Ngôn ngữ
GS. TS. Nguyễn Văn Khánh và GS. TSKH. Ivan Ilchev (Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Sofia, Bulgaria). (Ảnh: Trần Điệp Thành gửi USSH)
Từ 10/6 đến 12/6, tại Thủ đô Sofia, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đã có các buổi làm việc với GS.TSKH. Ivan Ilchev, Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Sofia, đại học đứng đầu đất nước Bulgaria. Tham gia làm việc còn có PGS. Maria Stoicheva (Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học), GS. Plamen Mitev (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử), GS. Alexander Fedotoff (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông). Về nội dung buổi trao đổi với Đại học Tổng hợp Sofia, cả hai Hiệu trưởng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên theo khuôn khổ của Văn bản hợp tác được ký kết 4/9/2012. Cụ thể, trong thời gian tới sẽ triển khai việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (dự kiến vào tháng 10/2014) tại Đại học Tổng hợp Sofia. Để chuẩn bị cho công việc này, Đại học Tổng hợp Sofia dự kiến mời hai giảng viên của Trường sang dạy về Lịch sử, Văn hóa, Luật và Chính trị Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông. Trong thời gian tiếp theo, Đại học Tổng hợp Sofia sẽ cử sinh viên sang thực tập ngắn hạn tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam tại Trường ĐHKHXH&NV.
Làm việc với Khoa Triết học, PGS. Maria Stoicheva, Phó Chủ nhiệm Khoa đã bày tỏ nguyện vọng cùng với Trường ĐHKHXH&NV đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và các dự án nghiên cứu chung về các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm như: những vấn đề xã hội dân sự ở Bulgaria, vấn đề tôn giáo, quá trình chuyển đổi về kinh tế - văn hóa - xã hội ở Bulgaria và kinh nghiệm cho Việt Nam. Năm 2015, Khoa Triết học, Trường Đại họ Tổng hợp Sofia dự kiến sẽ tổ chức một hội thảo thường niên (vào tháng 6 hàng năm) về Liên minh Châu Âu tại Sofia và sẽ mời giảng viên nghiên cứu, giảng dạy về Châu Âu của Trường ĐHKHXH&NV tham dự Hội thảo này.
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh cũng đã thăm quan Thư viện của Đại học Tổng hợp Sofia, một thư viện lớn thứ 2 ở Bulgaria với 2,5 triệu tư liệu trong đó có những tài liệu rất quý hiếm từ thế kỷ 17, thăm quan Vườn thực vật của Trường với nhiều loại cây có giá trị đặc biệt.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh đang xem các tài liệu quý tại Thư viện của ĐH Tổng hợp Sofia, Bulgaria. (Ảnh: Trần Điệp Thành gửi USSH)
Tại Thủ đô Mát-xcơ-va của Liên bang Nga (từ ngày 13 đến ngày 17/6), GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Mát-xcơ-va. Tiếp đoàn gồm có GS.TS. T.V. Kuznetsova, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Mát-xcơ-va; GS.TS L.S. Zharkova, Phó Hiệu trưởng thường trực, và các Phó Hiệu trưởng phụ trách khoa học, đối ngoại, đào tạo. Trong buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Trường ĐH Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia Mát-xcơ-va đã giúp cho Trường đào tạo cán bộ ngành thông tin thư viện và văn hóa trong thời gian qua cũng như hiện nay. Hiệu trưởng hai trường, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh và GS.TS. Kuznetsova đã ký Văn bản hợp tác để thiết lập chính thức mối quan hệ hợp tác khoa học hai bên trong thời gian tới trong các lĩnh vực thông tin thư viện, văn học, nghệ thuật học, điện ảnh. Chủ đề về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng được hai bên thảo luận cho một dự án nghiên cứu, hội thảo chung trong thời gian tới.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh và GS.TS. T.V. Kuznetsova (Q. Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Mát-xcơ-va) cùng trao văn bản hợp tác vừa ký kết. (Ảnh: Trần Điệp Thành gửi USSH)
Ngoài ra, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh còn có buổi làm việc với các chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam: TS. Evgeny Kobelev, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt -Nga và là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam; TS. Anatoli A. Sokolov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga để trao đổi về vấn đề nghiên cứu Biển Đông và xuất bản các công trình về lịch sử và văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga.
Bên cạnh thời gian làm việc chính thức, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đã dành thời gian tại Mát-xcơ-va đến viếng Lăng Lê - nin, Tượng đài các Liệt sĩ vô danh, thăm quan Bảo tàng Lịch sử, và tiếp xúc với Đại diện Hội người Việt ở Nga nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác giữa Trường với cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục và giao lưu văn hóa.
Tác giả: Trần Điệp Thành
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn