Tin tức

Toạ đàm Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Thứ tư - 26/11/2014 03:56
Buổi toạ đàm thứ ba trong chuỗi toạ đàm về chủ đề “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” của Khoa Đông phương học diễn ra vào ngày 22/11/2014 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ đến từ các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Đây là hoạt động khoa học do Quỹ Toshiba (Nhật Bản) tài trợ.
Toạ đàm Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á
Toạ đàm Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Ông Fujita Shinya - Trưởng đại diện Quỹ Toshiba Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại toạ đàm/Ảnh: Thanh Hà

Tại toạ đàm lần này, các nhà nghiên cứu trẻ đem đến ba nghiên cứu mới.

Tham luận của TS. Hà Minh Thành (Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học) về “Nhìn lại việc biên dịch các yếu tố Nhật Bản trong tiểu thuyết của Yeim Sang-sup” bàn về phê bình dịch thuật đối với các tác phẩm văn học Hàn Quốc, tiếp cận theo hướng chỉ ra những điểm còn hạn chế trong bản dịch khi so sánh với bản gốc. Đối tượng nghiên cứu là hai tiểu thuyết “Trước phong trào Manse” và “Ba thế hệ” của nhà văn Hàn Quốc Yeom Sang-sup. Phạm vi nghiên cứu được khoanh vùng ở việc khảo sát các yếu tố liên quan tới Nhật Bản được thể hiện trong hai tiểu thuyết trên.  

TS. Hà Minh Thành trình bày tham luận "Nhìn lại việc biên dịch các yếu tố Nhật Bản trong tiểu thuyết của Yeim Sang-sup"/Ảnh: Thanh Hà

Tham luận của ThS. Trần Trúc Ly (Bộ môn Trung Quốc học, Khoa Đông phương học) có chủ đề “Những đề xuất của Hồ Thích về vấn đề phụ nữ trên tạp chí Tân Thanh niên”. Hồ Thích là nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX. Ông hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực, nghiên cứu, báo chí nhằm hướng tới mục tiêu cải tạo xã hội, phê phán chuyên chế, tuyên truyền tự do, dân chủ, tôn trọng quyền bình đằng của cá nhân. Bài viết phân tích quan điểm của Hồ Thích về các vấn đề liên quan đến phụ nữ: phê phán những quan điểm lạc hậu của xã hội gò bó người phụ nữ, kêu gọi người phụ nữ tự nhận thức về quyền lợi của mình, đưa ra những đề xuất trên phương diện xã hội để giải phóng người phụ nữ khỏi lễ giáo phong kiến, phát huy được năng lực và sự tự do…        

                                                  

Quang cảnh toạ đàm/Ảnh: Thanh Hà            

Tham luận của ThS. Phùng Thị Thảo (Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học) về “Panchsheel và những dấu ấn của nó đối với Hiệp định Geneve và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Bangdung”. Panchsheel là tên của 5 nguyên tắc cơ bản được đưa ra lần đầu tiên trong Hiệp định giữa Cộng hoà Ấn Độ và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về việc trao đổi thương mại văn hoá giữa khu tự trị Tây Tạng và Ấn Độ (1954). Được khơi nguồn từ 5 giới cấm của Phật giáo, Panchsheel hay còn được gọi là 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, với tâm điểm là tôn trọng chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổi, không xâm lược và can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây là những nguyên tắc định hướng mối quan hệ giữa các quốc gia trên phương diện quan hệ quốc tế. Điều này được minh chứng qua những dấu ấn của 5 nguyên tắc Panchsheel đối với một số văn bản luật như Hiệp định Geneva về việc đình chiến tại Việt Nam (7/1954) và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Á - Phi tại Bandung, Indonesia (4/1955).

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây