Ngày 16/12 tại Hà Nội, Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Trường ĐH Bansomdej Chaopraya (Thái Lan) tổ chức toạ đàm quốc tế về xây dựng ngành Đông Nam Á học.
Tham dự toạ đàm có đại diện lãnh đạo 10 trường đại học trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam: ĐH Bansomdej Chaopraya (Thái Lan), ĐH Quốc gia Lào, ĐH Quốc tế Campuchia, ĐH Bách khoa Camphuchia, ĐH Utara Malaysia, ĐH Sư phạm Thiên Tân (Trung Quốc), ĐH Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), ĐH Khoa học Huế, ĐHKHXH&NV (ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh), ĐH Tây Nguyên.
Nội dung toạ đàm chủ yếu thảo luận về việc xây dựng chương trình Đông Nam Á học – một chương trình áp dụng chung cho nhiều quốc gia, nhiều trường đại học trong khu vực.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Nhà trường - trong bài phát biểu khai mạc toạ đàm đã nhấn mạnh: Dựa trên khung chương trình Trường ĐH Bansomdej Chaopraya khởi thảo và đặc biệt dựa vào kết quả của 2 cuộc toạ đàm đã diễn ra vào tháng 3 và tháng 5 tại Thái Lan và Lào, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) bổ sung, điều chỉnh chương trình Đông Nam Á học để chương trình hoàn chỉnh hơn. Cuộc toạ đàm lần này, Trường ĐHKHXH&NV sẽ trình bày những điều chỉnh, bổ sung và mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của đại diện các trường đại học. Từ đó, các trường sẽ cùng nhau thảo luận xây dựng khung chương trình đào tạo về Đông Nam Á học trong tương lai thể hiện được tính quốc tế, vừa đa dạng về nội dung, vừa phù hợp với đặc điểm từng trường hướng tới đào tạo ngày càng nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành Đông Nam Á học.
Khung chương trình Đông Nam Á học ban đầu được ĐH Bansomdej Chaopraya soạn thảo gồm 132 tín chỉ, các môn chung sẽ được học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, từ ý tưởng chung của chương trình là phải phù hợp với đặc điểm chung của Đông Nam Á và đặc điểm từng quốc gia nên Trường ĐHKHXH&NV đã điều chỉnh ở mức tối thiểu là 132 tín chỉ và tối đa là 141 tín chỉ. 132 tín chỉ sẽ chia cho các khối kiến thức giáo dục đại cương và giáo dục chuyên ngành, khoảng cách giữa mức tối thiếu và tối đa là 9 tín chỉ sẽ được giành cho học tiếng Anh và ngôn ngữ bản địa, tuỳ theo sự điều chỉnh của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, Trường ĐHKHXH&NV còn có một số đề xuất về trao đổi chuyên gia, giảng viên, học liệu, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra,... nhằm tạo nên ra tính thống nhất chung.
17 ý kiến của đại diện các trường đại học chủ yếu thảo luận về các vấn đề như: làm sao để gắn chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn từng quốc gia, vấn đề chuẩn tuyển sinh, việc làm, học ngoại ngữ…
Trong bối cảnh hiện nay thì việc xây dựng chương trình Đông Nam Á học áp dụng cho nhiều quốc gia rất cần thiết và có ý nghĩa lớn, chương trình Đông Nam Á sẽ là một chương trình có tính quốc tế cao. Do vậy các trường đều bày tỏ mong muốn được tham gia thảo luận chi tiết, cụ thể hơn nữa về chương trình Đông Nam Á học trong tương lai.
Một số ý kiến khác thì lại đề xuất chương trình cần có tính mở, phù hợp với từng quốc gia. Và xây dựng chương trình phải chú ý đến vấn đề ngoại ngữ, việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp và phù hợp với quy định giáo dục của từng quốc gia. Ngoài ra cần tăng cường yếu tố tri thức về kinh tế, kinh doanh nhằm hấp dẫn nhiều đối tượng hơn nữa…
Do thời gian có hạn, các đại biểu đã thống nhất trong lần tới, toạ đàm sẽ thảo luận cụ thể từng vấn đề mà toạ đàm lần này đã đưa ra.