Khai giảng Khóa học Chính trị Toàn cầu 2019

Thứ hai - 18/03/2019 21:27
Ngày 18/3/2019, Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Trung tâm Chính trị Toàn cầu của Đại học Tự do Berlin (CHLB Đức) khai giảng khóa học mùa xuân với chủ đề “Các khái niệm Đông Nam Á và Châu Âu về ứng xử với các vấn đề toàn cầu”. Tham dự buổi khai giảng có GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng GS.TS Klaus Segbers (Giám đốc Trung tâm Chính trị Toàn cầu, Đại học Tự do Berlin).

Khóa học toàn cầu lần này được tổ chức nhằm thảo luận về những diễn biến mới nhất trên quy mô toàn cầu, trong đó tập trung vào khu vực Đông Nam Á và Châu Âu. Các chuyên đề sẽ đề cập tới những hướng tiếp cận trong chính trị toàn cầu, sự tương tác giữa chính trị trong nước và toàn cầu, cùng những phản ứng của khu vực với các thách thức chính trị-xã hội toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS Phạm Quang Minh đã thay mặt cho Trường ĐHKHXH&NV gửi lời chào tới tất cả các sinh viên tham gia khóa học. Đặc biệt, sự có mặt của các bạn học viên nước ngoài chứng minh cho chiến lược quốc tế hóa mà Nhà trường đang thực hiện. Hiệu trưởng hy vọng các học viên không chỉ lắng nghe bài giảng trên lớp mà còn dành thời gian khám phá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Trung tâm Chính trị Toàn cầu, Quỹ DAAD và Văn phòng Quỹ Konrad-Adenauer tại Việt Nam đã hỗ trợ công tác tổ chức.

Thay mặt Đại học Tự do Berlin, GS.TS Klaus Segbers cho biết, Trung tâm Chính trị Toàn cầu rất vinh dự khi lần thứ 5 cùng với Trường ĐHKHXH&NV, Văn phòng Quỹ Konrad-Adenauer tại Việt Nam tổ chức Khóa học Chính trị Toàn cầu. Sự góp mặt của sinh viên nhiều nước trong khóa học phản ánh mối quan tâm của giới trẻ với các diễn biến trên chính trường quốc tế, đồng thời cũng tạo điều kiện so sánh góc nhìn giữa các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Qua đó, các học viên mỗi nước có thể vạch ra những kịch bản tiềm năng cũng như giải pháp để vượt qua những thách thức hiện nay.

Khóa học sẽ kéo dài từ ngày 18/3 tới hết ngày 28/3 và bao gồm 8 chuyên đề: Những hướng tiếp cận mới với chính trị toàn cầu; Sự chuyển dịch quyền lực và tính phức tạp của toàn cầu hóa – Các góc nhìn từ Châu Âu và Đông Nam Á; Liên minh Châu Âu (EU) như là một dự án khu vực; ASEAN như là một dự án khu vực và vai trò của Đông Nam Á trong hệ thống toàn cầu; Vai trò của Châu Âu trong hệ thống toàn cầu; Truyền thông Đức và ứng xử với các vấn đề toàn cầu; Truyền thông Việt Nam và ứng xử với các vấn đề toàn cầu; Trò chơi mô phỏng –Khôi phục hòa bình ở Fontania. Xen kẽ các bài giảng là các bài thuyết trình, bài tập trực tuyến, báo cáo tóm tắt và luận văn. Các học viên cũng sẽ tham quan Vịnh Hạ Long vào chiều ngày 19/3 và sáng ngày 20/3.

Khóa học có sự tham gia của 22 học viên Việt Nam và quốc tế đến từ Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Học viện Ngoại giao Việt Nam; Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN; Đại học Ngoại ngữ Huế; Đại học Tubingen (Đức); Đại học Ludwig-Maximilians-Munich (Đức); Đại học Humboldt (Đức), Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia); Đại học Pannasastra Campuchia.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây