Tin tức

Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững ở khu vực Đông Nam Á - những vấn đề đặt ra”

Thứ năm - 02/11/2017 12:22
Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Đại học Greifswald (Cộng hòa Liên bang Đức) và Đại học Huế tổ chức vào ngày 2/11/2017. Đây là hoạt động thuộc dự án “Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam” do Quỹ DAAD (Cộng hoà Liên bang Đức) tài trợ. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Việt Nam, CHLB Đức, Philippines, Myanmar, Japan, Lào, Malaysia và Nhật Bản. 

Phát triển du lịch không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần xóa nghèo, tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy trao đổi văn hóa cũng như hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng liên hệ với một số vấn nạn môi trường, chẳng hạn như sự gia tăng chất thải, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Ngoài ra sự gia tăng của tệ nạn xã hội như mại dâm, trộm cắp... đều liên quan tới sự gia tăng du khách trong nước và quốc tế. Mối quan ngại về sự xuống cấp của phát triển du lịch đã khiến phát triển du lịch bền vững được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Ở Đông Nam Á, cùng với sự tăng trưởng du lịch chóng mặt ở tất cả các nước trong khu vực, vấn đề phát triển du lịch bền vững cũng đã được đề cập từ sớm và có những nghiên cứu kỹ lưỡng...

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu chào đón các vị khách tham dự hội thảo 

Hội thảo quốc tế được tổ chức tại Trường ĐHKHXH&NV nhằm tạo diễn đàn học thuật cho các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, quan chức chính phủ, người hành nghề du lịch... thảo luận, mở rộng hiểu biết, chia sẻ các nghiên cứu thực nghiệm và tư vấn về lĩnh vực phát triển du lịch bền vững. Trọng tâm của hội thảo là làm rõ những tình hình hiện nay cũng như bàn về các vấn đề trọng yếu với du lịch bền vững ở Đông Nam Á, trong đó có bối cảnh, thách thức, hạn chế và sự cộng tác giữa các bên liên quan. Các giải pháp, hàm ý và hoạt động tư vấn cũng được đề xuất dựa theo những kết quả đó. Hội thảo quy tụ các diễn giả chính từ các trường đại học cũng như những cá nhân đi đầu trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Tuy hiện tại, tất cả các nước ở Đông Nam Á đang ở giai đoạn phát triển rất khác nhau trong vòng đời du lịch-đời sống, tất cả đều gặp những vấn đề do du lịch địa phương và/hay quốc tế gây ra.

Các tham luận trình bày những quan điểm đậm tính vùng, thậm chí địa phương, về những vấn nạn liên quan tới tăng trưởng này và chỉ ra cách thức ứng xử từ các bên liên quan ở địa phương. Nội dung của các tham luận phản ánh những khía cạnh xã hội, sinh thái hay kinh tế khác nhau của du lịch (bền vững). Một số tham luận tiêu biểu như: Hướng tới phát triển du lịch bền vững ở phía nam Bang Shan - nghiên cứu trường hợp về Kalaw như một điểm du lịch; Di sản văn hóa với du lịch bền vững: Nghiên cứu so sánh giữa Thị trấn Luang Prabang và Hội An;  Sự nổi lên của kinh tế du lịch tiếng Nga ở Nha Trang, Việt Nam; Phân tích so sánh - hướng tiếp cận và chiến lược du lịch bền vững: Các sáng kiến du lịch cộng đồng ở nông thôn…

Du lịch không chỉ là ngành kinh doanh, mà còn là một lĩnh vực hoạt động về xã hội và môi trường liên quan tới nhiều người ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Qua việc tổ chức hội thảo này, một số khó khăn trong du lịch ở Đông Nam Á ngày nay được làm rõ, đồng thời một số nghiên cứu trường hợp về thành công trong thực hiện tính bền vững du lịch được trình bày. Nhiều tham luận cho thấy những khó khăn chưa được giải quyết – do đó vẫn còn một con đường dài để tiến tới sự bền vững trong phát triển du lịch trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng khu vực Đông Nam Á. Hội thảo đóng góp cách nghĩ cũng như cách hàng động mới cho tất cả các bên liên quan để nhận dạng, thay đổi hay giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây