Mô hình phục vụ, hỗ trợ, chăm sóc sinh viên: trải nghiệm tại Singapore

Thứ hai - 01/10/2018 04:06
Từ 26 đến 30/8/2018, đoàn cán bộ, chuyên viên trong lĩnh vực công tác học sinh và sinh viên của ĐHQGHN do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Phó Giám đốc ĐHQGHN) dẫn đầu đã đến thăm một số cơ sở giáo dục tại Singapore. Mục đích của chuyến đi là để trao đổi và học tập kinh nghiệm triển khai mô hình phục vụ, hỗ trợ, dịch vụ, chăm sóc sinh viên trong trường đại học.
Mô hình phục vụ, hỗ trợ, chăm sóc sinh viên: trải nghiệm tại Singapore
Mô hình phục vụ, hỗ trợ, chăm sóc sinh viên: trải nghiệm tại Singapore

03 cơ sở giáo dục hàng đầu của Singapore mà đoàn đến thăm là Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Học viện Quản lý Singapore (SIM) và Viện Đào tạo Bách khoa Singapore (SP). Sau những ngày làm việc tại trường bạn, chúng tôi - những người trực tiếp làm công tác học sinh, sinh viên tại các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN - đã đúc rút được những kinh nghiệm quý trong hoạt động hỗ trợ sinh viên.  

Đại học Quốc gia Singapore: hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện

Tại Đại học Quốc gia Singapore, đoàn đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách chuyên môn của Ban Công tác sinh viên và được biết: Đại học Quốc gia Singapore xây dựng cổng thông tin trực tuyến hỗ trợ sinh viên; các chương trình phát triển kỹ năng, tư vấn hướng nghiệp được tổ chức định kỳ và khá thường xuyên. Mỗi năm, Trường gửi những sinh viên ưu tú tới các tập đoàn, các công ty đa quốc gia để thực tập và quan trọng hơn là để các em được truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp.

Đại học Quốc gia Singapore hành lập hơn 200 câu lạc bộ ngoại khóa dành cho sinh viên và khuyến khích sinh viên tham gia với khẩu hiệu: hãy ra ngoài lớp học và trải nghiệm các hoạt động đầy hứng thú! Tại Trung tâm Dịch vụ sinh viên, sinh viên được tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến học phí, đào tạo và hành chính: từ các vấn đề về chi trả học phí, hóa đơn, tặng thẻ giảm giá đi du lịch cho sinh viên, cung cấp bảng điểm... cho đến chứng nhận tham gia các hoạt động, chứng nhận sinh viên, cấp Thẻ sinh viên, dịch vụ báo thất lạc và tìm đồ… Đây là một mô hình dịch vụ hết sức tiện ích đối với sinh viên.

Đại học Quốc gia Singapore thành lập Trung tâm thể thao cho sinh viên với trang thiết bị hiện đại cho nhiều loại hình thể thao: sân bóng đá, bể bơi ngoài trời, phòng tập đa năng, phòng tập Gym, phòng tập Squash, phòng tập Yoga… Đây là những cơ sở vật chất cần thiết để đảm bảo sinh viên được học tập và rèn luyện một cách toàn diện.

Để thực hiện mục tiêu “Giúp người học phát triển một cách toàn diện như những công dân toàn cầu và trở thành những nhà lãnh đạo tiên phong tạo sự thay đổi”, Đại học Quốc gia Singapore hết sức chú trọng đến hoạt động của Trung tâm kết nối cộng đồng. Trung tâm này có chức năng tổ chức và kết nối sinh viên tham gia những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, không những ở Singapore mà còn mở rộng sang các nước khác. Trung tâm từng triển khai một số dự án tại Việt Nam như: Dự án dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Hà Giang, Dự án Thiết kế và Xây dựng phòng học công nghệ thông tin ở Trà Vinh, Dự án Xây dựng lại phòng học bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão Monsoon ở Đồng Nai… Đây là một cơ hội để sinh viên học tập, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau và có những đóng góp hữu ích đối với cộng đồng.

Học viện Quản lý Singapore: chú trọng sinh viên quốc tế

Tại Học viện Quản lý Singapore (SIM), Trung tâm học tập cho sinh viên được thành lập với chức năng hỗ trợ các vấn đề liên quan đến đào tạo cho sinh viên. SIM là Học viện tư thục hàng đầu và lớn nhất tại Singapore, hàng năm nhận số lượng lớn các sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều sinh viên khó khăn trong việc học tập và nghiên cứu bằng tiếng Anh. Trung tâm có trách nhiệm giới thiệu cho sinh viên này những hội thảo, những buổi thảo luận về Kỹ năng nghiên cứu và Viết luận bằng tiếng Anh; đồng thời tổ chức những buổi học nhóm về một số vấn đề trong học tập hoặc hỗ trợ một số môn học cụ thể. Những tình nguyện viên sẽ là sinh viên năm cũ hoặc cựu sinh viên. Họ hướng dẫn sinh viên quốc tế cách viết luận, cách ghi bài và thậm chí là kỹ năng nghiên cứu chuyên môn để có thể hoàn thành chương trình học một cách tốt nhất.

Điểm đặc biệt trong mô hình chăm sóc và hỗ trợ người học tại SIM là Học viện này đã thành lập Trung tâm sức khỏe sinh viên. Trung tâm này có chức năng hướng dẫn người học quản lý tình trạng sức khỏe cá nhân một cách hiệu quả, cả về thể chất, tinh thần, tình cảm và quan hệ xã hội. Trung tâm luôn luôn sẵn sàng tư vấn tâm lý khi người học gặp trở ngại cá nhân, cần chuyên gia hướng dẫn. Trung tâm khuyến khích sinh viên tham gia vào các buổi tiệc trà, nói chuyện, hội thảo xoay quanh các chủ đề: giải pháp ăn uống lành mạnh, nâng cao sức khỏe thể chất, lợi ích của các môn thể thao, cách kiểm soát căng thẳng, bí quyết để tạo mối quan hệ có chất lượng...

Viện Đào tạo Bách khoa Singapore: đề cao công tác hướng nghiệp và vai trò của cựu sinh viên

Trong chuyến thăm và làm việc tại Viện Đào tạo Bách khoa Singapore (SP), chúng tôi đã được tiếp cận với những điểm mới trong mô hình hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên. SP mời những chuyên gia có kinh nghiệm của các công ty và tập đoàn đa quốc gia làm giảng viên giảng dạy. Họ sẽ không giảng dạy lý thuyết thông thường mà sẽ đưa ra những bài tập thực hành là chính những vấn đề vướng mắc của công ty, tập đoàn mình để sinh viên đưa ra hướng giải quyết khắc phục. Đây chính là cách hỗ trợ hướng nghiệp cho người học một cách hiệu quả nhất. Người học có thể tiếp cận với những vấn đề mang tính thời sự của doanh nghiệp.

ThS. Nguyễn Thanh Mai (chuyên viên Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐHKHXH&NV) tham gia đoàn công tác của ĐHQGHN

Chúng tôi cũng thấy được sự kết nối chặt chẽ giữa Viện với mạng lưới cựu sinh viên. Viện coi trọng các cựu sinh viên, quan niệm cựu sinh viên chính là niềm tự hào của đơn vị đào tạo. Họ chính là những nhân tố quan trọng đóng góp cho sự thành công của Viện. Tại đây có văn phòng làm việc riêng cho cựu sinh viên. Đồng thời, cựu sinh viên cũng tích cực tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình học, thực tập và làm việc với vai trò cố vấn học tập, cố vấn nghề nghiệp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề; tài trợ cho các hoạt động học tập và chương trình ngoại khóa cho sinh viên; nhận thực tập sinh hoặc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp…

Những gợi ý cho ĐHQGHN

Những trải nghiệm về mô hình hoạt động hỗ trợ, phục vụ, chăm sóc sinh viên tại 3 cơ sở giáo dục hàng đầu của Singapore đưa đến cho chúng tôi những ý tưởng mới có thể áp dụng tại Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN:

Một là, thành lập Trung tâm tư vấn tâm lý cho sinh viên. Đây là hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ người học vượt qua những chướng ngại tâm lý cá nhân. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có đến gần 90% người học đến từ các tỉnh thành, trong đó khoảng 40% người học đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi môi trường sống, sinh hoạt và học tập có sự khác biệt không nhỏ với Hà Nội. Chính vì vậy, người học sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, e ngại khi bắt đầu cuộc sống sinh viên. Trung tâm tư vấn tâm lý sẽ là nơi cung cấp, hỗ trợ chuyên môn về tâm lý; tư vấn, lắng nghe những khó khăn, những khúc mắc trong học tập, trong sinh hoạt và cuộc sống của người học.

Hai là, cần có nhiều không gian và hoạt động hơn để tăng cường sức khỏe cho người học. Để đảm bảo cho sinh viên có thể phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, các em cần có điều kiện và không gian để tham gia các hoạt động ngoài lớp học một cách lành mạnh. Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao của Đại học Quốc gia Hà Nội cần được cải tổ cả về cơ sở vật chất và mô hình hoạt động để có thể phục vụ người học một cách tốt nhất.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho sinh viên là cả một quá trình lâu dài, không phải chỉ dành cho sinh viên năm cuối.

Ví dụ, tại Học viện Quản lý Singapore, sinh viên có rất nhiều cơ hội tham gia các buổi thảo luận, các buổi hội thảo hoặc ngày hội về định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm do cựu sinh viên và các công ty, tập đoàn tổ chức. Sinh viên năm cuối không học chuyên môn mà chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu, tham gia các hoạt động này, làm thực tập sinh hoặc tham gia các hoạt động cắm trại định hướng nghề nghiệp để mở rộng cơ hội tiếp cận nghề nghiệp.

Theo các cuộc điều tra thường niên của SIM, 60% sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống các trường đại học tư nhân tìm được việc làm chính thức trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp và đạt mức lương 2.550 đôla Singapore. Trong khi đó, 82,7% sinh viên tốt nghiệp từ SIM tìm được việc làm toàn thời gian trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp với mức lương 2.700 Đôla, 18,8% còn lại đã làm việc bán thời gian hoặc những công việc tự do khác.

Bốn là, số liệu về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp nên được điều tra chủ yếu qua các nhà tuyển dụng và cựu sinh viên.

Thông qua những cuộc phỏng vấn nhóm giữa chúng tôi với các đồng nghiệp tại Đại học Quốc gia Singapore, Học viện Quản lý Singapore, Viện Đào tạo Bách khoa Singapore, chúng tôi được biết các đơn vị chủ yếu tiến hành điều tra thông tin việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp thông qua nhà tuyển dụng là cựu sinh viên. Vì qua đó, chúng ta không những biết chính xác và chân thực thông tin về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp mà còn biết được mặt mạnh, mặt hạn chế của sinh viên. Để từ đó, Nhà trường có những điều chỉnh về chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Năm là, Đại học Quốc gia Hà Nội nên ban hành qui định về việc cấp Giấy chứng nhận cho những sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện. Đây sẽ là những minh chứng giá trị khi sinh viên tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây