Nghiên cứu huyền thoại để hiểu hơn về xã hội Việt Nam

Chủ nhật - 24/03/2019 23:27
Phân tích huyền thoại được xây dựng xung quanh những không gian mới như mạng xã hội cho tới những biểu tượng, lễ hội truyền thống đang ngày càng mở rộng quy mô đến tầm quốc gia như vua Hùng, lễ hội đền Hùng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản chất của các hiện tượng xã hội, về cách bản sắc xã hội đang được kiến tạo và bồi đắp như thế nào.
Nghiên cứu huyền thoại để hiểu hơn về xã hội Việt Nam
Nghiên cứu huyền thoại để hiểu hơn về xã hội Việt Nam

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHKXH&NV) phát biểu mở đầu buổi giới thiệu cuốn sách “Việt Nam: Huyền thoại và thực tế”

Đó là một số nội dung trọng tâm được viết trong cuốn sách “Việt Nam: Huyền thoại và thực tế” do một nhóm các nhà nghiên cứu Đức và Việt Nam xuất bản năm 2018 tại Đức, được tài trợ bởi Viện Konrad Adenauer (Đức) và cũng là những chủ đề được thảo luận tại buổi giới thiệu cuốn sách này tại Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội ngày 21/3.

Buổi giới thiệu sách có sự tham dự của các học giả Đức và Việt Nam cùng đại diện một số đại sứ quán nước ngoài

Huyền thoại là những câu chuyện, những truyền thuyết, mà trong đó có thể có cả sự thật và tưởng tượng, hư cấu về một xã hội. Việc phân tích, giải mã, có cái nhìn đa chiều về những huyền thoại sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách những biểu tượng, những câu chuyện, những hiện tượng xã hội đã ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội, đến mỗi cá nhân như thế nào.

Ông Peter Girke - Giám đốc Viện Konrad Adenauer (CHLB Đức) tại Việt Nam phát biểu tại lễ giới thiệu sách

Dưới khung phân tích đó, TS. Bùi Hải Thiêm (Viện Nghiên cứu lập pháp, Quốc hội) đã thảo luận về huyền thoại, ngộ nhận và sự thật xung quanh mạng xã hội ở Việt Nam.

TS. Jorg Wischermann giới thiệu về cuốn sách "Việt Nam: Huyền thoại và thực tế”. Bài trình bày của ông có chủ đề "Thế nào là huyền thoại chính trị và chúng ta có thể học được gì khi nghiên cứu chúng ở Việt Nam và Đức"

Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống hiện đại ở Việt Nam, với khoảng 50 triệu người dùng facebook, chưa kể các mạng xã hội khác, đem tới sự bùng nổ thông tin, có lượt đọc mà hầu như không một tờ báo chính thống nào đạt được, thậm chí tác động rất lớn đến báo chí truyền thống. Với sức mạnh đó, ở thời kỳ đầu được đưa vào sử dụng, mạng xã hội từng được coi là “không gian bình đẳng cho các cá nhân biểu đạt tư tưởng, chính kiến của mình”. “Nhưng trên thực tế, nó có thể là một mảnh đất có nguy cơ thù địch, mang lại những điều xấu, tin giả, tin thất thiệt; mạng xã hội cũng có chức năng tạo sự đồng thuận xã hội, có chức năng giám sát, theo dõi và có thể bị lợi dụng bởi các phe nhóm chính trị, các thế lực kinh tế khác nhau”…, TS. Bùi Hải Thiêm nói.

GS. TS. Thomas Engelberg (Đại học Humburg, Đức)

Những kỳ vọng, ảo tưởng về sức mạnh, sự bình đẳng của mạng xã hội thủa ban đầu đó chỉ là một “huyền thoại mang tính đương đại”. Nhưng tính huyền thoại và tính thực tế của mạng xã hội lại đan xen nhau, khiến người dùng khó phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì vậy, TS. Bùi Hải Thiêm đúc rút lại một số kết luận mang tính “giải mã”: mạng xã hội tạo thông tin và vốn chính trị xã hội hoặc phá bỏ vốn chính trị xã hội của một số người đã từng có; nó cũng giúp bộc lộ và xác định, đưa ra các kẽ hở, vết nứt của những vấn đề từ lịch sử cho tới kinh tế, xã hội; nó là chiến trường cho những cuộc chiến kinh tế, chính trị, sự nổi lên của các nhóm lợi ích khác nhau. Việc hiểu được các chiều hướng thông tin, tính ảo và tính thật của mạng xã hội sẽ giúp người dùng mạng xã hội, có công cụ để hiểu được tính “ảo” và tính “thật” của mạng xã hội, từ đó tỉnh táo hơn trước các luồng thông tin khác nhau.

TS. Bùi Hải Thiêm trình bày bài nói có chủ đề "Huyền thoại chính trị trên mạng xã hội với tư cách là không gian mạng tự do và sự biểu đạt tự do trên mạng trực tuyến ở Việt Nam"

Các biểu tượng văn hóa lâu bền, quen thuộc, phổ biến cũng có thể được tạo dựng, bồi đắp với các kỳ vọng, mục đích khác nhau qua các giai đoạn lịch sử, mà biểu tượng vua Hùng là một trong những ví dụ điển hình, theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm, Đại học Sư phạm Hà Nội.

TS.. Vũ Đức Liêm trình bày chủ đề "Quá khứ huyền thoại và câu chuyện chính trị đằng sau căn tính dân tộc trong Việt Nam đương đại"

Những năm gần đây, lễ hội đền Hùng đón hàng triệu lượt người hành hương (năm 2017 đón tới 8 triệu lượt, trong đó chỉ riêng trong ngày lễ hội 10-3 là 1 triệu người, theo báo Nhân dân1) và là một cuộc hành hương lớn nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Nhưng đó không phải là một sự thật lịch sử, mà là một thành quả của quá trình kiến tạo. Từ thế kỷ 14-15, một văn bản chép tay đầu tiên về phả hệ của 18 đời vua Hùng trong hơn 2500 năm đã trở thành một nguyên liệu đầu tiên mang tính lịch sử, để sau này huyền thoại xung quanh đó được thêu dệt và tiếp tục tưởng tượng.

GS. Nguyễn Huy Quý

Đến thời kỳ hiện đại, trong những năm 1960-1970, các nhà sử học Việt Nam đã liên tục sản xuất tri thức mới về thời kỳ vua Hùng. Còn trong bối cảnh mới hiện nay, với sự thay đổi về chính sách tôn giáo ở Việt Nam, trong khuynh hướng các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt được đẩy mạnh, ảnh hưởng của huyền thoại vua Hùng ngày càng mạnh mẽ hơn. Với việc Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, với hàng loạt nỗ lực của chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương, lễ hội vua Hùng đã được hành chính hóa, quốc gia hóa và có phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở một dân tộc duy nhất (người Kinh) mà còn ảnh hưởng đến các tộc người khác nhau. Có thể nói, việc củng cố biểu tượng vua Hùng là một biểu hiện của việc “tái xác lập bản sắc mới cho văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm nói.

TS. Gerhard Will, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của SWP (Tổ chức Khoa học và Chính trị CHLB Đức) 

Thảo luận với nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm, TS. Phạm Văn Thủy (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) cho rằng, hình tượng vua Hùng cần được gắn với một bối cảnh rộng lớn hơn, đó là việc xây dựng và củng cố tính thống nhất của một quốc gia dân tộc, và gần đây, việc nở rộ quảng bá về vua Hùng còn liên quan đến sự phát triển bùng nổ về kinh tế và sự nở rộ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

TS. Phạm Văn Thủy (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV)

Khẳng định việc xây dựng huyền thoại như huyền thoại lập quốc, huyền thoại về loài người là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử trên thế giới, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) nhận định, các thảo luận được đặt ra trong cuốn sách là rất mới mẻ và cần thiết – để từ đó hiểu thêm về lịch sử cũng như nhiều hiện tượng trong xã hội hiện đại mà chúng ta chưa giải thích được. Ông cũng lưu ý, các thảo luận này mang tính “công cụ” – đem lại cách thức diễn giải khác nhau về lịch sử nhiều hơn là khẳng định và đi tìm một chân lý, một lịch sử.

TS. Đỗ Thùy Lan (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV)

Chú thích:

1 http://nhandan.com.vn/hangthang/item/32743402-gio-to-hung-vuong-nam-2017-don-gan-tam-trieu-luot-du-khach.html

Tác giả: Thu Quỳnh. Ảnh: Công Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây