Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh
Nhiều sinh viên giỏi không xin được việc
- Mới đây, bảng xếp hạng hệ thống giáo dục của các quốc gia U21 do Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kinh tế và Xã hội thuộc Đại học Melbourne từ năm 2012, xếp hạng top 50 quốc gia hàng đầu thế giới, Việt Nam không có mặt trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Chúng ta cần nhìn nhận từ hai phía, không thể chỉ là từ phía trường đại học mà còn từ phía xã hội và thể chế kinh tế của chúng ta.
Một nền kinh tế thị trường nhưng chưa hoàn thiện, đang trong quá trình hình thành, một xã hội vẫn chưa dựa vào việc đánh giá con người qua năng lực thì lỗi không chỉ ở phía trường đại học.
Thực tế, nhiều sinh viên khá giỏi của chúng tôi ra trường vẫn không xin được việc.
- Tình trạng đó, sẽ dẫn tới hệ quả gì, thưa ông?
Nó sẽ tác động tới các em khác. Các em sẽ hỏi tại sao lại phải học giỏi, học nhiều trong khi các bạn khác ra trường không cần học giỏi, học nhiều mà vẫn có công ăn việc làm?
Tình trạng của Việt Nam bây giờ là thiếu rất thiếu mà cũng rất thừa. Thiếu người giỏi đáp ứng được công việc. Thừa người không làm được việc.
Mà cái này đã nói rất nhiều, thậm chí có người nói, có tới ¾ những người trong hệ thống công quyền không đáp ứng được yêu cầu. Do tiêu chí tuyển vào rất thấp hoặc do các yếu tố a, b, c nào đó.
Nhưng không thể đưa họ ra khỏi bộ máy được. Vì họ là viên chức mất rồi.
- Tự chủ trường đại học đang là xu thế chúng ta hướng tới, là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy điều này có phải là rào cản?
Tôi cho đó là rào cản lớn nhất. Muốn tự chủ phải đưa ra khỏi danh sách những người không đáp ứng được công việc. Tuy nhiên không thể, vì vi phạm luật lao động. Trong khi, cũng không thể lấy người mới vào, vì bộ máy sẽ phình ra rất to.
Tôi cũng vậy, trong tay tôi có tới 500 nhân sự, trong số đó nhiều người không đáp ứng được yêu cầu. Nhưng tôi không thể sa thải ai. Đó là điều mà tôi nghĩ tự chủ vẫn là câu chuyện nói nhiều, nhưng chưa giải quyết được tận gốc.
Giảng viên đại học phải là tiến sĩ thật
- Con số chỉ có 27% giảng viên đại học của chúng ta có trình độ tiến sĩ, so với các nước trong khu vực (trung bình khoảng 70%) cũng rất đáng suy nghĩ. Có phải điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học?
Đây là vấn đề lớn. Đã là giảng viên đại học theo tôi là phải có trình độ tiến sĩ. Nếu chỉ là trình độ cử nhân, tốt nghiệp đại học dạy đại học thì không được. Thạc sĩ dạy đại học thì cũng không đúng quy định.
Mà phải là tiến sĩ thực sự. Con số 27% tiến sĩ này nếu được đào tạo nghiêm túc, bài bản, chất lượng tốt thì nền giáo dục cũng không đến nỗi nào. Sợ nhất trong số đó vẫn còn tiến sĩ rởm.
- Câu chuyện về “tiến sĩ giấy” cũng đã được nói tới quá nhiều. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?
Các nước trên thế giới không có hình thức thi vào các chương trình tiến sĩ như của ta, mà họ được tuyển chọn bởi chính các giáo sư, những chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu.
Ví dụ khi một giáo sư có chương trình nghiên cứu, họ sẽ đăng tuyển khắp nơi để chọn được các nghiên cứu sinh đáp ứng đúng yêu cầu, mức độ cạnh tranh rất cao, cả trong và ngoài nước.
Chúng ta thì thi, thông qua bài luận, không thể đánh giá được trình độ nghiên cứu sinh. Hội đồng cũng đánh giá chung chung theo quy định chứ không thực sự xem người này có khả năng nghiên cứu hay không.
Ngoài ra, các trường cũng cần có nhiều nghiên cứu sinh để hoàn thành chỉ tiêu, tăng thêm nguồn thu. Vì vậy, các trường nhiều khi chỉ phỏng vấn sơ bộ, nghiên cứu hồ sơ, xem ai nộp vào mà đáp ứng những tiêu chí về mặt cứng thì nhận.
- Từ đó dẫn tới sự khác biệt về chất lượng tiến sĩ giữa ta và “tây”, thưa ông?
Ở nước ngoài, từ khi bắt đầu thực hiện đề tài, các giáo sư sẽ phải một mặt thực hiện chương trình nghiên cứu, mặt khác đào tạo các nghiên cứu sinh trong quá trình thực hiện chương trình nghiên cứu thông qua các hoạt động thí nghiệm, điền dã, đi nước ngoài, tham gia hội thảo.
Các nghiên cứu sinh sẽ trưởng thành dần. Họ không phải trả học phí, mà vẫn có kinh phí để nghiên cứu và hoàn thành yêu cầu của giáo sư. Mỗi một luận án hoàn thành đều là một công trình khoa học có ý nghĩa thực sự, giải quyết một vấn đề khoa học thực sự...
Còn ở ta, nghiên cứu sinh phải lo tiền ăn, tiền ở, thời gian nghiên cứu thì ít... Học không đến nơi đến chốn, sau 3 năm trình ra một luận án thường có chất lượng không cao, rất ít điều mới.
Luận án nào cũng ghi là nguồn tài liệu tham khảo quý cho các nhà nghiên cứu, quản lý và những ai quan tâm, chứ không biết giá trì thực như thế nào, ít đóng góp cho học thuật và cuộc sống.
Đem niềm vui và lợi ích cho xã hội thì không cần thiết bằng cấp
- Bằng cấp giả, bằng mọi cách để có được bằng cấp, xét cho cùng cũng liên quan tới “văn hóa bằng cấp” của ta?
Điều này ảnh hưởng từ truyền thống Khổng giáo, khoa cử từ hàng nghìn năm nay rồi. Theo đó, người muốn làm quan thì phải học, phải thi đỗ các kỳ thi của triều đại phong kiến.
Nhà nước hiện nay cũng tuyển dụng những người có bằng cấp. Nên nhiều cán bộ sử dụng bằng không thật, bằng mọi giá để lấy được tấm bằng. Tất nhiên nếu bằng cấp thật thì tốt, vì có học thì có hơn. Nhưng nhiều người đã lạm dụng điều đó.
- Và nó cũng liên quan tới câu chuyện bằng mọi giá phải vào được đại học, thưa ông?
Đúng vậy. Ở Đức không có trường đại học nổi tiếng, nhưng họ tự hào có những công nhân lành nghề nhất thế giới, làm ra được những máy móc, ô tô thuộc hàng tốt nhất thế giới.
Hệ thống giáo dục của Đức gọi là hệ thống giáo dục song hành, hay hệ thống kép. Từ năm lớp 6, học sinh được phân ra thành hai hướng: Một là những người có khả năng học đại học. Và hai là đi theo hướng các trường thực hành và nghề.
Không ai buồn khi phải vào học trường nghề, trường thực hành và không theo hướng đại học. Và chỉ có 1/3 số học sinh theo hướng học đại học còn lại 2/3 theo nghề và trường thực hành.
Điều này đúng vì năng lực con người là đa dạng. Người có năng lực nghiên cứu, người có năng lực nghệ thuật, người có năng lực thể thao, người làm những công việc chân tay, trí óc... Điều đó là bình thường.
Nhưng ở ta, học dốt cũng phải cố vào đại học bằng mọi giá, vì có bằng đại học thì xin việc dễ hơn.
- Mạng xã hội đã lan truyền câu chuyện, thủ khoa thi đậu đại học ngoại thương bán bánh tráng trộn. Và sau khi ra trường vẫn quay trở về với nghề bánh tráng. Ông có suy nghĩ gì về câu chuyện này?
Tôi nghĩ có lẽ bạn đó chỉ muốn chứng minh mình có thể học ở trường đại học hàng đầu thôi chứ tấm bằng đó cũng không cần thiết. Vì bạn ấy vẫn có niềm vui trong nghề làm bánh tráng trộn. Bạn ấy muốn chứng minh người làm bánh tráng cũng có thể học đại học, nhưng bạn ấy không có đam mê nào khác ngoài nghề làm bánh tráng.
Xã hội cứ nhìn nghề bánh tráng là nghề thấp kém. Nhưng tôi nghĩ nếu cứ đem niềm vui và lợi ích cho xã hội thì nghề nào cũng cao quý, không cần thiết bằng cấp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo khoahocdoisong.vn
Tác giả: Mai Loan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn