Có thể dùng hình ảnh như vậy để nói tới các thành viên của CLB Cầu lông Khoa Quốc tế học được đại diện cho Trường đi tham dự giải đấu cầu lông với tên gọi “PolyU Squina 2012 Asian Universities Invitational Badminton Tournament”.
Diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 7 năm 2012 tại Hồng Kông, đây là giải đấu nằm trong chuỗi các hoạt động để chào mừng kỉ niệm 75 năm thành lập Đại học Bách khoa Hồng Kông (The Hong Kong Polytechnic University).
Trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông được thành lập năm 1937, lúc đầu chỉ là một trường thương mại nhỏ của chính phủ và chính thức được đổi thành Đại học Bách khoa Hồng Kông vào năm 1994. Thành tựu nổi bật của Đại học Bách khoa Hồng Kông được thể hiện trên 7 khía cạnh chính là sự thừa nhận quốc tế (tốp 150 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Times Higher Education năm 2010 và tốp 30 trường đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng của QS Asian University Ranking 2011), đào tạo nguồn nhân lực (đã đào tạo được hơn 300.000 người trong 75 năm qua), chuyển giao tri thức (hơn 700 dự án tư vấn phục vụ hơn 400 công ti và tổ chức với doanh thu hơn 100 triệu đô la Hồng Kông năm 2009/2010), các giải thưởng sáng tạo (hơn 160 giải thưởng bao gồm 50 giải thưởng trong các triển lãm sáng tạo quốc tế), nghiên cứu xuất sắc (đang thực hiện 2.681 dự án nghiên cứu trị giá 1.410.3 triệu đô la Hồng Kông), hợp tác quốc tế (là đối tác của 560 trường ở 40 nước và vùng lãnh thổ) và phục vụ cộng đồng (từ năm 2004-2010: hơn 6.800 sinh viên và cán bộ của trường đã phục vụ 490.000 người nghèo khó ở Hồng Kông).
Tham gia giải đấu cầu lông do Đại học Bách Khoa Hồng Kông tổ chức kỉ niệm 75 năm thành lập, ngoài đoàn Trường ĐHKHXH&NV đến từ Việt Nam, còn có 14 đội khác đến từ Trung Quốc lục địa (Đại học Giao thông Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Kinh tế và Tài chính Nam Kinh, Đại học Tongji, Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc), từ Hồng Kông (Đại học thành phố Hồng Kông, Học viện Giáo dục Hồng Kông, Đại học Hồng Kông Baptist, Đại học Bách khoa Hồng Kông), từ Ma Cao (Đại học Ma Cao), từ Đài Loan (Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan), từ Thái Lan (Đại học Thương mại Thái Lan) và từ Indonesia (Đại học Indonesia).
Giải đấu được tổ chức với hai nội dung là đồng đội và cá nhân. Đoàn Việt Nam lần đầu tham dự giải cũng đăng kí đủ ở các nội dung đồng đội (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ) và ba nội dung cá nhân (đơn nam, đôi nam và đôi nữ).
Mặc dù rất nỗ lực và cố gắng hết mình, nhưng lần đầu tiên ra thi đấu ở nước ngoài, lại trước các trường có phong trào thể thao mạnh và các vận động viên có đẳng cấp (đoàn Thái Lan có sinh viên là vận động viên tham dự Seagames 22, đoàn Đại học Kinh tế và Tài chính Nam Kinh có sinh viên là vận động viên tham dự Olimpic Bắc Kinh 2008), đoàn Việt Nam chỉ giành được duy nhất một trận thắng nội dung đôi nam trước Đại học Ma Cao và xếp ở vị trí thứ 15 toàn đoàn. Giành chức vô địch ở nội dung đồng đội là Đại học Giao thông Bắc Kinh, các đoàn Đại học Khoa học và công nghệ Trung Quốc, Đại học Thương mại Thái Lan và Đại học Tongji Trung Quốc lần lượt ở các vị trí 2, 3, 4.
Giải đấu đã kết thúc thành công vào ngày 26 tháng 7 với các trận chung kết nội dung cá nhân, cụ thể vô địch đơn nam và nữ đều thuộc về Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đôi nam và đôi nữ thuộc về Đại học Thương mại Thái Lan và đôi nam nữ thuộc về Đại học Indonesia.
Tham dự giải của Đại học Bách Khoa Hồng Kông lần này, Trường ĐHKHXH&NV đã cử PGS.TS. Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) làm trưởng đoàn và ThS Ngô Tuấn Thắng (Chuyên viên Khoa Quốc tế học) làm quản lí cùng 6 vận động viên, trong đó có 3 sinh viên khoa Quốc tế học (Nguyễn Hữu Thành K53, Trần Thị Kim Tuyến K54, Nguyễn Bích Việt Anh K55), 2 sinh viên khoa Đông Phương học (Trần Văn Toản và Cao Thị Minh Châu K55) và 1 sinh viên khoa Khoa học chính trị (Phan Duy Anh K53).
Trong thời gian ở Hồng Kông đoàn đã được Trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông chủ nhà đón tiếp hết sức chu đáo, nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thi đấu và sinh hoạt. Đoàn cũng có cơ hội giao lưu, học hỏi với sinh viên của các đoàn bạn, đem hình ảnh của Trường ĐHKHXH&NV đến với bạn bè quốc tế.
Bài học lớn nhất mà các thành viên của đoàn rút ra là có một khoảng cách rất lớn giữa các trường đại học thế giới với các trường đại học Việt Nam (từ thể lực, kĩ thuật, trang thiết bị và điều kiện luyện tập) và muốn “bơi ra biển lớn mà không bị sóng cuốn chìm” thì chúng ta phải thay đổi nhận thức và cách thức về học và chơi thể thao nói chung, môn cầu lông nói riêng.