Ngôn ngữ
Hội thảo có sự tham dự của ông Peter Girke (Trưởng đại diện Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam), GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN), GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) và nhiều nhà giáo, nhà khoa học trong lĩnh vực Lịch sử.
Tọa đàm gồm 2 phiên. Phiên I có chủ đề “Những vấn đề cơ bản trong việc đổi mới biên soạn sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông”. Chủ đề của phiên II là “Đổi mới biên soạn sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông: thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Trọng tâm của toạ đàm là thảo luận về những hạn chế của việc dạy và học Sử hiện nay và đề xuất những cải cách, đổi mới trong biên soạn SGK bậc phổ thông.
GS Hiệu trưởng Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc toạ đàm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, GS.TSKH Vũ Minh Giang nêu luận điểm: Việt Nam là quốc gia mà lịch sử là điểm tựa về văn hóa và truyền thống nên lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó việc dạy và học Sử luôn nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội nói chung và các nhà giáo dục nói riêng.
Hiện nay, việc dạy Lịch sử ở bậc phổ thông đang có nhiều vấn đề còn tồn tại. Đó là việc dạy Sử chú trọng nhiều vào kiến thức và học thuộc khiến học sinh thấy nhàm chán. SGK Lịch sử thì ngồn ngộn số liệu khô cứng. Việc dạy chỉ tương tác một chiều từ giáo viên tới học sinh. Học sinh cảm giác bị áp đặt quan điểm khi học...
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng cần đổi mới ngay cả về tư duy giảng dạy và cách thức tổ chức giảng dạy Lịch sử. Bởi vì “chúng ta đang bước sang một thời kỳ mà con người có thể học tập, tiếp cận tri thức từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương thức khác nhau. Trường học không còn là kênh học tập duy nhất”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu đề dẫn toạ đàm.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, có nhiều điểm cần phải tính đến trong quá trình biên soạn SGK Lịch sử phổ thông. Đó là cần chuyển mạnh từ tiếp cận nội dung, kiến thức Lịch sử sang tiếp cận năng lực học tập. SGK phải được biên soạn theo hướng khơi gợi sự sáng tạo và năng lực tư duy của học trò. Cách viết SGK Lịch sử phải thể hiện được rằng Lịch sử là một khoa học, có tính khách quan chứ không phải là những cách đánh giá chủ quan, bất biến. Hay dung lượng kiến thức lịch sử đưa vào SGK bao nhiêu thì đủ ? Làm thế nào để SGK hấp dẫn và dễ tiếp cận đối với người học, từ nội dung, tiêu đề cho đến hình ảnh mình họa, hình thức trình bày...? Có nên áp dụng các yếu tố CNTT xây dựng digital textbook? Làm thế nào để nội dung SGK phù hợp với sự đa dạng về trình độ phát triển, nhận thức của học sinh từng khu vực, sao cho vừa đảm bảo tính phổ quát mà không cào bằng ?
Chia sẻ quan điểm của GS.TSKH Vũ Minh Giang, GS.NGND Vũ Dương Ninh (nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV) cũng cho rằng kiến thức lịch sử trong SGK hiện nay còn “nặng” về nội dung kiến thức. Với suy nghĩ coi SGK là “pháp lệnh” nên người viết thì dồn hết các nội dung, kiến thức lịch sử vào sách, thầy giáo thì không dám dạy khác SGK, học trò cũng không dám học gì khác ngoài SGK. Năng lực tư duy, khả năng phân tích, thuyết trình, đưa ra chính kiến và bảo vệ quan điểm của mình... lại không được khuyến khích thúc đẩy ở bậc phổ thông. Về hình thức, SGK Lịch sử ít hình vẽ, biểu đồ, minh hoạ mà chủ yếu là chữ, nên không hấp dẫn người học.
GS.NGND Vũ Dương Ninh phát biểu tại toạ đàm
Về đội ngũ những người tham gia biên soạn SGK, GS.NGND Vũ Dương Ninh khẳng định đó là những giáo sư giỏi, kiến thức rộng và chuẩn mực. Tuy nhiên khi biên soạn sách cho lứa tuổi học sinh, đôi khi các thầy chưa tính đến đặc trưng tiếp nhận của lứa tuổi này nên “dồn nén” kiến thức chưa phù hợp. Rồi những yếu tố khác như sự hiểu biết về công nghệ thông tin, cách vận dụng, chuyển hóa kiến thức dưới nhiều hình thức thể hiện sinh động … chưa được chú trọng đúng mức.
GS.NGND Vũ Dương Ninh đúc rút 3 điều nên tránh khi viết SGK phổ thông, đó là tránh tham lam kiến thức, tránh trình bày dài dòng và tránh áp đặt ý kiến chủ quan.
Toạ đàm có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và Đức
Đề cập đến việc dạy học Lịch sử thế giới trong chương trình phổ thông, GS.TS Trần Thị Vinh cho rằng cấu tạo nội dung kiến thức về lịch sử thế giới theo nguyên tắc “đồng tâm”, tức là kiến thức lịch sử về các giai đoạn được dạy lặp đi lặp lại ở cả 3 cấp gây nhàm chán. Theo khảo sát, nội dung về lịch sử thế giới ở cấp THCS chỉ chiếm 12% tổng thời lượng chương trình, đó là một tỷ lệ khiêm tốn so với thế giới. Bên cạnh đó, chưa có sự gắn kết đồng đại giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong chương trình SGK. Nội dung kiến thức về chiến tranh, cách mạng quá nhiều trong tương quan so sánh với các nội dung quan trọng khác như lịch sử kinh tế, văn hóa, văn minh, thành tựu khoa học kĩ thuật nhân loại…
Khi viết phần sử thế giới trong SGK, theo GS.TS Trần Thị Vinh thì điều quan trọng là cần dựa vào chuẩn mực chung của thế giới nhưng phải nhìn sử thế giới từ góc nhìn của người Việt Nam, có sự gắn kết với lịch sử Việt Nam.
GS.TS Trần Thị Vinh phát biểu về đổi mới biên soạn SGK phần lịch sử thế giới
Chia sẻ những kinh nghiệm biên soạn SGK lịch sử ở các nước, PGS.TS Ngô Minh Oanh (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng mỗi nước có điều kiện kinh tế - xã hội, nền giáo dục, trình độ học vấn, tập quán và thói quen khác nhau nên việc vận dụng kinh nghiệm nước ngoài vào Việt Nam cần được tính toán kỹ. Nhưng nền giáo dục nào cũng cần những cuốn SGK đẹp, hấp dẫn về nội dung và hình thức; chú trọng phát triển năng lực học sinh trên cơ sở các nguồn tư liệu và thông tin phong phú khác nhau và thuyết phục người đọc bằng các nguồn thông tin đa dạng. Do đó, SGK Lịch sử cần được chú trọng đầu tư biên soạn cho tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của môn học này, sao cho SGK không được là rào cản cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Ông Peter Girke (Trưởng đại diện Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam) đánh giá cao chất lượng của toạ đàm và gợi ý xây dựng nội dung thảo luận này thành một dự án hợp tác giữa Nhà trường và Quỹ KAS
Phát biểu ở phiên tổng kết toạ đàm, ông Peter Girke (Trưởng đại diện Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam) cho biết ông đã có thêm những hiểu biết mới về hoạt động biên soạn SGK - một công việc tưởng đơn giản nhưng trên thực tế rất phức tạp và đòi hỏi phải có sự nhìn nhận cẩn thận từ nhiều phía và chấp nhận những quan điểm khác nhau. Việc giảng dạy lịch sử còn là con đường, là phương tiện tạo ra sự hòa giải trong lịch sử. Việc dạy Sử phải nhằm hướng tới xây dựng tư duy độc lập và phê phán. Bị thuyết phục bởi nội dung trao đổi chất lượng tại toạ đàm, ông Peter Girke bày tỏ mong muốn biến nội dung bàn luận này thành một dự án nghiên cứu dài hạn giữa Nhà trường và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung trong tương lai.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn