Tóm tắt luận án NCS: Trần Xuân Thanh

Thứ ba - 02/06/2020 03:04

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

­­­­­­­­­­_______________

 

 

TRẦN XUÂN THANH

 

 

 

HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC MỎ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM TỪ CUỐI THẾ KỶ XVII ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX

 

 

Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới

Mã số: 62 22 03 11

 

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ

NGÀNH LỊCH SỬ THẾ GIỚI

 

 

 

 

Hà Nội – 2020

 

Công trình được hoàn thành tại:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

 

Người hướng dẫn khoa học: 1. GS.TS Nguyễn Văn Kim

                                           2. PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng

 

 

 

Phản biện 1:

Phản biện 2:

Phản biện 3:

                       

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào hồi .... giờ … ngày …tháng … năm ……….

 

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

-Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Khai mỏ là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng và có lịch sử lâu đời ở Việt Nam và trên thế giới. Ở Việt Nam, dưới thời kỳ Lê – Trịnh (giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII) và đầu triều Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XIX), khi khai mỏ trở thành một hoạt động thu hút nhiều thương nhân và lao động tham gia thì người Hoa, với lợi thế về vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật đã trở thành lực lượng chi phối các hoạt động khai mỏ ở khu vực thượng du Đàng Ngoài. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi hoành thành việc đánh chiếm Đông Dương, thực dân Pháp đã thực hiện các cuộc khai thác thuộc địa quy mô lớn ở đây. Các mỏ khoáng sản ở Bắc Kỳ không chỉ trở thành nơi bỏ vốn đầu tư, mở mang, thiết lập hệ thống hạ tầng phục vụ việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu các nguồn tài nguyên ở đây mà còn góp phần đưa Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới thông qua việc tham gia vào hệ thống thương mại khu vực cũng như hệ thống các thuộc địa khác. Hơn thế nữa, khai mỏ ở Bắc Kỳ nói riêng, ở Đông Dương nói chung còn góp phần vực dậy vị thế kinh tế và chính trị của thực dân Pháp.

Nghiên cứu về hoạt động khai mỏ của người ngoài ở miền Bắc Việt Nam sẽ đưa ra một góc nhìn có tính hệ thống, toàn diện về sự xuất hiện, quá trình xác lập các hoạt động khai mỏ của người Hoa ở khu vực thượng du Đàng Ngoài (từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII) cũng như của tư bản Pháp tại Bắc Kỳ (từ  cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX).

Nghiên cứu về đề tài Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX còn góp phần lý giải sự tương đồng và khác biệt trong chính sách quản lý của các chính quyền ở Việt Nam đối với hoạt động khai mỏ của người nước ngoài; phân tích và đánh giá những tác động của hoạt động khai mỏ đối với xã hội Việt Nam cũng như những ảnh hưởng trở lại đối với miền Nam Trung Hoa cũng như tới vị thế của nước Pháp trong thế giới tư bản.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu cơ bản của luận án là tái hiện và phân tích bức tranh kinh tế - xã hội, lý giải sự ra đời hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam; phân tích và luận giải sự tương đồng và khác biệt trong chính sách quản lý của các chính quyền ở Việt Nam và những ảnh hưởng của hoạt động này đối với Việt Nam và một số quốc gia trong bối cảnh khu vực và thế giới từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu cơ bản của luận án là mối liên hệ giữa bối cảnh các quốc gia và khu vực ở Đông Á và thế giới với hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.

3.2. Phạm vi nghiên cứu             

Về không gian: khu vực Đông Á với vùng thượng du miền Bắc Việt Nam là trung tâm. Về thời gian: cuối thế kỷ XVII đến năm 1919.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng những nguyên tắc căn bản của phương pháp luận sử học Mác xít, trong đó phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ đạo. Các phương pháp hệ thống, phân tích, so sánh đối chiếu cũng được luận án vận dụng.

5. Các nguồn tài liệu

Thứ nhất là các tài liệu thông sử, địa chí, một số bộ sử Trung Quốc đã được dịch và hiệu đính tiếng Việt. Thứ hai là ghi chép của các giáo sĩ, nhà thám hiểm, du hành, thương nhân phương Tây về Đàng Ngoài thời kỳ tiền thực dân, là giai đoạn phát triển mạnh mẽ các mối quan hệ bang giao, thương mại, tôn giáo… giữa các quốc gia phương Tây với Đàng Ngoài Đại Việt, được thể hiện dưới dạng hồi ký, nhật ký... Thứ ba là nguồn tài liệu lưu trữ, tài liệu báo chí, báo cáo thời thuộc Pháp là nguồn tài liệu đặc biệt quan trọng đối với đề tài, cung cấp các số liệu về tiềm năng khoáng sản, quá trình thăm dò, tìm kiếm, khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản của thực dân Pháp tại Bắc Kỳ và Đông Dương. Đó còn là các sắc lệnh, nghị định, các văn bản hành chính khác về mỏ và các sách chuyên khảo. Thứ tư là các công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước; sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án liên quan đến đề tài nghiên cứu...

6. Đóng góp của luận án

Góp phần nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về sự xuất hiện, quá trình chi phối hoạt động khai mỏ của người Hoa và người Pháp ở miền Bắc Việt Nam trong bối cảnh quốc gia và khu vực trong dòng chảy lịch sử từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; phân tích, luận giải hệ quả của các chính sách quản lý của các chính quyền ở Việt Nam đối với hoạt động khai mỏ của các thế lực ngoại kiều và tác động của nó đối với xã hội Việt Nam và một số quốc gia trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

7. Bố cục luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của Luận án gồm 5 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu vấn đề

Chương 2: Tiền đề và các nhân tố dẫn tới hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở Việt Nam

Chương 3: Khai mỏ của người Hoa từ cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX

Chương 4: Khai mỏ của người Pháp ở Bắc Kỳ (1884-1919)

Chương 5: Một số nhận xét về hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở Việt Nam.

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

1.1. Những nghiên cứu về tài nguyên khoáng sản, tiềm năng khai mỏ ở Việt Nam

Đầu tiên là những ghi chép, khảo tả về tình hình kinh tế, xã hội Đại Việt nói chung và Đàng Ngoài nói riêng trong các thế kỷ XVII-XVIII. Sau đó là những báo cáo, ghi chép chi tiết, cụ thể nhất phục vụ chính quyền Pháp ở Đông Dương và chính quốc. Những hồi ký, ghi chép, nghiên cứu của các chính trị gia, các nhà kinh tế hay các kỹ sư khai thác mỏ được Chính phủ Pháp cử sang Đông Dương. Đó còn là các loại hồi ký, địa dư, địa chí, công trình khảo cứu… của các nhà chính trị, thương nhân, kỹ sư, nhà khoa học…

1.2. Những nghiên cứu về khai mỏ ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XX

Những năm gần đây, cùng với xu hướng nghiên cứu về các hoạt động thương mại của thương nhân ngoại kiều và tác động của nó đối với các quốc gia trong khu vực Đông Á, cũng xuất hiện một số nghiên cứu về lĩnh vực khai mỏ cũng như hoạt động khai mỏ có nhân tố người nước ngoài - đặc biệt là người Hoa và người Pháp ở Việt Nam.

1.3. Kết quả và những vấn đề cần giải quyết

Các nghiên cứu các học giả trong và ngoài nước dù đã đề cập tới các hoạt động khai mỏ ở Việt Nam nhưng mới ở các khía cạnh riêng biệt, ở từng thể chế chính trị, từng giai đoạn lịch sử, từng khu vực, địa phương khác nhau mà chưa hướng tới những nghiên cứu có toàn diện và liên tục về hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam trong suốt cả một tiến trình lịch sử từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Đây là những hạn chế mà những công trình nghiên cứu đi sau phải khắc phục và giải quyết.

Chương 2

TIỀN ĐỀ VÀ CÁC NHÂN TỐ DẪN TỚI HOẠT ĐỘNG KHAI MỎ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

2.1. Phân vùng địa lý và nguồn tài nguyên khoáng sản ở miền bắc Việt Nam

Vùng thượng du miền Bắc Việt Nam không chỉ là khu vực tiếp giao giữa miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa mà còn là cửa ngõ mở ra các tuyến hải thương qun trọng thông qua hệ thống các cửa sông, cửa biển hướng ra vịnh Bắc Bộ - một trong những cửa ngõ và trung tâm giao thương quan trọng trong hệ thống thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào đã khiến nơi đây trở thành một động lực kinh tế cung cấp những nguồn lực quan trọng để duy trì sự sinh tồn và phát triển của các cộng đồng cư dân ở đây qua nhiều thế kỷ.

2.2. Sự ra đời và phát triển của khai mỏ thế giới và Việt Nam

Trên thế giới, hoạt động khai mỏ mặc dù đã xuất hiện từ rất sớm nhưng chỉ phát triển bùng nổ khi nhu cầu về than đá và thép (làm nhiên liệu cho động cơ hơi nước) phục vụ cho các cuộc cách mạng công nghiệp ở Tây Âu (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX) diễn ra mạnh mẽ. Sau đó, nhu cầu về kim loại màu và các nhiên liệu hóa thạch (làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong) phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai ở châu Âu và Bắc Mỹ từ giữa thế kỷ XIX càng khiến cho các hoạt động khai mỏ phát triển rộng khắp các hệ thống thuộc địa của thực dân phương Tây. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại, đường sắt, điện năng và các cuộc chiến tranh thế giới càng đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ các nguồn tài nguyên không tái tạo. Lĩnh vực khai mỏ ở Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy  ảnh hưởng từ những biến động của tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới và khu vực.

2.3. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các chính quyền ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực thế kỷ XVII-XVIII

Sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá ở Đại Việt và công cuộc tìm kiếm thị trường của các nước tư bản phương Tây đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương nghiệp vầ thủ công nghiệp ở Đàng Ngoài. Chính quyền Lê - Trịnh đã thực thi một số chính sách để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có việc quản lý các hoạt động khai mỏ ở vùng thượng du Đàng Ngoài. Chính sách này không chỉ tạo điều kiện cho thương nhân trong nước mà còn cho phép thương nhân người Hoa bỏ vốn lĩnh trưng khai thác các mỏ khoáng sản ở khu vực này.

2.4. Nhu cầu khai mỏ của người Hoa ở Đại Việt

Sự gia tăng nhu cầu về các kim loại quý do sự bùng nổ dân số và phát triển thương mại với phương Tây của Trung Hoa cũng như nhu cầu tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy các lực lượng phu mỏ và thương nhân tiến xuống khu vực phía nam của Trung Hoa như Quảng Tây, Vân Nam và miền Bắc Việt Nam.

2.5. Nhu cầu khai mỏ của người Pháp Bắc Kỳ

Trong cách mạng công nghiệp đầu thế kỷ XIX ở Pháp, luyện kim là một trụ cột và nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Bên cạnh đó, những thiếu hụt trong nguồn cung than đá và kim loại sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ cũng như nỗ lực cạnh tranh với Anh và các quốc gia khác ở châu Âu đã thúc đẩy chính phủ Pháp tiến hành các cuộc khai thác tài nguyên quy mô lớn ở Đông Dương và các xứ thuộc địa khác trong hệ thống thuộc địa của mình. Mặt khác, tiến hành khai khoáng ở Bắc Kỳ sẽ giúp cho chính quyền thực dân ở Đông Dương thực hiện mục tiêu của mình: đầu tư tối thiểu nhưng đạt được lợi nhuận tối đa. Đầu tư, khai thác mỏ ở Bắc Kỳ còn tạo ra cho người Pháp một vùng đệm để tiến hành các hoạt động giao thương đến các thị trường đầy tiềm năng ở khu vực phía Nam Trung Hoa nhằm kết nối Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây với các hệ thống thương mại trong khu vực như Sài Gòn, Hồng Kông, Nhật Bản, Philippine, Singapore…

Tiểu kết chương 2

Với những thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào cùng sự cởi mở của môi trường chính trị và kinh tế thời kỳ Lê – Trịnh là động lực mạnh mẽ lôi cuốn các cộng đồng người Hoa vượt biên giới và tiến hành các hoạt động khai mỏ ở Đàng Ngoài của Đại Việt trong các thế kỷ XVII – XVIII. Bên cạnh đó, sự nhập cư ồ ạt của người Hoa từ sau phong trào phản Thanh phục Minh và sự hình thành đông đảo các cộng đồng người Hoa như một thực thể ổn định trong xã hội Đại Việt từ thế kỉ XVIII - XIX kết hợp với những yếu tố thuận lợi về chính sách của các chúa Nguyễn và các vua đầu triều Nguyễn được xem là cơ sở xuất hiện các hoạt động khai mỏ người Hoa ở miền Bắc Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XIX. Thế kỷ XVIII – XIX cũng là thời kỳ mà các thế lực thực dân phương Tây tìm cách tiến hành các cuộc xâm chiếm và mở rộng thuộc địa về vùng Viễn Đông để tìm kiếm các nguồn tài nguyên giàu có nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên tại chính quốc. Mối quan tâm của nước Pháp về mối lợi tài nguyên và nhân công giá rẻ tại Đông Dương đã được hiện thực hóa bằng quá trình bình định và xâm lược Đông Dương, trong đó có Bắc Kỳ, thiết lập chế độ cai trị thực dân và tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa quy mô lớn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tại đây. 

Chương 3

KHAI MỎ CỦA NGƯỜI HOA TỪ CUỐI THẾ KỶ XVII ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX

3.1. Khai mỏ của người Hoa ở Đàng Ngoài thời Lê- Trịnh

3.1.1. Chính sách quản lý của chính quyền Lê – Trịnh đối với hoạt động khai mỏ của người Hoa ở Đàng Ngoài

Chính quyền Lê – Trịnh bắt đầu thi hành chính sách quản lý chặt chẽ các mỏ từ khâu khai thác, vận chuyển đến mua bán bằng việc độc quyền quản lý việc khai thác các mỏ. Chính sách này bắt đầu được chính quyền cho thực thi từ năm 1760 với chế độ quản giám. Theo đó, thành phần các quản giám thuộc ba tầng lớp: thứ nhất là các vương hầu, quý tộc; thứ hai là các quan lại triều đình tự nguyện xin làm; thứ ba là các thổ tù, quan lại địa phương.

3.1.2. Nhân công

Chính quyền cho phép chủ các mỏ được quyền chủ động thuê nhân công, điều này tạo điều kiện cho các quan lại triều đình và thổ tù địa phương tham gia vào hoạt động khai mỏ với tư cách tư nhân. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cho phép người Hoa cũng được tham gia khai mỏ. Điều này lý giải tại sao tại một số mỏ do thương nhân người Hoa đứng ra khai thác thì phần lớn nhân công làm thuê cho họ cũng chính là người Hoa. Kết quả của chính sách này là đã có đến hàng vạn người Hoa đã tham gia vào việc khai mỏ ở Đàng Ngoài, gây ra những hệ quả phức tạp về sau.

3.1.3. Chính sách thuế

Một cơ quan thuộc bộ Hộ là Hộ phiên phụ trách việc thu chi tài chính và quản lý thuế, trong đó có thuế mỏ. Thuế mỏ và các loại lâm thổ sản khác nằm trong nguồn thu thuế chuyên lợi của triều đình. Theo đó, triều đình quy định mức thuê đối với từng mỏ, tuỳ thuộc vào trữ lượng và năng suất khai thác ở các mỏ. Để khuyến khích hoạt động khai mỏ, các chúa Trịnh thực hiện chính sách miễn thuế 5 năm đầu  cho các mỏ mới đi vào hoạt động. Tuy vậy, trong thời kỳ này, tình trạng trốn thuế của các chủ mỏ và các quan quản giám vẫn xảy ra thường xuyên, gây thất thoát cho nhà nước.

3.1.4. Quy mô, chủng loại mỏ

Về quy mô, dưới thời kỳ Lê- Trịnh, người Hoa đã tham gia khai thác tại hầu hết các mỏ ở Đàng Ngoài, trong đó có một số mỏ đã từng bị sáp nhập vào lãnh  thổ nhà Thanh (như Tụ Long, Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phô Viên, Tung Lãng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ, Nghiêm Châu)… Tổng số mỏ theo thống kê vào khoảng bảy chục mỏ, phân bố trong không gian các trấn vùng thượng du phía Bắc nhưng tập trung nhiều ở Thái Nguyên, Hưng Hóa và Tuyên Quang. Về chủng loại, trong số khoảng các mỏ kim loại được khai thác nhiều nhất chính là bạc và đồng.

3.1.5. Phương thức khai thác

Phương thức khai thác trong các mỏ ở Đàng Ngoài thời kỳ này vẫn mang tính chất thủ công. Theo đó “quặng mỏ được người công nhân đào lên mặt đất bằng những công cụ thô sơ; sau đó được đãi rồi nấu trong những lò nổi”. Các trường mỏ do người Hoa quản lý hoạt động theo mô hình tương tự như ở Vân Nam. Theo đó mỗi đơn vị sản xuất lớn gồm nhiều tàu (vị trí) khai thác, được chia nhỏ thành nhiều tiêm (giếng), người được chuyển nhượng thường cho các nhà khai thác nhỏ thầu lại các tiêm này. Một cơ sở sử dụng từ 5 chục đến hai trăm nhân công, làm thành nhiều nhóm, thay phiên nhau ngày đêm, mỗi nhóm gồm nhiều đội đảm nhiệm các công việc khác nhau như tách quặng, chống đỡ đường hầm, thông khí, dùng bơm làm cạn công trường… Sau khai thác là nghiền quặng, rửa, lựa chọn và nhiều giai đoạn pha chế khác. Tất cả đều phân công trên cơ sở chuyên môn hóa cao. Quy trình kỹ thuật này không chỉ phụ thuộc vào một nhà khai thác trực tiếp mà là sự liên kết giữa người bỏ vốn và người cung cấp nhân công.

3.1.6. Hoạt động khai thác của người Hoa tại một số mỏ

3.1.6.1. Tụ Long

3.1.6.2. Tống Tinh

3.1.6.3. Một số mỏ khác

3.2. Khai mỏ của người Hoa dưới triều Nguyễn thế kỷ XIX

3.2.1. Chính sách quản  lý của triều Nguyễn

Dưới triều Nguyễn, người Hoa được phép chủ động thuê nhân công để khai mỏ. Nhà Nguyễn cũng sử dụng người Hoa để phát triển các nghề đúc đồng, luyện thép, lọc đãi vàng, làm gốm sứ… Việc quản lý và giám sát các mỏ được triều đình giao cho bộ Hộ. Bên dưới là hệ thống quan lại phụ trách việc quản lý đất đai của địa phương. Tại các địa phương, khi phát hiện có mỏ, các quan đứng đầu phải có trách nhiệm trình báo lên triều đình. Sau đó vua sẽ có tấu chỉ xem xét việc tổ chức khai mỏ. Sự cởi mở của triều Nguyễn trong chính sách quản lý việc khai mỏ đối với ngươi Hoa đã tạo sức hút thúc đẩy các làn sóng di cư mới của người Hoa đến Việt Nam.

3.2.2. Nhân công

Trên phạm vi khu vực thượng du miền Bắc cũng như trong cả nước, việc khai thác mỏ dưới triều Nguyễn được phân thành 4 lực lượng, trong đó có loại mỏ do thương nhân Hoa kiều lĩnh trưng và nộp thuế hàng năm. Tiều Nguyễn đã sử dụng một nguồn nhân lực đáng kể phục vụ việc khai mỏ ở khu vực thượng du miền Bắc, trong đó có thương nhân và phu mỏ người Hoa. Nhân công nguồi Hoa có kinh nghiệm và kỹ thuật cao hơn so với người Việt. Việc khai thác mỏ được tổ chức theo công đoạn, mang tính chuyên nghiệp cao.

3.2.3. Quy mô, chủng loại mỏ

Dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, tại các tỉnh thuộc khu vực thượng du miền Bắc như Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn Tây có 107 mỏ, chiếm khoảng 85% tổng số mỏ cả nước thời bấy giờ. Trên phương diện loại hình mỏ, so với thời kỳ Lê – Trịnh cuối thế kỷ XVIII, các loại khoáng sản được khai dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX đã đa dạng hơn. Dưới thời Lê – Trịnh, chủ yếu khai các mỏ đồng, mỏ bạc thì sang triều Nguyễn, chính quyền đã cho khai các loại mỏ khác như diêm tiêu, châu sa, chì, lưu huỳnh…

3.2.4. Thể lệ và phương thức khai thác

Dưới triều Nguyễn, triều đình thường cử các viên quan lại hoặc giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền các trấn, phủ xem xét và định ngạch thuế cho các mỏ. Để nắm được trữ lượng từng mỏ, đôi khi, chính quyền còn cho người khai thử trong một thời gian nhất định để tìm hiểu sản lượng của từng mỏ. Trong những năm đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long định ra lệ thi đấu giá để lĩnh trưng thuế các mỏ ở các trấn thuộc Bắc Thành, việc này đươc tiền hành hàng năm nên mức thuế cũng thay đổi theo niên kỳ. Tuy nhiên, trong những năm sau này khi hệ thống chính quyền đã ổn định, nhất là sau khi Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, triều Nguyễn cho cấp giấy lĩnh trưng trong một thời gian dài “với mức thuế do Nhà nước quy định”. Những thương nhân người Hoa vì thế được cấp phép lĩnh trưng các mỏ trong thời gian dài hơn, đã chủ động hơn trong việc khai thác cũng như nộp thuế. Tuy nhiên, chính sách tạo điều kiện này đã khiến cho chính quyền nhà Nguyễn buông lỏng việc giám sát, tạo cơ hội để người Hoa có cơ hội trốn thuế và lén lút mang khoáng sản qua bên kia biên giới, gây ra những thất thoát tài nguyên của Đại Nam.

3.2.5. Chính sách thuế

Để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai mỏ của người Hoa, triều  Nguyễn  định các mức thuế hàng  năm  dành  cho từng mỏ và tổ chức thu thuế ngay khi các mỏ đi vào hoạt động. Vua Minh Mạng còn quy định, từ năm 1832, cứ định kỳ 3 năm các quan địa phương và triều đình phải đi kiểm tra đán giá lại tình hình các mỏ để từ đó đề ra mức thuế mới.

Tiểu kết chương 3

Mặc dù chính quyền Lê- Trịnh và triều Nguyễn đã ban hành những biện pháp nhằm hạn chế vai trò của người Hoa trong các mỏ ở vùng thượng du nhưng do vị trí, địa hình xã xôi hiểm trở nên những chính sách này chỉ hạn chế phần nào tình trạng phu mỏ người Hoa tràn lan khắp các khu vực thượng du. Dù chỉ trực tiếp giành được phần ít các mỏ để khai thác, nhưng với tư cách là nhà thầu lại hay với cương vị là những người thợ, người Hoa vẫn tìm cách thu lợi từ vốn tri thức sẵn có về hệ thống các hầm mỏ khu vực thượng du miền bắc Việt Nam. Với việc duy trì các hoạt động khai mỏ với một quy mô lớn diễn ra liên tục suốt gần hai thế kỷ (cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX), những người khai mỏ (bao gồm các tù trưởng địa phương, những người lĩnh trưng và hoá phu người Hoa cũng như các cộng đồng cư dân bản địa) đã tạo ra một bước chuyển biến căn bản cho nền kinh tế - xã hội khu vực thượng du miền bắc Việt Nam với sự hình thành các trung tâm cư dân đông đúc, đa sắc tộc trở thành các địa điểm giao lưu kinh tế - văn hoá. Các hoạt động khai mỏ cũng đem lại một nguồn thu đáng kể đóng góp vào nguồn ngân sách tài chính của đất nước và góp phần hình thành lên những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa sớm trên đìa bàn các tỉnh miền núi phía bắc của Việt Nam. Đến thế kỷ XIX, mặc dù triều Nguyễn nghiêm cấm việc mang các loại khoáng sản ra khỏi biên giới nhưng những điều luật ấy chỉ hạn chế việc vận chuyển công khai chứ hoàn toàn không có khả năng ngăn chặn các dòng chảy kim loại ra khỏi biên giới bằng các con đường lén lút, buôn lậu.

Chương 4

KHAI MỎ CỦA NGƯỜI PHÁP Ở BẮC KỲ

(1884-1919)

4. 1. Quá trình thiết lập các hoạt động khai thác mỏ của người Pháp ở Việt Nam (1858-1897)

4.1.1. Quá trình thăm dò mỏ của người Pháp ở Bắc Kỳ

Quá trình chinh phục và thực dân hóa của người Pháp ở Việt Nam là một quá trình diễn ra từ cuối thế kỷ XVI, khởi đầu bởi các nhà truyền đạo Công giáo và các thương nhân. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng những mỏ này có khả năng sinh lợi nhuận cao. Khi người Pháp thiết lập chế độ thực dân ở đây, việc thăm dò, điều tra, thống kê mỏ được người Pháp đặc biệt quan tâm. Công việc điều tra, nghiên cứu, thống kê về mỏ của người Pháp trên đất Đông Dương nói chung, ở Bắc Kỳ nói riêng đã diễn ra liên tục và kéo dài từ cuối thế kỷ XIX cho mãi đến những năm 30 thế kỷ XX. Quá trình thăm dò, tìm kiếm các nguồn tài nguyên ở Đông Dương nói chung, ở Bắc Kỳ nói riêng mặc dù đã được tiến hành từ đầu những năm 70 của  thế kỷ XIX nhưng về cơ bản được đẩy mạnh sau khi sau khi Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenotre được ký kết.

4.1.2. Các chính sách chiếm dụng mỏ.

Sau khi tiến hành thăm dò và thực hiện các chính sách chiếm dụng mỏ ở Việt Nam, người Pháp ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động này trên toàn xứ Đông Dương cũng như đặc thù từng khu vực. Sau khi hủy bỏ các bản Hợp đồng được ký giữa triều đình Huế và Bavier Chauffour về việc bán có thời hạn 100 năm các mỏ than Kế Bào và Hòn Gấc vào năm 1884 và trực tiếp ký với chủ mỏ này bằng các văn bản khác, người Pháp buộc nhà Nguyễn phải ký với Pháp một Công ước về mỏ vào ngày 18/2/1885, xác nhận sự chuyển giao bước đầu quyền quản lý mỏ ở Bắc và Trung Kỳ từ tay triều đình Huế sang tay chính quyền thực dân. Công ước này cũng đồng thời là văn bản mở đường cho việc Pháp thiết lập một quy chế mỏ ở Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX cũng giống như Pháp đã thực hiện công việc này trên tất cả các xứ thuộc địa khác. Theo thống kê, từ năm 1888 đến 1945, đã có hơn 90 văn bản liên quan đến việc quản lý mỏ ở Đông Dương và các xứ.

4.1.3. Thành lập các cơ quan chuyên trách về mỏ

Nhằm đẩy mạnh hoạt động khai thác mỏ ở Đông Dương, người Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp về hành chính, tài chính và pháp lý. Về hành chính, người Pháp chủ trương thành lập một cơ quan chuyên trách về mỏ với nhiệm vụ trợ giúp chính quyền thuộc địa trong việc đề ra quy chế mỏ, tiến hành thăm dò, cấp nhượng và quản lý việc khai thác mỏ. Cơ quan quản lý mỏ và những bộ phận hỗ trợ cho hoạt động của cơ quan này đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành khai thác mỏ ở Đông Dương.

4.2. Hoạt động khai mỏ của người Pháp ở Bắc Kỳ (1897-1919)

4.2.1. Khai mỏ trong Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp

Đầu thế  kỷ XX, nhu cầu về nguyên liệu (c ao su) hay nhiên liệu (than đá) của nước Pháp càng tăng cao nhằm phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa. Cao su và than đá cũng là những ngành công nghiệp mang lợi nhuận cao cho người Pháp, và người Pháp có thể khai thác nguồn tài nguyên này ngay tại xứ Đông Dương thuộc địa. Đó là những lý do cơ bản mà từ người Pháp đã tiến hành đợt khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) với quy mô lớn ở Đông Dương, trong đó ngành công nghiệp khai mỏ chiếm vị trí quan trọng thứ nhất trong đợt khai thác thuộc địa này. Ngày 22/3/1897, Toàn quyền Đông Dương đã đưa ra “chương trình hành động”, được trình bày trong lá thư gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp đề ngày 22/3/1897 với nội dung gồm 7 điểm. Đây cũng chính là cốt lõi của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất mà Paul Doumer là người khởi động.

4.2.2. Khai thác các mỏ than

Giai đoạn này, sản lượng than của Bắc Kỳ chiếm khoảng ba phần tư sản lượng khai thác than hàng năm của Đông Dương. Mặc dù than đã được khai thác trước đây dưới triều Nguyễn cộng với sự tham gia của người Hoa nhưng sự khác biệt về trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến cộng với phương thức quản lý hiện đại của người Pháp đã tạo ra bước ngoặt cho ngành khai thác than ở Bắc  Kỳ. Ngành khai thác than Bắc Kỳ có xu hướng phát triển tăng dần trong khoảng vài thập kỷ đầu tiên, tính từ cuối thế kỷ XIX. Trong các ngành khai thác mỏ, than đá trở thành nguồn hàng có sản lượng cao, đem lai giá trị xuất khẩu đáng kể. Như mỏ than Kế Bào, sản lượng của năm 1906 đã tăng gần gấp 3 lần năm 1903, trong đó tiêu thụ tăng  gấp 3 lần. Tính trên bình diện Đông Dương, từ giữa năm 1913 và 1928, sản lượng than đã tăng 4 lần; từ giữa những năm 1900 và 1929, sản lượng than đã tăng 9 lần về giá trị.

4.2.3. Khai thác các mỏ kim loại

Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX, hoạt động khai thác các mỏ  kim loại chủ yếu tập trung ở miền Bắc Kỳ. Hoạt động khai thác mỏ kim loại bắt đầu vào năm 1904 khi quặng thiếc và vonfram đã được phát hiện lại trong dãy núi Pia Oac thuộc phạm vi Bắc Kỳ. Suốt thòi kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, sản phẩm mỏ đứng hàng thứ tư trong xuất khẩu Đông Dương, chiếm từ 4 đến 8% tổng số giá trị xuất khẩu của Đông Dương.

4.2.4. Tình hình đầu tư vốn và kỹ nghệ

Khi người Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương thì sự phát triển của công nghiệp khai mỏ của Đông Dương đã phát triển với tốc độ nhanh hơn sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Giai đoạn 1888-1919, phần lớn than được khai thác bằng phương pháp thủ công, chủ yếu là bằng sức người. Việc cơ giới hóa ngành mỏ chỉ được phổ biến sau những năm 20 đầu thế kỷ XX. Trong các hầm mỏ, mái chống thường là gỗ, về sau các thanh chống bằng thép hỗ trợ việc chống hầm lò đã phổ biến nhiều hơn trong một vài mỏ.

4.2.5. Tình hình nhân công

Nhân công trong ngành khai mỏ của Đông Dương sử dụng khoảng 0,5% nhân công lao động của đất nước. Đầu thế kỷ XX, các mỏ ở Đông Dương đã sử dụng 270 kỹ thuật viên lành nghề và các nhà quản lý người châu Âu, và 49.200 người châu Á. Khoảng ba phần tư trong số này là làm việc trong ngành khai thác than. Theo quy định, tỷ lệ tối đa của của người nước ngoài bao gồm cả người Pháp có thể được sử dụng là 10% trong tổng số nhân công lao động trong ngành than và 5% trong tất cả các mỏ khác. Những người Hoa ban đầu được sử dụng nhiều nhất trong các mỏ bởi họ có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng tốt hơn. Tuy nhiên, trong những năm sau này, người Việt đã thay thế người Hoa (đến những năm 30 của thế kỷ XX, nhân công người Việt đã chiếm 90% lao động trong các mỏ.

4.2.6. Tình hình tiêu thụ than và kim loại

Với chính sách gia tăng hàm lượng hàng hóa xuất khẩu của chính quyền thực dân, toàn bộ sản lượng khoáng sản kim loại khai thác tại Đông Dương đã được xuất khẩu. Cho đến năm 1914, quặng thiếc Đông Dương đã được xuất khẩu sang Singapore, trong khi quặng kẽm thì được xuất khẩu sang châu Âu với bạn hàng nhập khẩu chính là Đức. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Thế giới thứ nhất, khi thị trường châu Âu bị phong tỏa, quặng kim loại Đông Dương đã tìm cách tiêu thụ tại thị trường Viễn Đông bởi lúc này ngành công nghiệp Nhật Bản đang gia tăng nhập nguyên, nhiên liệu, trong đó có quặng kim loại của Đông Dương nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của mình. 

Tiểu kết chương 4

Mặc dù đi sau người Hoa trong việc khai thác và thu lợi từ các nguồn tài nguyên của Việt Nam, nhưng với tư cách là một đế quốc thực dân hàng đầu châu Âu và thế giới, lại sở hữu một nền công nghiệp phát triển với trình độ khoa học công nghệ phát triển cao, người Pháp đã từng bước thâm nhập, xâm chiếm, bình định và đặt ách đô hộ thực dân với Việt Nam. Người Pháp đã từng bước thăm dò, chiếm dụng và đẩy mạnh hoạt động khai thác mỏ ở Bắc Kỳ, một trong những trụ cột kinh tế trong công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương.

Khác với chính quyền Lê- Trịnh hay triều Nguyễn khi cho phép cả thương nhân nước ngoài (người Hoa) tham gia khai thác, người Pháp thực hiện chính sách dành độc quyền việc sử hữu và khai thác mỏ cho người Pháp. Chính quyền thực dân còn thực hiện các biện pháp hành chính nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, tài chính, thuế theo hướng có lợi cho giới chủ mỏ.Cũng khác với chính sách quản lý yếu kém trước đây của các chính quyền phong kiến Việt Nam, người Pháp đã tập trung đầu tư, quản lý ngành công nghiệp khai khoáng theo một phương thức hiện đại vượt trội (quản lý theo bản đồ, mốc giới, quy định các điều kiện khai thác, thời hạn sở hữu, trang thiết bị theo hướng cơ giới hóa, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại trong khai thác, chế biến quặng mỏ…). Đây là sự khác  biệt, cũng là hai đặc điểm mang tính chất vượt trội của ngành công nghiệp khai khoáng thời Pháp thuộc so với ngành khai mỏ Việt Nam thời phong kiến.

Chương 5

NHẬN XÉT VỀ HOẠT ĐỘNG KHAI MỎ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

5.1. Sự chi phối của người Hoa trong hoạt động khai mỏ ở Đàng Ngoài

Sự phát triển của các hoạt động khai mỏ, trong đó có sự tham gia của người Hoa, ở khu vực thượng du miền bắc Việt Nam đã trở thành một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tiền tệ và nền kinh tế hàng hóa, thúc đẩy các quan hệ thương mại, xuyên biên giới giữa Đàng Ngoài và Nam Trung Hoa, góp phần vào sự sôi động của các trung tâm kinh tế mới ở các thành thị  Đàng Ngoài, cũng như tại các mỏ khoáng sản ở vùng thượng du phía Bắc Việt Nam.

5.2. Thúc đẩy người Pháp đẩy mạnh công cuộc thực dân hóa và bóc lột kinh tế ở Bắc Kỳ

Những nguồn lợi to lớn từ ngành khai mỏ - bên cạnh công nghiệp chế biến và đồn điền - là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chính quyền thực dân và giới tư bản Pháp tiến hành công cuộc thực dân hóa và bóc lột kinh tế ở Bắc Kỳ nói riêng. Những kết quả ban đầu thu được từ chủ trương này đã tạo ra những nền tảng cơ bản, tạo tiền đề quan trọng cho hai cuộc khai thác thuộc địa trên quy mô lớn của thực dân Pháp tại Đông Dương.

5.3. Gây ra những thất thoát về tài nguyên

Là những người nắm trong tay công nghệ khai mỏ tiến bộ hơn về cả kinh nghiệm, kỹ nghệ và phương thức khai thác, những thương nhân và lao động người Hoa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành kinh tế thủ công nghiệp khai mỏ ở khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam. Tuy vậy, những ưu thế này của người Hoa hầu như không đóng góp gì cho nền kinh tế của Đại Việt mà còn làm thất thoát nguồn tài nguyên của quốc gia này.

5.4. Gây ra các làn sóng di dân

Trong khu vực Đông Nam Á, cùng với Miến Điện, Việt Nam là quốc gia gần cận Trung Quốc cả về địa lý và văn hóa, bởi vậy cũng là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa. Sự bùng nổ các hoạt động khai mỏ tại miền bắc Việt Nam kéo theo những làn sóng di dân Trung Quốc không thể kiểm soát tại các vùng biên viễn, tiềm ẩn và bùng phát nhiều yếu tố gây mất ổn định xã hội như tệ nạn xã hội, cướp bóc, thổ phỉ…

5.5. Những ảnh hưởng đối với Trung Hoa

Hoạt động khai mỏ của người Hoa và ngưởi Pháp ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX đã có những tác động trực tiếp, nhiều mặt không chỉ đối với xã  hội Việt Nam mà còn gây ra một số ảnh hưởng vừa trực tiếp vửa gián tiếp đối với cả Trung Hoa và Pháp.

5.6. Những tác động với Pháp

Bên cạnh những ảnh hưởng tới tình hình chính trị khu vực Nam Trung Hoa, các hoạt động khai mỏ ở miền Bắc Việt Nam còn có những ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của người Pháp ở thuộc địa Đông Dương.

Tiểu kết chương 5

Hoạt động khai mỏ của người nước ngoài tại khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế  kỷ XX đã tác động nhiều mặt tới đời sống, không chỉ gây ra sự mất ổn định đối với xã hội Việt Nam mà còn có những ảnh hưởng tới khu vực Nam Trung Hoa hay thậm chí còn có những ảnh hưởng tới những toan tính chính trị của giới cầm quyền Pháp.

Với những thuận lợi về vị trí địa lý, sự phát triển của các hoạt động giao lưu kinh tế xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở Đàng Ngoài từ giữa thế kỷ XVII kết hợp với những yếu tố thuận lợi về chính sách quản lý của các triều đại phong kiến Việt Nam đã thúc đẩy sự xuất hiện và hình thành các hoạt động khai mỏ với quy mô lớn của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian này. Bên cạnh đó, với những ưu thế về kinh nghiệm, kỹ thuật khai mỏ và nguồn vốn, người Hoa đã tiến tới chi phối nhiều công trường khai mỏ ở khu vực thượng du Đàng Ngoài. Thực trạng này kéo dài trong suốt một thời gian dài, đã dẫn tới các làn sóng di dân từ miền Nam Trung Hoa đến Đàng Ngoài. Điều đó không những khiến cho chính quyền Lê - Trịnh gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình hình khu vực thượng du miền Bắc mà còn gây ra những thất thoát các nguồn quặng mỏ do người Hoa lén lút đem qua bên kia biên giới.

Việc người Pháp đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa và bóc lột kinh tế ở Đông Dương trong đó có viêc khai thác các mỏ khoáng sản ở Bắc Kỳ không chỉ khiến cho xã hội Việt Nam chịu nhiều thay đổi về chính trị, phá vỡ các cấu trúc kinh tế và xã hội mà còn tiến tới công nghiệp hóa một phần hoạt động sản xuất, sự gia tăng trao đổi tiền tệ và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất và phương thức sản xuất.

Như vậy, có thể nhận định rằng, ở khía cạnh kinh tế, khai mỏ ở miền Bắc Việt Nam là một trong những nguồn cung quan trọng bù đắp sự thiếu hụt đồng và bạc ở Trung Hoa thế kỷ XVII-XVIII cũng như đáp ứng một phần nguồn cung than đá và kim loại ở nước Pháp chính quốc sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ thế kỷ XIX. Ở khía cạnh chính trị, hoạt động khai mỏ ở miền Bắc Việt Nam còn là một mắt xích quan trọng góp phần vào sự ổn định kinh tế xã hội ở miền Nam Trung Hoa cũng như đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế thuộc địa mà người Pháp thiết lập ở Đông Dương.

KẾT LUẬN

1. Nghiên cứu về hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX đã cho thấy tiềm năng, vị thế và sức hút của một trong những khu vực chịu nhiều tác động từ quá trình mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam của đế chế Trung Hoa cũng như được biết đến với vai trò là một trong những xứ giàu có bậc nhất trong hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp.

Đây vừa là không gian kinh tế đặc thù của quốc gia với sự giàu có về các nguồn tài nguyên lâm thổ sản, lại vừa là một khu vực có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế và quân sự.

Trong khoảng ba thế kỷ, từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam là một bộ phận quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn là vùng biên giới tiếp giao giữa Việt Nam và Trung Hoa. Sự phong phú và đa dạng về vị trí địa lý, địa chất thổ nhưỡng đã khiến khu vực thượng du miền bắc Việt Nam trở thành một nguồn cung cấp tài nguyên lâm thổ sản dồi dào, duy trì sự sinh tồn và phát triển của các cộng đồng cư dân ở đây qua nhiều thế kỷ. Những khảo tả về địa dư, địa chí về khu vực này đều cho thấy đây là một không gian đậm đặc, giàu về các nguồn lâm thổ sản thiên nhiên, trong đó có các mỏ khoảng sản đa dạng về chủng loại và dồi dào về sản lượng. Với sức hút mạnh mẽ từ nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào này, cùng với sự mở cửa và phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp ở Đàng Ngoàithế kỷ XVII – XVIII, miền Bắc Việt Namcó vai trò, vị thế như một nguồn lực, một đầu tàu thúc đẩy các thế lực ngoại kiều tham giamột cách mạnh mẽ vào các hoạt động khai mỏ ở khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam dưới thời kỳ Lê - Trịnh (cuối thế kỷ XVII-XVIII), thời Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XIX) và dưới thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).

Những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, không gian kinh tế - xã hội từ  cuối thế kỷ XVII  đến đầu thế kỷ XX đã tạo ra những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của các hoạt động khai mỏ của người nước ngoài ở vùng thượng du miền bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, sự thâm nhập của người Hoa từ bên kia biên giới xuất phát từ sự phát triển dân số, nhu cầu tìm kiếm các nguồn lợi tài nguyên bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa cũng như sau các biến cố chính trị lớn của Trung Quốc và sự hình thành các cộng đồng người Hoa ở Việt Nam như một thực thể dân cư tương đối ổn định trong cơ cấu xã hội Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVII kết hợp với những yếu tố thuận lợi về chính sách của người Việt được lý giải là cơ sở xuất hiện và hình thành các hoạt động khai mỏ với quy mô lớn của người Hoa ở khu vực thượng du Đàng Ngoài.

2. Thông qua việc tái tạo, phác dựng lại một bức tranh toàn cảnh về một ngành kinh tế đặc thù của xã hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ, đã cho thấy đặc điểm, tính chất nổi bật của các thợ mỏ ngoại kiều so với thợ mỏ người Việt là bề dày kinh nghiệm, là ưu thế về kỹ thuật khai thác và tổ chức quản lý mỏ, quản lý con người. Có thể thấy với sự xuất hiện của các trường mỏ có quy mô lớn đòi hỏi số vốn đầu tư lớn, đã xuất hiện những thương nhân làm chủ một số vốn, đứng ra lĩnh trưng và thuê nhân công khai thác các khu mỏ lớn. Điều này trái ngược với những thợ mỏ người Việt, mặc dù ngày càng xuất hiện đông đảo nhưng vẫn gắn bó, ràng buộc với ruộng đất, với thời vụ, với quê hương mình.

Điều đó lý giải vì sao trong suốt ba thế kỷ, những thương nhân và thợ mỏ người Hoa hay những nhà tư bản, chủ mỏ người Pháp là những thế lực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khai thác của Việt Nam lúc bấy giờ. Những cơ sở khai thác của tư nhânngười Việt không thể cạnh tranh được với các trường mỏ có quy mô lớn của người nước ngoài. Với tư cách là những thương nhân, nhà thầu lĩnh trưng, các thế lực này luôn tạo ra được lợi nhuận từ vốn kinh nghiệm hay tri thức sâu rộng về các hệ thống hầm mỏ ở khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam.

3. Với việc duy trì các hoạt động khai mỏ với một quy mô lớn diễn ra liên tục suốt gần ba thế kỷ, những người tham gia vào hoạt động kinh tế mỏ ở miền Bắc Việt Nam đã tạo ra một bước chuyển biến căn bản cho nền kinh tế - xã hội khu vực thượng du miền bắc Việt Nam, với sự hình thành các trung tâm quần cư đông đúc, đa dạng về thành phần tộc người, trở thành các địa điểm giao lưu kinh tế - văn hoá quan trọng, làm tiền đề cho việc hình thành các đô thị kinh tế sau này ở miền bắc Việt Nam như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang…

Sự phát triển của các hoạt động khai mỏ ở miền bắc Việt Nam đã diễn ra với quy mô lớn trong một thời gian dài, bên cạnh những tác động tiêu cực gây ra đối với quốc gia sở tại nói chung, đối với khu vực bản địa nói riêng, nó cũng trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương, sự bùng nổ các quan hệ thương mại xuyên biên giới, xuyên vùng, xuyên khu vực giữa Việt Nam và Nam Trung Hoa, giữa Việt Nam với Nhật Bản, Đông Nam Á và các quốc gia phương Tây. Nó cũng đồng thời tạo ra sự thay đổi nhanh chóng của bộ mặt kinh tế, văn hóa xã hội khu vực này với cả những bất ổn và  thay đổi về các mặt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

4. Ý thức về bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nguồn tài nguyên cũng như thái độ, chính sách quản lý của các triều đại quân chủ Việt Nam trong các giai đoạn không có sự thống nhất, không mang lại hiệu quả. Các chính quyền phong kiến Việt Nam mặc dù rất có ý thức về vấn đề bảo vệ chủ quyền, về vấn đề bảo đảm an ninh biên giới (như vấn đề đò mỏ đồng Tụ Long thời Lê – Trịnh đầu thế kỷ XVIII) nhưng vẫn tỏ ra chủ quan, sơ hở. Từ đó họ đã đề ra các chính sách quản lý không thật sự chắc chắn, hiệu quả trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo vê các nguồn tài nguyên của đất nước.

Nếu như trong các thế kỷ XVII – XVIII, chính sách quản lý gián tiếp, thông qua các quan quản giám hay các quan lại địa phương của  chính  quyền Lê – Trịnh đối với hoạt động khai mỏ ở khu vực thượng du miền Bắc  Việt Nam về hình thức dường như thực sự hệu quả, không đem lại nhiều nguồn thu cho nhà nước mà chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người đứng đầu các địa phương được nhà nước giao quyền quản lý, các thương nhân và phu mỏ ngoại kiều.

Mặc dù đã ban hành một số biện pháp nhằm hạn chế vai trò của người Hoa trong hoạt động khai mỏ nhưng kết quả không như mong đợi và không thể ngăn cản được lợi thế của họ trong cuộc đua tranh phần các mỏ khoáng sản giàu có. Tình trạng các quan lại địa phương gian lận, trốn thuế hay nhận hối lộ của các chủ mỏ đã khiến cho chính sách quản lý nguồn tài nguyên mỏ của triều đình thực sự không mang lại hiệu quả. Mặc dù hệ thống chính quyền nhà nước Việt Nam không cho phép việc vận chuyển, tiêu thụ các loại khoáng sản ra khỏi biên giới nhưng những điều luật ấy chỉ hạn chế việc vận chuyển công khai chứ hoàn toàn không có khả năng ngăn chặn các dòng chảy khoáng sản ra khỏi biên giới bằng các con đường phi chính thức. Từ những thay đổi chính sách quản lý của nhà nước, những biến động của đời sống chính trị - xã hội, các thế lực ngoại kiều và các hoạt động khai mỏ của họ là một thực thể không thể phủ nhận, đã tồn tại và diễn ra ở khu vực thượng du miền bắc Việt Nam trong suốt chiều dài ba thế kỷ nhiều biến động.

5. Hoạt động khai mỏ của người nước ngoài đã ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam.

Về khía cạnh chính trị, các hoạt động khai mỏ của người Hoa ở khu vực thượng du miền bắc Việt Nam còn có những tác động không nhỏ tới đời sống chính trị - xã hội trong nước, trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự mất ổn định đối với xã hội Việt Nam nói chung, khu vực thượng du miền Bắc nói riêng. Nó không chỉ gây ra những tác động trực tiếp, nhiều mặt đối với xã  hội Việt Nam mà còn tạo ra một số ảnh hưởng vừa trực tiếp vửa gián tiếp đối với cả hai quốc gia là Trung Hoa và Pháp. Nhưng bỏ qua các yếu tố tiêu cực trên đây, có thể nhận định rằng các  hoạt động khai mỏ của người Hoa và người Pháp ở khu vực này đã là một mắt xích quan trọng góp phần vào sự ổn định kinh tế, xã hội ở miền Nam Trung Hoa cũng như đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế thuộc địa mà người Pháp thiết lập ở Đông Dương.

Về kinh tế, hoạt động khai mỏ của người Hoa ở khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX, bên cạnh nguồn thuế cho Đại Việt nhưng hệ quả kéo theo là sự thất thoát tài nguyên rất nghiêm trọng. Mặc dù vậy, khai mỏ ở vùng biên giới diễn ra mạnh mẽ cũng góp phần tạo ra những trung tâm quần cư, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy khu vực thượng du Đàng Ngoài tham gia vào hệ thống trao đổi hàng hóa trong vùng biên giới giữa bắc Đại Việt và nam Trung Hoa cũng như hệ thống thương mại giữa Đại Việt với Trung Hoa và các quốc gia ở khu vực Đông Á. Lúc này Trung Hoa trở thành thị trường tiêu thụ không chính thức các loại khoáng sản của Đại Việt. Trong khi đó, hoạt động khai mỏ của người Pháp ở Bắc Kỳ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX đã khiến Việt Nam bước đầu tham gia và trở thành một phần của hệ thống thương mại thế giới khi kết nối với nền kinh tế của nước Pháp chính quốc và hệ thống các thuộc địa của Pháp. Các sản phẩm từ khai mỏ như than đá hay kẽm trở thành mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu cũng như các quốc gia và khu vực.

Về mặt xã hội, sự tiếp xúc, giao thoa giữa nền văn hoá Việt Nam với văn minh Trung Hoa cũng như văn minh phương Tây đã diễn ra trong một quá trình, lúc thăng lúc trầm và diễn ra mạnh mẽ vào những thập niên đầu thế kỉ XX khi xã hội Việt Nam cũng đang chịu chung ách thống trị của thực dân phương Tây như một số quốc gia phương Đông khác. Cuộc tiếp xúc, giao thoa văn hóa đó vừa mang tính cưỡng bức áp đặt, vừa có tính tự nguyện tiếp thu những tình hoa của các nền văn minh có trình độ phát triển cao hơn với những thái độ ứng xử khác nhau. Việt Nam chuyển đổi từ một quốc gia quân chủ phong kiến sang một chế độ bảo hộ và thuộc địa. Cùng với sự du nhập của văn minh phương Tây, những lực lượng lao động mới đã xuất hiện trên cơ sở những người phu mỏ. Lực lượng này sau đó trở thành một giai cấp mới, có quyền lợi đối kháng với quyền lợi của giới địa chủ phong kiến và giới tư bản.

Cuối cùng, sự tham gia của ngưởi nước ngoài tại khu vực thượng du miền Bắc Việt Nam đã góp phần tạo ra các làn sóng di dân của hàng vạn phu mỏ và thương nhân nguời Hoa. Thực trạng này đã thúc đẩy quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa thông qua các mối quan hệ hôn nhân hay lao động. Kết quả của quá trình này đã tạo ra sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng trong một không gian có nhiều biến động ở một khu vực mà ranh giới của nó đôi khi chỉ được xác lập một cách tương đối cũng như chịu sự chi phối của các chính thể thời điểm đó. Mặt khác, tình trạng di cư như một quá trình giao lưu giữa các cộng đồng cư dân hai bên biên giới như một thực tế mà các chính quyền địa phương không dễ dàng tìm ra các giải pháp để có thể quản lý một cách hiệu quả.

 

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Trần Xuân Thanh (2015), “Hoạt động khai mỏ của người Hoa ở vùng thượng du miền Bắc Việt Nam dưới thời Lê - Trịnh (thế kỷ XVII-XVIII)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, (181), tr. 63-70.

2. Trần Xuân Thanh (2015), “Hoạt động khai mỏ của người Hoa ở vùng thượng du miền Bắc Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, (163) tr. 56-66.

3. Trần Xuân Thanh (2015), “Người Hoa với nghề khai mỏ ở miền Bắc Việt Nam, thời Lê - Trịnh (thế kỷ XVII-XVIII)”, Tạp chí Xưa và Nay, (458), tr. 36-40.

4. Trần Xuân Thanh (2019), “Tình hình khai mỏ ở miền Trung Việt Nam thế kỷ XIX (qua một số tư liệu lịch sử)”, Tạp chí Khoa học Xã hội miền Trung, (57), tr. 67- 76.

5. Trần Xuân Thanh (2020), “Sự xuất hiện các hoạt động khai mỏ của người Hoa và một số tác động tới xã hội Đại Việt thế kỷ XVII – XIX”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội,  (450).

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây