Tin tức

Hội thảo về phát triển CTĐT theo chuẩn CDIO

Thứ năm - 16/01/2014 21:55
Ngày 15/1/2014, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức hội thảo về phát triển CTĐT theo chuẩn CDIO với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, cán bộ làm công tác quản lý, đào tạo tại các khoa, bộ môn trực thuộc.
Hội thảo về phát triển CTĐT theo chuẩn CDIO
Hội thảo về phát triển CTĐT theo chuẩn CDIO

Các đại biểu đã nghe TS. Linda Lee (Tư vấn viên của Trường Bách khoa quốc tế Singapore) thuyết trình tổng quan về mô hình học tập và giảng dạy theo CDIO.

CDIO (Conceive – hình thành ý tưởng; Design – thiết kế ý tưởng; Implement – thực hiện; Operate – vận hành) là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra (CĐR) để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội.


TS Linda Lee thuyết trình tại hội thảo. (Ảnh: Thành Long/USSH)

Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và nâng cấp các chương trình đào tạo phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, từ khâu xây dựng CĐR, thiết kế khung chương trình, chuyển tải khung chương trình vào thực tiễn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ Chương trình.

CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT (Mỹ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ.

Bản chất và đặc điểm của cách tiếp cận theo quy trình CDIO là cách tiếp cận phát triển dựa vào kết quả đầu ra và hướng vào giải quyết hai câu hỏi trung tâm: Sinh viên ra trường cần phải đạt được tri thức, kỹ năng và thái độ gì (Dạy cái gì)? Cần phải làm như thế nào để sinh viên ra trường có thể đạt được các tri thức, kỹ năng và thái độ đó (Dạy như thế nào)?

Dạy cái gì phải xuất phát từ việc điều tra các nhóm đối tượng liên quan đến chương trình đào tạo (stakeholders), từ đó xác định ra các mục tiêu của chương trình đào tạo và trên cơ sở đó thiết kế chuẩn đầu ra CDIO (CDIO Syllabus – hay còn gọi là dự kiến kết quả đầu ra) và khung chương trình (Curriculum) với các môn học tương ứng với các cấp mục tiêu của chuẩn đầu ra CDIO. Dạy như thế nào phải xuất phát từ 12 tiêu chuẩn của CDIO, từ đó thiết kế từng môn học với phương pháp dạy và học phù hợp. 12 tiêu chuẩn đó là: Nội dung của CDIO; Sản phẩm của chương trình CDIO; Chương trình tích hợp; Giới thiệu về công nghệ; Đào tạo về thiết kế và xây dựng; Môi trường học tập của CDIO; Tích hợp các kinh nghiệm học tập; Học tập chủ động; Các giảng viên tăng cường ứng dụng các kỹ năng CDIO; Nâng cao năng lực của giảng viên; Đánh giá các kỹ năng CDIO; Đánh giá các chương trình CDIO.

Những trao đổi tại hội thảo đã cung cấp cho cán bộ quản lý của Trường ĐHKHXH&NV những kiến thức và thông tin hữu ích về một giải pháp mới, góp phần xây dựng CTĐT đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao, thích nghi với thực tiễn của thị trường lao động.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây