Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua văn chương, nghệ thuật và báo chí của Người

Chủ nhật - 24/03/2019 21:49
Ngày 16/3, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã tổ chức buổi tọa đàm nói chuyện chuyên đề về văn chương nghệ thuật và báo chí Hồ Chí Minh với diễn giả là GS.NGND Hà Minh Đức, thu hút đông đảo nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên tham gia.
Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua văn chương, nghệ thuật và báo chí của Người
Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua văn chương, nghệ thuật và báo chí của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Là nhà cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng. Năm 1990, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO thay mặt công đồng quốc tế tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam.

Trong gần 3 giờ liên tục, GS. Hà Minh Đức đã trao đổi, chia sẻ với học viên, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV về cuộc đời và sự nghiệp văn chương, nghệ thuật và báo chí Hồ Chí Minh, từ đó, khái quát về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và những bài học cho thế hệ trẻ. 

Ngay từ đầu thập niên 20 thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng của văn chương, nghệ thuật và báo chí cách mạng, và trong suốt cuộc đời mình, Người đã luôn lấy báo chí làm vũ khí sắc bén để chống thực dân, phong kiến và một phương tiện hiệu quả để tuyên truyền các tư tưởng cách mạng.

Người là tác giả của trên 250 bài thơ, mà nổi bật nhất là tập Nhật ký trong tù gồm 133 bài viết bằng chữ Hán, đồng thời là tác giả của hàng chục truyện ngắn. Hồ Chí Minh viết hàng trăm áng văn chính luận, tiểu phẩm văn học có giá trị, trong đó có những áng văn xuất sắc như Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Di chúc,.. Bên cạnh đó, Người đã sáng lập nhiều tờ báo như Người cùng khổ, Thanh niên, Việt Nam độc lập,… và đã tham gia hoạt động báo chí liên tục trong suốt cuộc đời.

Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của nhân dân trong tiến trình lịch sử, trong sự nghiệp cách mạng. Bác Hồ đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của dân trong sự nghiệp cách mạng của mình. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cả cuộc đời Người là cuộc đời vì dân. Ngay từ những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nói giản dị và ngắn gọn: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện ngay từ mục đích của văn chương, báo chí. Người căn dặn: Vì ai mà mình viết? Mục đích viết để làm gì? Viết cái gì và cách viết thế nào? Đó là những khâu liên hoàn có ý nghĩa phương châm cho báo chí và sáng tác văn học.

Tấm gương vì dân, vì nước, yêu thương và gắn bó, tôn trọng nhân dân của Bác Hồ là kiểu mẫu về đạo đức, phong cách của người cộng sản, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tư tưởng yêu nước, thương dân, trọng dân, suốt đời vì cách mạng, vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, không ham danh lợi, với một lối sống chân thực, giản dị, khiêm nhường của Bác Hồ là tấm gương đạo đức trong sáng để chúng ta noi theo. Đây cũng chính là nội dung cốt lõi mà Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng trong năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tác giả: SJC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây