Bản sắc văn hoá và sự phát triển bền vững

Thứ bảy - 18/12/2010 03:58
Hội thảo quốc tế “Bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc phục vụ phát triển bền vững” do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với ĐH Bansomdej Chaopraya (Thái Lan) đã được khai mạc vào sáng 17/12/2010.
Bản sắc văn hoá và sự phát triển bền vững
Bản sắc văn hoá và sự phát triển bền vững
Hội thảo quốc tế “Bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc phục vụ phát triển bền vững” do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với ĐH Bansomdej Chaopraya (Thái Lan) đã được khai mạc vào sáng 17/12/2010. Bằng phương pháp tiếp cận liên ngành và xuyên ngành hội thảo đã tập trung làm rõ vai trò của văn hoá nói chung và bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc nói riêng đối với sự phát triển bền vững của mỗi nước, mỗi vùng, không gian văn hoá trước xu thế và yêu cầu hội nhập khu vực, thế giới. Đồng thời hội thảo cũng nêu lên kinh nghiệm của một số nước trong việc hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc vì mục tiêu phát triển bền vững. Tại phiên khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Nhà trường - trong phát biểu và báo cáo đề dẫn đã nhấn mạnh: Xu thế khu vực hoá, quốc tế hoá diễn ra mạnh mẽ hiện nay đã và đang đem lại nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia nhưng cũng đặt ra không ít những thách thức, khó khăn trong việc lựa chọn chính sách, con đường phát triển, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá, mỗi nền văn hoá không thể tồn tại một cách biệt lập mà luôn có sự giao hoà và tiếp bước những tác động của các nền văn hoá bên ngoài. Các quốc gia đa tộc người, việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với những lối sống và đặc trưng riêng gắn liền với vấn đề đa dạng văn hoá và phát triển bền vững cũng trở thành một trong những vấn đề cấp bách. Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Văn Khánh bày tỏ hi vọng hội thảo lần này sẽ đưa ra được nhiều kiến giải sâu sắc về học thuật, đề xuất những giải pháp thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững, lâu dài.

Sau phiên toàn thể hội thảo chia làm hai tiểu ban thảo luận về các vấn đề cụ thể: Tiểu ban văn hoá và phát triển bền vững thảo luận về việc hình thành và khai thác tri thức bản địa, văn hoá và các sắc thái văn hoá vùng miền, phong tục tập quán và ngôn ngữ. Đặc biệt là vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống phụ vụ cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tiểu ban bài học và kinh nghiệm về hoạch định và thực thi chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc vì mục tiêu phát triển bền vững tập trung bàn thảo về các đề xuất, những giải pháp, chủ trương chính sách của cộng đồng trong bảo tồn văn hoá. Một trong những vấn đề được quan tâm, chú ý nhiều tại hội thảo lần này đó là hình thành và khai thác tri thức địa phương, có tới trên 10 báo cáo tập trung vào vấn đề này. Tiêu biểu như tham luận “Khai thác tri thức địa phương các dân tộc thiểu phục vụ phát triển bền vững – tiếp cận nhân học” của PGS.TS Lâm Bá Nam đã đưa ra một định nghĩa phổ biển, rất cụ thể về tri thức địa phương đó là một hệ thống tri thức bất kì về thế giới do cộng đồng người sáng tạo nên, được phát triển và gắn liền với lịch sử của cộng đồng cũng như các điều kiện cụ thể của từng địa phương nơi cộng đồng ấy sinh sống… PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng không nên coi thường tri thức địa phương mà cần phải khai thác tri thức địa pương đó phục vụ cho phát triển bền vững. Một số báo cáo khác cũng đề cập chi tiết về những khía cạnh khác nhau của tri thức địa phương như: “Tri thức bản địa bảo tồn và phát triển chữ, tiếng Thái vùng Tây Bắc” – của tác giả Nguyễn Trung Hoà (Trung tâm nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi), “Tri thức bản địa về thực phẩm truyền thống của cộng đồng người Bangkradee, Băng cốc, Thái Lan – Jamnong Trinumit (ĐH Bansomdej Chapraya Rajabhat), “Vấn đề tri thức bản địa và phát triển bền vững trong vùng dân cư tại chỗ Trường Sơn – Tây Nguyên” – TS. Nguyễn Thị Hoà (Viện phát triển bền vững vùng Tây Nguyên)… Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác đã và đang trở thành những vấn đề trọng tâm của nhiều hội thảo, diễn đàn quốc tế cũng được các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camphuchia, Malaysia chú ý rất nhiều như phong tục tập quán, ngôn ngữ. Đặc biệt, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay đó là việc bảo tồn tập tục, ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, chủ trương chính sách của cộng đồng trong việc bảo tồn văn hoá, vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc giữ gìn và phát triển giá trị văn hoá truyền thống…

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây