Tin tức

Thuyết trình về truy cập mở, dữ liệu mở và phương pháp mở

Thứ sáu - 14/09/2018 06:31
Sáng nay (14/9/2018), GS. Ben Marwick (Đại học Washington, Seattle, Hoa Kỳ) đã thuyết trình trước các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ của Trường ĐHKHXH&NV về chủ đề: truy cập mở (open access), dữ liệu mở (open data) và phương pháp mở (open methods). Chủ đề được đánh giá là quan trọng và hữu ích cho các nhà nghiên cứu trẻ trong việc tìm kiếm thông tin khoa học, chia sẻ dữ liệu, tăng độ “phủ sóng” cho công trình nghiên cứu, qua đó nâng cao khả năng công bố quốc tế.
Thuyết trình về truy cập mở, dữ liệu mở và phương pháp mở
Thuyết trình về truy cập mở, dữ liệu mở và phương pháp mở

Theo GS. Ben Marwick, nhiều người lầm tưởng rằng truy cập mở (open access) là một dạng tạp chí đặc biệt mà bạn phải trả tiền để được đăng bài. Nhưng truy cập mở nói chung là làm cho một bài báo miễn phí bằng bất cứ cách nào để ai cũng có thể đọc. Tại sao cần truy cập mở ? Thứ nhất là để đóng góp tri thức và thông tin cho cộng đồng xã hội, thứ hai là để cải thiện độ "phủ sóng" của bài nghiên cứu.

GS. Ben Marwick minh họa bằng một biểu đồ quy trình xuất bản. Ở giai đoạn đầu, nhà nghiên cứu hoàn thành nghiên cứu của mình, sau đó gửi bản thảo đến nhà xuất bản để được bình duyệt (peer-review). Sau đó, tác giả sửa lại theo yêu cầu rồi gửi lại; trải qua hai, ba lần bình duyệt như vậy thì biên tập viên sẽ đánh giá khả năng xuất bản của bài viết. Khi bản thảo vẫn còn ở dạng file word thì tác giả còn sửa được cho tới khi bản cuối cùng tới biên tập viên. Sau đó, nhà xuất bản sẽ chuyển nó thành dạng PDF và tác giả không thể chỉnh sửa được nữa. Vậy khi đang nắm bản word cuối cùng, tác giả có thể đăng tải nó lên trang web preeprint repository (Kho dữ liệu trước khi in). Đây là một trang miễn phí ai cũng có thể truy cập và tải xuống bài viết của bạn.

Khác với bài báo thông thường, sau khi đã xuất bản trên tạp chí thì người dùng phải trả tiền để tải về. Thư viện tại các trường đại học thường trả tiền đăng ký mua một tạp chí nào đó để giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường có thể tải bài viết, dữ liệu về. Nhưng có nhiều trường không có đủ kinh phí cho việc này. Do đó, nếu các nhà nghiên cứu muốn đăng tải bài báo của mình lên tạp chí, mà vẫn muốn càng nhiều người đọc càng tốt thì preeprint là một giải pháp.

Diễn giả là GS. Ben Marwick (Đại học Washington, Seattle, Hoa Kỳ). Thời gian qua, Trường ĐHKHXH&NV thường xuyên mời các học giả quốc tế đến thuyết trình, nói chuyện và chia sẻ tri thức, thông tin khoa học về nhiều chủ đề cho cán bộ trẻ.

GS. Ben Marwick cũng giới thiệu dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trước khi in tại Social Archive Preprint, rất phù hợp với các ngành khoa học xã hội. Bất cứ ai trong ngành khoa học xã hội có thể đăng tải lên kho lưu trữ này. Kho lưu trữ mở này có tính đáng tin cậy, thể hiện ở việc website phải cấp cho bạn một số chứng minh vật thể số (digital object identifier), giúp cho người khác dễ dàng trích dẫn bài viết của bạn hơn, dễ thấy hơn. Thứ hai, nó cung cấp thống kê về lượng truy cập bài viết của bạn.

Bàn về những lợi ích công cộng của truy cập mở, GS. Ben Marwick cho rằng các nghiên cứu viên luôn muốn đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Đại học Harvard là một trong những trường đầu tiên khuyến khích các học giả của mình đăng tải bài viết miễn phí, và họ đã xây dựng kho truy cập mở vào năm 2008. Họ cũng cho độc giả bình luận các bài viết và đã nhận được hàng ngàn bình luận bày tỏ lý do muốn tải các bài viết. Bên cạnh đó, truy cập mở còn đem đến những lợi ích về kinh tế rất rõ ràng cho các trường đại học và các nhà nghiên cứu.

Về lợi ích cá nhân của truy cập mở, diễn giả đặt câu hỏi: bằng cách nào thì bài báo của bạn được nhiều trích dẫn hơn, tạp chí chính thống hay truy cập mở? Trong một nghiên cứu với hơn 100 bài báo, người ta thấy khả năng được trích dẫn của các bài báo truy cập mở tăng từ 25-500% so với các bài chính thống. Một thống kê khác, với các bài báo có truy cập mở về kinh tế học, số lượng trích dẫn tăng lên 3 lần, và các bài báo KHXH&NV cũng vậy.

“Vậy nếu bạn nghiên cứu trong một ngành phát triển nhanh thì cần đăng tải lên một nguồn truy cập mở để người ta biết ngay tới kết quả của mình. Ngoài ra, các website này còn khuyến khích bạn chia sẻ link bài báo lên facebook, twitter, hoặc một bài viết liên quan trên Wikipedia. Có nhiều học giả tranh luận bằng các bài báo của họ qua Twitter. Vậy nên ta cần thừa nhận tầm quan trọng nhất định của mạng xã hội và các nguồn phi chính thống khác” - GS. Ben Marwick nói.

Lời khuyên của diễn giả dành cho các nhà nghiên cứu trẻ: nếu bạn đã xuất bản một bài báo lên tạp chí, bạn cũng nên đăng tải bản thảo cuối cùng lên một trang truy cập mở, để mở rộng độ phủ sóng của nó. Thứ hai, nếu bạn tìm tài liệu nghiên cứu trên Google Scholar mà nó cũng xuất hiện trên một trang truy cập mở thì nên tìm hiểu thêm. Thứ ba, các bạn có thể chia sẻ về lợi ích của truy cập mở tới các đồng nghiệp tại trường đại học, để tăng cường độ "phủ sóng" của các nghiên cứu. Ở các trường đại học thường có ban chuyên trách lựa chọn các trang truy cập mở uy tín để chia sẻ cho các học giả, nhà nghiên cứu của mình.

Nói về dữ liệu mở (open data), diễn giả cho rằng chia sẻ dữ liệu là nhằm thúc đẩy sự tiến bộ khoa học nói chung. Qua việc chia sẻ dữ liệu với người khác, con người có thể kết hợp tri thức của nhiều ngành với nhau để làm giàu nghiên cứu của mình.

Dữ liệu mở có thể là bất cứ dữ liệu gì mà các nhà khoa học chia sẻ với nhau: những kết quả đo lường, quan sát; kết quả từ một mô hình máy tính, thí nghiệm thực nghiệm; không chỉ là tệp, chữ, âm thanh mà còn có thể hình ảnh… Chúng ta có những kho dữ liệu mở trên mạng mà người dùng có thể truy cập miễn phí, như zenodo.org của Thụy Sĩ, kho dữ liệu Open Science Framework…

Trên thực tế, không phải ai cũng muốn chia sẻ dữ liệu. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, khả năng một tác giả đồng ý chia sẻ dữ liệu với một nhà nghiên cứu khác thông qua đường thư điện tử dao động từ 0-66%; trong khi lý tưởng phải là 100%. Nên các kho dữ liệu mở sẽ là giải pháp. Ở góc độ cá nhân, những bài báo có dữ liệu mở được chia sẻ cũng có được trích dẫn nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều tạp chí quốc tế yêu cầu các tác giả chia sẻ dữ liệu lên kho công cộng trước khi chấp nhận đăng lên tạp chí. Nhiều trường đại học cũng khuyến khích thái độ chia sẻ dữ liệu trong các nhà khoa học và vận động thực hiện các chính sách dữ liệu mở tại trường.

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) giới thiệu về diễn giả và nội dung thuyết trình: "GS. Ben Marwick đến từ Đại học Washington, Seattle (Mỹ). Ông nhận bằng Tiến sĩ Nhân học năm 2008 từ Đại học Quốc gia Úc. Luận án tiến sĩ của ông là về Nhân học Thái Lan và ông quan tâm nhiều tới Nhân học, sự phát triển và lịch sử Việt Nam. Chủ đề của ông phản ánh mong muốn cải thiện hoạt động công bố quốc tế và nâng cao chất lượng các bài báo quốc tế của Nhà trường. Nó tập trung vào các giảng viên trẻ - tương lai của nền học thuật nước nhà. Tôi đánh giá cao sự hiện diện của GS, tiếng nói của ông cho thấy đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là một vấn đề quốc tế, vấn đề có tính xuyên quốc gia. Bởi nếu muốn trở thành một đại học nghiên cứu, các trường đại học phải chú ý tới tính minh bạch và tính cởi mở. Về các vấn đề dữ liệu mở, truy cập mở, mã nguồn mở, GS. Marwick đã viết và thuyết trình nhiều về những nội dung này. Điều quan trọng là làm sao áp dụng được những câu hỏi, phương pháp này vào công tác nghiên cứu, giảng dạy của chính chúng ta".

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây