Ngôn ngữ
Tiến sĩ Kristy Hess hiện là giảng viên ngành Truyền thông, Khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Trường Đại học Deakin (Úc), đồng thời là Phó Tổng biên tập của tạp chí Digital Journalism. Đây là một tạp chí trẻ, mới 6 năm tuổi, nhưng là một trong những tạp chí nổi tiếng ở Mỹ và trên giới.
Tuy nhiên, bà từng có những thất bại trong những ngày đầu gửi bài viết của mình đến các tạp chí khoa học thế giới. Trước năm 2009, bà không có một chút kinh nghiệm gì về xuất bản. Lúc đó, khi muốn xuất bản một bài viết liên quan đến lĩnh vực mình đang nghiên cứu, bà có tham vọng và đã lựa chọn một tờ tạp chí nổi tiếng thế giới về nghiên cứu văn hóa để gửi bài đăng. Bà đã làm việc hết sức chăm chỉ để viết bài và chờ đợi phản hồi hàng tháng trời từ Ban biên tập tạp chí sau khi gửi bài. Bà tỏ ra hào hứng khi nhận được email của một thành viên trong ban biên tập. Bà nghĩ đây là một tin tốt. Tuy nhiên, khi đọc thư bà nhận được lời nhận xét như sau: “Nội dung bài báo không có gì nổi bật và chúng tôi không thể đăng bài của bạn”. Bà đã khóc và coi đó là điều không thể chấp nhận được bởi đã bỏ ra nhiều công sức nhưng kết quả đạt được thật tệ hại. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó bà đã lấy lại sự tự tin để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Thất bại đầu tiên đó cho bà một bài học, đó là sự kiên định với mục tiêu và tiếp tục những nỗ lực của mình. Theo bà đây là hai phẩm chất tiên quyết nếu muốn có xuất bản quốc tế.
Kristy Hess chia sẻ về hiện trạng bài viết về Việt Nam trên tạp chí Digital Journalism như sau: “Khi tôi nhìn vào tạp chí và nội dung tạp chí cho tôi thấy Việt Nam rất gần trong trái tim tôi. Tôi thấy buồn vì không có nhiều học giả Việt Nam có bài trên tạp chí của tôi. Chỉ có 5 bài viết về Việt Nam nhưng tiếc đó không phải của các học giả người Việt Nam”.
TS. Kristy Hess chia sẻ về công bố quốc tế tại trường quay của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
TS. Kristy Hess cho biết ngoài tính kiên định và nỗ lực còn cần đến sự sáng rõ. Người nghiên cứu cần phải biết tranh luận của mình rõ ràng đến đâu? Thế giới hiểu bạn là ai và lĩnh vực nghiên cứu của bạn là gì? Tại sao chúng ta cần phải xuất bản? Một người nghiên cứu tham gia vào lĩnh vực xuất bản là đã tham gia vào một cuộc trò chuyện lớn, biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn: “Người nghiên cứu phải luôn nhận thức rằng tác phẩm của chúng ta không chỉ liên quan đến bản thân ta, mà còn liên quan đến trong nước và quốc tế. Nhiều người nghĩ nước Mỹ là trung tâm của thế giới, thực tế không phải là như vậy. Khi viết một bài báo, chúng ta phải xem sự uyên thâm là gì? đang truyền cảm hứng tới ai? đối tượng tác động là gì, phương pháp nghiên cứu cổ xưa hay hiện đại?”.
Muốn viết một bài quốc tế theo Kristy Hess, chúng ta phải có tư duy quốc tế. Việc coi mình là một nhà nghiên cứu rất quan trọng. Hiện nay Google đưa tin rất nhanh. Google là nơi tìm kiếm thông tin về lĩnh vực chúng ta đang nghiên cứu. Nếu chưa có một lý lịch khoa học quốc tế thì chúng ta nên nghĩ về nó. Chưa có một bài đăng quốc tế chưa phải là một điều quan trọng. Vấn đề là phải nghĩ về việc công bố quốc tế và nỗ lực thực hiện nó. Mỗi nhà nghiên cứu cần có 6 keywords để định nghĩa lĩnh vực nghiên cứu mà mình đang theo đuổi. Những từ khóa này liên quan đến chủ đề nghiên cứu và là cái tạo nên sự khác biệt, dấu ấn cá nhân của nhà nghiên cứu. Ví dụ, 6 từ khóa nghiên cứu của bà là: local media/news sustainability/community/culture/social order/power. Những từ khóa cần rõ ràng, sáng tỏ và dễ nhớ. Từ khóa giúp cho biên tập viên xác định được chuyên ngành nghiên cứu của người viết bài, từ đó định ra chất lượng của bài viết.
Nhà nghiên cứu ban đầu không nên tìm những tạp chí hàng đầu để đăng bài, bởi nó nhưng là một sự đánh cược; không nên tìm một hàng dài danh sách các tạp chí mà chỉ tìm từ 1 đến 3 tạp chí gần gũi với lĩnh vực nghiên cứu của mình. Kristy Hess nhấn mạnh: “Tìm tạp chí là cần thiết, nhưng không nên tìm những tạp chí hàng đầu, bởi sự thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng là liên tục. Một tạp chí nhỏ có thể vươn lên xếp thứ hạng cao. Hãy hướng đến những tạp chí phù hợp với mình nhất. Hãy tìm tạp chí phù hợp bằng chính từ khóa nghiên cứu mà mình có”. Sau tờ tạp chí hàng đầu từ chối, bà đã gửi bài viết bị từ chối đó tới một tạp chí có thứ bậc thấp hơn ở Úc và đã thành công.
Nhà nghiên cứu sau khi tìm được tạp chí phù hợp thường bỏ qua công đoạn quan trọng này. Đó là xem danh mục các bài viết trên tạp chí để biết xem đã có những ai có bài viết gần gũi với thiên hướng nghiên cứu của mình.
Nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ cố gắng tóm tắt lại luận văn, luận án của mình trong một bài viết tầm 7.000 chữ. Công việc này thực chất quá phức tạp. Theo Kristy Hess, những người này nên tập trung vào một kết quả nghiên cứu trong công trình của mình, rồi mở rộng tài liệu và phạm vi nghiên cứu. Người Úc gọi cách thức cắt nhỏ vấn đề nghiên cứu là “thái lát mỏng”. Với cách này, từ một luận văn, luận án, nhà nghiên cứu có thể hướng tới nhiều bài viết hoặc một cuốn sách. Trong những bài viết nghiên cứu định tính cần phải liên kết với một lý thuyết nào đó.
Một nhà nghiên cứu không thể viết bài trong một hai ngày. Khi nhận được một bài viết, Hội đồng biên tập cần ít nhất hai tuần để thảo luận với nhau. Kristy Hess nhấn mạnh: “Bạn có thể nhận được email từ chối. Bạn có thể rất buồn, nhưng đừng từ bỏ hai nguyên lý cơ bản: kiên định và nỗ lực. Nhờ đó tôi đã trưởng thành từ sự thất bại”.
Tác giả: PGS.TS Trần Viết Nghĩa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn