Tham gia chuyến đi lần này gồm những nhà giáo, nhà khoa học, những cựu chiến binh thuộc Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu nhưng tất cả đều với tinh thần nhiệt tình, háo hức như thời còn là sinh viên sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Đặc biệt, hành trình Về nguồn của Hội CCB Trường còn có sự tham gia của PGS.TS. Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở văn hoá Thông tin Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường.
Trong chuyến hành trình về nguồn đáng nhớ này, Đoàn đã thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, một địa danh truyền thống mang ý nghĩa lịch sử, với rất nhiều di tích gắn liền với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trở về nước vào tháng 1-1941 trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khu di tích Pác Bó nơi có núi Các Mác, có suối Lênin, cũng là căn cứ địa quan trọng của lực lượng kháng chiến, nơi diễn ra sự kiện lịch sử có ý nghĩa lịch sử to lớn: Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, thành lập Báo Việt Nam độc lập, thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc.
Về thăm quê hương cách mạng Cao Bằng, Đoàn đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại nghĩa trang Thành phố Cao Bằng. Đây cũng là một địa chỉ đỏ đặc biệt của tỉnh Cao Bằng. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu, cùng với tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống anh dũng của quê hương cách mạng, lớp lớp những người con ưu tú của mảnh đất Cao Bằng đã xung phong lên đường tòng quân giết giặc, lập công. Để có được nền độc lập, tự do, để đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc như hôm nay, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất mẹ, nhiều người trở về không còn lành lặn, hoặc bị di chứng nặng nề của chất độc hóa học, hàng triệu thân nhân liệt sĩ mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình.
Đặc biệt trong chuyến hành trình về nguồn lần này, Đoàn cựu chiến binh của Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tới thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo có địa chỉ tại địa bàn 2 xã: Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nơi lưu trữ những địa danh, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng, gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giá (giai đoạn 1941-1945). Rừng Trần Hưng Đạo cũng là nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 thành viên đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (ngày 22/12/1944) và cũng là nơi diễn ra hai trận đánh và giành thắng lợi đầu tiên của Quân đội chính quy Việt Nam ngay sau khi được thành lập tại hai đồn: Nà Ngần và Phai Khắt.
Sau khi kết thúc chuyến thăm quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Đồng chí Phạm Công Nhất, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN thay mặt đoàn đã viết những dòng lưu bút sau chuyến tham quan. Lưu bút có đoạn: “Xúc động, tự hào về truyền thống cha anh cách đây 80 năm của Quân đội ta, chúng tôi - những thế hệ cháu con hứa quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, bảo vệ vững chắc nền độc lập lâu bền của Tổ quốc và dân tộc Việt Nam”.
Một số hình ảnh của Đoàn Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV trong chuyến Về nguồn tại quê hương cách mạng Cao Bằng
Xin trân trọng gửi đến Quý Thầy cô, Quý độc giả những dòng thơ đầy xúc động của CCB Tô Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB Trường khóa 1,2,3 khi về thăm Quê hương cách mạng Pác Bó.
"Về thăm Pác Bó”
Mãi mơ Pác Bó Cao Bằng
Một lần thôi được về thăm chốn này…
Một vùng non nước, trời mây
Đã thành huyền thoại, đắm say lòng người…
Nay Con thỏa ước nguyện rồi
Về cùng Đồng đội một thời chiến chinh…
Đằm trong non nước hữu tình
Và hơi ấm Bác, nghiêng mình lần theo…
Đây núi Các Mác cheo leo
Suối Lê Nin nước trong veo mây trời…
Đây nơi Bác vẫn thường ngồi
Buông cần câu cá, nghỉ ngơi thuở nào…
Vào hang Cốc Pó dâng trào
Nỗi niềm nhung nhớ cồn cào, đầy vơi…
Bếp hồng lửa vẫn reo vui
Phản gỗ vẫn ấm hơi người đi xa…
Chông chênh bàn đá ngân nga
Nơi Bác dịch sách, non xa trập trùng…
Và đây, vườn trúc Bác trồng
Mướt xanh nghiêng bóng, suối trong in hình…
Một vùng Di tích lung linh
Đâu cũng thấp thoáng bóng hình
Bác yêu…! Bao nhiêu cảm xúc bồng phiêu
Theo con năm tháng, sớm chiều… Bác ơi
|
|