Tóm tắt luận án NCS: Đậu Thị Hồng

Thứ ba - 19/05/2020 03:24

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

 

 

ĐẬU THỊ HỒNG

 

 

 

TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU VÀ

Ý NGHĨA HIỆN THỜI CỦA NÓ

 

 

 

 

Chuyên ngành      : CNDVBC & CNDVLS

   Mã số                      :  62 22 03 02

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

         

 

 

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. ĐỖ THỊ HÒA HỚI

                   Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                             . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

          Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                             . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

          Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                             . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

          Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án

tiến sĩ họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

vào hồi            giờ           ngày          tháng        năm 20...

 

         

 

 

 

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội 

 

 

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Các yếu tố tư tưởng nhân văn đã manh nha từ rất sớm trong lịch sử phát triển của con người và nở rộ trong thời kỳ văn hóa Phục hưng trở thành chủ nghĩa nhân văn. Hệ thống quan điểm, tư tưởng nhân văn được hoàn thiện dần không chỉ thể hiện quan niệm tình thương yêu con người, coi trọng nhân phẩm, coi trọng năng lực mà còn khẳng định quyền được tồn tại và phát triển của con người, coi lợi ích chính đáng của con người là tiêu chuẩn đánh giá các quan hệ xã hội. Nói tóm lại, đó là ca ngợi và tôn vinh các giá trị “Người” của con người. Trong bối cảnh hiện nay thế giới ngày càng có nhiều biến động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội khiến con người ta trở nên phân tâm và thậm chí khủng hoảng các giá trị. Song như một phản ứng tất yếu tự nhiên, con người lại hướng về với những khát vọng và tư tưởng nhân văn, tôn vinh những giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại, nhằm hóa giải những bế tắc, tuyệt vọng và kỳ vọng thoát khỏi những bất công, bất bình đẳng và mâu thuẫn gay gắt đó. Hơn bao giờ hết, ngày nay tư tưởng nhân văn được đề cao và là sự gắn kết những con người khác biệt nhau về sắc tộc, tôn giáo, dân tộc nhằm chung tay giải quyết những vấn nạn chung mang tính toàn cầu. Đặc biệt, từ sau hai cuộc thế chiến, sau các đợt khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng y tế hiện thời, loài người càng thức tỉnh về yêu cầu bức thiết phải hướng đến những giá trị chung, đó là việc tiếp tục tuyên truyền, giải thích, lan tỏa nội dung của tư tưởng nhân văn, chủ nghĩa nhân văn.

Đối với văn hoá Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng những yếu tố tư tưởng nhân văn đã định hình từ sớm trong truyền thống. Do những điều kiện lịch sử cụ thể, văn hóa đặc thù mà dân tộc ta đã tiếp biến, bảo lưu và phát triển các giá trị nhân văn từ các nguồn mạch văn hoá Đông và Tây. Đồng thời người Việt đã tổng hợp lại và bổ sung thêm nét độc đáo của mình để đóng góp, hoà chung vào dòng chảy tiến bộ của chủ nghĩa nhân văn trong khu vực và trên thế giới. Cũng có thể khẳng định rằng, tư tưởng  nhân văn Việt Nam là một dòng chủ đạo của tư tưởng triết học Việt Nam, nó vừa là lối sống vừa là một giá trị, nó chính là hằng thể ẩn tàng trong sự biến đổi của hệ giá trị trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tư tưởng nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh, nuôi dưỡng và phát triển trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, trong một không gian và thời gian của nền kinh tế - xã hội khá độc đáo, vừa có nét chung nhân loại, vừa điển hình cho lối tư duy Châu Á hết sức đặc thù. Kế thừa, kết tinh từ chiều sâu lịch sử - văn hóa đó, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đã góp thêm những nội dung đặc sắc cho chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Những giá trị của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du đã vượt ra ngoài không gian dân tộc để khẳng định tầm vóc nhân loại, không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với xã hội trong thời đại ông sống mà còn là một tài sản truyền thống có giá trị vượt thời gian. Ngày nay nghiên cứu nội dung và giá trị tư tưởng nhân văn Nguyễn Du nhằm đem lại một hiểu biết đầy đủ có hệ thống về một trong những đại diện tiêu biểu trong tiến trình tư tưởng Việt Nam. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp thu, phát triển chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh mới của xã hội với những vấn đề về con người và đạo đức con người, những nhận thức về sự tôn trọng quyền sống, quyền bình đẳng của con người thì việc quay trở lại để tiếp tục nghiên cứu tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du càng trở nên cấp thiết hơn. Điều đó giúp chúng ta biết tiếp thu, giữ gìn và trân trọng những tinh hoa văn hóa của dân tộc qua đó tự trang bị cho mình vốn hiểu biết cần thiết về giá trị tư tưởng, văn hóa của chính dân tộc mình từ đó góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ.

Vì những lý do trên, nghiên cứu sinh chọn vấn đề“Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du và ý nghĩa hiện thời của nó” làm đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sỹ triết học của mình.

2.Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

Mục đích của luận án: Làm sáng tỏ nguồn gốc, nội dung cơ bản tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du và giá trị của nó trong lịch sử tư tưởng Việt Nam cùng ý nghĩa hiện thời của nó.

Nhiệm vụ: Để thực hiện được mục đích trên thì luận án có những nhiệm vụ sau đây:

 - Làm rõ những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

- Phân tích và luận giải nội dung tư tưởng nhân văn Nguyễn Du

- Đánh giá những giá trị, hạn chế  và ý nghĩa hiện thời của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

Phạm vi nghiên cứu: Các sáng tác của Nguyễn Du, các tài liệu lịch sử, văn học, các văn bản có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

- Cơ sở lý luận: Các nguyên lý cơ bản và phương pháp luận của triết học Mác – Lênin

- Cơ sở tư liệu: Nguồn tài liệu tham khảo của đề tài là các bộ sử giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các công trình khoa học đã công bố liên quan đến đề tài và các sáng tác của Nguyễn Du.

* Phương pháp nghiên cứu: tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu của phép biện chứng duy vật như: đi từ trừu tượng đến cụ thể, thống nhất lôgic và lịch sử, thống nhất phân tích và tổng hợp, thống nhất quy nạp và diễn dịch, phương pháp so sánh, phương pháp khái quát hóa, phương pháp trừu tượng hóa, diễn dịch và quy nạp, hệ thống cấu trúc, văn bản học.

5. Đóng góp của luận án

- Luận án phân tích, làm rõ được các điều kiện và tiền đề quan trọng nhất cho sự ra đời của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du

- Luận án đã hệ thống hóa và phân tích có chiều sâu những nội dung cơ bản trong tư tưởng nhân văn Nguyễn Du như: Quan niệm về con người và thân phận con người, tình yêu thương con người, giá trị và quyền con người, giải phóng con người.

- Luận án đã phân tích, làm rõ những giá trị và ý nghĩa hiện thời cũng như những giới hạn trong tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du từ góc nhìn triết học văn hóa và triết học giá trị.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án.

- Ý nghĩa về mặt lý luận:

Trên cơ sở thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu đã nêu trên, luận án góp phần nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du – một trong những nhà văn hóa của dân tộc Việt Nam.

.- Ý nghĩa về mặt thực tiễn: luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ngoài ra, luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập và nghiên cứu cho những người quan tâm đến vấn đề này.

7. Kết cấu của luận án:

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo và danh mục các công trình của tác giả có liên quan đến luận án đã được công bố, luận án gồm có 4 chương  14 tiết

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

I. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan tới bối cảnh, tiền đề hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

1. Liên quan tới bối cảnh kinh tế, xã hội,  văn hóa, tư tưởng

Một số công trình nghiên cứu đề cập đến bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng như: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3 thời kì khủng hoảng và suy vong, Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Lịch sử tư tưởng Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên, Khái lược lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam” do Nguyễn Tài Đông chủ biên, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du(1956) của Trương Tửu. qua các công trình đã nêu ở trên, chúng ta thấy hầu như các tác giả đều khẳng định những ảnh hưởng của bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX  đến tư tưởng Nguyễn Du, đó là một xã hội đầy bão táp với những biến thiên của lịch sử, những khắc nghiệt của số phận con người. Chính tồn tại xã hội đã phản ánh vào trong tư tưởng, tình cảm và được kết tinh trong những tác phẩm văn học đặc sắc

1.1. Liên quan tới tiền đề

Một số công trình nghiên cứu đề cập đến tiền đề như: Thi pháp Truyện Kiều” của Trần Đình Sử, Ảnh hưởng của Nho giáo trong tư tưởng Nguyễn Du của Lê Thị Lan, Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều” của tác giả Thích Thiên Ân, Thích Nhất Hạnh với Thả một bè lau, “Truyện Kiều – Tinh hoa văn hóa Việt Nam”, Lê Văn Quán… thông qua nghiên cứu tư tưởng của Nguyễn Du, hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định Nguyễn Du là một nhà Nho sống trong thời loạn lạc, Nho giáo suy tàn. Những ảnh hưởng của Phật giáo, tư tưởng Lão Trang cùng tư tưởng nhân văn truyền thống và đặc biệt là tư tưởng thị dân làm cho Nguyễn Du thành nhà Nho phi chính thống.

1.2. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan tới nội dung tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

1.2.1. Liên quan tới quan niệm con người và thân phận con người của Nguyễn Du

Một số công trình nghiên cứu đề cập đến quan niệm con người và thân phận con người như: Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX của Nguyễn Lộc, Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam (1996), Con người thương thân - một biểu hiện độc đáo của ý thức cá nhân trong thơ chữ Hán Nguyễn Du của Nguyễn Thị Nương, Đọc lại Truyện Kiều của Vũ Hạnh,

1.2.2. Liên quan tới tư tưởng quyền con người của Nguyễn Du

Một số công trình nghiên cứu đề cập đến tư tưởng quyền con người như:       Hoài Thanh, Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Nguyễn Du, Trương Tửu, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Nguyễn Lộc với công trình “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX”… Nhìn chung, các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau đã phát hiện vấn đề quyền con người như quyền sống, quyền bình đẳng trong tư tưởng của Nguyễn Du. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những trình bày, chưa có sự phân tích và so sánh với khái niệm hiện đại về quyền con người. Luận án tiếp tục nghiên cứu tư tưởng quyền con người tập trung ở nội dung: quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng và có sự so sánh cũng như đặt tư tưởng của Nguyễn Du vào lịch sử tư tưởng Việt Nam để thấy được những giá trị tiến bộ của nó.

1.2.3. Liên quan tới tư tưởng giải phóng con người của Nguyễn Du

          Các công trình nghiên cứu liên quan tới tư tưởng giải phóng con người: Một sức mạnh vùng lên tháo củi sổ lồng của Lê Trí Viễn, Những bước tổng hợp tư tưởng và nghệ thuật trong Đoạn trường tân thanh của Vũ Thanh, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du của Trương Tửu… Nhìn chung, các nghiên cứu đều thống nhất ở chiều cạnh tư tưởng về con người trần thế và những khát vọng giải phóng con người trong tư tưởng Nguyễn Du. Họ thấy được “ khát vọng sống, giải phóng tình cảm con người, vấn đề con người cá nhân, con người tự do cá tính…

1.3. Nhóm công trình nghiên cứu về giá trị tư tưởng nhân văn Nguyễn Du

Các bài viết “Truyện Kiều – nỗi khắc khoải tồn sinh” của Nguyễn Hữu Hiếu, Đạo đức và nghệ thuật – trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du”, tác giả Trần Thanh Đạm, luận án Nhân sinh quan Phật giáo trong “Truyện kiều” của Nguyễn Du – giá trị và hạn chế của Hồ Ngọc Anh, Luận án Tư tưởng triết học trong Truyện Kiều của Nguyễn Du của Đinh Thị Điểm… Qua các công trình đã lược thuật, tác giả luận án có thêm những công cụ, tư liệu và những góc tiếp cận khác nhau khi đi sâu nghiên cứu giá trị tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du. Các nghiên cứu, nhận định rất đề cao những giá trị mà Nguyễn Du để lại cho dân tộc và nhân loại. Tuy nhiên, cần được củng cố những nhận định đó bằng những cơ sở hiện thực. Luận án tiếp tục đi sâu hơn về những giá trị của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam và đối với xã hội hiện nay ở bình diện đạo đức, lối sống.​​​​​​​

1.4. Những kết quả được kế thừa từ các công trình đã công bố và những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu

Mặc dầu vấn đề luận án đặt mục tiêu nghiên cứu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm song việc tiếp cận tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du ở khía cạnh triết học, từ đó rút ra những cơ sở, nội dung cơ bản đánh giá giá trị và hạn chế của nó đối với đời sống xã hội và đối với văn hóa dân tộc là điều cần thiết và thực sự đến nay chưa có công trình nào đi vào nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu.

Thứ nhất, trong quan hệ với đề tài luận án “tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du” những cuốn sách và bài báo vừa được tổng quan nói trên, đều là những công trình có giá trị, đóng góp về mặt học thuật cũng như thực tiễn về các phương diện tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du. Đây chính là những kết quả quan trọng chứa đựng những căn cứ rất cơ bản, cũng như những nhận định, kết luận tương đối thống nhất là nguồn tư liệu phong phú giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà luận án đang đặt ra. Những tiền đề này có ý nghĩa quan trọng vừa cung cấp tư liệu vừa gợi mở để tác giả tiếp tục đi sâu giải quyết các nhiệm vụ chính của luận án.

Thứ hai, các công trình nghiên cứu về tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du cũng đã có những thành tựu đáng kể. Nhưng thực sự lại chưa có một công trình nào tiếp cận từ góc độ triết học để hệ thống hóa và đi sâu vào nghiên cứu những cơ sở, nội dung giá trị cơ bản của nó dưới góc nhìn lịch sử và đương đại.

Thứ ba, khi nghiên cứu về tư tưởng nhân đạo, nhân văn của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu thường chú ý đến Truyện Kiều mà bỏ qua hoặc sơ sài đối với thơ chữ Hán. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ trong tương quan sáng tác chúng ta sẽ nhận thấy là tài năng thiên phú của Nguyễn Du, là nỗi sầu đau xuyên thấu không gian và thời gian của ông tập trung ở thơ chữ Hán. Tác giả luận án cố gắng đi sâu tìm hiểu những nội dung nhân văn thống nhất trong sáng tác của Nguyễn Du bao gồm cả Truyện Kiều và thơ chữ Hán

Những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết:

Dựa vào những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, nắm bắt những thiếu hụt đối vớimục tiêu và nhiệm vụ luận án, trong luận án này, những vấn đề sẽ được chú ý giải quyết như sau:

- Một là, Vận dụng các nghiên cứu về chủ nghĩa nhân văn dưới giác độ triết học để nghiên tư tưởng của Nguyễn Du.

- Hai là, hệ thống hóa và lý giải đầy đủ hơn những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho sự hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du. Trên cơ sở tiếp thu những nghiên cứu đi trước, luận án luận giải và tổng hợp những cơ sở, tiền đề cho sự hình thành tư tưởng nhân văn Nguyễn Du. Trong đó làm rõ cội nguồn nhân văn dân tộc Việt Nam được Nguyễn Du tiếp tục kế thừa, phát triển dựa trên những điều kiện hiện thực khách quan của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Luận án cũng làm bật lên sự kế thừa và khác biệt của nội dung tư tưởng nhân văn Nguyễn Du đối với các giá trị tư tưởng  nhân văn  Phương Đông như Nho giáo và Phật giáo. Từ góc độ triết học văn hóa, luận án tìm hiểu những nguồn mạch văn hóa của quê hương Hà Tĩnh, văn hóa Thăng Long, văn hóa gia đình góp phần hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du. Đây là điểm mới đóng góp mới của luận án khi tìm hiểu tư tưởng nhân văn Nguyễn Du.

- Ba là, xác định, hệ thống hóa và phân tích những nội dung cơ bản tư tưởng nhân văn Nguyễn Du. Những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du được tác giả luận án nhìn nhận dưới giác độ triết học văn hóa, triết học giá trị, theo tiêu chí của quan niệm hiện đại của khái niệm này. Những vấn đề như quan niệm tiến bộ về con người đặc biệt là thái độ trân trọng, yêu thương, tin tưởng vào người phụ nữ; đề cao quyền tự nhiên về mặt luân lý hay những khát vọng giải phóng con người khỏi những ràng buộc của xã hội phong kiến...đều là những nội dung tư tưởng nhân văn đặc sắc của Nguyễn Du đóng góp cho dân tộc và nhân loại

- Bốn là, từ các kết quả trên, xác định giá trị và ý nghĩa những tư tưởng đó đối với lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX và chỉ ra mặt hạn chế và giá trị  với đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Trong giai đoạn mới hiện nay, tư tưởng Nguyễn Du đóng góp trong việc kế thừa và phát huy chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, tạo lập nên những giá trị đạo đức, nhân văn của con người hiện đại hội nhập vào xu hướng tôn vinh con người của nhân loại tiến bộ, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề của con người nói chung và những vấn đề thuộc về đạo đức, lối sống nói riêng trong thời đại mới.

 Nghiên cứu “tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du” là một sự trở lại để một mặt tiếp tục  khẳng định giá trị tư tưởng mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế, mặt khác góp phần vào nâng cao, bổ sung các nội hàm hiện đại của tư tưởng nhân văn nhằm nhìn nhận một cách toàn diện nhân cách văn hóa sáng ngời với những di sản và giá trị tinh thần xuyên thời đại thực sự là một tâm nguyện của tác giả góp phần trả lời nhiều câu hỏi còn bỏ ngõ khi nghiên cứu về Nguyễn Du. . Qua việc tổng quan lại các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án, đồng thời đánh giá những thành quả mà các tác giả đi trước đã đạt được và chưa đạt được một  cách khách quan, tác giả luận án nhận thấy nghiên cứu về tư tưởng nhân văn Nguyễn Du đồng thời rút ra giá trị và hạn chế của nó trong đời sống xã hội thực sự chưa có công trình nào đề cập hệ thống đến những vẫn đề này. Vậy nên đề tài “Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du và ý nghĩa hiện thời của nó” mà tác giả lựa chọn làm luận án của mình là khả thi và không bị trùng lặp so với các công trình đã công bố từ trước tới nay.

   CHƯƠNG 2. BỐI CẢNH LỊCHSỬ XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU

2.1.Bối cảnh  kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa, tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX cho sự ra đời tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

2.2.1. Bối cảnh  kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu thế kí XIX đã suy đốn trầm trọng về mọi mặt nông, công thương nghiệp. Do chính sách của triều Nguyễn, các yếu tố tư bản chủ nghĩa mới nảy sinh trong các khu vực kinh tế, đang trên đà phát triển tự nhiên và tiến bộ, phù hợp với yêu cẩu phát triển của xã hội hồi đó, đều bị bóp nghẹt. Nền kinh tế hàng hóa vì vậy đã bị co hẹp lại. Trên cơ sở đó, nền tài chính quốc gia ngày một kiệt quệ. Đời sống nhân dân ngày càng cực khổ. Mối mâu thuẫn giữa bọn phong kiến thống trị với nhân dân chủ yếu là nông dân đã trở nên vô cùng gay gắt và đã bộc lộ ra ngoài một cách sâu sắc với hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân suốt cả mấy đời vua triều Nguyễn. 

2.2.2. Bối cảnh chính trị - xã hội

trạng rối ren hỗn loạn về chính trị- xã hội, nảy sinh trên cơ sở đấu tranh giai cấp quyết liệt và sự tranh chấp, chém giết lẫn nhau giữa các thế lực phong kiến nhằm tranh giành vương quyền  đã làm cho xã hội Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Từ sự khủng hoảng chế độ,  hệ giá trị Nho giáo đứng trước sự lung lay và mọi kỷ cương của xã hội đều rạn nứt. Cùng với nó, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra rầm rộ ở khắp nơi phản ánh những bế tắc của nhân dân trong cuộc mưu sinh và tồn tại. Sự đột phá của phong trào nông dân Tây Sơn cùng với việc thiết lập vương triều Tây Sơn dù với khoảng thời gian khá ngắn (1778 – 1802) có ý nghĩa lớn đối với lịch sử dân tộc “cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã đưa phong trào nông dân thế kỷ XVIII phát triển lên một giai đoạn mới: giai đoạn phong trào nông dân chuyển hóa thành phong trào dân tộc, hay phong trào nông dân đảm đương cả việc thực hiện những nhiệm vụ dân tộc trọng đại.

Như vậy, có thể thấy đến nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX thì sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam và sự khủng hoảng không còn là dấu hiệu nữa. Thực chất chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy vong trầm trọng, chuẩn bị cho sự sụp đổ toàn diện của chế độ này vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sự khủng hoảng này được bộc lộ trên nhiều phương diện nhưng nổi bật nhất là tính chất thối nát, suy thoái trong toàn bộ cơ cấu của chế độ phong kiến .

2.2.3. Bối cảnh văn hóa, tư tưởng

Về tư tưởng: Thế kỷ XVIII là thế kỷ đầy những đau thương nhưng cũng là thời kỳ đã tạo nên những nội dung đột phá trong tiến trình lịch sử tư tưởng dân tộc, đó là thế kỷ vùng lên từ kiếp sống tối tăm của những người nông dân, thế kỷ của những khát vọng nhân bản của con người: tự do, công lý và hạnh phúc. Chính điều kiện hiện thực rung chuyển của xã hội phong kiến cùng với chiều sâu “trầm tích” văn hóa dân tộc đã sản sinh ra những con người có chiều kích “khổng lồ” ở nhiều phương diện tư tưởng .

Mặt khác, những biến chuyển xã hội sâu sắc và sự vận động tư tưởng, văn hóa thế kỷ XVIII là sự ra đời và phát triển trào lưu tư tưởng nhân văn chủ nghĩa. Thế kỷ thứ XVIII, theo đánh giá của nhiều học giả, đây là giai đoạn đỉnh cao của lịch sử tư tưởng Việt Nam, và cũng chính những nền tảng tư tưởng từ các thế kỷ trước đã góp phần tạo cho tư tưởng nhân văn giai đoạn này mang sắc thái riêng với một nội hàm phong phú và sâu sắc.

2.3. Những tiền đề cơ bản cho sự hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

2.3.1. Tư tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam

 Chủ nghĩa nhân văn dân tộc Việt Nam được biểu hiện thông qua quan hệ giữa người với người, quan hệ cộng đồng, dân tộc trong mọi mặt của hiện thực, đó là quan hệ trong lao động sản xuất, kinh tế; quan hệ chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, tập quán, sinh hoạt thường nhật, nếp sống xã hội; đó còn là quan hệ với thiên nhiên, vạn vật xung quanh. Từ lối sống nhân văn mang đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước hình thành nên các quan niệm, tư tưởng…thường được xem là những triết lý. Các triết lý ấy tập trung vào luận giải đạo làm người với tính nhân văn của nó và quốc gia độc lập, tự chủ, tự cường với tinh thần yêu nước của dân tộc. Vì thế tư tưởng nhân văn và tư tưởng yêu nước trở thành hai đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du được hình thành và phát triển trong truyền thống nhân văn của văn hóa Việt Nam. Và cũng chính từ những tiền đề đó Nguyễn Du đã kế thừa và phát triển chủ nghĩa nhân văn Việt Nam truyền thống với những bình diện mới mẻ, tiến bộ, phản ánh những mong ước của con người trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam.

2.3.2.  Tư tưởng nhân văn trong Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo

Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của truyền thống dung thông tôn giáo của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tuy nhiên, tính chất “đồng nguyên” tam giáo trong tư tưởng tam giáo của Nguyễn Du có màu sắc khác với các nhà tư tưởng Việt Nam. Ông không chú trọng lý giải về mặt lý luận, không thể hiện bằng cách giảng giải mà những tư tưởng đó nó “bàng bạc” trong văn thơ gắn với việc luận giải về con người và cuộc đời xuyên suốt các tác phẩm từ kiệt tác Truyện Kiều đến thơ chữ Hán của ông.Thái độ của Nguyễn Du với tư cách nhà Nho chân chính đã không bác bỏ những giá trị phổ quát của Phật giáo và Đạo giáo, mà trân trọng và đan xen chúng thành một tư tưởng mang tính đa nguyên, đa dạng, dễ thích ứng với đời, dễ giải thích cho sự đời vốn đầy rẫy những phức tạp. Có thể nhận thấy rằng, sự kết hợp, hay nói cách khác, sự hòa hợp của tam giáo trong tư tưởng của Nguyễn Du đã góp phần nâng tư tưởng nhân văn lên một tầm cao mới. Nó cũng giúp ông có cái nhìn đa diện hơn về cuộc sống nhân sinh, rũ bỏ phần nào những gánh nặng đạo lí quá nặng nề và cứng nhắc của lí tưởng nhà Nho và vị thế nhà thơ “nhân đạo chủ nghĩa”, nhưng lại giúp cái nhìn “nhân đạo chủ nghĩa” thêm sâu sắc.

2.4. Nguyễn Du – thân thế, sự nghiệp

Nguyễn Du tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, còn có biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ. Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (1765), nhằm niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông tại Kinh thành Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc có thế lực bậc nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều biến cố với nhiều trải nghiệm.

Trong thiên tài của Nguyễn Du, ông đã thừa hưởng được cái nếp phong lưu của xứ Kinh Bắc nhờ ảnh hưởng của mẹ, đã hưởng được hào khí của đất Hồng Lam quê cha, cùng với lòng tiết nghĩa, khiếu văn chương, do gia phong truyền lại trải bao nhiêu đời. Nhiều năm sống với bác tại Thăng Long, dấu vết đài các hoa lệ của kinh đô cũng để lại nhiều ấn tượng trong ký ức Nguyễn. Nhưng bao nhiêu yếu tố đó cũng chưa đủ tạo thành cái tính cách phức tạp và mâu thuẫn của ông, nếu ta không kể đến những ngày tháng loạn ly ông phải sống điền dã nơi hang cùng xóm vắng, trong sự thiếu thốn của vật chất như những người loạn dân thời bấy giờ, cũng như những tháng ngày bôn ba xứ người đảm đương trọng trách đại diện cho một triều đình trên đường tuế cống tiếp cận một nền văn hóa, phong tục mới lạ, của sự cô độc của người độc bộ trên con đường đi tìm câu trả lời cho các vấn nạn nhân sinh. Bên cạnh con chữ của kinh sách Nho học ông từng đọc thì những lần gặp gỡ với vô vàn cảnh ngộ hiện thực của nhân dân đã tạo một nền móng cho thiên tài văn chương và tư tưởng của Nguyễn Du. Có lẽ tất cả những yếu tố đó đã hun đúc và tụ hội nên làm thăng hoa ở một cá nhân đặc biệt để Nguyễn Du trở thành một đại thi hào, một nhà văn hóa mà những tư tưởng của giá trị trong sự nghiệp ông để lại như một viên ngọc toàn bích lấp lánh nhiều màu sắc.

 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trên đây chúng tôi nghiên cứu cơ sở thực tiễn, tiền đề lý luận cũng như nhân cách văn hóa đặc biệt Nguyễn Du với những chiều kích khá phong phú là điều kiện chi phối tư tưởng nhân

văn của ông. Với sự ảnh hưởng khá đa dạng của những không gian văn hóa tiêu biểu của dân tộc (Thăng Long, Hồng Lam, Kinh Bắc, Huế), cùng sự giao lưu trực tiếp với một trong những nôi của văn minh Phương Đông – văn hóa Trung Hoa, tiếp nhận cả Nho – Phật – Đạo; với sự tinh nhạy của một trái tim và khối óc luôn đau đáu hướng đến con người và cuộc đời trước những biến động của lịch sử Việt Nam. Với những tác động của nhiều biến cố xã hội cũng như cuộc sống gia đình, Nguyễn Du đã sáng tác những tác phẩm văn chương tuy không thật sự đồ sộ nhưng có  vô giá. Thông qua từng câu chữ của thơ ông là thế giới nội tâm dạt dào mẫn cảm yêu thương, nhân hậu được bày ra, những triết luận xuất phát từ thực tiễn với sự dung hợp tam giáo như truyền thống tư tưởng người Việt được phát biểu. Tinh thần nhân văn, thái độ bao dung, cảm thông và đồng điệu là chìa khóa để Nguyễn Du đi vào lòng người và đọng lại với những cảm nhận ở nhiều mức độ khác nhau. Đứng ở phương diện đó, Nguyễn Du vượt lên trên vị trí một Nho sỹ, một nghệ sỹ để trở thành nhà nhân văn, nhà văn hóa – nhà tư tưởng lớn của dân tộc và nhân loại.

CHƯƠNG 3. NỘI DUNG CƠ BẢN TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU

3.1. Quan niệm con người và thân phận con người

3.1.1. Con người bản thể

Con người trong tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du không phải là con người chức năng, chức phận mà là con người trong cái tự nhiên vốn có của nó. Có thể xem, đến Nguyễn Du, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Việt Nam đã nói đến vấn đề bản thể con người. Nguyễn Du nhấn mạnh đến bản chất của sự tồn tại người. Bản chất tồn tại đó, theo Nguyễn Du, được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh nhưng được ông tập trung, xoáy sâu vào những vấn đề căn cơ trong sự tồn tại. Đó là vấn đề cái chết, sự u buồn, đau khổ và cô đơn có tính bản thể. Bằng một cách không trực diện nhưng rất tinh tế,  Nguyễn Du đã chứng minh rằng mình là một nhà tư tưởng luôn đau đáu đi lý giải và nghiền ngẫm cái bản vị, bản ngã của con người.

3.1.2.Trân trọng sinh mệnh con người

Nguyễn Du đã thể hiện sự trân trọng sinh mệnh con người, cụ thể nhất đó là thái độ lên án, phản đối chiến tranh. Nó thể hiện quan niệm, cái nhìn đối với quyền cơ bản và thiêng liêng của con người, đó là quyền được sống, tồn tại - hiện hữu. Từ quan niệm về sự tôn trọng, trân quý sinh mệnh con người, Nguyễn Du đi đến quan niệm về vấn đề quyền sống và những tư tưởng đòi thực hiện quyền sống của con người

3.1.3.Thân phận con người

Vấn đề thân phận con người trong quan niệm của Nguyễn Du gắn với vấn đề thân phận người phụ nữ. Quan niệm về người phụ nữ trong các sáng tác của Nguyễn Du chính là sự phát triển cả về quan niệm sáng tác cũng như quan niệm thẩm mỹ và sự trưởng thành trong nhận thức về người phụ nữ ,về hiện thực xã hội và sáng tạo nghệ thuật. Nó có ý nghĩa đột phá xét về sự tiến bộ lịch sử của sự nhìn nhận cái mới mà Nguyễn Du là một trong những người khởi xưởng cho cách nhìn nhận mới về nhiều vấn đề liên quan đến thân phận, khát vọng của người phụ nữ. Trong đó việc phản ánh khát vọng giải phóng người phụ nữ khỏi những quan niệm cũ kỹ, khắc nghiệt của tư tưởng phong kiến là một điểm sáng cực kỳ tiến bộ và hiện đại của đại thi hào.

3.2. Yêu thương con người

3.2.1. Tình yêu thương rộng lớn

Tình yêu thương con người của Nguyễn Du rõ ràng có những nét bắt nguồn từ các nền văn hóa mà ông chịu ảnh hưởng nhưng trên hết đó là sự kế tiếp và phát triển truyền thống nhân ái của văn hóa Việt Nam. Đó là sự thấu hiểu, san sẻ giữa con người với con người một cách rất tự nhiên theo tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, nó trở thành gốc rễ đạo đức của người Việt. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Du luôn đề cao chữ tình, chữ tâm- đó cũng là tấm lòng của Nguyễn Du trải rộng cho mọi kiếp nhân sinh. Xuất phát từ ình cảm yêu thương bao la, trân trọng con người đã giúp Nguyễn Du vượt lên những ranh giới của hệ tư tưởng, của thời đại để đi sâu, khám phá và phát hiện ra những vấn đề về con người và thân phận con người

3.2.2. Tình yêu thương đối với người phụ nữ tài hoa bạc mệnh

 Nguyễn Du trăn trở nhiều nhất là thân phận người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ “tài hoa bạc mệnh”. Nguyễn Du không xem họ (người phụ nữ) là những “kẻ khác mình”, mà họ được nâng lên thành chủ thể, đưa vào trung tâm và hơn nữa đặt họ trong tương quan với những nhà Nho tài tử như ông. Nếu nhìn bao quát hơn, sẽ thấy rằng, ý thức đó không chỉ có ở Nguyễn Du, mà nó là ý thức của cả thời đại ông. Sự hình thành quan niệm cái tôi cá nhân, ý thức về tài tử - giai nhân xuất hiện và khẳng định vào giai đoạn hậu kỳ của chế độ phong kiến Việt Nam đã tạo nên sự phục hưng trong thái độ trân trọng phụ nữ của truyền thống dân tộc Việt Nam, hình thành nên một trào lưu tụng ca phụ nữ như Hồ Xuân Hương, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điêm, Nguyễn Gia Thiều…trong đó tư tưởng của Nguyễn Du tha thiết và sâu sắc hơn cả.

3.2.3. Lên án lực lượng phản nhân văn

Nguyễn Du phê phán xã hội phong kiến đầy bất công và thối nát với hệ thống quan lại những nhiễu con người: Từ mấy quan địa phương, tri phủ, tri huyện, cho đến viên quan Tổng đốc, đều là một lũ người vô trách nhiệm, không tài năng và tệ hơn nữa là một lũ tham ô, dâm dục, ác bá. Cùng với việc phê phán xã hội kìm hãm sự phát triển là lên án sức phá hoại của đồng tiền, của vật chất đối với nhân phẩm con người. Đây là sự đánh dấu một bước phát triển với những nội dung mới mẻ của tư tưởng nhân văn trên cơ sở những đặc điểm phát triển của lịch sử xã hội.

Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Du lên án cái xấu, cái ác trong xã hội ở một bình diện nhân văn đó là tội ác tha hóa con người của xã hội. Nguyễn Du khác với những nhà tư tưởng đương thời, ông không nói nhiều đến hậu quả của các cuộc chiến tranh kéo dài của xã hội đương thời mà ông dành nhiều trăn trở cho mà cuộc chiến trong con người: cuộc chiến chống tha hóa

3.3. Đề cao giá trị con người và quyền con người

3.3.1 . Đề cao gía trị con người

Quan niệm của Nguyễn Du về giá trị con người rõ ràng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, nhưng ở một số khía cạnh, nó đã vượt lên hạn chế của Nho giáo, xác lập nên tính độc đáo và tiến bộ của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du. Nguyễn Du đề cao thân, cũng đề cao tài, tâm. Đó là những phạm trù cấu thành nên những con người cụ thể, cá biệt. Đặc biệt, Nguyễn Du đề cao giá trị người phụ nữ. : quyền tự do quyết định, trước tiên nó là sự giải phóng về thân xác bởi Nguyễn Du ý thức được rằngthân xác là một giá trị nhưng không phải là một giá trị buôn bán, đổi chác, giá trị của một đồ dùng, một dụng cụ.

3.3.2. Quyền con người

Nguyễn Du, xuất phát từ quan niệm về con người cá nhân -con người với cái Tôi - cá thể (individual), ông ý thức được giá trị trước hết của con người là thân xác, một phần sở hữu riêng nó, không được xúc phạm và cần được bình đẳng và do đó ông đặt ra vấn đề quyền sống của con người trước hết về mặt thân xác. Đặc biệt hơn, Nguyễn Du tập trung nhất là quyền về việc bảo vệ các giá trị tinh thần,  quyền được khát vọng , ước ao, được buồn vui, hi vọng hay đau khổ, có quyền sống riêng về tư tưởng và được thực hiện những khát vọng đó. Theo Nguyễn Du, quyền sống là bản năng con người và đã làm người thì trước hết là được sống, phải sống, dù thậm chí vì khát vọng sống đó con người phải trả giá bằng những thứ đắt nhất, tăm tối nhất. Ngoài ra, Nguyễn Du bàn đến bình đẳng về nhân phẩm con người như một chủ đề lớn trong tư tưởng của ông .

3.4. Tư tưởng giải phóng con người

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du phản ánh khát vọng giải phóng con người, tập trung ở phương diện giải phóng tinh thần, tư tưởng, giá trị con người gắn với những năng lực của họ. Nguyễn Du Nguyễn Du, là những đau đáu trước những khát vọng đòi được giải phóng, được phát triển những năng lực đẹp đẽ qua sự thức tỉnh của con người cá nhân tự ý thức về bản ngã. Con người cá nhân với những phẩm chất, năng lực xác định là đối tượng được Nguyễn Du quan tâm, chiêm nghiệm và trăn trở trong những vấn đề nhân sinh của mình. Nguyễn Du đã đi sâu vào đời sống nội tâm của con người cá nhân, diễn trình cuộc đấu tranh đầy vật vã, gian nan và khốc liệt của sự trưởng thành ý thức con người cá nhân với khát vọng sống, bảo vệ nhân phẩm, chống “tha hóa”.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Tư tưởng  nhân văn của Nguyễn Du  là sự kế thừa xuất sắc truyền thống nhân ái hàng ngàn năm của dân tộc, là sự tiếp thu những yếu tố phù hợp của tư tưởng nhân văn Nho – Phật – Đạo, tổng hợp và phát triển với hệ thống nội dung rất đặc sắc:

Trong tư tưởng về con người Nguyễn Du chú ý đến con người cá nhân với những nhu cầu và tâm lý rất bản năng, tự nhiên. Đây là hướng tiếp cận dưới góc độ bản thể luận của đại thi hào, khác với lối tư duy giáo điều chịu ảnh hưởng của tư tưởng quan phương Nho giáo. Nguyễn Du đã tìm cách khám phá và bóc tách tâm hồn, tư tưởng của con người hiện thực với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau chứ không đơn thuần, một chiều và trừu tượn

Quan niệm về người phụ nữ trong các sáng tác của Nguyễn Du chính là sự phát triển cả về quan niệm sáng tác cũng như quan niệm thẩm mỹ và sự trưởng thành trong nhận thức về người phụ nữ về hiện thực xã hội và sáng tạo nghệ thuật. Nó có ý nghĩa đột phá xét về sự tiến bộ lịch sử của sự nhìn nhận cái mới mà Nguyễn Du là một trong những người khởi xưởng cho cách nhìn nhận mới về nhiều vấn đề liên quan đến thân phận, khát vọng của người phụ nữ. Trong đó việc phản ánh khát vọng giải phóng người phụ nữ khỏi những quan niệm cũ kỹ, khắc nghiệt của tư tưởng phong kiến là một điểm sáng cực kỳ tiến bộ và hiện đại của đại thi hào.

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du còn thể hiện chủ yếu ở việc phản ánh giải phóng con người khỏi những quan niệm phản nhân văn, hướng con người tới hạnh phúc.

Và những quan niệm, tư tưởng mà chúng tôi tạm phân chia để tiện phân tích ở trên tính tương đối bởi những nội dung của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du có sự đan xen thông qua một hình thức biểu hiện độc đáo là văn chương nên hàm ý của chúng được lồng ghép. Mặt khác, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du là nội dung lớn, một giá trị trong di sản ông để lại với một sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ nên việc khảo cứu trong giới hạn chuyên đề chắc chắn còn “bỏ sót” trong nhiều tác phẩm chưa được đề cập do hạn chế trong thời gian và việc tiếp cận văn bản. Những gì đã phát hiện tạo ra cơ sở vững chắc hơn để khẳng định tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du chứa nhiều yếu tố tư tưởng triết học có giá trị.

CHƯƠNG 4: GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU

4.1. Một số gía trị tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

4.1.1. Gía trị nhân loại

Tư tưởng nhân văn của ông có vai trò thức tỉnh, kêu gọi con người sự tự tôn trong sự tồn tại của chính mình

Những vấn đề được ông nêu lên thống thiết như quyền tự do, hạnh phúc, tự do yêu đương, đề cao nhân phẩm người, bình đẳng nam nữ là những biểu hiện của một chủ nghĩa nhân văn mang màu sắc hiện đại khi tập trung vào giá trị quyền cá nhân con người

Giá trị tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du còn là thái độ đề cao con người trần thế với những khát vọng bản năng và nhân văn. Những dục vọng bản năng có thực, rốt ráo và thường trực không chỉ đối với những con người sống trong xã hội tăm tối và bức bối cuối thế kỷ XVIII, mà nó là khát vọng chung của mọi người khi sinh ra, không kể giai cấp, dân tộc, thời đại lịch sử

4.1.2. giá trị dân tộc

Thứ nhất, bằng việc tiếp thu, kế thừa tinh thần và giá trị nhân văn trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, cũng như tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn của văn hóa Phương Đông, Nguyễn Du đã phát triển nội dung tư tưởng nhân văn của mình một cách sâu sắc, chứa nhiều giá trị tiến bộ, từ đó làm phong phú và sâu sắc thêm nội hàm những khái niệm, phạm trù và quan điểm trong tư tưởng nhân văn nói chung, tinh thần và giá trị nhân văn Việt Nam nói riêng, góp phần vào quá trình phát triển của tư tưởng nhân văn dân tộc Việt Nam, trên cơ sở đó làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, kế thừa và phát triển tư tưởng nhân văn dân tộc Việt Nam . Bằng nhãn quan hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đã góp phần phát triển, bổ sung vào trong tư tưởng nhân văn Việt Nam những nội dung quan điểm mới, tiến bộ, phản ánh yêu cầu phát triển của lịch sự và tiến bộ của xã hội. Những nội dung như đề cao giá trị của người phụ nữ, sự nhận thức về quyền bình đẳng tiệm cận với vấn đề bình đẳng nam – nữ thời hiện đại.

Thứ ba, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đã đem vào trong nội dung tư tưởng nhân văn dân tộc Việt Nam những quan điểm phản ánh sống động và sâu sắc thực tiễn đời sống xã hội, làm sinh động tinh thần và tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn dân tộc.

4.2. Hạn chế trong tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

Hạn chế thứ nhất, sự thiếu nhất quán trong việc lý giải những khổ đau của con người trong xã hội

Trong các tác phẩm của Nguyễn Du, một mặt người đọc nhận thấy được đằng sau những  khổ đau, bất hạnh của thân phận người đặc biệt là người phụ nữ  là do lực lượng thống trị  phong kiến gây nên, nhưng mặt khác ông lại đổ lỗi cho Trời, cho số mệnh.

Hạn chế thứ hai, Nguyễn Du bế tắc trên con đường đi tìm kiếm hạnh phúc cho con người

Nguyễn Du đưa ra chữ Tâm như một “phương án” nhằm giải thoát con người khỏi những bất hạnh, khổ đau. Đặt trong nhãn quan hiện đại, quan niệm chữ Tâm nhằm hóa giải những khổ đau của con người có những phương diện hợp lý của nó, nhưng nếu nâng nó lên thành một giải pháp và là giải pháp duy nhất cứu giúp con người trong cuộc chiến chống lại những thế lực phản nhân văn thống trị con người thì rõ ràng là phương pháp đầy duy tâm và hoàn toàn thất bại.

Hạn chế thứ ba, Nguyễn Du chưa đề ra được vấn đề giải phóng con người từ tầm vóc cách mạng xã hội triệt để. Nó một phần xuất phát từ thế giới quan và thái độ chính trị của Nguyễn Du ở ngoài cuộc đời khi ông chưa thể vươn được tới chỗ đứng tiến bộ nhất của thời đại trên lập trường chính trị. Lập trường giai cấp cùng sự bế tắc, quẩn quanh của hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX khi các lực lượng tiến bộ chưa khẳng định được vị trí của mình cũng là nguyên nhân khiến tư tưởng giải phóng con người một cách thiếu triệt để của ông.

4.3. Ý nghĩa tư tưởng nhân văn Nguyễn Du đối với xã hội Việt Nam hiện nay

4.3.1. Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du  đối với việc nhận thức và giải quyết các vấn đề về con người trong xã hội

Trong bối cảnh mới hiện nay, việc nhìn nhận, đánh giá giá trị hiện nay của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du giúp chúng ta có thái độ đúng đắn trong việc phát huy truyền thống nhân văn của cha ông trong công cuộc phát triển đất nước nói chung và phát huy yếu tố văn hóa nói riêng. . Truyền thống nhân văn truyền thống Việt Nam trong đó có sự đóng góp lớn của Nguyễn Du là tiền đề quan trọng để truyền tải, xác lập và phát triển thành chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Đó là lý do quan trọng để chúng ta tôn vinh Nguyễn Du như là một nhà tư tưởng lớn. Các giá trị của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong đó có tư tưởng nhân văn Nguyễn Du là một trong những nhân tố cấu thành “sức mạnh mềm” của dân tộc. Nó tăng sức thuyết phục, cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn con người trong việc hoàn thiện hơn nữa các phẩm chất cần thiết của người công dân hiện đại

4.3.2. tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đối với xây dựng đạo đức lối sống con người Việt Nam hiện nay

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du góp phần hình thành ý thức đạo đức và lối sống tích cực cho con người

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du giúp con người lựa chọn giá trị đạo đức phù hợp mà cốt lõi đó là lòng yêu thương con người. Việc tìm về với những giá trị nhân văn Nguyễn Du giúp con người nhận thấy rõ giá trị và ý nghĩa cuộc sống mang tính nhân văn, nhân ái, nhân bản sâu sắc, những giá trị đó nhân đạo hóa con người và hoàn cảnh sống của con người hiện tại. Trên cơ sở đó, con người lựa chọn hệ giá trị và hình thành niềm tin, lý tưởng đạo đức, định hướng cho mọi suy nghĩ và hành động của mình, củng cố và phát triển những giá trị nhân cách tốt đẹp

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du góp phần giáo dục giá trị nhân văn cho con người hiện nay

Tư tưởng nhân văn Nguyễn Du tự thân nó đã có ý nghĩa giáo dục đối với mỗi con người cụ thể, giúp con người phát triển toàn diện, đồng thời, nó cũng giúp cho xã hội phát triển lành mạnh và hợp đạo lý. Qua hành động và suy nghĩ của mỗi cá nhân, giá trị nhân văn sẽ định hướng việc lựa chọn hệ giá trị phù hợp. Hơn nữa, chính việc thực hiện văn hóa nhân văn, môi trường nhân văn sẽ tạo điều kiện để phát triển con người Việt Nam về mọi mặt trong cuộc sống, góp phần vào việc thúc đẩy tiến bộ con người nói chung.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Đánh giá, định vị giá trị của một tư tưởng đã khó thì đối với tư tưởng Nguyễn Du không phải được trình bày một cách hệ thống thông qua các tác phẩm mà nó được hòa trộn vào trong văn chương lại càng khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Đối với những đánh giá, nhận định về giá trị tư tưởng nhân văn Nguyễn Du như trên cũng mới chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Trong thực tiễn đời sống của con người Việt Nam, những giá trị tư tưởng của Nguyễn Du có thể tìm thấy những khía cạnh khác mà từ những góc độ quan sát khác mới có thể đánh giá được. Tuy nhiên, dù quan sát ở góc độ nào thì tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du cũng có những giá trị nhân loại và đối với dân tộc. Tư tưởng nhân văn đó có ý nghĩa không chỉ đối với thời đại của ông mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội Việt Nam hiện nay.

Những quan niệm về con người và cuộc đời, những suy tư về thân phận và giá trị người phụ nữ trong xã hội nam quyền, những khát vọng mãnh liệt về quyền sống của con người được Nguyễn Du biểu đạt bằng một hình thức ngôn từ độc đáo. Đó là những vấn đề “tồn tại người” nổi  côm và nóng bỏng trong xã hội phong kiến Việt Nam đang trên đà khủng hoảng và suy vong. Những nội dung tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đã kế thừa và phát triển lên đỉnh cao những nội dung tư tưởng nhân văn của thời đại, làm sâu sắc và sinh động hơn những nội dung tư tưởng nhân văn dân tộc Việt Nam. Những vấn đề đó hiện nay vẫn để lại những bài học có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề con người như quyền con người, vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là hướng tới xây dựng con người với những phẩm chất đạo đức, nhân văn. Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện những giá trị văn hóa trong đó có chủ nghĩa nhân văn Việt Nam theo hệ chuẩn Chân - Thiện – Mỹ trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá tinh thần mang tính thời đại chính là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển.

 

KẾT LUẬN

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du là sự kế thừa và phát triển một cách xuất sắc truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời có sự tiếp biến, hội tụ những giá trị văn hóa Phương Đông như Nho, Phật, Đạo trên cơ sở của sự phản ánh hiện thực xã hội trong giai đoạn đầy biến động. Sự xuất hiện của một nhà tư tưởng lớn như Nguyễn Du vừa là một sự bất ngờ, vừa phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng dân tộc. Nó thể hiện những bước tổng hợp của nền văn hóa không chỉ Việt Nam mà vùng Đông Nam Á trong bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam đang từng bước suy vi thể hiện những hạn chế lịch sử lớn lao của nó trên mọi phương diện và những tư tưởng nhân văn của thời đại đã phát triển đến đỉnh cao

Điều đặc biệt là Nguyễn Du đã nhìn thấy không chỉ những bất công ngang trái trong xã hội, mà còn, và chủ yếu thấy xã hội đã phản lại những phẩm chất đẹp đẽ nhất của con người, truy bức, tìm diệt những năng lực và nhiệt tình sống của họ. Trong tác phẩm của Nguyễn Du, bi kịch của con người không chỉ là nỗi khổ của đói rét, chết chóc, cơm áo đời thường, mà còn ở khía cạnh khát vọng đòi được giải phóng, được phát triển những năng lực đẹp đẽ qua sự thức tỉnh của con người cá nhân tự ý thức. Trong tác phẩm của Nguyễn Du đã xuất hiện con người cá nhân. Nguyễn Du đã đi sâu vào đời sống nội tâm của con người cá nhân, diễn trình cuộc đấu tranh đầy vật vã, gian nan và khốc liệt của ý thức người với khát vọng sống, bảo vệ nhân phẩm, chống tha hóa trong xã hội phong kiến Việt Nam ở bước tổng khủng hoảng - thời mạt kì của nó. Nguyễn Du đã khám phá ra những sức mạnh to lớn của con người ngay chính trong cuộc đời nhiều bất hạnh bằng niềm tin của cá nhân ông và bằng sự trải nghiệm và thông qua sự phản ánh khách quan quá trình tương tác, đối kháng của con người ý thức chống lại các thế lực tàn độc, sức mạnh tha hóa của đồng tiền - những sức mạnh phản nhân văn đi ngược lại với sự tiến bộ của con người và xã hội.

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du tiếp nối mạch nguồn và là sự tổng hợp những giá trị tư tưởng nhân văn trong lịch sử tư tưởng Việt Nam mà đến thế kỷ XVIII đã trở thành một cao trào xuyên suốt. tư tưởng nhân văn Nguyễn Du làm phong phú và sâu sắc thêm nội hàm những khái niệm, phạm trù và quan điểm trong tư tưởng nhân văn nói chung, tinh thần và giá trị nhân văn Việt Nam nói riêng, góp phần phát triển, bổ sung vào trong tư tưởng nhân văn Việt Nam những nội dung quan điểm mới, tiến bộ, phản ánh yêu cầu phát triển của lịch sự và tiến bộ của xã hội góp phần vào quá trình phát triển của tư tưởng nhân văn dân tộc Việt Nam, trên cơ sở đó làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc Việt Nam. Đồng thời tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đã đem vào trong nội dung tư tưởng nhân văn dân tộc Việt Nam những quan điểm phản ánh sống động và sâu sắc thực tiễn đời sống xã hội giai đoạn cuối thế kỷ XVIII làm sinh động tinh thần và tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn dân tộc

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du có đóng góp to lớn vào dòng chảy của văn hóa Việt Nam. Truyền thống văn hóa đã tạo nên sức mạnh thần kỳ để dân tộc ta trường tồn, phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử  và hiện nay đang là động lực to lớn trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tư tưởng nhân văn đã đưa tác phẩm của Nguyễn Du vượt qua những sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, vượt qua mọi giới hạn của không gian đề bắt gặp sự chia sẻ, đồng cảm của con người trên thế giới. Nó đã góp phần làm nên bản sắc dân tộc Việt Nam, lối sống con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và hướng tới tương lai. Những giá trị tư tưởng nhân văn Nguyễn Du còn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, trở thành một yếu tố đặc sắc cấu thành chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Những hạn chế của nó bộc lộ hạn chế của một chế độ xã hội hay rộng hơn là một thời đại lịch sử đã qua và nhìn vào đó, con người hiện nay rút ra cho mình nhiều bài học trong việc giải quyết các vấn đề về con người và nhân văn.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ

LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

  1. Đậu Thị Hồng, “Khát vọng bình đẳng trong tư tưởng của Nguyễn Du”, Việt Nam trong chuyển đổi – các hướng tiếp cận liên ngành (Tuyển chọn các nghiên cứu từ Hội nghị Khoa học cán bộ trẻ và học viên sau đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 435 – 449
  2. Đậu Thị Hồng, “Giá trị nhân văn Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa, Nxb ĐHQGHN, 2017, tr 33 – 49
  3. Đậu Thị Hồng, “Bàn thêm về quan niệm bình đẳng nam nữ của Nguyễn Du từ góc nhìn bình đẳng giới hiện đại”, Tạp chí nhân lực khoa học xã hội, tháng 11/2018, tr.105-112
  4. Đậu Thị Hồng, “Quan niệm tâm, tài trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và giá trị giáo dục”, Tạp chí giáo dục và xã hội, Số đặc biệt kỳ 1 tháng 3/2019, tr.38-42.
  5. Đậu Thị Hồng, “Giáo dục giá trị nhân văn trong nhà trường hiện nay là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện đại”, Giáo dục giá trị trong nhà trường, Nxb Đại học Huế, 2019, tr589 -601
  6. Đậu Thị Hồng, “Những cội nguồn văn hóa góp phần hình thành nên tư tưởng của Nguyễn Du”, Tạp chí văn hóa học, số 5 (45) năm 2019, tr.13-19

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây