Ngôn ngữ
Hội thảo có sự tham gia của của khoảng 60 học giả từ nhiều quốc gia khác nhau và đại diện các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về du lịch trong và ngoài nước.
Phát triển du lịch không chỉ đem lại các lợi ích kinh tế mà còn góp phần giảm nghèo đói, tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy giao lưu văn hóa cũng như hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng đi kèm với những vấn đề môi trường, chẳng hạn như gia tăng lượng chất thải, ô nhiễm nước và không khí, biến đổi khí hậu. Cùng với đó là những tệ nạn xã hội như tỉ lệ mại dâm hay trộm cắp, thường gắn liền với sự gia tăng du khách trong nước và quốc tế.
Những quan ngại này đã khiến người ta phải quan tâm hơn tới sự “phát triển du lịch bền vững”. Theo định nghĩa của tổ chức WTO năm 2005, du lịch bền vững là “loại hình du lịch xem xét toàn diện các tác động kinh tế, xã hội và môi trường ở hiện tại cũng như tương lai, đáp ứng nhu cầu của du khách, các ngành công nghiệp, môi trường sống và cộng đồng nơi diễn ra các hoạt động du lịch đó”. Ở các nước Đông Nam Á, nơi có sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch, vấn đề phát triển du lịch bền vững là một mối quan tâm xuyên suốt. Tuy đang ở trong những giai đoạn khác nhau của lộ trình phát triển du lịch, tất cả các nước Đông Nam Á đang gặp phải những vấn đề do du lịch thiếu bền vững trong nước/quốc tế gây ra.
Trong bối cảnh này, Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững: Bài học kinh nghiệm cho các nước Đông Nam Á” được tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý du lịch trao đổi, chia sẻ kiến thức, các kết quả và phương pháp nghiên cứu liên quan đến công tác này. Hội thảo tập trung làm rõ tình hình hiện tại cũng như những vấn đề thiết yếu của du lịch bền vững ở Đông Nam Á, trong đó có những tiền lệ, thách thức, hạn chế, sự hợp tác giữa các nước trong Đông Nam Á. Từ đó đề ra những giải pháp, hàm ý và khuyến nghị cho các nước.
GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo không chỉ ở góc độ khoa học mà còn ở khía cạnh xã hội. Hội thảo là tín hiệu tích cực, cho thấy sự tham gia của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á trong góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững mà Liên hợp Quốc đề ra. Ngoài ra, Hiệu trưởng bày tỏ niềm vinh dự khi Trường ĐHKHXH&NV tiếp tục đảm nhiệm vai trò diễn đàn học thuật để các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trong nước tiếp thu, trao đổi ý kiến với các đối tác nước ngoài; đóng góp vào mục tiêu đổi mới, hội nhập quốc tế của Nhà trường nói riêng và Việt Nam nói chung.
ThS. Claudia Linditsch (Đại Học Khoa học Ứng dụng Fh Joanneum - Cộng hòa Áo) giới thiệu về Dự án TOURIST
Cũng trong phiên khai mạc, các đại biểu lắng nghe bài thuyết trình giới thiệu về Dự án TOURIST của ThS. Claudia Linditsch (điều phối viên Dự án, Đại Học Khoa học Ứng dụng Fh Joanneum - Cộng hòa Áo). Dự án TOURIST tập trung xây dựng các trung tâm năng lực để phát triển du lịch bền vững và các chiến lược quản lý tài chính sáng tạo, nhằm nâng cao tác động tích cực của du lịch ở Thái Lan và Việt Nam. Dự án tiến hành bồi dưỡng các phương pháp quản lý du lịch và tài chính cho bảy trường đại học Việt Nam và Thái Lan thông qua 4 khóa đào tạo; tiến tới thiết lập mạng lưới và diễn đàn chuyển giao kiến thức TOURIST. Ba trường đại học Việt Nam tham gia vào dự án: Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM; Đại học Huế.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Sau phiên khai mạc, hội thảo diễn ra tới hết ngày 4/12 với 4 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Khái quát hóa phát triển du lịch bền vững
Tiểu ban 2: Sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển du lịch bền vững
Tiểu ban 3: Các hình thức khác nhau của du lịch bền vững
Tiểu ban 4: Hoạch định và quản lý phát triển du lịch bền vững
Tác giả: Trần Minh, Ảnh: Phan Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn