “Hứa Sử truyện vãn” của thiền sư Toàn Nhật Quang Đài”, Liễu Quán số 20, tháng 5/2020, Nxb Thuận Hóa, Huế.

7. Phan Thạnh (2020), “Xu hướng đời sống hóa trong văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, Tạp chí Đất Quảng số 194, tháng 6/2020.

8. Phan Thạnh (2020), “Tìm hiểu thể loại vãn trong sáng tác của thiền sư Toàn Nhật Quang Đài”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Khoa học-Đại học Huế.

9. Phan Thạnh (2020), “Sự tác động của khu vực và quốc tế đối với văn học vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, T. 129, S. 6D (2020): Khoa học Xã hội Nhân văn tiếng Việt.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây