Tin tức

Thuyết trình về nhân quyền và giáo dục nhân quyền

Thứ ba - 26/03/2019 21:25
Ngày 26/3/2019, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng các cán bộ, giảng viên Nhà trường đã tiếp và lắng nghe bài thuyết trình của GS.Donald B. Holsinger (Văn phòng Giáo dục Nhân quyền Geneva).

GS.TS Phạm Quang Minh chụp ảnh lưu niệm với GS.Donald B. Holsinger và phu nhân

Bài thuyết trình của GS.Donald B.Holsinger có chủ đề “Từ khát vọng tới tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm tuyên ngôn Nhân quyền”. Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp. Tuyên ngôn bao gồm 30 điều khoản, liệt kê các quyền tối thiểu mà mọi cá nhân, được hưởng, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo…hay bất cứ hoàn cảnh nào khác. Việt Nam gia nhập Tuyên ngôn này vào năm 1982. 

Tuy Tuyên ngôn có phạm vi điều chỉnh toàn cầu, giữa các nước thành viên Liên hợp Quốc đã nảy sinh nhiều khác biệt trong việc diễn giải và áp dụng khái niệm nhân quyền. Theo GS.Donald B. Holsinger, trong lịch sử không phải quốc gia nào cũng sẵn lòng tuân thủ 30 điều khoản đã được đặt ra. Bởi mỗi quốc gia có những đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục riêng. Thậm chí còn nảy sinh sự bất đồng quan điểm về một số điều khoản, nhất là trong những lĩnh vực tự do tôn giáo-tín ngưỡng, tự do biểu đạt.

GS.Donald B.Holsinger

Là một người dành gần nửa cuộc đời trải nghiệm đời sống đa dạng ở các quốc gia ngoài quê hương, GS. Donald B.Holsinger phản đối sự áp đặt quan điểm nhân quyền của quốc gia này lên quốc gia khác. Ông cũng cho rằng, sự phát triển kinh tế của một quốc gia không nhất thiết tương đồng với mức độ đảm bảo nhân quyền; và nhân quyền cũng không đồng nhất hoàn toàn với hạnh phúc. Trên thực tế, có rất nhiều quốc gia phát triển đã và đang chịu sự chỉ trích vì một số vấn đề nhân quyền. Ngược lại, ở một số quốc gia kém phát triển như Mozambique, người dân sống rất hạnh phúc và bày tỏ niềm lạc quan vào tương lai. Đối với Việt Nam, GS. Donald B.Holsinger đánh giá cao sự tiến bộ của nước ta trong thực thi nhân quyền cũng như nâng cao hạnh phúc của người dân trong thời gian vừa qua. Một bằng chứng là năm 2018, Việt Nam được bầu chọn là một trong 5 quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index) cao nhất thế giới.

Để thúc đẩy sự thực thi nhân quyền, GS.Donald B.Holsinger coi giáo dục là một những yếu tố then chốt. Bởi chỉ qua việc giáo dục công dân về quyền và trách nhiệm của bản thân, mỗi quốc gia mới giúp họ hiểu đúng bản chất của khái niệm nhân quyền. Qua đó tránh được những hiểu lầm và xung đột lợi ích khi áp dụng khái niệm này. Trong quá trình này, các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học cũng đóng vai trò quan trọng, bởi đây là nơi mà giới tinh hoa, ưu tú của xã hội học tập và làm việc. Theo GS.Donald B.Holsinger, chính những học giả, giảng viên đại học như các cán bộ của Trường ĐHKHXH&NV sẽ là tầng lớp thức thời và nhạy cảm nhất với những vấn đề nhân quyền của đất nước.

GS. Donald B.Holsinger cũng dành thời gian thảo luận với các cử tọa về các chủ đề như các trường phái và cuộc tranh luận lớn về vấn đề nhân quyền hiện nay; những rào cản trong thực thi nhân quyền ở các quốc gia; những vấn đề lý luận cơ bản về nhân quyền hiện nay; mối liên hệ giữa sự xung đột lợi ích chính trị với xung đột nhân quyền. 

GS.Donald B. Holsinger hiện công tác tại Văn phòng Giáo dục Nhân quyền Geneva; đồng thời là nhà xã hội học, giáo sư ưu tú về Nghiên cứu phát triển quốc tế tại Đại học Brigham Young từ năm 2007. Ông nhận bằng Tiến sĩ về Giáo dục Phát triển Quốc tế tại Đại học Stanford năm 1972. Ông cũng từng làm Cố vấn giáo dục cấp cao cho Ngân hàng thế giới từ năm 1975-1987.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây