Ngôn ngữ
Tập kịch bản “Nợ non sông” gồm 7 vở: “Cao Bá Quát”, “Nguyễn Công Trứ”, “Nợ non sông”, “Những khoảnh khắc Hồ Chí Minh”, “Người trở về”, “Quỷ mặt người”, “Quan thanh tra”. Phần lớn các kịch bản này đã được sống trong ánh đèn sân khấu với các vai diễn. Nhiều vở kịch trong cuốn sách này được dàn dựng và biểu diễn gây được tiếng vang, một số vở được giải cao trong hội diễn và giải thưởng ngành sân khấu cả nước. Ví dụ, vở chèo “Quan lớn về làng” được xây dựng dựa theo vở kịch “Quan thanh tra” của đại văn hào Nga Nikolai Vassilievich (1809-1852) do tác giả Phạm Quang Long viết kịch bản. Vở chèo đã giành 4 Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2011. Ngoài Huy chương Vàng cho vở diễn, “Quan lớn về làng” còn mang lại 3 giải vàng cá nhân cho các nghệ sỹ Quốc Anh, Thu Huyền và Thu Hằng.
PGS.TS Phạm Quang Long phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Nói về những nhân vật lịch sử được xây dựng trong tác phẩm của mình, tác giả Phạm Quang Long từng chia sẻ: "Tôi viết về họ như những con người sống trước chúng ta thôi. Họ đã nổi tiếng qua nhiều chuyện có thực và không có. Tôi tìm hiểu về họ và lịch sử (chính thống và không chính thống) chỉ có thể cung cấp cho tôi những kết quả của công việc họ đã làm, những lý do họ được tôn vinh hay phê phán. Tôi tìm hiểu những cách thức họ đi đến đó và bất lực vì không đâu chỉ ra cho tôi những việc cụ thể này. Tôi đành viết về họ qua những gì mình hình dung. Cho nên nhân vật của tôi là một nhân vật hư cấu, là sản phẩm của tôi, giống như nhân vật tiểu thuyết, không có gì lấy từ tiểu sử của họ cả".
Theo đánh giá của các nhà phê bình, tập kịch “Nợ non sông” không chỉ có ý nghĩa về mặt thời sự, mà về phương diện khoa học còn có ý nghĩa gợi mở và giải đáp những phức tạp về bản chất của thể loại bi kịch, những đặc trưng thi pháp và thể tài của kịch lịch sử… Do đó, không chỉ dừng lại ở mục đích ra mắt một cuốn sách, sự kiện này còn hướng tới thảo luận những vấn đề khái quát có ý nghĩa phổ biến cho cả một nền nghệ thuật sân khấu thuộc dòng văn học kịch Việt Nam hôm nay.
Các chủ đề cụ thể mà các nhà phê bình, nghiên cứu trao đổi tại hội thảo: đánh giá chung về vở kịch “Nợ non sông” và tập kịch “Nợ non sông” và "hiện tượng" tác giả Phạm Quang Long; tập kịch bản “Nợ non sông” từ góc nhìn thể loại thể tài; mối quan hệ giữa kịch bản văn học và ca kịch truyền thống; mối quan hệ giữa hư cấu nghệ thuật và tư liệu lịch sử trong văn học nghệ thuật; bản chất của bi kịch và lịch sử sân khấu kịch Việt Nam; dự báo sự vận động phát triển của kịch lịch sử…
Hội thảo cũng là dịp ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng văn hoá nghệ thuật. Trong ảnh, PGS.TS Phạm Quang Minh (phải, Phó Hiệu trưởng) trao các quyết định liên quan cho PGS.TS Phạm Thành Hưng (Giám đốc Trung tâm). (Ảnh: Thành Long/USSH)
Sau đây là ghi nhận một vài ý kiến của các nhà phê bình tại hội thảo:
GS. Hà Minh Đức: “Nợ non sông” chứa đựng tư duy mới, suy nghĩ mới
Đối với tác giả Phạm Quang Long thì việc ra mắt quyển sách này là một sự “đột biến”. Quyển sách này có tới tám vở kịch. Đây quả là một sự “ra quân” hoành tráng, là một đóng góp rất đáng được khẳng định của Phạm Quang Long. Bằng chứng là tập kịch này đã được các đoàn chèo, kịch và cải lương dựng vở để công diễn.
Ưu điểm lớn nhất của tập kịch bản này là ở tư duy mới, suy nghĩ mới. Cách nghĩ là điều rất quan trọng và chúng ta tìm ra các cách nghĩ mới là điều rất khó. Phạm Quang Long luôn thể hiện sức suy nghĩ mới mẻ, khả năng hư cấu và tưởng tượng giỏi trong các tác phẩm của mình. Tôi trân trọng tài năng của Phạm Quang Long. Và đây quả là một đột biến “sáng giá”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Kính trọng và ngưỡng mộ tấm gương lao động của anh Phạm Quang Long
“Nợ non sông” là tập kịch bản văn học của một PGS chuyên ngành Lý luận văn học, gồm 7 kịch bản hoàn thành trong 8 năm trên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Đây là giai đoạn tác giả bận rộng với muôn vàn những nhiệm vụ quản lý, những khó khăn của việc gia đình, với những phức tạp của nhân tình thế thái. Đó là một tấm gương lao động cật lực mà riêng tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ. Cao hơn nữa, đó là một niềm đam mê lặng thầm, bền bỉ với nghiệp văn chương, cái nghiệp mà tác giả được đào tạo và tự nghiệp dấn thân.
Chắc chắn với những kịch bản này, anh Phạm Quang Long hoàn toàn xứng đáng là một kịch tác gia đương đại. Ngoài kịch bản, tôi biết trong 8 năm qua, anh còn viết không dưới 200 bài báo cho các phương tiện truyền thông và đang hoàn thành một số tác phẩm văn xuôi khá đặc biệt. Sức làm việc là cật lực, niềm đam mê là thường xuyên. Biết rõ những điều đó, chúng tôi hiểu vì sao ở tuổi 60, anh nhất quyết từ chối những chức vụ hứa hẹn khác để về hưu hẳn, dành cho cơn sáng tạo đang thôi thúc. Biết được điều đó, chúng ta dễ hiểu hơn, tại sao bạn bè đồng trang lứa nhất quyết thuyết phục anh về lại Khoa Văn thân yêu để tiếp tục giúp đỡ nhà trường, đào tạo sinh viên trong hoàn cảnh mới. Và anh đã nể và chiều ý bạn bè.
Văn chương là tiếng chim gọi bầy, tấm gương và tài năng ngầm chảy của anh thúc giục chúng tôi hàng ngày ngồi vào bàn viết, đặng gom góp ít sức già cho truyền thống của Văn khoa Tổng hợp và cho ngôi trường ân nghĩa này.
Một cảnh trong phần cuối của vở kịch "Nợ non sông" do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn (trích đoạn) tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Nhà nghiên cứu Trần Hinh: "Nợ non sông" là một sự phá cách thể tài kịch lịch sử
Phạm Quang Long là một nhà giáo, thậm chí là một nhà giáo giảng dạy môn Lý luận văn học, một chuyên môn có vẻ nghịch lý với lĩnh vực viết sáng tạo như kịch sân khấu. Phạm Quang Long từng nhiều năm tham gia quản lý trên nhiều cương vị khác nhau như: Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Phó Giám đốc ĐHQGHN, và gần đây nhất là Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội. Một chút tư chất nhà giáo, nhà lý luận, nhà quản lý, cộng với những lăn lộn bươn trải để có thể hoàn thành được bấy nhiêu công việc như trên đã giúp ông tích luỹ được nhiều vốn sống để viết nên những vở kịch của mình. Tôi nghĩ bấy nhiêu cũng là đủ để một nhà lý luận trở thành một người viết sáng tạo, như đúng những gì ông đã có trong đời sống sân khấu Hà Nội mấy năm gần đây.
Đời sống sân khấu miền Bắc nhiều năm qua không thể không thừa nhận là quá “èo uột”, nhưng mặt khác cũng không thể phủ nhận có những thời điểm nó cũng cất lên được đôi ba tiếng nói khiến dư luận “dậy sóng”. Dù là nhà viết kịch không chuyên nhưng Phạm Quang Long cũng từng có những vở diễn nằm trong “vệt dậy sóng” đó. Có người không tin khả năng thực sự của ông trong lĩnh vực xa lạ này, cũng có người phản ứng với một vài điểm hư cấu trong những sự kiện lịch sử trong các vở kịch của ông. Bản thân tôi cho rằng nếu coi mảng kịch lịch sử của ông như là một thể tài thực sự thì qua 4 vở kịch trong tập sách của mình, “Nợ non sông” là một sự phá cách thể tài kịch lịch sử.
Đề tài lịch sử luôn là một khó khăn, thách thức với tất cả các nhà văn, nhà viết kịch, nhà làm phim, không chỉ riêng nước ta. Trong rất nhiều năm qua, ở bất cứ lĩnh vực nào của sáng tạo nghệ thuật, từ văn chương, sân khấu đến điện ảnh, tôi đều nghe phàn nàn của chính những người trong cuộc là “èo uột” quá ! Vậy những khó khăn với những cây bút trong lĩnh vực này là gì ? Tại sao những nghệ sỹ được coi là “những người đào sâu suy nghĩ, khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có" mà lại khó khăn như thế ngay trong công việc sáng tạo ? Tôi cho rằng khó khăn nằm trong những suy nghĩ sáo mòn của chính chúng ta. Còn lĩnh vực “viết sáng tạo” tự nó không đặt ra bất cứ một trở lực nào đối với các nghệ sỹ. Bài học “Nợ non sông” của Phạm Quang Long có thể sẽ khai mở cho chúng ta đôi điều suy nghĩ. Phải chăng, với những sáng tác thuộc thể tài lịch sử, người cầm bút trước hết phải dám phá cách, nghĩa là phải dám vượt qua một thứ rào cản vô hình ngăn cản sự suy nghĩ sáng tạo của chính chúng ta. Sự phá cách phải bắt đầu từ chính những người viết, rồi sau đó mới tính đến công chúng khán giả, sau rốt là các nhà quản lý.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn