Tóm tắt luận án NCS: Vũ Thị Hải

Thứ hai - 11/05/2020 02:51

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

==================

 

 

 

VŨ THỊ HẢI

 

 

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC

CỦA AUGUSTINO

  

   Chuyên ngành      : CNDVBC & CNDVLS

   Mã số                      :  62 22 03 02

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

 

 

HÀ NỘI - 2019

Công trình được hoàn thành tại:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Người hướng dẫn khoa học:  1. PGS. TS. NGUYỄN QUANG HƯNG

                          

Phản biện 1:

Phản biện 2:

Phản biện 3:

Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ họp tại Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào hồi     giờ       ngày    tháng     năm 20

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Augustino là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Hội thánh Công giáo, một vị giám mục thời danh được suy tôn là bậc hiển thánh, là bậc trí thức của mọi thời đại. Đời sống thánh hiến và tầm vóc tư tưởng của ông có sức ảnh hưởng đặc biệt đối với Hội thánh Công giáo cũng như đối với nền văn hóa phương Tây từ thời trung cổ cho đến ngày nay. David E Cooper - một học giả, một triết gia người Anh cho rằng: “sẽ phải mất một thời gian dài triết học Kitô giáo mới có thể sản sinh được những khuôn mặt xấp xỉ tầm vóc của Augustino” [14, 148].

Có thể nói, một trong những đóng góp lớn nhất của Augustino đối với nền tư tưởng phương Tây chính là nhân học, ông đặc biệt nổi tiếng với những phát hiện độc đáo về con người trong thế giới nội tâm của nó. Khám phá tinh tế về nhân học của Augustino đã mang lại những hướng dẫn thiết thực trong việc thực hành đạo đức - tâm linh nhằm dẫn đưa con người vươn tới hạnh phúc chân thật. Ảnh hưởng của ông đối với Hội thánh Công giáo nói riêng và nền văn hóa phương Tây nói chung không chỉ dừng lại trên phương diện lý thuyết mà còn sâu đậm trong phương diện thực hành.

 Sau hơn ba thập kỷ kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới (1986) cho đến nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt phải kể đến những bước tiến vượt bậc trên lĩnh vực kinh tế. Đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện một cách căn bản, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 10 quốc gia đói nghèo nhất thế giới trong thập niên 90 của thể kỷ XX. Tuy nhiên, trong khi đời sống vật chất trở nên thịnh vượng thì chúng ta lại đang chứng kiến sự xuống cấp về mặt đạo đức và nhiều lĩnh vực văn hóa tinh thần của xã hội. Người ta mải mê theo đuổi những đam mê của đời sống trần tục như quyền uy, danh vọng, tiền tài, địa vị v.v. mà lãng quên những giá trị nhân văn cao đẹp. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu về triết học phương Đông và phương Tây được đẩy mạnh nhằm mục đích kế thừa những giá trị tinh túy của nhân loại trong sự nghiệp phát triển nền văn hóa của dân tộc, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống của con người.

Cũng trong bối cảnh đó, triết học Kitô giáo nói chung, triết học Augustino nói riêng bắt đầu được quan tâm nghiên cứu. Triết học Kitô giáo là một nền triết học độc đáo với tính cách riêng, có ảnh hưởng đặc biệt to lớn đối với nền văn hóa phương Tây, nếu không muốn nói chính nó đã góp phần làm nên cốt cách của người phương Tây. Bao lâu nay, việc nghiên cứu triết học Kitô giáo ở Việt Nam còn khá ít ỏi, phần lớn tập trung trong các chủng viện của Hội thánh Công giáo và chủ yếu được tiếp cận từ bình diện tôn giáo, thần học. Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện nay ít nhiều còn tồn tại những định kiến về triết học Kitô giáo, chẳng hạn như việc coi triết học Tây Âu trung cổ là “đêm trường trung cổ”, nhằm ám chỉ một thời kỳ dài trong đó văn hóa và khoa học không đạt được bước tiến nào. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng, triết học Kitô giáo thông qua đạo Kitô đã và đang ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống nhân loại, đặc biệt trong việc định hướng giá trị sống và việc thực hành đạo đức - tâm linh của người phương Tây, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc làm nên những thành rực rỡ của nền văn hóa. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với sự suy thoái của đạo đức lối sống thì việc nghiên cứu về triết học Kitô giáo nói chung và triết học Augustino nói riêng có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Như đã nói ở trên, Augustino là một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất của Hội thánh Công giáo, người có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với sự phát triển của Hội thánh Công giáo trên cả phương diện lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, những nghiên cứu về triết học Augustino ở Việt Nam hiện nay đa phần dừng lại ở việc khảo cứu một số tư tưởng triết học, thần học của Augustino trong một lĩnh vực nào đó, còn thiếu vắng những công trình chuyên khảo mang tính hệ thống về nhà tư tưởng này. Chính vì vậy, tác giả luận án muốn đóng góp một phần nhỏ trong nỗ lực nghiên cứu, làm rõ tư tưởng triết học và thần học của ông, bởi lẽ chúng tôi tin rằng, không ít những tư tưởng của ông vẫn hoàn toàn hữu dụng cho việc nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần ở Việt Nam hiện nay.

Với những lý do trên, NCS lựa chọn đề tài “Tư tưởng triết học của Augustino” làm đề tài luận án của mình.

2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án

Mục đích của luận án là trình bày một cách có hệ thống và chuyên sâu về tư tưởng triết học của Augustino, từ đó chỉ ra những đóng góp và những giới hạn của hệ thống tư tưởng đó.

Nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Làm sáng tỏ những điều kiện và tiền đề cho sự ra đời của triết học Augustino.

- Khảo cứu và làm sáng tỏ những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học của  Augustino trong đó tập trung vào các vấn đề sau: bản thể luận, nhân học, đạo đức học và nhận thức luận.

- Phân tích, đánh giá những đóng góp và giới hạn trong tư tưởng triết học của Augustino.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

Đối tượng nghiên cứu của luận án: tư tưởng triết học của Augustino.

Phạm vi nghiên cứu của luận án: Về nội dung, trên cơ sở lấy vấn đề con người làm trọng tâm, luận án sẽ tập trung làm rõ những nội dung cơ bản trong hệ thống tư tưởng triết học của Augustino, đó là các vấn đề: bản thể luận, nhân học, nhận thức luận và đạo đức học. Về tài liệu, luận án tập trung khảo cứu tác phẩm Tự thuật (Confessiones) - một trong những tác phẩm nổi tiếng vào bậc nhất của Augustino. Ngoài ra, luận án còn sử dụng các trích dẫn từ một số tác phẩm khác của triết gia như: Độc thoại (Soliloquia), Về sự bất tử của linh hồn (De immortalitate animae), Về tự do ý chí (De libero arbitrio), Chúa Ba Ngôi (De Trinitate), Thành đô của Chúa (De civitate).

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận: luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, quan điểm mácxít trong nghiên cứu lịch sử triết học.

Phương pháp nghiên cứu: tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu của phép biện chứng duy vật như: đi từ trừu tượng đến cụ thể, thống nhất lôgic và lịch sử, thống nhất phân tích và tổng hợp, thống nhất quy nạp và diễn dịch, phương pháp so sánh, phương pháp khái quát hóa, phương pháp trừu tượng hóa, v.v.

5. Đóng góp của luận án

- Luận án phân tích, làm rõ được các điều kiện và tiền đề quan trọng nhất cho sự ra đời của triết học Augustino.

- Luận án đã hệ thống hóa và phân tích có chiều sâu những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học của Augustino như: bản thể luận, nhân học, đạo đức học và nhận thức luận.

- Luận án đã phân tích, làm rõ những đóng góp và những giới hạn trong tư tưởng triết học của Augustino từ góc nhìn văn hóa và lập trường mácxít.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

Về mặt lý luận, trên cơ sở thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu đã nêu trên, luận án góp phần nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về tư tưởng triết học của một trong những triết gia - nhà thần học lớn bậc nhất của nền triết học Kitô giáo thời kỳ trung cổ.

Về mặt thực tiễn, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy triết học Kitô giáo nói riêng và triết học phương Tây nói chung. Ngoài ra, luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập và nghiên cứu trong các lĩnh vực nhân học và triết học tôn giáo.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và danh mục các công trình của tác giả có liên quan đến luận án đã được công bố, luận án gồm 4 chương, 10 tiết.

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI “TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA AUGUSTINO”

1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến điều kiện và tiền đề ra đời tư tưởng triết học của Augustino

- Một số công trình nghiên cứu trong nước đề cập đến điều kiện và tiền đề ra đời tư tưởng triết học của Augustino: Lịch sử tư tưởng trước Marx của Trần Đức Thảo (1995); Triết học thượng cổ Tây phương ảnh hưởng trên Kitô giáo của Phan Văn Tình (2010); Về nguồn. Thời các giáo phụ (quyển hai) của Phan Tấn Thành (2013).

- Một số các công trình nghiên cứu nước ngoài có đề cập đến điều kiện và tiền đề ra đời tư tưởng triết học Augustino tiêu biểu như: Câu chuyện triết học của Bryan Magee (2003); Các trường phái triết học trên thế giới của David E Cooper (2005); Quá trình chuyển biến tư tưởng Phương Tây của Richard Tarnas (2008) v.v.

1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến tư tưởng triết học của Augustino

- Các công trình nghiên cứu trong nước:

Một số những nghiên cứu khái quát về toàn bộ tư tưởng triết học của Augustino như: Lịch sử triết học Tây phương. Tập II: Thời trung cổ của Nguyễn Trọng Viễn (1998), Lịch sử triết học Tây phương. Tập III. Triết học thời trung cổ của Lê Tôn Nghiêm (2000);  Triết học trung cổ Tây Âu của Doãn Chính và Đinh Ngọc Thạch (2008); Lịch sử triết học phương Tây. Tập 1: Triết học cổ đại, triết học trung cổ, triết học phục hưng của Đỗ Minh Hợp (2014). Điểm chung của những công trình kể trên là đã trình bày một cách khái quát và có hệ thống những tư tưởng nổi bật nhất trong triết học của Augustino.

Trong số những công trình nghiên cứu về tư tưởng triết học của Augustino, bên cạnh những nghiên cứu mang tính tổng thể và khái quát còn phải kể đến những công trình đi sâu vào từng vấn đề riêng biệt. Một số công trình về bản thể luận như: Thiên Chúa của tin mừng. Thiên Chúa ba ngôi của Nguyễn Văn Khanh, Mầu nhiệm một Chúa ba ngôi của Tân Yên. Một số công trình về nhân học: Đời sống tâm linh của Phan Tấn Thành (2002); Nhân học Kitô giáo của Lê Văn Chính (2005); Nhân học Kitô giáo. Tập 2: Tội nguyên tổ và ân sủng của Trần Ngọc Anh (2015).

- Các công trình nghiên cứu nước ngoài:

Một số công trình nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về tư tưởng của Augustino như: Introduction à l'étude de Saint Augustin, Vrin của Étienne Gilson (1929); Geschichte der Philosophie (Lịch sử triết học) của Johannes Hirschberger (1948); A History of philosophy. Volume II: Medieval philosophy của Frederick Copleston (1993).

Một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề bản thể luận như: Các phạm trù văn hóa Trung cổ của A.J.A Gurevich (1998), trong đó có phân tích quan niệm về thời gian của Augustino; Tường mầu nhiệm Thiên chúa Ba Ngôi của Michel Rondet (2010) là một trong những công trình tiêu biểu trình bày lịch sử quan niệm về Chúa Ba Ngôi; Sáng thế luận qua các tác giả của Georg Kraus trong là công trình nghiên cứu về vấn đề sáng thế. Một số nghiên cứu về nhân học như: The Structue of the Human Mind According to Augustine. Self - reflection and Knowledge of God in De Trinitate của Johannes Brachtendorf (2000); Nhân văn luận thần học qua các tác giả của Georg Langemeyer. Một số nghiên cứu về đạo đức như: Đạo đức học hiện đại: cội nguồn và những vấn đề của Elena Vxevolodovna Zolotkhina - Abolina (1998); The moral theory and applied of saint Augustine of Hippo as presented in “in Iohannis evangelium tractatus” and “in epistulam Iohannis ad parthos” của John Paschal Bane (1998); Nhập môn triết học phương Tây của Samuel Enoch Stumpf và Donald C. Abel (2004); The cardinal virtues in the middle ages: A study moral thought from the fourth to the fourteenth century của István P. Bejczy (2011) v.v.

1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến việc đánh giá về triết học Augustino

Một trong những cuốn sách nổi bật nhất ở Việt Nam nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp, cũng như ảnh hưởng của Augustino đối với thế hệ trẻ Công giáo Việt Nam hiện nay phải kể đến Augustino. Vị thánh của người trẻ hôm nay của Jorathe Nắng Tím (2016).

Một số những công trình chuyên khảo của các học giả nước ngoài ít nhiều chứa đựng những nhận xét, đánh giá về tư tưởng triết học của Augustino phải kể đến:  The Saints that Moved the World: Anthony, Augustine, Francis, Ignatius, Theresa của René Fúlop – Miller (1945); Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo của Hans Kung (2010); Hành trình khám phá thế giới triết học phương Tây của William F. Lawhead (2012).

1.4. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu

Qua việc tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài “Tư tưởng triết học của Augustino”, chúng tôi sẽ tổng kết thành quả mà những nghiên cứu đi trước đạt được và xác định những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu:

Thứ nhất, trong các công trình nghiên cứu trên đây với mục đích và cách tiếp cận khác nhau đã ít nhiều đã đề cập tới những điều kiện và tiền đề ra đời của triết học Augustino, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên biệt và có hệt thống, chính vì thế chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế đó để trình bày một cách có hệ thống và toàn diện hơn về vấn đề này.

Thứ hai, vấn đề tư tưởng triết học của Augustino đã được nghiên cứu bởi các học giả trong nước và ngoài nước. Các học giả trong nước tiêu biểu phải kể đến: Nguyễn Trọng Viễn, Lê Tôn Nghiêm, Phan Tấn Thành, Đỗ Minh Hợp, Doãn Chính và Đinh Ngọc Thạch. Một trong những chuyên gia hàng đầu và tiêu biểu nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về triết học Kitô giáo chính là Étienne Gilson, ngoài ra còn phải kể đến các nhà nghiên cứu Johannes Hirschberger và Frederick Copleston. Các học giả đã mang đến những nghiên cứu một cách có hệ thống và khái quát về tư tưởng triết học của Augustino, đó là những nền tảng cực kỳ quan trọng cho việc tiếp tục đào sâu nghiên cứu về tư tưởng của triết gia. Kế thừa những nghiên cứu đi trước, chúng tôi sẽ trình bày một cách có hệ thống và mang tính chuyên sâu về  những nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng triết học của Augustino, đặc biệt là mang lại những minh chứng cụ thể, thuyết phục dựa trên việc khảo cứu những tác phẩm tiêu biểu mà ông để lại.

Thứ ba, trong việc đánh giá về triết học của Augustino, cho đến nay hầu như chưa có công trình nào trình bày một cách tập trung về vấn đề này. Những nghiên cứu mà chúng tôi được tiếp cận chủ yếu nhấn mạnh mặt giá trị mà hiếm khi đề cập đến những giới hạn trong hệ thống tư tưởng của Augustino. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đi trước và nghiên cứu một cách có hệ thống về tư tưởng triết học của Augustino, chúng tôi sẽ mang lại một vài nhận định về tư tưởng triết học của ông từ lập trường mácxít. Và, chúng tôi coi đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nghiên cứu này.

CHƯƠNG 2. NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA AUGUSTINO

2.1. Những điều kiện cho sự ra đời tư tưởng triết học của Augustino

2.1.1. Bối cảnh lịch sử

Augustino sống vào cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V, trong giai đoạn chuyển giao từ thời cổ đại sang thời kỳ trung cổ ở phương Tây. Xã hội Roma đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên tất cả các bình diện của đời sống xã hội: nền kinh tế suy đồi, nền chính trị rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và những mâu thuẫn xã hội không thể hóa giải. Cuộc khủng hoảng trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội Roma được đẩy lên đỉnh điểm bởi cuộc xâm lăng của người man tộc German. Vào năm 476, thủ lĩnh quân sự người German đã lật đổ vị hoàng đế cuối cùng của đế quốc Tây Roma, lên làm hoàng đế và chính thức thiết lập chế độ phong kiến. Sự kiện này đánh dấu sự diệt vong chính thức của chế độ nô lệ trong lịch sử, xã hội phương Tây đi vào con đường phong kiến hóa và thời kỳ trung cổ chính thức được bắt đầu.

2.1.2. Bối cảnh văn hóa tinh thần

Triết học Augustino được hình thành và phát triển trong bối cảnh nền văn hóa Roma phát triển rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, văn học, sử học, nghệ thuật, triết học và tôn giáo. Đặc biệt phải kể đến sự hình thành và phát triển của đạo Kitô vào những thế kỷ đầu công nguyên là minh chứng cho sự chuyển biến mang tính bước ngoặt của nền văn hóa đã làm thay đổi căn bản tâm thức của người phương Tây. Trong những thế kỷ đầu công nguyên, Kitô giáo không những phải đối mặt với cuộc bách hại từ phía chính quyền, sự chống đối của các tôn giáo khác mà còn phải đối mặt với những mâu thuẫn bên trong do sự xuất hiện của các lạc giáo, lạc thuyết và đây chính là nguồn gốc ra đời giáo phụ học. Năm 313, hoàng đế Constantine đã ban chỉ dụ Milano công nhận địa vị hợp pháp của Kitô giáo, sau đó vào năm 380, Kitô giáo được công nhận là quốc giáo, sự thay đổi mang tính bước ngoặt đó đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi các giáo phụ phải tập trung phát triển, làm sâu sắc hơn hệ thống tín điều nhằm đưa đạo Kitô lên một tầm cao mới. Đây là sứ mệnh trọng đại mà Augustino cũng như nhiều trí thức Kitô giáo phải gánh lấy và chính bối cảnh này ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển tư tưởng của ông.

2.2. Tiền đề tư tưởng của triết học Augustino

2.2.1. Một số triết gia Hy Lạp ảnh hưởng tới Augustino

Tư tưởng triết học của Augustino được hình thành và phát triển trong bầu không khí của truyền thống triết học Hy Lạp, ông nhận thấy triết học Hy Lạp như một phương tiện trí tuệ hữu ích cho việc giải thích các tín điều Kitô giáo, cho sự thăng tiến thần học và giúp cho Kitô giáo có thể dễ dàng thâm nhập, lan tỏa vào trong căn tính của nền văn hóa phương Tây. Ông chịu ảnh hưởng bởi nhiều triết gia và các trường phái triết học Hy Lạp khác nhau, song đặc biệt nhất phải kể tới Plato và phái Plato mới - những trường phái có ảnh hưởng trực tiếp và sâu đậm nhất đến ông trên rất nhiều lĩnh vực suy tư.

2.2.2. Kinh Thánh

Không thể phủ nhận ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của triết học Hy Lạp đối với Augustino, nhưng Kinh Thánh mới thực sự là trụ cột tinh thần trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của ông. Đối với Augustino, Kinh Thánh là nền tảng chân lý vững chắc, bất di bất dịch và không thể phủ nhận và nhiệm vụ của ông cũng như các nhà triết học, thần học Kitô giáo là tiếp tục làm sáng tỏ hệ thống các tín điều được xác lập trong Kinh Thánh mà thôi.  Ở đây, chúng tôi tập trung phân tích ảnh hưởng của Kinh Thánh đối với Augustino trong các vấn đề cơ bản sau: Thiên Chúa, thuyết sáng thế, cái ác và tội lỗi, nhận thức và lịch sử cứu độ.

2.2.3. Philo và các giáo phụ giai đoạn sơ khai

Triết học của Augustino chịu ảnh hưởng trước hết là nền tảng chân lý mạc khải trong Kinh Thánh, sau đó mới đến triết học Hy Lạp và cuối cùng là giáo phụ học. Các giáo phụ trong những thế kỷ đầu công nguyên đã cung cấp những tiền đề, luận cứ và mang lại những định hướng đặc biệt quan trọng giúp Augustino phát triển hệ thống tư tưởng của mình. Ông chịu ảnh từ các giáo phụ đặc biệt trong tinh thần dung hòa chân lý mạc khải với văn hóa duy lý Hy Lạp, chính họ đã mở đường cho ông trong việc hoàn thành cuộc hôn phối giữa truyền thống Hy Lạp và truyền thống Do Thái - Kitô.

2.3. Augustino - con người và những tác phẩm tiêu biểu

Augustino sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, Bắc Phi (thuộc đế quốc Roma trước đây), một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Numidia, Algeri hiện nay. Ông sinh ra trong một gia đình có cha là người ngoại giáo và mẹ là một tín đồ Kitô hữu đạo đức. Khi còn nhỏ, Augustino là một đứa trẻ ham chơi với vô số trò lừa bịp, gian dối, trộm cắp, v.v. Thời thanh niên, ông lại mải mê theo đuổi những đam mê của đời sống thế tục: địa vị, danh vọng, tiền tài và ái dục, v.v. Ông đã học và trở thành một trong những nhà hùng biện có danh tiếng thời bấy giờ. Bước ngoặt cuộc đời Augustino là khi ông từ chức giáo sư hùng biện, xin trở lại đạo Kitô và được rửa tội bởi giám mục Ambrosio vào năm 387. Từ khi trở thành giám mục thành Hippo, ông đã có nhiều đóng góp cho Hội thánh Công giáo. Năm 429, quân Vandal tiến vào xâm lược Bắc Phi. Năm 430, thành Hippo thất thủ, Augustino qua đời ngày 28/8/430 ở tuổi 76. Augustino đã để lại cho Hội thánh và nền văn hóa phương Tây một khối lượng di sản tinh thần rất đồ sộ, gồm khoảng 232 tác phẩm thuộc các loại khác nhau như: tự thuật, triết học, hộ giáo, tín lý, phi bác lạc thuyết, chú giải Kinh thánh, luân lý, thư tín, diễn từ. Chúng được ví như một bộ từ điển bách khoa của Hội thánh Công giáo.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Triết học Augustino được hình thành và phát triển trong bối cảnh lịch sử của những thế kỷ đầu công nguyên, giai đoạn chuyển giao từ thời kỳ cổ đại sang thời kỳ trung cổ, là giai đoạn suy tàn của chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng đã xuất hiện những mầm mống của chế độ phong kiến. Đế chế Roma rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, vì thế nó được coi là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Roma. Đây cũng giai đoạn chứa đựng nhiều biến động về văn hóa tinh thần của xã hội phương Tây mà điểm nổi bật là sự hình thành và phát triển của Kitô giáo gắn liền với những mâu thuẫn bên trong và xung đột bên ngoài của nó. Đời sống văn hóa tinh thần Tây Âu trở nên phức tạp, sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, những truyền thống cũ đang dần mai một và những truyền thống mới bắt đầu hình thành và phát triển. Bối cảnh lịch sử và văn hóa tinh thần đó đã quy định triết học Augustino về cả nội dung và khuynh hướng phát triển. Điều đó chỉ ra rằng, bất cứ học thuyết hay hệ thống tư tưởng của thời đại nào cũng là sản phẩm được chắt lọc, được trưng cất từ trong mọi điều kiện và tiền đề của thời đại ấy, như C. Mác từng khẳng định: “Các nhà triết học không phải những cây nấm mọc trên đất. Họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình mà những tinh lực tinh tế nhất, quý giá nhất và khó nhìn thấy đã được suy tư trong các khái niệm triết học”.

Triết học Hy Lạp, Kinh Thánh và giáo phụ học giai đoạn sơ khai là những nẻo đường đến triết học Augustino. Trong ba cội nguồn tư tưởng đó, Kinh Thánh là trụ cột tinh thần, là nền tảng chân lý đức tin quan trọng nhất chi phối tư tưởng của Augustino một cách toàn diện. Văn hóa Hy Lạp là tiền đề triết lý cung cấp những luận cứ có nguồn gốc lý trí nhằm củng cố cho chân lý đức tin. Giáo phụ học đã khai mở ý tưởng về cuộc hôn phối giữa các truyền thống văn hóa. Trên cơ sở đó, Augustino đã thực hiện triệt để cuộc hôn phối giữa hai truyền thống văn hóa và hợp nhất chúng vào trong một dòng chảy chung. Đó là cuộc hôn phối có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ đối với Kitô giáo mà còn đối với toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa phương Tây, chấm dứt thời đại của sự đa nguyên chân lý tiến đến nhất nguyên chân lý, thiết lập một sự thống nhất văn hóa phương Tây từ trong căn tính của nó.

Một trong những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đối với tư tưởng triết học của Augustino không thể không kể đến những chuyển biến phức tạp trong cuộc đời và sự nghiệp của triết gia. Cuộc đời ông đã chứng minh cho câu danh ngôn nổi tiếng: “chẳng có thánh nhân nào không có quá khứ, chẳng có tội nhân nào không có tương lai”. Cuộc đời ông là một cuộc hành trình đi từ một kẻ chơi bời, trác táng, chìm đắm trong những ham muốn dục vọng của đời sống trần thế để rồi trở về với cuộc đời thánh thiện. Cuộc đời ông cũng là một cuộc hành trình của những khao khát mãnh liệt của sự tìm chân lý đích thực. Những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống, những giằng xé nội tâm chính là chất liệu thực tiễn giúp cho ông tìm ra những chân lý vững chắc. Ông đã để lại cho nhân loại một khối lượng di sản tinh thần với nhiều tác phẩm đồ sộ mà trong đó hàm chứa những ý tưởng độc đáo, khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau trên nhiều lĩnh vực: thần học, triết học, khoa học, văn học, lịch sử v.v. Ông được coi là một trong những nhà thần học - triết học lớn vào bậc nhất trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo. Hội thánh Công giáo biết ơn và tôn vinh ông, nền văn hóa phương Tây không thể không ghi nhận tên tuổi và những đóng góp của ông trong việc làm nên những hào quang của nó.

CHƯƠNG 3. BẢN THỂ LUẬN VÀ NHÂN HỌC CỦA AUGUSTINO

3.1. Bản thể luận của Augustino

3.1.1. Chứng minh Thiên Chúa

Luận điểm xuất phát cho toàn bộ quá trình chứng minh Thiên Chúa được Augustino xác lập là “Tin để mà hiểu, hiểu để mà tin” (Credo intelligere, intelligere credere), điều đó có nghĩa là để chứng minh sự hiện hữu chân thật của Thiên Chúa thì con người cần phải tin có Thiên Chúa trước đã. Augustino trình bày nhiều luận cứ khác nhau, song ở đây chúng tôi đề cập bốn luận cứ cơ bản nhất: Luận cứ xuất phát từ chân lý; Luận cứ xuất phát từ sự khôn ngoan; Luận cứ xuất phát từ bản chất của sự vật hay là hình dạng và con số; Luận cứ xuất phát từ thế giới vạn vật. Các luận cứ trên có sự thống nhất giữa suy tư của lý tính và cảm nghiệm của đức tin, chúng là các giai đoạn khác nhau trong một quá trình truy nguyên để minh chứng về cội nguồn vĩnh cửu là Thiên Chúa tối cao. Dường như ông đã cố gắng nhắc nhở những người Kitô giáo về một “sự thật” hơn là mang lại một sự chứng minh có tính hệ thống về Thiên Chúa.

3.1.2. Bản tính Thiên Chúa

Chứng minh Thiên Chúa chính là cơ sở để Augustino luận giải về bản tính Thiên Chúa. Vấn đề bản tính Thiên Chúa được ông trình bày rải rác trong một số tác phẩm như: Tự thuật, Độc thoại, Đạo đức của Hội thánh Công giáo, Về bản chất của cái thiện v.v. Thông qua các tác phẩm, Augustino làm nổi bật lên các luận điểm cơ bản sau: Thiên Chúa là bản thể tinh thần vô hạn, bất biến, vĩnh viễn; Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối; Thiên Chúa là Ba Ngôi nhất thể; Thiên Chúa là Đấng toàn năng, là nguyên nhân đệ nhất - nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

3.1.3. Thuyết sáng thế

Trong thuyết sáng thế, Augustino tập trung luận giải mấy vấn đề cốt yếu sau: Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô, tiến trình sáng tạo, tính mục đích và tính trật tự của thế giới, bản chất của thời gian. Theo đó, vì yêu thương và trong sự tự do tuyệt đối, Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới vạn vật từ hư vô. Thiên Chúa sáng tạo vạn vật từ vật chất đầu tiên và hình dạng vĩnh cửu. Thế giới vạn vật do Thiên Chúa sáng tạo ra đều tốt đẹp từ trong bản chất, chúng được xếp đặt một cách có trật tự, có mục đích tự thân, đồng thời hướng tới mục đích trong tính toàn thể, và chúng vận hành theo luật vĩnh cửu hay chính là kế hoạch tiền định của Thiên Chúa. Về thời gian, Augustino lý giải hai vấn đề: bản chất của thời gian và đo thời gian. Ông cho rằng, bản chất của thời gian luôn luôn là hiện tại: quá khứ là hiện tại của quá khứ, hiện tại là hiện tại của hiện tại và tương lai là hiện tại của tương lai. Độ dài hay ngắn của thời gian là do cảm nhận của tâm hồn. Như vậy, trong quan niệm của Augustino, thời gian mang tính chủ quan và thời gian mang tính tương đối.

3.2. Nhân học

3.2.1. Nguồn gốc và bản chất con người

Theo Augustino, con người không chỉ là một hiện hữu chân thật, sống động mà còn là một hiện hữu xuất sắc, vượt trội trong thế giới thụ tạo. Augustino tiếp tục luận giải và phát triển tín điều được xác lập trong Kinh Thánh rằng, con người là do Thiên Chúa sáng tạo ra theo hình ảnh của Ngài. Cha mẹ phần xác chỉ là phương tiện mà Thiên Chúa sử dụng để thực hiện hành vi sáng tạo của mình mà thôi. Con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thên Chúa không phải vì có một thân thể hoàn mỹ mà vì nó là một sinh vật có trí tuệ, có lý trí, vì thế nó được xếp vào thang bậc cao nhất của tồn tại. Bản chất của con người là một chỉnh thể của linh hồn và thể xác, tuy nhiên bản chất ấy cốt lõi được thể hiện trong linh hồn, linh hồn là sự sống của thân xác, còn thân xác chỉ là cái vỏ vật chất bề ngoài mà thôi.

3.2.2. Về linh hồn

Trong quan niệm về linh hồn, Augustino đi vào hai vấn đề chính: nguồn gốc, bản chất và kết cấu của linh hồn. Có một điều không thể phủ nhận, Thiên Chúa là tạo dựng con người, do đó chính Ngài là tác giả của linh hồn. Tuy nhiên, để giải thích một cách cụ thể về quá trình sáng tạo các thế hệ loài người thì Augustino nghiêng về thuyết truyền hồn. Bản chất của linh hồn là một bí ẩn và chưa từng được lý giải một cách cụ thể trong nền tư tưởng phương Tây trước Augustino. Augustino luận giải rằng, linh hồn là một bản thể tinh thần phi vật chất có đặc tính đơn giản, vô hình. Một yếu tính khác của linh hồn chính là sự bất tử, vì linh hồn chứa đựng tinh thần (hiểu theo nghĩa hẹp) mà nó trở nên bất tử. Linh hồn có cấu trúc tam phân, gồm: ký ức, lý trí và ý chí. Chúng không phải là ba bộ phận của một cơ thể mà là năng lực của một bản thể linh hồn duy nhất.

3.2.3. Tự do ý chí và kinh nghiệm nội tâm

Con người có tự do ý chí hay không? Đối với vấn đề này, Augustino cho rằng, tự do ý chí trước hết là một món quà tốt lành Thiên Chúa ban cho con người, tuy nhiên không có cái gọi là tự do ý chí theo nghĩa tuyệt đối mà chỉ có tự do ý chí trong giới hạn tiền định của Thiên Chúa mà thôi. Nói cách khác, Thiên Chúa sáng tạo ra con người và ban cho con người quyền tự do ý chí, nhưng mọi lựa chọn tự do của ý chí đều nằm trong kế hoạch tiền định của Ngài.

Khi thâm nhập vào đời sống nội tâm của chính mình, Augustino nhận ra bản chất hiện sinh của tồn tại người thể hiện đặc biệt trong những xung đột và khủng hoảng nội tâm mà ông gọi đó là những “căn bệnh của tâm hồn”. Đó là cuộc xung đột giữa ý chí thánh thiện có nguồn gốc từ Thiên Chúa và ý muốn dung tục có nguồn gốc từ thân xác con người. Chỉ khi nào ý muốn thánh thiện chiến thắng được ý muốn dung tục thì lúc đó chúng ta mới có thể đạt tới hạnh phúc chân thật. Mặc dù đã xem xét con người từ nhiều chiều cạnh nhưng Augustino vẫn cho rằng, bản chất của tồn tại người là một bí ẩn lớn lao mà tâm trí ông không thể nắm bắt một cách trọn vẹn và tường minh được.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Có thể thấy, Augustino đã đi vào những vấn đề cốt lõi nhất của bản thể luận được đặt ra từ truyền thống Hy Lạp và truyền thống Do Thái giáo - Kitô giáo. Bản thể luận của Augustino xoay quanh mấy vấn đề: Vạn vật từ đâu mà có và bản chất của chúng là gì? Liệu có hay không một hữu thể tối cao là Thiên Chúa và nếu có thì bản tính Thiên Chúa như thế nào? Đứng trên nền tảng chân lý đức tin Kitô giáo cùng với sự vay mượn những hạt nhân lý luận của triết học Hy Lạp, Augustino đã chứng minh Thiên Chúa có và Ngài là một bản thể tinh thần phi vật chất, vô hạn, bất biến, vĩnh viễn, toàn thiện, toàn năng và duy nhất. Thiên Chúa là nguồn gốc sáng tạo và quan phòng thế giới vạn vật. Thế giới vạn vật do Thiên Chúa sáng tạo ra có mục đích, có trật tự và tốt đẹp từ trong chính bản chất của chúng. Vạn vật được tạo nên từ hai yếu tố là hình thức và vật chất, trong đó hình thức là cốt yếu quy định bản chất của vạn vật.

Trong suy tư về nhân học, từ cách tiếp cận siêu hình học, Augustino đã chứng minh con người là hiện hữu chân thật, là chóp đỉnh của thế giới vạn vật, được Thiên Chúa sáng tạo ra theo hình ảnh của Ngài. Bản chất của con người là một linh hồn có lý trí sở hữu một thân thể khả từ. Linh hồn là một bản thể tinh thần phi vật chất, bất tử với cấu trúc tam phân gồm ký ức, lý trí và ý chí. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì nó là một linh hồn có lý trí mà còn vì nó là một linh hồn có cấu trúc tam phân tương tự như cấu trúc của Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha - Con - Thánh Thần, vì thế để biết Thiên Chúa phải thông qua linh hồn và để biết linh hồn phải thông qua Thiên Chúa. Từ cách tiếp cận lịch sử, Augustino đã chỉ ra rằng, con người một hiện hữu tự do trong sự tiền định và ân sủng của Thiên Chúa. Bản chất của tồn tại người được bộ lộ ra trong thế giới nội tâm vô cùng phức tạp với những cảm xúc đã chiều, những khủng hoảng và xung đột nội tâm khi phải đối mặt với những sự lựa chọn trong cuộc đời. Sự lựa chọn tự do của ý chí sẽ dẫn con người vào thế giới đạo đức và hành trình tìm kiếm chân lý tối cao là Thiên Chúa. Từ đây, nhân học của Augustino sẽ tiếp tục được triển khai trong đạo đức học và nhân thức luận với tư cách là nhân học mở rộng trong suy tư về năng lực đạo đức và năng lực nhận thức của con người.

Bản thể luận và nhân học là hai vấn đề nền tảng và quan trọng vào bậc nhất trong tư tưởng triết học của Augustino nói riêng và triết học Kitô giáo nói chung. Đó là xuất phát điểm cho các lĩnh vực suy tư khác về đạo đức học, nhận thức luận cũng như triết học lịch sử. Có thể nhận thấy, từ góc nhìn Kitô giáo, Augustino đã đứng trên nền tảng chân lý đức tin đồng thời kế thừa những giá trị tinh túy của nền triết lý Hy Lạp, chính ông đã đưa bản thể luận và nhân học Kitô giáo lên một tầm cao mới, vượt qua bản thể luận và nhân học Do Thái giáo và Hindu giáo bởi những luận chứng triết học của nó, đó là đóng góp cực kỳ quan trọng của ông với tư cách là một giáo phụ - một nhà thần học Kitô giáo. Và, hơn thế nữa, với tư cách một nhà triết học, Augustino đã bổ sung và phát triển rất nhiều nội dung của bản thể luận cũng như nhân học so với nền triết lý Hy Lạp, đặc biệt trong các vấn đề chứng minh Thiên Chúa, thời gian, và thế giới nội tâm của con người. Đặc trưng của thần học - triết học Augustino chính là ở khát vọng đi đến tận cùng của suy tư.

CHƯƠNG 4. ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ NHẬN THỨC LUẬN CỦA AUGUSTINO

4.1. Đạo đức học

4.1.1. Cái Ác

Bàn về cái ác đạo đức, vấn đề là ở chỗ bản chất của tội lỗi là gì? Augustino cho rằng, bản chất của tội lỗi chính là sự trở mặt của con người với Thiên Chúa, từ chối vâng theo mệnh lệnh và những điều răn của Ngài để chạy theo ý muốn của chính mình. Nguồn gốc của tội lỗi xuất phát từ tự do ý chí, chính nó khiến cho linh hồn bị chia thành hai ngả với hai loại ý muốn đối nghịch nhau: ý muốn tốt và ý muốn xấu hay còn gọi là chí thiện và chí ác, từ đó đặt con người vào tình huống lựa chọn. Khi chúng ta theo đuổi chí thiện nghĩa là đã lựa chọn đời sống công chính và vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa cũng chính là cái thiện luân lý, nhờ đó chúng ta đạt tới hạnh phúc chân thực. Ngược lại, khi chúng ta lựa chọn chí ác, đó chính là tội lỗi. Chí ác là nguồn gốc của tội lỗi và mọi người ác chính là tác giả của hành động ác của chính anh ta. Augustino cho rằng, lòng tham chính là gốc rễ của toàn bộ cái ác và lòng tham có cơ sở từ trong căn tính của con người.

4.1.2. Hạnh phúc

Augustino cho rằng, hạnh phúc chính là cùng đích của đời sống nhân loại, mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc theo những cách khác nhau. Bản chất của hạnh phúc là niềm vui thỏa, là khoái lạc của tâm hồn khi chúng ta đạt được điều thiện mà chúng ta ao ước. Augustino đã nỗ lực trong việc phân biệt giữa hạnh phúc chân thật và hạnh phúc giả dối. Hạnh phúc giả dối là niềm vui, khoái lạc của tâm hồn khi con người theo đuổi và đạt được sự thiện của thế giới thụ tạo. Hạnh phúc chân thật hay chân phúc niềm vui thỏa, là khoái lạc con người đạt được khi theo đuổi và đạt tới sự thiện tối cao là Thiên Chúa. Augustino gọi đó là niềm vui thú không chán nản, là khoái lạc lành thánh, là sự bình yên thanh khiết của tâm hồn, và chân lý chính là mẫu số chung cho tất cả những cảm xúc thuộc về hạnh phúc chân thật, như ông đã nói: hạnh phúc chân thật là niềm vui trong chân lý.

4.1.3. Đức hạnh

Đức hạnh là nghệ thuật sống đúng đắn dẫn đưa con người tới chân phúc. Để đạt tới đức hạnh hay đời sống công chính con người cần một tiến trình đào luyện và toàn bộ quá trình ấy phải bắt đầu bằng sự khiêm nhường, từ đó thực hành ba nhân đức đối với Thiên Chúa: đức tin - đức cậy - đức mến. Tình yêu là hồn cốt của đạo Kitô và yêu kính Thiên Chúa, yêu thương tha nhân là giới luật căn bản, cốt yếu nhất của nền luân lý Kitô giáo. Yêu kính Thiên Chúa được biểu hiện thông qua bốn đức hạnh luân lý căn bản  là tiết độ, dũng cảm, công bằng và khôn ngoan. Yêu thương tha nhân như chính mình cũng là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa. Yêu thương tha nhân là nỗ lực dẫn đưa tha nhân đến với sự thiện tối cao là Thiên Chúa. Yêu tha nhân, yêu chính mình hay yêu bất cứ điều gì của thế gian cũng đều phải xuất phát từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và phải quy hướng về tình yêu đối với Thiên Chúa.

4.2. Nhận thức luận

4.2.1. Chân lý - mục đích của quá trình nhận thức

Augustino cho rằng, mục đích của mọi quá trình nhận thức là chân lý và việc tìm kiếm và nắm giữ chân lý giúp chúng ta đạt tới một cuộc đời hạnh phúc. Chân lý được hiểu là sự thật phổ quát, bất biến và vĩnh viễn; đồng thời, các tri thức được coi là chân lý thì phải đảm bảo nguyên tắc về tính đồng nhất, nghĩa là đồng nhất với sự thật hay là bắt chước sự thật một cách hoàn hảo. Bản chất của chân lý là sự phản ánh một cách hoàn hảo nhất hình dạng vĩnh cửu. Chân lý không cư ngụ bên trong chính bản thân con người, vì vậy để tìm kiếm chân lý, chúng ta cần phải quay trở về với chính bản thân mình.

4.2.2. Biện chứng giữa đức tin và lý trí - các phương tiện của quá trình nhận thức

Theo Augustino, đức tin và lý trí là hai phương thức căn bản và tất yếu cho mọi quá trình nhận thức chân lý, đặc biệt là chân lý tối cao là Thiên Chúa - chân lý của mọi chân lý. Ông viết:“Tin để hiểu, hiểu để tin” (intellige ut credas, crede ut intelligas). Vai trò của đức tin là ở chỗ xác lập các tín điều, xác lập các chân lý vững chắc trong tinh thần và từ đó lý trí có nhiệm vụ mang lại các luận cứ, luận chứng nhằm luận giải và làm sáng tỏ những tri thức đó. Để khái quát quan niệm của Augustino về mối quan hệ giữa lý trí và đức tin, chúng ta có thể mượn cách diễn đạt khác của thánh Gioan Phaolo II trong thông điệp Đức tin và lý trí (Fides et ratio): “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm ngắm chân lý”.

4.2.3. Quá trình nhận thức và thuyết soi sáng

Augustino cho rằng, quá trình nhận thức của con người gồm ba giai đoạn: nhận thức bằng giác quan bên ngoài, nhận thức bằng giác quan bên trong và nhận thức bằng lý trí. Ba giai đoạn ấy tương ứng với nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, trong đó nhận thức cảm tính đã bao gồm nhận thức bằng giác quan bên ngoài và nhận thức bằng giác quan bên trong, còn nhận thức bằng lý trí tương ứng với giai đoạn nhận thức lý tính. Augustino cho rằng, con người hoàn toàn không thể đạt tới chân lý nếu không được soi sáng bởi người thầy nội tâm là Thiên Chúa. Và để được soi sáng, con người luôn phải giữ đức tin, vì thế sự vận hành của mọi quá trình nhận thức không vượt ra ngoài phạm vi của đức tin và mọi tri thức sẽ không vượt qua giới hạn của các tín điều.

4.3. Một số nhận xét, đánh giá về triết học của Augustino

4.3.1. Những đóng góp của triết học Augustino

Đối với nền văn hóa phương Tây, Augustino đã để lại một hệ thống di sản tinh thần phong phú mà hệ thống những tác phẩm còn lại cho đến ngày nay được coi như một bộ bách khoa thư của Hội thánh Công giáo. Chính ông cũng góp phần không nhỏ cho sự phát triền của nền văn hóa phương Tây trong việc hóa giải những mâu thuẫn nội tại của nền văn hóa, đó là mâu thuẫn giữa truyền thống duy lý Hy Lạp và truyền thống đức tin của Do Thái - Kitô, từ đó thống nhất nền văn hóa vào trong một dòng chảy chung và tạo nên đà cho sự tiến lên của nền văn hóa trong những thế kỷ sau. Ngoài ra, Augustino đã góp phần không nhỏ trong sự thăng tiến trong nhiều lĩnh vực suy tư như: bản thể luận trong quan niệm về sáng thế và thời gian; nhân học trong quan niệm về linh hồn và kinh nghiệm nội tâm; đạo đức học trong sự phát triển quan niệm về cái ác, hạnh phúc và đức hạnh; nhận thức luận trong sự mở rộng quan niệm về chân lý và quá trình nhận thức. Ngoài ra, Augustino cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của triết học lịch sử mà theo nhận định của nhiều học giả thì ông là người đầu tiên khai mở lĩnh vực suy tư này.

4.3.2. Những giới hạn của triết học Augustino

Từ góc nhìn mácxít, chúng tôi nhận thấy rằng, đặc trưng bao trùm toàn bộ triết học của Augustino là sự tuyệt đối hóa đời sống tinh thần mà hạ thấp đời sống vật chất, từ đó kéo theo những hệ luận tiêu cực trên bình diện tư tưởng và trên bình diện xã hội kéo dài suốt thời kỳ trung cổ. Bên cạnh đó, tư tưởng triết học của Augustino còn chứa đựng những giới hạn nhất định trong lĩnh vực suy tư về nhân học, nhận thức luận và triết học về lịch sử.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 4

Sự mở rộng của nhân học Augustino trong lĩnh vực đạo đức học đã giải quyết mấy vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan tới đời sống thực hành của con người: nguồn gốc và bản chất của cái ác, hạnh phúc và con đường đạt tới hạnh phúc. Augustino coi tự do ý chí là chìa khóa mở ra những bí mật về cội nguồn của cái ác. Tự do ý chí khiến con người phải đối diện với tình huống phải lựa chọn giữa chí thiện và chí ác. Lựa chọn chí thiện là nguồn gốc của cái thiện và lựa chọn chí ác là nguồn gốc của cái ác. Bản chất của cái ác không là gì khác hơn là sự từ bỏ những giới răn của Thiên Chúa để chạy theo những đam mê trần tục. Nguồn gốc tận cùng của lòng tham dục của cái ác là lòng tham hay là Aversion khiến con người trở mặt với sự thiện tuyệt đối là Thiên Chúa. Hạnh phúc chân thật với tư cách niềm vui trong chân lý hay là niềm vui trong Chúa chính là cùng đích của đời sống nhân loại. Con đường tìm kiếm hạnh phúc chính là con đường theo đuổi sự thiện tuyệt đối là Thiên Chúa, nói cách khác chính là một đời sống công chính hay là đức hạnh mà cốt lõi của nó là “yêu kính Thiên Chúa và yêu thương tha nhân”. Với việc giải quyết những vấn đề căn bản của đạo đức học, Augustino đã đem lại những câu trả lời thỏa đáng cho lĩnh vực đời sống thực hành trên bình diện của đức tin. Đặc trưng quan trọng nhất của đạo đức học Augustino là một nền đạo đức mà tất cả đều được đặt dưới sự bảo trợ và giám sát của Thiên Chúa. Chính ở đây, ông đã mang lại đóng góp lớn cho đạo đức học Kitô giáo, đặc biệt trong việc kiến giải vấn đề nguồn gốc của cái ác.

Nhận thức luận cũng là sự mở rộng của nhân học Augustino nhưng đi sâu luận giải về năng lực nhận thức của con người, một phương diện của tồn tại người với tư cách là hình ảnh của Thiên Chúa. Bằng toàn bộ sự nỗ lực, Augustino đã chứng minh rằng, con người hoàn toàn có thể đạt tới chân lý khách quan. Đức tin và lý trí là hai phương thức không thể thiếu được trên hành trình tìm kiếm chân lý. Quá trình nhận thức xuất phát từ chân lý đức tin thuần túy và kết thúc bởi chân lý đức tin đã được minh định bằng lý trí. Tuy vậy, cho dù mọi chân lý phải được xác lập bởi đức tin nhưng không nhất thiết phải được xác lập bằng lý trí, vì thế đức tin vừa là khởi điểm và vừa là cùng đích của quá trình nhận thức. Điều kiện tuyệt đối để mọi chân lý được xác lập trong trí tuệ con người chính là sự soi sáng thiêng liêng của ông thầy nội tâm là Thiên Chúa. Đặc trưng của nhận thức luận Augustino chính là sự kết hợp hài hòa giữa đức tin và lý trí trên nền tảng tuyệt đối của chân lý đức tin. Sự thay đổi đối tượng và phương tiện nhận thức chính là sự khác biệt căn bản giữa nhận thức luận của Augustino so với nhận thức luận Hy Lạp. Đó cũng là minh chứng cho sự chuyển đổi hệ giá trị của nền văn hóa phương Tây từ nền văn hóa độc tôn lý trí đến nền văn hóa sùng bái đức tin.

Nếu gạt bỏ tính chất thần bí thì triết học của Augustino có nhiều đóng góp trên tất cả các nội dung căn bản từ bản thể luận, nhân học cho đến đạo đức học và nhận thức luận. Có thể nói, đóng góp nổi bật nhất của Augustino đối với nền triết học phương Tây là ở trong lĩnh vực nhân học - một học thuyết toàn diện và sâu sắc hơn so với nền nhân học cũ. Đây là phát hiện mang tính đột phá và cũng là đóng góp quan trọng nhất của Augustino đối với nền triết học phương Tây. Mặc dù có những đóng góp rất lớn cho Hội thánh Công giáo cũng như nền triết học phương Tây song tư tưởng triết học của Augustino chứa đựng giới hạn mang tính thời đại và một phần do ảnh hưởng của lập trường tư tưởng. Hệ thống triết học của ông được xây dựng trên nền tảng chân lý đức tin, do đó nó bị bao trùm bởi tính duy tâm thần bí. Vì vậy, mọi nỗ lực của lý trí nhằm kiến giải các vấn đề hết sức tường minh song lại bị suy giảm phần nào những giá trị của nó khi chúng ta đứng từ lập trường của triết học và khoa học hiện đại.

KẾT LUẬN

Với tư cách là một trong những vị đại thánh tiến sỹ của Hội thánh Công giáo, một nhà tư tưởng lớn của nền triết học phương Tây, Augustino đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các học giả trên thế giới, đặc biệt là các học giả Công giáo và Tin lành giáo. Ở Việt Nam hiện nay, không có nhiều nghiên cứu mang tính hệ thống và chuyên sâu về Augustino cũng như về nền triết học Kitô giáo, điều đó cho thấy triết học Augustino nói riêng và triết học triết học Kitô giáo nói chung chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Đó là một trong những lý do thôi thúc tác giả luận án thực hiện đề tài nghiên cứu này với mong muốn trình bày một cách có hệ thống và ở mức độ chuyên sâu về tư tưởng triết học của Augustino, đồng thời mang lại những nhận định khách quan về tư tưởng của triết gia. Qua việc nghiên cứu về tư tưởng triết học của Augustino, chúng tôi có thể đưa ra một số kết luận sau đây:

Thứ nhất, triết học của Augustino được hình thành và phát triển trong bối cảnh chuyển giao giữa hai thời kỳ: cổ đại và trung đại. Những biến động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa, tôn giáo đã trực tiếp quy định khuynh hướng phát triển và nội dung tư tưởng triết học của Augustino. Có thể thấy, yếu tố tác động trực tiếp nhất đến triết học Augustino chính là những biến động phức tạp trong lịch sử phát triển của Kitô giáo ở giai đoạn đầu, trong đó phải kể đến những cuộc bức đạo của chính quyền Roma, sự chống đối từ tầng lớp trí thức chịu ảnh hưởng của truyền thống Hy Lạp và những mâu thuẫn trong nội bộ trong các trí thức Kitô giáo trong việc chú giải các tín điều. Bối cảnh đó đã đặt Kitô giáo trước những thách thức lớn liên quan đến sự tồn vong của nó và điều đó đã đặt lên vai các nhà tư tưởng Kitô giáo sứ mệnh trọng đại trong việc bảo vệ và phát triển đạo Kitô, mang lại cho tôn giáo này một vị thế vững chắc trong đời sống văn hóa tinh thần Tây Âu. Bằng sự kết hợp những giá trị của hai truyền thống văn hóa - truyền thống Hy Lạp và truyền thống Do Thái giáo - Kitô giáo, Augustino và các giáo phụ khác đã hóa giải thành công những vấn nạn mà Kitô giáo đang phải đối mặt, góp phần không nhỏ giúp cho đạo Kitô được bắt rễ và ăn sâu vào trong đời sống văn hóa tinh thần phương Tây. Cuộc hôn phối giữa hai truyền thống văn hóa không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của Kitô giáo mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa phương Tây. Có lẽ, khi lựa chọn hướng đi và xây dựng hệ thống học thuyết của mình, Augustino chỉ tập trung vào mục đích quan trọng nhất là vận dụng các giá trị của triết học Hy Lạp để phục vụ cho việc phát triển hệ thống tín điều Kitô giáo mà chưa nghĩ đến mục đích lớn hơn là hóa giải những mâu thuẫn nội tại của nền văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, khi thực hiện cuộc hôn phối giữa hai truyền thống văn hóa kể trên, Augustino đã làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Ông đã hóa giải những mâu thuẫn nội tại, hợp nhất những khuynh hướng đối lập trong nền văn hóa, từ đó mở ra một thời đại mới của sự thống nhất và thăng tiến của nền văn hóa phương Tây trong những thế kỷ tiếp theo. 

Thứ hai, bằng sự kết hợp và chắp nối tài tình giữa hai truyền thống văn hóa, Augustino đã dựng nên một bức tranh hoàn hảo về vũ trụ từ khởi đầu cho đến kết thúc. Xuất phát điểm của triết học Augustino là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo và quan phòng tuyệt đối của toàn thể vũ trụ. Toàn thể vạn vật được tạo dựng, được sắp đặt và vận hành theo kế hoạch tiền định của Thiên Chúa. Đỉnh điểm của công trình tạo dựng là con người, một thụ tạo ưu việt được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và giữ vị trí cao nhất trong các thang bậc của tồn tại trở thành chúa tể của muôn loài vì trí tuệ và tinh thần của nó. Hai phương diện cơ bản của tồn tại người là nhận thức và đạo đức, đó cũng chính là hai phương diện trên con đường dẫn đưa con người đến với cái thiện tối cao là Thiên Chúa và đến với Thiên Chúa là đạt tới hạnh phúc chân thật. Nếu như đời sống đạo đức của mỗi cá nhân liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của cá nhân thì nền đạo đức xã hội chính là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của toàn thể nhân loại. Những thăng trầm của lịch sử loài người có căn nguyên trực tiếp từ trong nền đạo đức xã hội dưới sự phán xét công bằng của Thiên Chúa. Đích đến của toàn bộ tiến trình lịch sử là vương quốc của Thiên Chúa hay là nền cộng hòa lý tưởng, đó là sự hoàn thành kế hoạch tiền định thiêng liêng của Thiên Chúa. Toàn bộ tư tưởng triết học của Augustino thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi nhằm xây dựng một bức tranh tổng thể về vũ trụ, bức tranh ấy hoàn hảo tới mức trong suốt hơn tám thế kỷ, người phương Tây đã không thể tạo ra được cái gì đó tương tự.

Thứ ba, với toàn bộ di sản tinh thần mà Augustino đã để lại cho nhân loại, mặc dù còn có những giới hạn nhất định mang tính lịch sử, song không ai có thể phủ nhận được những giá trị và đóng góp vô cùng to lớn đối với triết học phương Tây, đối với Kitô giáo và nền văn hóa phương Tây.

Với tư cách một nhà triết học, như đã nói trên đây, đóng góp của Augustino đối với nền triết học phương Tây là đã xây dựng được một bức tranh hoàn chỉnh về thế giới từ khởi đầu cho đến kết thúc. Ông đã đặt ra và lý giải hầu hết những vấn đề triết học căn bản thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan đã được khai mở từ nền triết lý Hy Lạp và truyền thống đức tin Do Thái giáo - Kitô giáo. Augustino đã không chỉ luận giải một cách triệt để hơn so với người đi trước, người đương thời và thậm chí cả sau đó về những đề tài tưởng như đã cũ mà còn khai phóng những vấn đề mới mẻ và độc đáo, đặc biệt phải kể đến vấn đề tồn tại người trong thế giới nội tâm của nó và về một lịch sử toàn thế giới. Những chủ đề tài ấy đã được quay trở lại sau rất nhiều thế kỷ trong chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX và triết học lịch sử trong nền triết học cổ điển Đức thế kỷ XVIII - XIX. Augustino chính là người đã làm nên một bước ngoặt mang tính cách mạng, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của nền triết lý phương Tây. Kể từ ông, triết học phương Tây chính thức bước vào thời kỳ trung cổ.

Với tư cách là một nhà thần học, Augustino đã để lại dấu ấn đặc biệt và những ảnh hưởng toàn diện trên nền tư tưởng Kitô giáo. Những nỗ lực của ông trong việc giải quyết các nan đề thần học như chứng minh Thiên Chúa, thuyết sáng thế, Chúa Ba Ngôi, mà đặc biệt phải kể đến vấn đề mối quan hệ giữa đức tin và lý trí đã trở thành mẫu mực, khuôn thước đối với nền thần học Kitô giáo, chính vì thế ông đã trở thành một trong những nhà thần học được trích dẫn nhiều nhất của nền tư tưởng Kitô giáo trong những giai đoạn tiếp theo. Những nỗ lực của ông trong việc đấu tranh chống lại tà giáo, lạc giáo, lạc thuyết và những mâu thuẫn nội bộ trong nền thần học Kitô giáo đương thời đã góp phần không nhỏ trong sự thăng tiến của nền thần học Kitô giáo trở thành một trong những nền thần học mẫu mực mà các tôn giáo khác không có được. Chính vì thế, Kitô giáo đã trở thành một trong những tôn giáo thế giới có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ trong quá khứ và hiện tại.

Về ảnh hưởng của ông đối với nền văn hóa phương Tây, có thể thấy, không chỉ ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực triết học, thần học mà Augustino còn có ảnh hưởng không nhỏ tới một số lĩnh vực khác của nền văn hóa và khoa học phương Tây như: văn học, tâm lý học và vật lý học mà ngày nay người ta vẫn nhắc đến ông như là người có vai trò là người khởi xướng. Bao lâu nay, người ta thường tiếp cận Augustino với tư cách một nhà thần học của Hội thánh Công giáo mà quên rằng ông chính là một trong những nhà tư tưởng lớn của nền văn hóa phương Tây - người đã hoàn thành sứ mệnh đưa các ngã rẽ của nền văn hóa phương Tây vào một dòng chảy chung thống nhất, người đã góp phần tạo nên bước chuyển mang tính vạch thời đại đưa nền văn hóa phương Tây bước sang một trang mới. Với trí tuệ và sự nỗ lực không mệt mỏi, ông đã trưng cất tất cả những chất liệu từ quá khứ để nhào nặn làm nên một hệ giá trị mới (hệ hình), mang lại những câu trả lời rõ ràng, rành mạch và trọn vẹn hơn cho những vấn đề tư tưởng như đã cũ, khai mở những vấn đề mới mẻ làm nên sự phong phú, sinh động cho nền văn hóa phương Tây và trở thành khuôn đúc cho cả thời kỳ trung cổ và còn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.

Cuối cùng, mặc dù có nhiều cố gắng, song những gì tác giả luận án đã trình bày trên đây vẫn còn nhiều thiếu sót, cần được bổ sung và phát triển trong những nghiên cứu tiếp theo. Tác giả cho rằng, với tư cách là một vị đại thánh tiến sỹ có đóng góp vô cùng to lớn cho Hội thánh Công giáo, nền triết học và nền văn hóa phương Tây, Augustino cần được nghiên cứu như một trong những nhà tư tưởng lớn của phương Tây, người đã tạo nên bước chuyển vạch thời đại cho nền văn hóa, kể từ đó mọi ngã rẽ của nền văn hóa phương Tây đi vào một dòng chảy thống nhất. Do đó, những nghiên cứu về tư tưởng của Augustino cần được bổ sung và phát triển theo hai hướng: một là, những nghiên cứu mang tính tổng thể, toàn diện và sâu sắc hơn, không chỉ dừng lại ở một số nội dung cơ bản như đã được trình bày trên đây mà còn trong tương quan với những vấn đề thần học; hai là những công trình chuyên khảo đi vào các nội dung cụ thể như nhân học, đạo đức học hay triết học lịch sử v.v. Việc mở rộng nghiên cứu trên cả bề sâu và bề rộng sẽ giúp chúng ta có được những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc hơn về nhà tư tưởng này, đồng thời chúng ta có thể kế thừa, học hỏi những hạt nhân tinh túy trong tư tưởng của ông góp phần việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ

LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Vũ Thị Hải (2018), Vấn đề con người trong triết học của Augustino, Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội) ISSN 2354 - 1075, Volume 63, Issue 5B tr 293 - 300.

2. Vũ Thị Hải (2018): Augustino dưới nhãn quan của tín hữu Kitô giáo ở Việt Nam hiện nay, Hội thảo quốc tế “Các nhà tư tưởng Kitô giáo ở Việt Nam và khu vực: một vài nghiên cứu so sánh”, Nxb Tôn giáo, tr 211 - 219.

3. Vũ Thị Hải (2018): Cái Thiện và cái Ác trong đạo đức học của Augustino, Kỷ yếu hội thảo khoa học các trường đại học sư phạm toàn quốc, mã số: ISBN 978 - 604 - 54 - 4525 - 9, tr 174 - 178.

4. Vũ Thị Hải (2019), Nhân học của Augustino, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, ISSN 2354 -1172, Tập 5 số 2b, tr 222 - 235.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây