Ngôn ngữ
Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa chia sẻ các thông tin: Trường ĐHKHXH&NV là cơ sở hàng đầu về nghiên cứu, đào tạo KHXH&NV tại Việt Nam; ban đầu triển khai các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Lịch sử, Văn học… và sau này phát triển thêm các ngành có tính ứng dụng cao như Khoa học Quản lý, Du lịch học, Công tác xã hội. Nhà trường hiện có 24 chương trình đào tạo cử nhân, 41 chương trình thạc sĩ và 31 chương trình tiến sĩ, hơn 10.000 sinh viên và hơn 500 cán bộ. Về hợp tác quốc tế, Nhà trường đã ký biên bản hợp tác với hơn 300 đối tác nước ngoài. Phó Hiệu trưởng mong muốn Nhà trường sớm triển khai các hợp tác với Đại học Hải Dương Trung Quốc qua các hoạt động như trao đổi sinh viên và giảng viên, thực hiện các đề tài nghiên cứu chung, đồng tổ chức các hội thảo quốc tế.
Ông Kim Thiên Vũ (Trưởng phòng Quản lý Khoa học xã hội) đã thay mặt phía bạn giới thiệu về các ngành KHXH&NV tại Đại học Hải Dương Trung Quốc. Hiện tại, Trường có bảy đại học thành viên và một trung tâm giảng dạy các khóa cơ bản về KHXH&NV, cùng với bốn chương trình đào tạo tiến sĩ là Luật, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế học ứng dụng, Ngoại ngữ và Văn học. Các sinh viên KHXH&NV chiếm một nửa trong số 28.000 sinh viên chính quy; số giảng viên dạy KHXH&NV là 1.680 người, chiếm một phần ba tổng số. Trong số 12 nhóm nghiên cứu trọng điểm của Đại học Hải Dương Trung Quốc có năm nhóm phụ trách các ngành KHXH&NV là Phân tích Hiệu quả vốn và Rủi ro tài chính, Kinh tế Luật, Văn học Thiếu nhi, Nghiên cứu liên ngành về Tiếp nhận Ngôn ngữ thứ hai, Văn học cổ và Văn hóa truyền thống.
GS. Lí Hoa Quân gửi lời cảm ơn tới sự đón tiếp trọng thị của Trường ĐHKHXH&NV. Ông cho biết, tuy ban đầu chỉ chú trọng các ngành nghiên cứu về biển, từ năm 1988, Đại học Hải dương Trung Quốc bắt đầu mở các ngành KHXH&NV. GS. Lí Hoa Quân đề xuất việc ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên.
PGS. TS Trần Thị Minh Hòa và GS. Lí Hoa Quân trao đổi quà lưu niệm
Đại học Hải Dương Trung Quốc được thành lập năm 1924, nằm trong 36 trường đại học Hạng A trong Kế hoạch xây dựng các trường đại học đẳng cấp-quốc tế của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Trường có 28.000 sinh viên chính quy, trong đó có 9.000 thạc sĩ và 2.000 tiến sĩ. Bốn khuôn viên của trường là Ngư Sơn, Lao Sơn, Phù Sơn, Hoàng Đạo (đang xây dựng) bao gồm 20 đại học và trường thành viên. Trường có quan hệ hợp tác song phương với hơn 200 đối tác đến từ 40 nước và khu vực, là thành viên của các mạng lưới đa phương quốc tế như Liên minh các Viện Hàng hải Quốc tế (IAMRI), Mạng lưới Giáo dục Ngư nghiệp ASEAN (ASEAN-FEN+).
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn