Ngôn ngữ
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
ĐÀO LAN HƯƠNG
CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA THANH THIẾU NIÊN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI GIA ĐÌNH
Chuyên ngành: Tâm lý học
Mã số: 62 31 04 01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC
Hà Nội - 2020
Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng
Phản biện: ……………………………………….....
Phản biện:………………………………………….
Phản biện:…………………………………………..
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
vào hồi:.......giờ.......ngày.......tháng.......năm 2020
Có thể tìm luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
Đào Lan Hương (2019), “Mối quan hệ giữa sự hỗ trợ và môi trường gia đình với sự hài lòng cuộc sống của thanh thiếu niên”, Hội thảo quốc tế tâm lý học: Tâm lý học với đạo đức nghề tâm lý, tr. 57-68.
Đào Lan Hương, Nguyễn Thị Minh Hằng (2019), “Hài lòng với cuộc sống của vị thành niên: Ảnh hưởng của yếu tố nào từ phía gia đình”, Hội thảo quốc tế về sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam lần thứ 5: Hiểu biết về sức khỏe tâm thần và cộng đồng, tr. 185-197.
Đào Lan Hương (2020), “Gắn kết với gia đình và hài lòng với cuộc sống của thanh thiếu niên”, Tạp chí tâm lý học số 1 (205), tr. 62-75
Đào Lan Hương, Nguyễn Thị Minh Hằng (2020), “Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên: một nghiên cứu đa tiếp cận”, Tạp chí Tâm lý học, số 6, tr.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hạnh phúc là một chủ đề được nhiều lĩnh vực khoa học quan tâm nghiên cứu trong đó có Tâm lý học. Tâm lý học nghiên cứu hạnh phúc dưới góc độ cảm nhận hạnh phúc. Cảm nhận hạnh phúc được coi là những trạng thái tâm lý thoải mái mà con người có được trong cuộc sống. Các hướng nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc mới bắt đầu từ đầu thế kỉ thứ XX và cho đến những năm 1980 -1990 các nghiên cứu về hạnh phúc mới thực sự trở thành một lĩnh vực khoa học được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu như Diener(1980,1995,2000),Keyes (1998,2002), Ryff (1989,1995,2013). Tuy nhiên, những nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc mới chỉ tập trung nhiều ở các nước có nền kinh tế rất phát triển. Còn ở Việt Nam, vấn đề này mới được chú ý quan tâm nghiên cứu trong vòng một số năm trở lại đây. Thanh thiếu niên là lứa tuổi có nhiều biến động về sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức xã hội. Đây là lứa tuổi đang có sự định hình về nhân cách vì vậy những cảm nhận của các em về cuộc sống, về hạnh phúc cũng bị thay đổi bởi mối quan hệ của các em với những người xung quanh, bởi môi trường sống, môi trường học tập. Gia đình được coi là môi trường đầu tiên quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ em nói riêng và thanh thiếu niên nói chung. Gia đình là môi trường sống trong đó trẻ em được ấp ủ, chăm sóc, yêu thương một cách chu đáo nhất. Gia đình cũng là nơi mà trẻ em cảm thấy an toàn về mặt tâm lý và thể chất đảm bảo cho sự phát triển. Sự ảnh hưởng của gia đình đối với sự phát triển tâm lý, nhân cách, cảm nhận của trẻ em cũng là một vấn đề đáng để đưa ra bàn luận và nghiên cứu. gia đình có cảm ảnh hưởng gì đến cảm nhận hạnh phúc của các em và mức độ dự báo ảnh hưởng của các yếu tố này như thế nào?
Ở Việt Nam các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên hiện không có nhiều, tuy nhiên những nghiên cứu này mới chỉ xoay quanh cảm nhận hạnh phúc nói chung mà chưa đi sâu vào phân tích mối quan hệ của các yếu tố khác đối với cảm nhận hạnh phúc đặc biệt là yếu tố gia đình.
Xuất phát từ bình diện lý luận và thực tiễn trên tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình”.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu thực trạng cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và sự ảnh hưởng của yếu tố gia đình đối với cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
3. Đối tượng nghiên cứu
- Cảm nhận hạnh phúc nói chung của thanh thiếu niên
- Mức độ, biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
(1) Nghiên cứu lý luận:
(2) Nghiên cứu thực tiễn
5. Khách thể và phạm vi nghiên cứu
Về khách thể:
Mẫu điều tra của luận án là 664 thanh thiếu niên đang học tập tại các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội
Về nội dung: Luận án giới hạn nghiên cứu thực tiễn ở các nội dung cụ thể:
Về không gian: Luận án được tiến hành trên địa bàn Bắc Ninh, Hà Nội
6. Câu hỏi nghiên cứu
7. Giả thuyết nghiên cứu
Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên nói chung và cảm nhận hạnh phúc trong mối quan hệ với gia đình có nhiều mức độ và biểu hiện khác nhau. Có sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc giữa các nhóm học sinh khác nhau (tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi, địa bàn sinh sống, cấu trúc gia đình). Các yếu tố như mối quan hệ của thanh thiếu niên với cha mẹ, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, kiểu gia đình…thì đều có ảnh hưởng tới cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
8. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Phương pháp điều tra bằng thang đo
Phương pháp phỏng vấn
Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học
9. Đóng góp mới của luận án
Về lý thuyết
Về mặt tổng quan đã chỉ ra được các xu hướng nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình trên thế giới và chỉ ra được đây còn là một chủ đề nghiên cứu khá mới mẻ ở Việt Nam. Luận án đã hệ thống hóa được các lý thuyết về cảm nhận hạnh phúc trên thế giới và bổ sung vào hệ thống nghiên cứu lý luận hiện mới chỉ đang bước đầu được nghiên cứu ở Việt Nam trong những năm gần đây
Về thực tiễn: Bước đầu thích ứng một số thang đo có giá trị về cảm nhận hạnh phúc và các thang đo về mối quan hệ của thanh thiếu niên trong gia đình
10. Cấu trúc của luận án
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình
Chương 2: Cơ sở lý luận về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình
Chương 3: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 4: Kết quả nghiên cứu thực tiễn về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình
Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA THANH THIẾU NIÊN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI GIA ĐÌNH
1. Những nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc nói chung của thanh thiếu niên
Thứ nhất, khi tìm hiểu về các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nghiên cứu đều nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc theo hai hướng cảm nhận hạnh phúc chủ quan (hài lòng với cuộc sống, cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực) (Bradburn, 1969; Diener và cộng sự, 1985) và cảm nhận hạnh phúc tâm lý (Ryff, 1989; Clarke và cộng sự, 2011, Keye,1998). Các nghiên cứu không chỉ đánh giá mức độ cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên mà còn đi thích ứng các thang đo hạnh phúc. Trong đó có hai thang đo chủ yếu được sử dụng để đo hạnh phúc đó là thang đo hài lòng cuộc sống của Diener (1985) và thang đo hạnh phúc tâm lý (Ryff, 1989). Hướng thứ hai là các nghiên cứu xem xét mối tương quan giữa cảm nhận hạnh phúc với các yếu tố khác, bao gồm: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sự phát triển các đặc điểm nhân cách của thanh thiếu niên, triển vọng phát triển về tương lai…
1.2. Các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình
1.2.1. Hướng nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và các yếu tố thuộc về kiểu gia đình
Trong các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong mối quan hệ với gia đình thì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cấu trúc gia đình không ảnh hưởng mấy tới cảm nhận hạnh phúc của đứa trẻ mà cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên phụ thuộc nhiều vào chất lượng mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ sống trong những gia đình không đầy đủ thì cũng có cảm nhận hạnh phúc thấp thấp. Một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố như điều kiện kinh tế gia đình, thu nhập, giới tính, tuổi tác cũng không làm thay đổi cảm nhận này ở thanh thiếu niên.
1.2.2. Hướng nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và môi trường tâm lý gia đình
Trong hướng nghiên cứu này, các nghiên cứu ở nước ngoài của Bagi và Manoj (2014), Antony và Manikandan (2015), Shek (1997a, 1997b, 1998), Cripps và Zyromski (2009), 1997b, 2002), Hassan,Yusoof và Alavi (2012), Rask, Astedt-Kurki, Paavilainen, Laippala (2003), Duineveld, Jasper J; Parker, Philip D.; Ryan, Richard M.;Ciarrochi, Joseph; & Salmela-Aro, Katariina (2017), Telze và Fuligni (2009) tập trung vào mối quan hệ giữa cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và các yếu tố tâm lý gia đình, bao gồm môi trường gia đình, động lực gia đình, nhận thức của cha mẹ, sự hỗ trợ tự chủ của cha mẹ, hoạt động của gia đình, bầu không khí tâm lý trong gia đình, cách làm cha mẹ, xung đột gia đình.
Tiểu kết chương 1
Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA THANH THIẾU NIÊN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ GIA ĐÌNH
2.1. Lý luận về cảm nhận hạnh phúc
2.1.1. Các lý thuyết nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc
2.1.1.1.Lý thuyết cảm nhận hạnh phúc thụ hưởng
Đại diện cho hướng cảm nhận hạnh phúc thụ hưởng là Diener (1984) với những nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc chủ quan (Subjective well-being). Cảm nhận hạnh phúc chủ quan bao gồm hai thành phần chính: (a) phán quyết về sự hài lòng của cuộc sống và (b) cân bằng tình cảm hoặc mức độ ảnh hưởng tích cực vượt quá mức độ ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống của một ai đó (Andrews & Withey, 1976; A. Campbell, Converse, & Rodgers, 1976; Diener, 1984).
2.1.1.2. Lý thuyết cảm nhận hạnh phúc bản chất (eudaimonic well-being)
Có ba lý thuyết về hạnh phúc được xây dựng từ khái niệm bản chất (eudaimonia) đó là: (1)Bản chất trong hành động, (2)Cảm nhận hạnh phúc tâm lý và (3) Lý thuyết tự xác định.Đại diện của trường phái nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc con người bản chất là Ryff với cảm nhận hạnh phúc tâm lý. Lý thuyết của Ryff bao gồm sáu khía cạnh cơ bản về cảm nhận hạnh phúc tâm lý: Tự chủ, làm chủ môi trường, tăng trưởng cá nhân, quan hệ tích cực với người khác, mục đích trong cuộc sống, và tự chấp nhận (Ryff, 1989a, 1989b; 1995; Ryff, & Essex, 1992; Ryff, & Keyes, 1995; Ryff, & Singer, 1996).
2.1.1.3. Lý thuyết về hạnh phúc phụ thuộc
Một trong những hướng nghiên cứu nữa về hạnh phúc đó là nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu xuyên văn hóa cho rằng, tâm lý học phương Tây đã quá tập trung vào khía cạnh hiện thực hóa sự độc lập của bản thân khi nghiên cứu hạnh phúc – góc nhìn này không hoàn toàn phù hợp với văn hóa Á Đông (Hitokoto & Uchida, 2015; Kitayama, Park, Sevincer, Karasawa & Uskul, 2009; Koyasu và cs, 2012; Kusumi, 2012; Suh, 2007). Từ những phát hiện này, Kitayama, Hitokoto, Uchida và các nhà nghiên cứu khác đã đề xuất khái niệm “hạnh phúc phụ thuộc” (Interdependent happiness) – nhấn mạnh đến hạnh phúc dựa trên các mối quan hệ mà không bỏ sót hạnh phúc cá nhân.
2.1.2. Khái niệm cảm nhận hạnh phúc
Khái niệm cảm nhận hạnh phúc là một khái niệm đa chiều và vẫn còn nhiều tranh luận. Các nghiên cứu hiện đại thì đồng ý với luận điểm rằng: “Cảm nhận hạnh phúc là một cấu trúc đa chiều cạnh bao gồm ba bình diện: chủ quan, tâm lý và xã hội. Mỗi bình diện này cũng đều là các khái niệm đa chiều cạnh” (Negovan, 2010, tr86). Tuy nhiên, căn cứ vào những phân tích và các hướng nghiên cứu ở trên nghiên cứu này của chúng tôi thiên về quan điểm cảm nhận hạnh phúc là một khái niệm đa chiều cạnh với ba chiều cạnh chính hài lòng cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc.
2.2. Các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
2.2.1. Đặc điểm tâm lý thanh thiếu niên trong gia đình
Thanh thiếu niên là một giai đoạn chuyển tiếp thể chất và tinh thần trong sự phát triển của con người diễn ra giữa giai đoạn trẻ em và trưởng thành. Sự chuyển tiếp này liên quan tới những thay đổi về sinh học (ví dụ dậy thì), xã hội và tâm lý, dù những thay đổi về sinh học và tâm lý là dễ nhận thấy nhất. Sự thay đổi đó kéo theo sự thay đổi về tâm lý của các em trong gia đình đặc biệt trong mối quan hệ với cha mẹ. Gia đình vẫn đóng một vai trò không thể thiếu đối với sự phát triển tâm lý của thanh thiếu niên.
2.2.2. Các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến CNHP của thanh thiếu niên
2.2.2.1. Làm cha mẹ
Làm cha mẹ (Parenting) là một công việc không có hồi kết và cũng không phải là công việc dễ dàng. Trong quá trình phát triển của trẻ thì cách làm cha mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng.
2.2.2.2. Chất lượng cuộc sống cảm xúc
Chất lượng cuộc sống cảm xúc là một trong hai khía cạnh của hạnh phúc cá nhân và một phần của việc đánh giá chất lượng cuộc sống trong gia đình.
2.2.2.3. Chất lượng cuộc sống vật chất
Theo Chowa, Gina & Ansong, David & Masa, Rainier (2010): Chất lượng cuộc sống vật chất là một chiều của hạnh phúc của con người. Sức khỏe vật chất được đo lường thông qua thu nhập, mô hình tiêu dùng hoặc tài sản / của cải.
2.2.2.4. Sự gắn kết gia đình
Sự gắn kết gia đình được định nghĩa là sự gắn kết tình cảm mà các thành viên trong gia đình đối với nhau. sự gắn kết gia đình có thể hiểu đó là sự kết nối tình cảm và hành vi giữa cha mẹ và con cái. Dựa trên những quan điểm đó chúng tôi xây dựng thang đo gắn kết gia đình gồm 2 nhân tố gắn kết cảm xúc nghĩa là sự chia sẻ gần gũi về không gian (thích ở gần nhau) và gắn kết hành vi nghĩa là hỗ trợ, đưa ra quyết định dựa vào gia đình.
2.2.2.5. Quyền tham gia
Quyền tham gia của trẻ em là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Công ước về Quyền trẻ em, trong đó khẳng định rằng trẻ em và thanh thiếu niên có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình và có nghĩa vụ lắng nghe quan điểm của trẻ em và tạo điều kiện sự tham gia của họ trong tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến họ trong gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, các dịch vụ công cộng, tổ chức, chính sách của chính phủ và các thủ tục tư pháp.
2.2.2.6. Kiểm soát tâm lý
Kiểm soát tâm lý là một cấu trúc phức tạp và đa diện, kết hợp các tham chiếu đến các phương pháp kiểm soát hành vi cụ thể cũng như tác động của các phương pháp đó đối với sự phát triển của trẻ.
2.2.2.7. Cảm nhận về mối quan hệ của cha mẹ
Cảm nhận về mối quan hệ của cha mẹ có thể được hiểu là những đánh giá của đứa trẻ về mối quan hệ của cha mẹ bao gồm tâm tư tình cảm, mối quan hệ gắn kết, cảm nghĩ của bố mẹ giành cho nhau, sự tương tác lẫn nhau của bố mẹ trong gia đình. Cảm nhận của con về mối quan hệ của cha mẹ được hiểu theo hai hướng tích cực và tiêu cực.
2.3. Mô hình nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong gia đình
2.3.1. Hài lòng với cuộc sống
Có một vài định nghĩa khác nhau về sự hài lòng của cuộc sống tuy nhiên chúng tôi theo quan điểm của Dienner (1984): “Sự hài lòng của cuộc sống là sự đánh giá tổng thể về cảm xúc và thái độ về cuộc sống của một người tại một thời điểm cụ thể trong thời gian từ tiêu cực đến tích cực.
2.3.2. Hạnh phúc tinh thần
Cảm nhận hạnh phúc tinh thần được coi là bao trùm cả yếu tố thụ hưởng (hạnh phúc, cảm nhận hạnh phúc chủ quan) và bản chất (hoạt động tích cực) (Ryan, Deci, 2001). Hạnh phúc tinh thần là trạng thái tinh thần tích cực và bền vững cho phép cá nhân phát triển và có kỹ năng ứng phó tốt trong cuộc sống
2.3.3. Hạnh phúc phụ thuộc
Hạnh phúc phụ thuộc là loại hạnh phúc được xây dựng dựa trên các mối quan hệ, là trạng thái hài hòa và cân bằng đạt được giữa bản thân và những người có ý nghĩa (Hitokoto & Uchida, 2015).
Tóm lại Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên là cảm xúc và đánh giá chủ quan của thanh thiếu niên về mức độ thỏa mãn với cuộc sống, về trạng thái tinh thần khỏe mạnh cho phép cá nhân ứng phó tốt với các vấn đề trong cuộc sống và hiện thực hóa bản thân, đồng thời đạt được sự hài hòa trong mối quan hệ với những người xung quanh
Tiểu kết chương 2
Chương 3. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Vài nét về địa bàn và khách thể nghiên cứu
3.1.1. Địa bàn nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện ở hai địa bàn: tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội để đánh giá sự khác biệt đặc trưng về địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa ở hai địa phương khác nhau liên quan đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong gia đình.
1.2. Khách thể nghiên cứu
Tổng số khách thể nghiên cứu là 664 thanh thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi tập trung tại 5 trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Bảng 3.1 dưới đây mô tả một số đặc điểm của mẫu nghiên cứu
Bảng 3.1. Đặc điểm khách thể nghiên cứu
Đặc điểm khách thể nghiên cứu |
n |
% |
Đặc điểm khách thể nghiên cứu |
n |
% |
||
Giới tính |
Nam |
330 |
49,7 |
Kiểu gia đình |
Mở rộng |
382 |
57,5 |
Nữ |
334 |
50,3 |
Hạt nhân |
245 |
36,9 |
||
Khối lớp |
Lớp 6 |
133 |
20,0 |
Bố/mẹ mất |
11 |
1,7 |
|
Lớp 7 |
119 |
17,9 |
Ly hôn/ly thân |
20 |
3,0 |
||
Lớp 8 |
107 |
16,1 |
Có mẹ kế/bố dượng |
6 |
0,9 |
||
Lớp 9 |
83 |
12,5 |
Địa bàn |
Hà Nội |
261 |
39,3 |
|
Lớp 10 |
38 |
5,7 |
Bắc Ninh |
403 |
60,7 |
||
Lớp 11 |
121 |
18,2 |
Hoàn cảnh riêng |
Con đẻ |
592 |
89,2 |
|
Lớp 12 |
63 |
9,5 |
Con nuôi |
62 |
9,3 |
||
Thứ tự sinh |
Con cả |
298 |
44,9 |
Con riêng |
10 |
1,5 |
|
Con thứ |
195 |
29,4 |
Điều kiện kinh tế gia đình |
Khá giả |
158 |
23,8 |
|
Con út |
129 |
19,4 |
Trung bình |
476 |
71,7 |
||
Con một |
42 |
6,3 |
Khó khăn |
30 |
4,5 |
||
Nơi ở |
Thành thị |
355 |
53,5 |
|
|
|
|
Ven đô |
133 |
20,0 |
|
|
|
|
|
Nông thôn |
176 |
26,5 |
|
|
|
|
3.2. Tổ chức nghiên cứu
Quá trình nghiên cứu được tiến hành qua 4 giai đoạn
3.3. Các phương pháp nghiên cứu
Từ việc sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, luận án đưa ra được nội dung nghiên cứu và xây dựng công cụ nghiên cứu chính của luận án là bảng hỏi kết hợp với sử dụng phương pháp xử lí số liệu bằng phần mềm thống kê xã hội SPSS phiên bản 22.0.
Bảng hỏi được thiết kế gồm: Thang đo 3 mặt biểu hiện của cảm nhận hạnh phúc là hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc; 7 thang đo về các yếu tố ảnh hưởng và 13 biến đơn. Các thang đo được xây dựng dạng thang đo Likert
Bảng hỏi đã đã được nghiên cứu thử với 257 khách thể nhằm kiểm định độ hiệu lực (bằng phân tích nhân tố), độ tin cậy (Cronbach Alpha) cũng như độ dài, độ dễ hiểu của câu hỏi.
Dưới đây là mô tả mức độ tin cậy của các thang đo
Bảng 3.3. Độ tin cậy của thang đo dựa trên dữ liệu điều tra chính thức (N = 664)
TT |
Thang đo |
Số lượng items |
Hệ số Cronbach’s alpha (α) |
I |
Thang đo cảm nhận hạnh phúc |
||
1 |
Hài lòng cuộc sống |
5 |
0,75 |
2 |
Hạnh phúc tinh thần |
14 |
0,84 |
3 |
Hạnh phúc phụ thuộc |
9 |
0,76 |
II |
Thang đo yếu tố ảnh hưởng |
||
1 |
Làm cha mẹ |
6 |
0,79 |
2 |
Chất lượng cuộc sống cảm xúc |
4 |
0,73 |
3 |
Chất lượng cuộc sống vật chất |
5 |
0,70 |
4 |
Gắn kết gia đình |
8 |
0,84 |
5 |
Quyền tham gia |
7 |
0,86 |
6 |
Kiểm soát tâm lý (thang đo thiếu tôn trọng)(Bố/mẹ) |
8 |
0,78/0,79 |
7 |
Cảm nhận tích cực về mối quan hệ của cha mẹ |
6 |
0,91 |
8 |
Cảm nhận tiêu cực về mối quan hệ của cha mẹ |
4 |
0,85 |
Việc phân tích số liệu được thực hiện bằng phép thống kê mô tả (tần suất, điểm trung bình, độ lệch chuẩn) và phép thông kê suy luận (so sánh, phân tích tương quan, phân tích hồi quy, khảo sát biến số trung gian). Sau khi có kết quả về thực trạng cảm nhận hạnh phúc cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới cảm nhận hạnh phúc, chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu 20 khách thể để làm rõ hơn thực trạng từ kết quả định lượng.Để mô tả sâu sắc hơn hiện tượng thích ứng với các dữ liệu định tính, luận án mô tả hai trường hợp: một PNSS có mức độ thích ứng thấp có sự can thiệp bằng tham vấn tâm lí; một PNSS có mức độ thích ứng cao.
Tóm lại, để tiến hành nghiên cứu, tác giả đã sử dụng 4 phương pháp: nghiên cứu tài liệu, điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu, xử lý số liệu nghiên cứu bằng thống kê toán học.
Tiểu kết chương 3
Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA THANH THIẾU NIÊN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ GIA ĐÌNH
4.1. Thực trạng cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và ảnh hưởng của các yếu tố gia đình
4.1.1. Hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc của thanh thiếu niên
Khi phân tích các khía cạnh cụ thể của ba mặt biểu hiện cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên tác giả nhận thấy ở mặt hài lòng cuộc sống biểu hiện cao nhất là “Điều kiện sống của tôi rất tốt” (ĐTB:5,06, SD=1,43), “Tôi hài lòng với cuộc sống của mình” (ĐTB: 5,03, SD=1,61); ở khía cạnh hạnh phúc tinh thần biểu hiện có điểm trung bình cao nhất là “Tôi quan tâm đến những điều mới mẻ (M=3,95, SD=1,13), tiếp đó là “Tôi cảm thấy vui vẻ (M=3,84, SD=1,04); Ở khía cạnh hạnh phúc phụ thuộc biểu hiện có điểm trung bình cao nhất là “Tôi có cuộc sống bình thường nhưng khá ổn (M=4,09, SD=0,99); “Tôi có thể làm những điều tôi muốn miễn là nó không ảnh hưởng đến người khác” (M=3,78, SD=1,25).
4.1.2. Đánh giá chung về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên được đo ở ba mặt biểu hiện: hài lòng với cuộc sống nói chung, cảm nhận hạnh phúc tinh thần và cảm nhận hạnh phúc phụ thuộc.
Ba mặt biểu hiện của cảm nhận hạnh phúc của thanh thiểu niên có mức độ chênh lệch về điểm trung bình không cao và các mặt đều trên mức 3 trong 5 bậc mức độ của thang đo Likert. Trong đó, mặt cảm nhận hạnh phúc tinh thần đạt điểm trung bình cao nhất (M=3,48, SD=3,64), tiếp đến là hạnh phúc phụ thuộc (M=3,36, SD=0,68) và thấp nhất là hài lòng với cuộc sống (M=3,33, SD=0,95).
Điểm trung bình của ba mặt biểu hiện cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên (hài lòng cuộc sống, hạnh phúc tinh thần, hạnh phúc phụ thuộc) lúc này là 3,42 (SD=0,59), trong đó 15,8% thanh thiếu niên có cảm nhận hạnh phúc thấp, 69,4 % thanh thiếu niên cảm nhận hạnh phúc trung bình và 14,8% thanh thiếu niên có cảm nhận hạnh phúc cao. Như vậy tỉ lệ thanh thiếu niên có cảm nhận hạnh phúc cao và trung bình cao hơn hẳn số thanh thiên có cảm nhận hạnh phúc thấp.
4.1.3. Mối liên hệ giữa các mặt biểu hiện trong cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên được xem xét ở ba khía cạnh đó là sự hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc. Ba yếu tố này có mối tương quan chặt chẽ với nhau và tương quan với cảm nhận hạnh phúc nói chung. Số liệu cụ thể được thể hiện ở sơ đồ 4.1 dưới đây.
Sơ đồ 4.1. Mối tương quan giữa các mặt biểu hiện của cảm nhận hạnh phúc
Xem xét mối quan hệ giữa ba mặt biểu hiện của cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên ta có thể thấy có mối tương quan thuận giữa ba khía cạnh của hạnh phúc: hạnh phúc tinh thần có mối tương quan mạnh mẽ nhất với hạnh phúc phụ thuộc (r=0,57; P<0,01), tiếp đến là mối tương quan giữa hài lòng cuộc sống với hạnh phúc phụ thuộc (r=0,46; p<0,01) và cuối cùng là hạnh phúc tinh thần với hài lòng cuộc sống (r=0,43; p<0,01). Điều này chứng tỏ đứa trẻ càng có hạnh phúc tinh thần tốt thì hạnh phúc phụ thuộc của nó cũng khá tốt và hài lòng cuộc sống thì cũng đi liền với đó là các khía cạnh của hạnh phúc phụ thuộc.
4.1.4. Ảnh hưởng của các biến nhân khẩu đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Bằng cách sử dụng kiểm định so sánh sự khác biệt điểm trung bình cảm nhận hạnh phúc của các biến số theo các biến nhân khẩu ta thấy yếu tố giới tính và nghề nghiệp của cha mẹ không có sự khác biệt có ý nghĩa với cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên. Các biến số khác còn lại như địa bàn sinh sống, học tập, độ tuổi, lớp, điều kiện kinh tế gia đình, kiểu gia đình, xung đột gia đình và vấn đề sức khỏe đều có sự khác biệt trong đánh giá về cảm nhận hạnh phúc. Trong đó, thanh thiếu niên ở sống ở thành phố, trong những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, độ tuổi nhỏ (THCS), sống trong những gia đình hạt nhân hoặc mở rộng, gia đình không có nhiều xung đột gia đình và sức khỏe của các thành viên trong gia đình tốt thì có cảm nhận hạnh phúc tốt hơn những thanh thiếu niên ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh gia đình đặc biệt và các thành viên trong gia đình có vấn đề sức khỏe. Bên cạnh đó, kết quả so sánh cũng cho thấy thanh thiếu niên là con út thì có cảm nhận hạnh phúc phụ thuộc cao hơn thanh thiếu niên là con thứ.
4.2. Thực trạng của các yếu tố gia đình liên quan đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
4.2.1. Thực trạng các yếu tố gia đình của thanh thiếu niên
Phần này mô tả kết quả nghiên cứu về thực trạng của các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên là cách làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia, cảm nhận về mối quan hệ của cha mẹ và kiểm soát tâm lý.
4.2.2. Một số yếu tố liên quan đến các yếu tố trong gia đình của thanh thiếu niên
Trong phần này, tác giả sẽ xem xét xem liệu có sự khác biệt về điểm trung bình ở các biến nhân khẩu đối với các yếu tố thuộc về gia đình của thanh thiếu niên. Kết quả kiểm định One-way Anova cho thấy không có sự khác biệt về điểm trung bình khi đánh giá về mối quan hệ gia đình của thứ tự con, địa bàn sinh sống. Các yếu tố còn lại như giới tính. độ tuổi. điều kiện kinh tế gia đình, kiểu gia đình, xung đột gia đình đều có sự khác biệt có ý nghĩa về điểm trung bình với yếu tố gia đình.
4.3. Ảnh hưởng của các yếu tố gia đình đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
4.3.1. Tương quan giữa các yếu tố gia đình liên quan đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Các yếu tố trong gia đình đều có tương quan chặt chẽ với nhau trong đó yếu tố làm cha mẹ có điểm số tương quan khá cao với các yêu tố gia đình còn lại.
4.3.2. Tương quan giữa cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và các yếu tố gia đình.
Bảng 4.16. Tương quan giữa các yếu tố gia đình với cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Các khía cạnh |
HLCS |
HPTT |
HPPT |
CNHPC |
Làm cha mẹ |
0,35** |
0,43** |
0,40** |
0,49** |
Chất lượng cuộc sống cảm xúc |
0,34** |
0,46** |
0,41** |
0,51** |
Chất lượng cuộc sống vật chất |
0,33** |
0,43** |
0,33** |
0,46** |
Gắn kết gia đình |
0,37** |
0,42** |
0,45** |
0,51** |
Quyền tham gia |
0,40** |
0,45** |
0,48** |
0,55** |
Kiểm soát tâm lý của bố |
-0,23** |
-0,21** |
-0,16** |
-0,26** |
Kiểm soát tâm lý của mẹ |
-0,25** |
-0,24** |
-0,20** |
-0,28** |
Cảm nhận tích cực về mối quan hệ cha mẹ |
0,32** |
0,26** |
0,30** |
0,36** |
Cảm nhận tiêu cực về mối quan hệ cha mẹ |
-0,14** |
-0,06 |
-0,09* |
-0,10** |
Ghi chú: HLCS: hài lòng cuộc sống; HPTT: Hạnh phúc tinh thần; HPPT: Hạnh phúc phụ thuộc; CNHPC: Cảm nhận hạnh phúc chung
Bảng 4.16 cho thấy tất cả các yếu tố ảnh hưởng mà luận án đưa vào đều có mối tương quan với các yếu tố cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên trong đó có các yếu tố: làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia và cảm nhận tích cực về mối quan hệ của cha mẹ là có tương quan thuận tới cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và 3 yếu tố: kiểm soát tâm lý của bố, kiểm soát tâm lý của mẹ và cảm nhận tiêu cực về mối quan hệ của cha mẹ là có tương quan nghịch với cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên. Mức độ ảnh hưởng của các khía cạnh này tới cảm nhận hạnh phúc là khác nhau.
4.3.3. Dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Trong phần phân tích hồi quy dự báo chúng tôi sử dụng hai mô hình hồi quy: hồi quy đơn biến và hồi quy đa biến. Trong đó biến độc lập là các yếu tố ảnh hưởng: cách làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia, kiểm soát tâm lý, cảm nhận của con về mối quan hệ của cha mẹ và biến phụ thuộc là các khía cạnh của cảm nhận hạnh phúc bao gồm sự hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc.
4.3.2.1. Dự báo ảnh hưởng của từng yếu tố gia đình đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Về biên độ dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc. Khi xét ở ba bình diện hạnh phúc riêng lẻ là hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc thì thấy mức độ dự báo sự biến thiên của các bình diện hạnh phúc ở thanh thiếu niên này là khác nhau.
Ở bình diện hài lòng với cuộc sống của thanh thiếu niên được giải thích bởi 4 yếu tố chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia và cảm nhận tích cực về mối quan hệ cha mẹ. Trong các yếu tố này thì quyền tham gia ảnh hưởng cao nhất, dự báo 15,3% độ biến thiên hài lòng cuộc sống. Ở bình diện hạnh phúc tinh thần, có 4 yếu tố có khả năng dự báo đến hạnh phúc tinh thần của thanh thiếu niên đó là chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia của con. Trong đó, chất lượng cuộc sống vật chất có mức độ dự báo cao nhất tới hạnh phúc tinh thần (β = 0,173, p<0,01). Ở bình diện hạnh phúc phụ thuộc, có 4 khía cạnh là gắn kết gia đình, quyền tham gia, kiểm soát tâm lý của bố và cảm nhận tích cực của con về mối quan hệ của cha mẹ. Trong đó, gắn kết gia đình có mức độ dự báo cao nhất ((β = 0,219, p<0,01).
4.3.3.2. Dự báo ảnh hưởng của tất cả các yếu tố gia đình đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Xét về tổng thể của hạnh phúc thì có 6 yếu tố thuộc về gia đình dự báo 39,9% độ biến thiên của cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên đó là làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia của con và cảm nhận tích cực về mối quan hệ cha mẹ. Đặc biệt trong khía cạnh này quyền tham gia của con dự báo cao nhất dự biến thiên của cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên ((β = 0,199, p<0,01).
4.3.3.3. Khảo sát biến số trung gian ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên
Kết quả nghiên cứu cho thấy các khía cạnh của gia đình5 yếu tố (chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia của con, cảm nhận tích cực của con về mối quan hệ của cha mẹ) đều là những biến điều tiết mà cách làm cha mẹ tác động đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên. Các tác động này đều là tác động tích cực có nghĩa là quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cái của cha mẹ ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên thông qua chất lượng cuộc sống gia đình, gắn kết gia đình, quyền tham gia của con trong gia đình và cảm nhận tích cực của con về mối quan hệ của cha mẹ. Mức độ tác động của các biến trung gian này tới mô hình ảnh hưởng của cách làm cha mẹ tới cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên là khác nhau.
4.4. Chân dung những thanh thiếu niên hạnh phúc
Bằng việc lựa chon ra những thanh thiếu niên có điểm cảm nhận hạnh phúc ở cả ba chiều cạnh: hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc. Tác giả tìm ra được 35 thanh thiếu niên hạnh phúc nhất và 24 thanh thiếu niên không hạnh phúc. Đặc điểm về nhân khẩu của hai nhóm thanh thiếu niên này không có gì khác biệt. Tuy nhiên khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố gia đình tới cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên thì chúng tôi nhận thấy cảm nhận hạnh phúc của những thanh thiếu niên này có tương quan mạnh với các yếu tố ảnh hưởng gia đình (Sơ đồ 4.10)
Sơ đồ 4.10. Tương quan các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của những thanh thiếu niên rất hạnh phúc
Để đánh giá mức độ dự báo của các yếu tố này đối với cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên có hạnh phúc nhiều nhất chúng tôi sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đối với những yếu tố này. Kết quả nghiên cứu cho thấy 5 biến số ảnh hưởng này (gắn kết gia đình, quyền tham gia của con, cách làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúcchất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất) dự báo 48% sự biến thiên của cảm nhận hạnh phúc. Trong đó duy nhất yếu tố chất lượng cuộc sống vật chất là có ý nghĩa p=0,032 và dự báo đến 46,8% mức độ biến thiên của cảm nhận hạnh phúc. Từ kết quả này có thể giúp chúng tôi xây dựng mô hình những thanh thiếu niên hạnh phúc.
Tiểu kết chương 4
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
1. KẾT LUẬN
Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên là một vấn đề nghiên cứu phức tạp, tuy đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh còn chưa được khai thác rõ ràng, cụ thể. Luận án tiến hành nghiên cứu với mẫu 664 thanh thiếu niên được chọn từ Bắc Ninh và thành phố Hà Nội trong thời gian 3 năm từ 2016 đến 2019. Từ kết quả nghiên cứu có thể rút ra một số kết luận sau
1.1. Về lý luận
(1) Luận án đã đánh giá được tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về cảm nhận hạnh phúc nói chung và cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên nói riêng. Đối với các khía cạnh gia đình ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên luận án đã chỉ ra được có các yếu tố sau được nghiên cứu: kiểu gia đình mà ở đây là mối quan hệ tâm lý giữa các thành viên trong kiểu gia đình đó, môi trường tâm lý gia đình, cấu trúc gia đình, phong cách nuôi dạy con cái, gắn kết trong gia đình, kiểm soát tâm lý và xung đột gia đình.
(2) Luận án cũng đã chỉ ra được hạnh phúc là một cấu trúc đa chiều cạnh và có nhiều hướng nghiên cứu khác nhau trong đó nổi bật lên có hai xu hướng nghiên cứu chính về cảm nhận hạnh phúc đó là cảm nhận hạnh phúc thụ hưởng (Hedonic well-being) và cảm nhận hạnh phúc bản chất (Eudaimonic Well-being). Tuy nhiên. ở mỗi một độ tuổi, nền văn hóa thì cảm nhận hạnh phúc là khác nhau. Đối với thanh thiếu niên, cảm nhận của các em về hạnh phúc có cả khía cạnh thụ hưởng và khía cạnh bản chất. Luận án đã chỉ ra có ba bình diện tạo nên cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên đó là hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc. Từ đó, chúng tôi xây dựng khái niệm cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên.
(3) Luận án cũng chỉ ra được các yếu tố có ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên đó là: làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia, cảm nhận của con về mối quan hệ của cha mẹ và kiểm soát tâm lý.
1.2. Về thực tiễn
(1) Dựa vào nội dung nghiên cứu và tham khảo từ các công cụ của các tác giả đi trước, tác giả luận án đã thích ứng và xây dựng được bộ công cụ nghiên cứu của đề tài. Trong đó bảng hỏi với phương pháp đo lường trọng tâm cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên gồm 28 biến quan sát chia làm 3 bình diện: Hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc được đánh giá đảm bảo độ tin cậy và độ hiệu lực để đưa vào nghiên cứu.
(2) Luận án đã đánh giá cảm nhận hạnh phúc trên 664 thanh thiếu niên. Kết quả cho thấy cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên Bắc Ninh và Hà Nội đều đạt mức trên trung bình và thể hiện ở cả ba bình diện hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc phụ thuộc. Cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên cũng có sự khác biệt về giới tính, độ tuổi, thứ tự sinh, điều kiện kinh tế, kiểu gia đình và hoàn cảnh gia đình.
(3) Kết quả kiểm nghiệm ảnh hưởng của các yếu tố gia đình tới cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên một lần nữa khẳng định có các yếu tố thuộc về gia đình ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên đó là hài lòng về chất lượng cuộc sống gia đình (thể hiện ở ba khía cạnh làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất), gắn kết gia đình, quyền tham gia, cảm nhận về mối quan hệ của cha mẹ và kiểm soát tâm lý. Tuy nhiên điểm mới của luận án là đã chỉ ra được mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đó đối với cảm nhận hạnh phúc cũng như xây dựng được mô hình các yếu tố gia đình ảnh hưởng tới cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên.
(4) Luận án đã chỉ ra được trong các yếu tố thuộc về gia đình thì quyền tham gia có mức độ ảnh hưởng cao nhất đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên ở khía cạnh tích cực. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các khía cạnh làm giảm cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên đó là yếu tố xung đột gia đình, sức khỏe của các thành viên trong gia đình và kiểm soát tâm lý đặc biệt là kiểm soát thiếu tôn trọng của bố. Kết quả này giúp chúng ta có thể khẳng định rằng cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên có liên quan chặt chẽ với các khía cạnh thuộc về gia đình. Các yếu tố thuộc về nhân khẩu cũng có ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên.
(5) Luận án cũng chỉ ra và bàn luận về sự tác động của các yếu tố gia đình (chất lượng cuộc sống cảm xúc, chất lượng cuộc sống vật chất, gắn kết gia đình, quyền tham gia, cảm nhận tích cực về mối quan hệ của cha mẹ) đối với ảnh hưởng của làm cha mẹ đến cảm nhận hạnh phúc từ đó góp phần đưa ra những biện pháp để nâng cao cảm nhận hạnh phúc.
(6) Luận án đã xây dựng được chân dung những thanh thiếu niên hạnh phúc nhất trong gia đình
Bên cạnh những phát hiện này, quá trình thực hiện luận án cũng có một vài hạn chế. Về mặt định hình khái niệm: khái niệm cảm nhận hạnh phúc còn mang tham chiếu phương Tây mặc dù cốt lõi của khái niệm đã được Việt hóa cho phù hợp với đối tượng nghiên cứu. Thứ hai do có sự chênh lệch giữa khách thể nghiên cứu ở Bắc Ninh và Hà Nội nên luận án chưa xem xét được cụ thể sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc ở hai địa bàn nghiên cứu này, hơn nữa chỉ có rất ít thanh thiếu niên sống trong những gia đình không đầy đủ (37/664 chỉ chiếm 0.06% khách thể nghiên cứu) vì vậy chưa thể khẳng định được sự khác biệt trong cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên ở biến các kiểu gia đình.
2. KHUYẾN NGHỊ
Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên và ảnh hưởng của các yếu tố gia đình chúng tôi xin đề xuất một vài khuyến nghị sau đây nhằm nâng cao cảm nhận hạnh phúc cho thanh thiếu niên.
1) Trong cách làm cha mẹ cha mẹ cần chú trọng quan tâm chăm sóc con cái cả về vật chất lẫn tinh thần, đảm bảo vừa là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con vừa là người bạn tâm giao để con cái có thể chia sẻ những băn khoăn lo lắng của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cần duy trì sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời trong cách nuôi dạy con cái, cha mẹ cũng không nên quá bao bọc con cái mà cần cho con cái mình quyền được quyết định, quyền được chia sẻ và nêu ý kiến cá nhân. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giữ bầu không khí gia đình vui vẻ và hòa hợp, yêu thương và quan tâm chăm sóc lẫn nhau để con cái cảm thấy an tâm khi đánh giá về mối quan hệ của cha mẹ.
2) Về khía cạnh chất lượng cuộc sống gia đình: Cha mẹ, các thành viên trong gia đình cần nâng cao chất lượng cuộc sống trong gia đình để làm tăng mức độ hài lòng của thanh thiếu niên về các khía cạnh làm cha mẹ, chất lượng cuộc sống cảm xúc và chất lượng cuộc sống vật chất. Cụ thể là cha mẹ cần giúp dạy con cái cách ứng xử, giúp con cái học cách tự lập, giành thời gian cho con nhiều hơn, dạy con cái cách đưa ra quyết định đúng và giành nhiều thời gian quan tâm đến nhu cầu của con. Bên cạnh đó, cha mẹ không chỉ là phụ huynh mà còn cần phải đóng vai trò người bạn có thể giúp thanh thiếu niên giải tỏa căng thẳng sẵn sàng giúp đỡ khi con cần. Ngoài ra cũng cần phải cho con cái những giây phút riêng tư, không nên xâm phạm quá sâu vào đời tư của con. Cha mẹ cũng cần tôn trọng quyết định của con cái. Khía cạnh chất lượng cuộc sống vật chất cũng góp phần làm tăng cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên vì vậy ngoài đáp ứng về mặt tinh thần thì cha mẹ cũng cần chăm lo đến con về yếu tố vật chất. Kết quả nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên sống trong gia đình khá giả thì cảm thấy hạnh phúc hơn là trong những gia đình khó khăn. Tuy nhiên điều thanh thiếu niên mong đợi nhất ở gia đình mình đó là cảm giác an toàn khi ở nhà, ở trường học và ngoài đường.
3) Về khía cạnh quyền tham gia: Ngoài việc quan tâm chăm sóc con cái, chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần của con thì việc cho con quyền được tham gia, quyền được góp ý kiến, quyền được nói lên quan điểm của mình là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ và dự đoán độ biến thiên cảm nhận hạnh phúc của thanh thiếu niên lớn nhất. Thanh thiếu niên không chỉ mong bố mẹ cho mình được quyền quyết định, quyền đưa ra ý kiến còn muốn được sự phân tích của cha mẹ khi ý kiến hoặc quan điểm của mình chưa đúng. Thường trong nhiều gia đình, cha mẹ thường tự cho mình quyền ép buộc con cái phải nghe theo ý kiến của mình rất ít cha mẹ kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói. Thanh thiếu niên là độ tuổi đang có sự trưởng thành nhất định về tâm sinh lý vì vậy cha mẹ cần hiểu tâm lý của con để tạo điều kiện cho con được trưởng thành. Thực tế, khi đứa trẻ không được đưa ra quan điểm của mình, bị cấm đoán, bị phải làm theo mệnh lệnh nó sẽ hoặc là chống đối quyết liệt tạo nên mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, hoặc là ỉ lại vào ý kiến của cha mẹ mà không chịu có ý kiến riêng của bản thân dẫn đến mãi mãi chỉ là một đứa trẻ con trong thân thể trưởng thành. Như vậy, để nâng cao cảm nhận hạnh phúc cho trẻ cha mẹ cần tôn trọng con cái mình và dạy con cái cách tự lập.
4) Về khía cạnh gắn kết gia đình: Các thành viên trong gia đình cần quan tâm chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống, đưa ra lời khuyên, giúp đỡ khi ai đó cần. Thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau. Nên sống gần nhau và tạo cho nhau nhiều cơ hội được gần gũi chăm sóc nhau.
5)Trong gia đình bố mẹ cũng cần phải yêu thương nhau, sống hòa thuận và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Dù cuộc sống vợ chồng không phải không có mâu thuẫn nhưng việc giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình không làm ảnh hưởng đến cảm nhận của con cái cũng là điều giúp cho thanh thiếu niên cảm thấy hạnh phúc hơn.
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn