Tin tức

Thuyết trình của Công sứ kiêm Tổng lãnh sự ĐSQ Hàn Quốc tại Việt Nam

Thứ ba - 18/09/2018 22:42
Ngày 18/9/2018, bà Lee Miyon (Công sứ kiêm Tổng Lãnh sự của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam) đã đến thăm và thuyết trình trước cán bộ, giảng viên và sinh viên ngành Hàn Quốc học.

Trước đó, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng đại diện lãnh đạo Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học đã tiếp đón bà Lee Miyon. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc cũng như Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) với công tác nghiên cứu, đào tạo Hàn Quốc học tại Trường ĐHKHXH&NV. Trong tương lai, Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học của Nhà trường sẽ nỗ lực phát triển để tiến tới thành lập một ngành độc lập. Đồng thời, Trung tâm Hàn ngữ Sejong tiếp tục triển khai các khoá ngắn hạn, thi và cấp chứng chỉ tiếng Hàn quốc tế (KPL), các khoá học khác liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc cho người Việt Nam. Bà Lee Miyon chia sẻ với những nỗ lực của Nhà trường và cam kết, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối với các đối tác phía bạn để thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam.

PGS. TS Hoàng Anh Tuấn trao quà lưu niệm cho bà Lee Miyon

Tiếp đó, trước đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên của Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, bà Lee Miyon đã có bài thuyết trình về tình hình phát triển của Hàn Quốc cùng với quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.

Hàn Quốc là một đất nước có lịch sử rất lâu đời, mở đầu với thời kỳ lịch sử Triều Tiên. Lịch sử cổ đại của dân tộc Triều Tiên kéo dài từ năm 2333–108 TCN. Sau đó, Triều Tiên bước vào thời kỳ phân tranh Tam quốc giữa 3 nước Goguryeo,  Baekje và Silla. Thời kỳ này kéo dài từ năm 57 TCN đến năm 676 SCN, khi Silla thống nhất ba nước. Năm 926, Triều Tiên lại rơi vào thời kỳ phân tranh Hậu Tam Quốc (892–935) với 3 nhà nước Hậu Goguryeo, Silla, Hậu Baekje. Nhà Goryeo (918-1392) chấm dứt sự phân chia bán đảo Triều Tiên gần 1000 năm sau công cuộc giành vương quyền Hậu Goguryeo và thôn tính Silla, Baekje. Năm 1392, Goryeo sụp đổ và được thay thế bởi nhà Triều Tiên (1392–1897) rồi Đế quốc Đại Hàn (1897–1910). Năm 1910, Đế quốc Đại Hàn bị người Nhật thôn tính.

Năm 1945, Triều Tiên thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật. Tới năm 1950, Triều Tiên lại rơi vào nội chiến kéo dài tới năm 1953. Đất nước Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong giai đoạn 1953-1960, nền kinh tế Hàn Quốc đi xuống trầm trọng. Tuy nhiên, tới giai đoạn 1960-1980, Hàn Quốc phát triển cao trào về kinh tế với tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm. Đó là nhờ có những cải cách kinh tế của chính phủ, ý chí của người dân cũng như sự đầu tư lớn vào giáo dục. Năm 2017, Hàn Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 3%/năm, với tổng GDP đứng thứ 12 thế giới, GDP/đầu người đứng thứ 31 thế giới.

Đối với Việt Nam, Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, cũng là năm nước này mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Tháng 03/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Seoul, Hàn Quốc. Tính đến nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã trải qua chặng đường 25 năm. Về kinh tế, từ năm 2011 đến nay, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 64 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Hai nước hy vọng sẽ đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020.

Về văn hóa-xã hội, quan hệ hai nước cũng có nhiều phát triển đáng khích lệ. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh, truyền hình hay các sản phẩm âm nhạc K-pop. Năm 2017, có khoảng 2,4 triệu du khách Hàn Quốc tại Việt Nam và 323 ngàn du khách Việt Nam tại Hàn Quốc. Sinh viên Việt Nam đánh giá cao nền giáo dục Hàn Quốc, khi mà năm 2017 có gần 15.000 du học sinh Việt Nam tại đây. Cũng trong năm này,  43 gia đình đa văn hóa Việt-Hàn với 154 người được về thăm quê ngoại tại Việt Nam. Điều đó cho thấy hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa-xã hội khi cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Với những thành tựu trên, bà Lee Miyon tin vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ song phương Việt-Hàn. Điều này càng rõ ràng trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in thực hiện chính sách hướng Nam, theo đó ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ trở thành điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Điều này cũng làm tăng nhu cầu tìm kiếm lao động cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực này. Theo bà Lee Miyon, các bạn trẻ Việt Nam có thể nắm bắt thời cơ nói trên để phát huy sự nghiệp của bản thân, đồng thời cống hiến vào sự phát triển chung của hai đất nước Đông Á.

Sau phần thuyết trình, bà Lee Miyon đã nhận được các bình luận, câu hỏi từ phía các sinh viên Việt Nam về các vấn đề như tác động của tình hình bán đảo Triều Tiên với khả năng tìm việc làm của giới trẻ ASEAN và Việt Nam, các chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống của chính phủ Hàn Quốc, ảnh hưởng của cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, sự chuyển dịch của các ngành công nghiệp giải trí xuống phía Nam của Hàn Quốc.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây