Hội thảo Giáo dục Ấn Độ-Việt Nam 2019

Thứ ba - 19/03/2019 22:52
Ngày 19/3/2019, tại khách sạn Pan Pacific (Hà Nội), Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giáo dục Ấn Độ-Việt Nam 2019.

Tham dự hội thảo có ngài Parvathaneni Harish (Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam); ông Rajiv Bodwade (Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam); ông Hà Minh Huệ (cựu Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ), GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV). 

Ấn Độ là một trong những nước có nền giáo dục bậc cao tiên tiến với mạng lưới hơn 800 trường đại học. Các cơ quan giáo dục đại học, sau đại học Ấn Độ mang lại nhiều khóa học đa dạng, có chất lượng và tính cạnh tranh cao với chi phí chỉ bằng 1/4 các quốc gia khác. Cùng với đó là môi trường học tập không phân biệt đối xử, đội ngũ giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp, sử dụng tiếng Anh thành thạo, các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc tế, chế độ chuyển tiếp linh hoạt. Hàng năm, Ấn Độ đón hàng ngàn sinh viên Việt Nam tìm kiếm các khóa học tại các trường đại học, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và công nghệ thông tin. Tiếp nối thành công của hội thảo du học Ấn Độ tháng 3/2018, Hội thảo Giáo dục Ấn Độ-Việt Nam 2019 được tổ chức với mục đích tạo cơ hội giao lưu với các cơ sở giáo dục hàng đầu và cung cấp thông tin về hệ thống giáo dục Ấn Độ. Qua đó hướng tới tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục với sự phát triển kinh tế-xã hội của một đất nước. Đối với những nước có nền dân số trẻ như Việt Nam và Ấn Độ (với hơn 2/3 dân số dưới tuổi 35 tuổi), nhu cầu thúc đẩy giáo dục càng trở nên mật thiết. Giáo dục như một tấm giấy thông hành để giúp các bạn trẻ bước vào sự nghiệp trong tương lai. Ấn Độ đã nhận thức rõ điều này qua việc đổi mới hệ thống giáo dục trong hai thập kỷ qua, trở thành một trung tâm hàng đầu châu Á.

Đại sứ Parvathaneni Harish phát biểu tại hội thảo

Đối với quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, hợp tác giáo dục cũng có ý nghĩa to lớn với quan hệ song phương. Điều này được lãnh đạo hai nước nêu bật trong các chuyến thăm cấp cao, chẳng hạn như chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái. Hàng năm, thông qua nhiều chương trình khác nhau như: Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật (ITEC), Chương trình học bổng văn hóa (GCSS), Chương trình trao đổi giáo dục (EEP), chính phủ Ấn Độ dành hàng trăm suất học bổng cho các sinh viên Việt Nam. Các du học sinh Việt Nam tại Ấn Độ đã trở về đóng góp thiết thực cho nước nhà. Với tinh thần đó, ngài Parvathaneni Harish hy vọng thông qua Hội thảo Giáo dục Ấn Độ-Việt Nam 2019, các bạn sinh viên Việt Nam không chỉ tìm cơ hội học bổng mà còn tích cực giao lưu, kết nối với đại diện các trường đại học Ấn Độ.

Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Phạm Quang Minh đánh giá cao sự phát triển của quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam-Ấn Độ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972. Trong quá trình này, Nhà trường mà cụ thể là Bộ môn Ấn Độ học (Khoa Đông phương học) cũng đóng góp một phần công sức thông qua mối hợp tác với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Bộ môn được thành lập năm 2004, đã đào tạo hơn 200 cử nhân và hướng dẫn cho 18 học viên cao học viết luận văn, luận án về Ấn Độ. Bộ môn đã cử 107 lượt sinh viên đi học cao học tại Ấn Độ và tiếp nhận 30 sinh viên, học viên cao học Ấn Độ tới giao lưu, trao đổi hàng năm. Ngoài ra, Bộ môn cùng Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức các buổi nói chuyện với các nhà văn, học giả Ấn Độ, các buổi biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật, tọa đàm và chiếu phim.

GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại hội thảo

Về nghiên cứu, Bộ môn có nhiều đề tài, dự án quốc tế với các cơ sở Ấn Độ như Chương trình Hợp tác nghiên cứu về Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ tại Đông Nam Á, Chương trình Hợp tác nghiên cứu về Phật giáo và Hindu giáo tại Việt Nam, Chương trình nghiên cứu về Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong 45 năm qua. Bộ môn cũng xuất bản nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu về Ấn Độ như Vấn đề bản địa hóa sử thi Ramayana Ấn Độ tại một số nước Đông Nam Á (NXB Văn hóa Thông tin), Giáo trình văn học Ấn Độ (NXB ĐHQGHN), Giáo trình Phong tục tập quán Ấn Độ (NXB ĐHQGHN). Trên cơ sở những thành tựu đó, Trường ĐHKHXH&NV sẽ tiếp tục đồng hành với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cũng như nhân dân, chính phủ Ấn Độ nói chung để đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giáo dục song phương. 

Ông Hà Minh Huệ phát biểu tại hội thảo 

Thay mặt Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, ông Hà Minh Huệ chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của một cựu học viên đã từng học tập tại nước bạn. Là nhà báo Việt Nam đầu tiên được đào tạo tại New Deli, Ấn Độ trong 9 tháng năm 1979, ông bày tỏ sự tin tưởng vào một trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và hàng đầu tại Châu Á. Ông cho rằng, một ưu điểm của các trường đại học Ấn Độ là có nhiều chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, tạo sự thuận tiện cho sinh viên quốc tế. Ông Hà Minh Huệ cũng bày tỏ sự lạc quan vào tương lai của quan hệ giáo dục Việt Nam-Ấn Độ, đồng thời khuyến khích Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức thêm nhiều tọa đàm, triển lãm giới thiệu về các tiềm năng, công nghệ đổi mới-sáng tạo của nền giáo dục đại học nước bạn. 

GS. P. Manoj thuyết trình tại hội thảo

Ông Rajiv Bodwade thuyết trình tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, các cử tọa đã lắng nghe hai bài thuyết trình về "Ấn Độ: Điểm đến giáo dục" của GS. P. Manoj (Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Amrita, Học viện Amrita Vishwa Vidyapeetham) và "Giáo dục tại Ấn Độ" của ông Rajiv Bodwade (Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam). Các bài thuyết trình đã giới thiệu về triết lý giáo dục; chất lượng nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học nổi bật tại Ấn Độ; các ngành và chuyên ngành đào tạo điển hình; các kinh nghiệm đăng ký học bổng, học tập, sinh sống và làm việc tại Ấn Độ; cũng như một số gương mặt cựu du học sinh Việt Nam tiêu biểu. 

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây