Tin tức

Chia sẻ những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Thứ hai - 18/08/2014 03:08
Tiếp tục chuỗi toạ đàm của những nhà nghiên cứu trẻ thuộc Khoa Đông phương học với chủ đề “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á”, buổi toạ đàm thứ hai diễn ra ngày 16/8/2014.

Ngoài các nhà nghiên cứu trẻ của Trường ĐHKHXH&NV, toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia như PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐHKHXH&NV), GS.TS. Hoa Hữu Lân (Viện NC phát triển KT-XH Hà Nội), …

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Toạ đàm đã nghe và thảo luận xung quanh 03 tham luận chính.

Tham luận “Nhân sinh quan khoan dung trong tư tưởng của nhà sư Shinran (1173-1262)” của TS. Phạm Thị Thu Giang (Bộ môn Nhật Bản học). Shinran là nhà sư sống vào thời Kamakura, được biết đến là vị sư khai tổ của Tịnh độ chân tông, một trong những tông phái Phật giáo lớn nhất của Nhật Bản và chỉ có ở Nhật Bản. Tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời 90 năm hoạt động tôn giáo của Shinran và cũng là sức hút mạnh nhất của Tịnh độ chân tông là nhân sinh quan rộng mở. Shinran luôn tâm niệm xây dựng một thứ Phật giáo cho những kẻ “phàm phu”, “ác nhân” và tìm kiếm con đường giải thoát thích hợp với họ. Thông qua các khái niệm như Nghiệp, Phật tính, Ái dục và thuyết Ác nhân chính cơ, Shinran đã thể hiện sự hoài nghi đối với Phật giáo truyền thống và niềm cảm thông vô bờ của mình đối với những phiền khổ của người binh dân, những người không được giới Phật giáo đương thời coi là đối tượng của sự giải thoát.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hường (Bộ môn Hàn Quốc học) trình bày tham luận về tính hài hoà trong chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc giai đoạn 1961-1970 

Tham luận “Nho giáo và tư tưởng dân chủ (Luận về tư tưởng “dân chủ” Nho giáo của Trần Trọng Kim trong Nho giáo)” do TS. Nguyễn Thọ Đức (Chủ nhiệm Bộ môn Trung Quốc học) trình bày. Tham luận phác thảo những nội dung và quan điểm cơ bản của Trần Trọng Kim về tư tưởng “dân chủ” Nho giáo trong Nho giáo, trên cơ sở đó đưa ra đánh giá ưu và nhược điểm về cách nhìn của Trần Trọng Kim về tư tưởng “dân chủ” Nho giáo. Ngoài ra, bài viết bước đầu đặt Nho giáo vào bối cảnh vận động và phát triển chung của Nho giáo khu vực đầu thế kỷ XX, sơ bộ tìm hiểu những điểm chung và khác biệt trong nội dung và thao tác hiện đại hoá tư tưởng Nho giáo về mặt “dân chủ” giữa Trần Trọng Kim với Tân Nho gia hiện đại Trung Quốc.

GS.TS. Hoa Hữu Lân (Viện NC phát triển KT-XH Hà Nội) phát biểu về báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Thu Hường

Tham luận cuối cùng của toạ đàm là “Tính hài hoà trong chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc giai đoạn 1961-1970, trọng tâm là nguồn vốn và nguồn nhân lực” của ThS. Nguyễn Thị Thu Hường (Bộ môn Hàn Quốc học). Bài nghiên cứu khảo sát phương hướng sử dụng nguồn vốn và nguồn nhân lực được đề ra trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979 (thời điểm cố Tổng thống Park Chung-hee lên cầm quyền). Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra sự kết hợp hài hoà giữa nguồn vốn nội tại với nguồn vốn bên ngoài, giữa việc du nhập phương thức giáo dục phương Tây với các nền tảng đạo đức truyền thống của Hàn Quốc như Khổng giáo hay tinh thần kỷ luật. Nhận xét về báo cáo khoa học này, PGS.TS Nguyễn Duy Dũng (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: bài nghiên cứu đã lựa chọn đúng vấn đề có ý nghĩa then làm nên “sự tích sông Hàn” thần kỳ của Hàn Quốc vào thập kỷ 60,70 của thế kỷ trước, khi Hàn Quốc từ một nước nghèn nàn lạc hậu đã trở thành con rồng châu Á. Đó là việc sử dụng hợp lý nguồn vốn và nguồn nhân lực. Thành công của bài viết không chỉ giúp nhận biết từng nội dung trong cách thức tiến hành chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc mà còn lý giải vấn đề đó một cách có cơ sở cả về lý thuyết và thực tiễn, qua đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý cho sự phát triển của Việt Nam.

Chuỗi toạ đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” do Quỹ Toshiba tài trợ nhằm hướng tới thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và giao lưu học thuật của cán bộ trẻ, đồng thời đẩy mạnh việc chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học mới về Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. Dự kiến, buổi toạ đàm thứ ba trong chuỗi toạ đàm khoa học này sẽ được tổ chức vào tháng 11/2014.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây