Tóm tắt luận án NCS: Nguyễn Trung Hải

Thứ ba - 02/06/2020 03:38

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HA NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

 

 

 

 

Nguyễn Trung Hải

 

 

 

CHÂN DUNG XÃ HỘI VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI CAO TUỔI HÀ NỘI QUA NGHIÊN CỨU TẠI QUẬN NAM TỪ LIÊM

 

 

 

 

 

 

 

       Chuyên ngành: Xã hội học

  Mã số:  62.31.03.01

 

 

 

 

 

TÓM TẮT  LUẬN ÁN TIẾN SỸ XÃ HỘI HỌC

 

 

 

 

 

 

 

HÀ NỘI - 2020

 

Công trình được hoàn thành tại: trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 

 

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Lê Thị Quý

 

 

Phản biện:.........................................................................

..........................................................................................

Phản biện:.........................................................................

..........................................................................................

Phản biện:.........................................................................

..........................................................................................

 

 

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp cơ sở chấm luận án tiến sỹ họp tại ........................................................................................................................

Vào hồi            giờ            ngày            tháng              năm 2020

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

  1. Nguyễn Trung Hải (2019), “Identify challenges in the family life of the elderly people through research in Nam Tu Liem District –Hanoi”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về Nghề công tác xã hội tại Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực hành, NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 

  2. Nguyễn Trung Hải (2019), “Nhu cầu tham gia thị trường lao động của người cao tuổi ở quận Nam Từ Liêm – Hà Nội dưới góc nhìn của lí thuyết động cơ làm việc”, Tạp chí Giáo dục (số đặc biệt), tr. 105 – 109.

  3. Nguyễn Trung Hải và Nguyễn Thị Vĩnh Hà (2019), “Định hướng chính sách xã hội nhằm phát huy nguồn lực người cao tuổi góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, Tạp chí Quản lý Nhà nước (286), tr. 47 – 50.

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Việt Nam được coi là nước có tốc độ già hóa nhanh nhất, bởi lẽ Việt Nam chỉ mất khoảng 18 năm để chuyển đổi từ dân số trẻ sang dân số già. Điều này tạo ra những biến đổi sâu sắc về đời sống kinh tế của NCT và buộc nhiều người trong số họ tiếp tục tham gia thị trường lao động (TTLĐ) để tự đảm bảo sinh kế [Unions Unis, 2007, tr. 9].

Tương tự, thực trạng già hóa dân số cũng tạo ra những biến đổi sâu sắc về đời sống xã hội của NCT. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, cuộc sống trong gia đình của nhiều NCT đang trở nên ngày càng đơn điệu bởi hiện tượng “tách hộ”. Thực tế đó khiến cho mối quan hệ giữa nhiều NCT với con, cháu trở nên ngày càng “lỏng lẻo”, kéo theo đó là sự trọng thị của các thành viên trong gia đình dành cho NCT cũng giảm theo [Thangavel Palanivel et al, 2016, tr. 17 – 18].

Do vậy, để thích ứng với cuộc sống ngày càng buồn tẻ trong gia đình, nhiều NCT tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội với mục đích tìm kiếm nguồn vui, giúp cho tuổi già bớt đi cảm giác cô đơn, cũng như tăng cường đoàn kết xã hội [Unions Unis, 2007; Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, 2016].

Trước sự biến đổi đời sống kinh tế - xã hội trên, đề tài tập trung nghiên cứu “Chân dung xã hội và việc làm của NCT Hà Nội qua nghiên cứu tại quận Nam Từ Liêm”.

2. Mục đích nghiên cứu

2.1. Mục đích chung

Đề tài góp phần bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn dựng lên chân dung xã hội của NCT trong gia đình và ở cộng đồng, cũng như về sự tham gia TTLĐ của NCT. Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đề xuất định hướng, giải pháp nhằm cải thiện cuộc sống của nhóm dân số này.

2.1. Mục đích cụ thể:

  • Trình bày, luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn về chân dung xã hội và việc làm của NCT.
  • Phác họa chân dung xã hội của NCT thông qua cuộc sống trong gia đình và ở cộng đồng; phân tích chân dung xã hội đó theo các nhóm xã hội khác biệt về giới tính, sức khỏe, và tình trạng thụ hưởng CSXH.
  • Phân tích thực trạng việc làm của NCT thông qua yếu tố thúc đẩy tham gia thị trường lao động, nghề nghiệp, kết quả thực hiện công việc; phân tích thực trạng việc làm đó theo các nhóm xã hội khác biệt về giới tính, sức khỏe, và tình trạng thụ hưởng CSXH.
  • Đề xuất các giải pháp chính sách duy trì các mối quan hệ thân thiện với gia đình, cộng đồng, về thúc đẩy NCT tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội và kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần.

3. Đối tượng, khách thể nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Chân dung xã hội và việc làm của NCT.

3.2. Khách thể nghiên cứu

  • Người cao tuổi, là những người từ đủ 60 tuổi trở lên (khách thể nghiên cứu được giới hạn ở những NCT đang làm việc tạo thu nhập cho bản thân);
  • Thành viên hộ gia đình có NCT đang làm việc tạo thu nhập;
  • Thành viên cộng đồng cư trú của NCT đang làm việc tạo thu nhập;
  • Cán bộ chính quyền địa phương.

4. Phạm vi nghiên cứu

4.1. Về không gian

Luận án được thực hiện ở Nam Từ Liêm, Hà Nội bằng phương pháp lựa chọn địa bàn có chủ đích.

4.2. Về thời gian

Luận án được thực hiện trong giai đoạn từ 2016 đến 2019.

4.3. Về nội dung:

Nội dung 1: Tổng quan nghiên cứu về chân dung xã hội và việc làm của NCT.

Nội dung 2: Cơ sở lý luận nghiên cứu về chân dung xã hội và việc làm của NCT, phương pháp nghiên cứu, cũng như cơ sở thực tiễn của đề tài nghiên cứu.

Nội dung 3: Phân tích chân dung xã hội phác họa từ cuộc sống trong gia đình của NCT ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nội dung 4: Phân tích chân dung xã hội phác họa từ cuộc sống ở cộng đồng của NCT ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nội dung 5: Phân tích kết quả khảo sát về việc làm của NCT ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nội dung 6: Đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

5. Câu hỏi, giả thuyết nghiên cứu và khung phân tích

5.1. Câu hỏi nghiên cứu

Chân dung xã hội của NCT được phác họa ra sao trong gia đình và ở cộng đồng? Việc làm của họ có những đặc trưng biểu hiện ra như thế nào?

5.2. Giả thuyết nghiên cứu

Đa số NCT thiết lập được mối quan hệ thân thiết, bền chặt với các thành viên gia đình, với họ hàng, hàng xóm và bạn bè ở giai đoạn trước cũng như sau tuổi 60. Nhiều người thực hiện trách nhiệm ở mức độ cao trong hỗ trợ gia đình và cộng đồng, cũng như nhận được sự tôn trọng cao từ phía các chủ thể này. Tuy nhiên, chân dung xã hội của NCT có sự khác biệt theo các nhóm xã hội. NCT nam giới, có sức khỏe tốt và thụ hưởng CSXH có mối QHXH thân thiết hơn, bền chặt hơn, có trách nhiệm xã hội cao hơn với gia đình, cộng đồng và nhận được sự trọng thị từ phía gia đình và cộng đồng cao hơn so với các nhóm NCT khác.

Việc làm của NCT được nuôi dưỡng dưới sự thúc đẩy chủ đạo của yếu tố kinh tế. Nhưng ở giai đoạn sau tuổi 60 thì nhiều người trong số họ làm những công việc giản đơn, không được ký kết hợp đồng lao động, có thời gian làm việc kéo dài và thu nhập thấp hơn so với giai đoạn trước tuổi 60. Mặc dù vậy, công việc đó đem lại cho họ sự hài lòng cao. Tuy nhiên, việc làm của NCT có sự khác biệt theo các nhóm xã hội khác biệt về giới tính, sức khỏe, và tình trạng thụ hưởng CSXH.

 

 

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

6.1. Ý nghĩa khoa học.

Đề tài:

Góp phần làm rõ hệ thống lý luận về các khái niệm liên quan đến đối tượng và vấn đề nghiên cứu như: NCT, chân dung xã hội và việc làm.

Góp phần kiểm chứng, phát triển lý thuyết động cơ làm việc, lý thuyết nhận diện xã hội và lý thuyết vị trí, vai trò xã hội.

Góp phần nâng cao nhận thức xã hội về ý nghĩa và sự cần thiết của việc nghiên cứu cuộc sống của NCT.

Góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc triển khai các chủ trương, chính sách cải thiện chất lượng cuộc sống của NCT.

6. 2. Ý nghĩa thực tiễn

Đề tài nghiên cứu thực trạng cuộc sống của NCT đang làm việc tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội từ đó phác họa một phần bức tranh về chân dung xã hội và việc làm của nhóm dân số này.

Đề tài phân tích nêu bật các đặc điểm thuộc về chân dung xã hội của NCT theo các chiều cạnh giới tính, sức khỏe, tình trạng thụ hưởng CSXH và khu vực làm việc.

Đề tài cũng phân tích nêu bật thực trạng việc làm của NCT theo các chiều cạnh giới tính, sức khỏe và tình trạng thụ hưởng CSXH;

Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, cũng như của chính NCT về cuộc sống của họ.

7. Kết cấu của luận án

A. Phần mở đầu - B. Phần nội dung - C. Phần kết luận và khuyến nghị

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ CHÂN DUNG XÃ HỘI VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

1.1. Nhóm các nghiên cứu về chân dung xã hội thể hiện qua cuộc sống trong gia đình của người cao tuổi

1.1.1. Sự cô đơn hiện hữu trong cuộc sống gia đình của người cao tuổi

Sự biến đổi của mô hình tổ chức gia đình khiến nhiều NCT ngày càng cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Điều này diễn ra ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong nhiều hộ gia đình, con/cháu có xu hướng từ bỏ cuộc sống chung từ sớm để xây dựng cuộc sống riêng bên ngoài [Denis Mannaerts, 2016, tr. 10 - 24].

Hơn thế nữa, sự thu hẹp quy mô gia đình cũng khiến nhiều NCT có cảm giác hụt hẫng ngay trong từng bữa ăn hàng ngày [Trương Thị Lam Hà,2008, tr. 3 - 4].

1.1.2. Sự lũy thoái về vị trí, vai trò trong gia đình của người cao tuổi

Trong xã hội truyền thống thì NCT luôn có vị trí, vai trò nổi trội so với các thành viên khác. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại thì vị trí, vai trò của họ ngày càng suy giảm bởi lớp trẻ cho mình quyền tự quyết cao hơn [Denis Mannaerts, 2016, tr. 19 - 16].

Hơn thế nữa, sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang hiện đại tạo ra sự biến chuyển về chất trong các mối quan hệ giữa NCT và con cháu, theo đó, mối quan hệ này đang chuyển dần từ phục tùng sang bình đẳng và đồng thuận, thậm chí chuyển sang trạng thái giảm sự tôn trọng dành cho NCT [Nguyễn Thị Ngọc Hà, 2016, tr. 84 – 85; Nguyễn Hữu Minh, 2012; Lê Ngọc Lân, 2011]

1.1.3. Sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng tích cực của con, cháu dành cho người cao tuổi

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn chiếm một vị trí đặc biệt bởi nó bao hàm ý nghĩa huyết thống, tình thân, truyền thống văn hóa và xã hội. Do vậy, gia đình là điểm tựa bình an cho NCT vui sống khi về già. Sự quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần cho con, cháu luôn có ý nghĩa to lớn với NCT và những người con, cháu hiếu thảo là những người biết quan tâm, thăm hỏi, động viên khi NCT ốm, đau [Nguyễn Thế Huệ, 2017; Lê Văn Khảm, 2014a].

1.2. Nhóm các nghiên cứu về chân dung xã hội thể hiện qua cuộc sống ở cộng đồng của người cao tuổi

1.2.1. Sự tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội của người cao tuổi

NCT hiện nay quan tâm hơn đến việc tham gia vào các hoạt động xã hội. Sự tham gia này bắt nguồn từ nhận thức của họ về lợi ích của việc bảo vệ sức khỏe, của hòa đồng xã hội, cũng như của phòng ngừa trầm cảm, lo âu và tách biệt khỏi xã hội ... [Denis Mannaerts, 2016; Odília Maria Rocha Gouveia và cộng sự, 2016].

1.2.2. S trọng thị của xã hội dành cho người cao tuổi

Nghiên cứu của Drennan.J và cộng sự (2009), của Kyu-Taik Sung (2010), cũng như của nhiều tác giả khác đều cho thấy NCT ở giai đoạn hiện nay vẫn luôn nhận được sự trọng thị của xã hội ở mức độ cao hơn so với các nhóm dân cư khác.

Tuy nhiên, nghiên cứu của một số tác giả như Phan Đại Doãn (2010), Võ Đình Liên (2016), Bộ Y tế (2017), Nguyễn Thế Huệ (2017), hay của Tổng cục Dân số - KHHGĐ và UNPFRA (2013)... cũng chỉ ra hiện tượng thiếu tôn trọng NCT ở một bộ phận thiểu số, nhưng hiện tượng này có xu hướng ngày càng lan rộng.

1.3. Nhóm các nghiên cứu về sự tham gia thị trường lao động của người cao tuổi

1.3.1. Động cơ tham gia thị trường lao động của người cao tuổi

Mặc dù đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều NCT tiếp tục tham gia TTLĐ. Động cơ làm việc của họ có thể bắt nguồn từ nhu cầu giao tiếp xã hội, rèn luyện sức khỏe, cống hiến cho xã hội, nhưng cũng có thể bắt nguồn từ nhu cầu tự đảm bảo sinh kế của bản thân [Denis Mannaerts, 2016; Weber. D và cộng sự, 2016].

1.3.2. Thực trạng tham gia thị trường lao động của người cao tuổi

Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ dân số liên hợp quốc, lực lượng lao động từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam đang tăng nhanh [UNFPA, 2016]. Tuy nhiên, đa số NCT làm việc ở khu vực phi chính thức (PCT), và thường là trong lĩnh vực kinh doanh – dịch vụ nhỏ lẻ [Phan Thị Minh Hiền, 2017; UNFPA, 2016]. Công việc mà họ đảm nhận thường có sự bấp bênh cao, mức lương thực nhận từ công việc lại thấp. Hơn thế nữa, môi trường làm việc thường không đảm bảo và họ cũng ít khi quan tâm đến các điều kiện về an toàn lao động [UNFPA, 2016]. Nhiều NCT sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội [Mạc Văn Tiến, 2015].

Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.1. Các khái niệm công cụ

2.1.1. Người cao tuổi

Theo tổ chức Y tế Thế giới, cũng như Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2012, thuật ngữ NCT được sử dụng để miêu tả những người từ đủ 60 tuổi trở lên.

2.1.2. Chân dung xã hội của người cao tuổi

Chân dung xã hội trong gia đình của NCT được hiểu bao gồm:

Những mối quan hệ giữa những người từ đủ 60 tuổi trở lên với các thành viên khác trong gia đình và được thể hiện thông qua tình trạng hôn nhân, số lượng mối quan hệ trong gia đình, và hành vi ứng xử của họ với các thành viên khác.Trách nhiệm trong gia đình của những người từ đủ 60 tuổi trở lên được thể hiện thông qua trách nhiệm định hướng, tư vấn cho con/cháu, cũng như trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn gia đình và quyết định việc lớn trong nhà.Sự trọng thị của gia đình dành cho những người từ đủ 60 tuổi trở lên được thể hiện thông qua mức độ tôn trọng sự định hướng, tư vấn cho con/cháu, sự hòa giải mâu thuẫn gia đình và quyết định việc lớn trong nhà, cũng như mức độ hài lòng của nhóm dân số này về sự tôn trọng của các thành viên trong gia đình.Những mối quan hệ giữa những người từ đủ 60 tuổi trở lên với bạn thân, họ hàng và hàng xóm và được thể hiện thông qua tần suất thăm hỏi, chia sẻ chuyện riêng, cũng như mâu thuẫn với nhau.Trách nhiệm xã hội của những người từ đủ 60 tuổi trở lên được thể hiện thông qua mức độ sẵn sàng trợ giúp bạn thân, họ hàng, hàng xóm vượt qua mâu thuẫn gia đình và khó khăn gặp phải.Sự trọng thị xã hội dành cho người từ đủ 60 tuổi trở lên được thể hiện thông qua mức độ trọng thị từ phía bạn thân, họ hàng và hàng xóm đối với ý kiến mà nhóm dân số này đưa ra, cũng như mức độ hài lòng của họ về sự trọng thị của xã hội.

2.1.3. Việc làm của người cao tuổi

Việc làm của NCT được hiểu bao gồm hoạt động tạo ra nguồn thu nhập riêng của người từ đủ 60 tuổi trở lên mà các hoạt động đó không bị pháp luật cấm.

2.2. Các lý thuyết tiếp cận

2.2.1. Lý thuyết động cơ làm việc

Động cơ làm việc của con người chịu sự tác động của 03 nhân tố cơ bản, đó là: nhu cầu thiết lập các mối quan hệ xã hội, nhu cầu hội nhập vào một nhóm xã hội chính thức và sự năng động của nhóm khi cùng hướng tới thực hiện mục đích đề ra.

Động cơ làm việc của con người còn phụ thuộc vào sự kỳ vọng trong công việc. Theo đó thì nhu cầu là một nhân tố quan trọng thúc đẩy con người làm việc. Căn cứ vào tính chất mục tiêu công việc, người lao động sẽ xác định động cơ làm việc của bản thân từ đó ra quyết định thực hiện hoặc từ bỏ công việc của mình.

2.2.2. Lý thuyết nhận diện xã hội

Về mặt bản chất, lý thuyết nhận diện xã hội đề cập trước hết đến các cá nhân trong mối quan hệ với môi trường xung quanh nhằm chỉ ra bản sắc xã hội của cá nhân đó. Bản sắc này chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ với người khác.

Do vậy, lý thuyết nhận diện xã hội luôn đề cập đến một cá nhân trên 02 phương diện, đó là bản sắc cá nhân và bản sắc xã hội. Bản sắc cá nhân bao gồm những đặc điểm riêng có của mỗi cá nhân đó, trong khi đó, bản sắc xã hội là những đặc điểm xã hội mà cá nhân đạt được khi tham gia vào các nhóm xã hội khác nhau, đồng thời được các nhóm xã hội này quy gán.

Theo lý thuyết nhận diện xã hội, quá trình nhận thức và tuân thủ các giá trị xã hội của nhóm góp phần xác lập, củng cố và phát triển giá trị xã hội của từng thành viên trong nhóm. Điều này có nghĩa, bản sắc xã hội của cá nhân phản ánh bản sắc xã hội của nhóm và nó được xây dựng dựa trên cơ sở các mối quan hệ xã hội cùng tương tác và cùng thừa nhận nhau.

2.2.3. Lý thuyết vị trí, vai trò

Theo lý thuyết vị trí xã hội, sự phân cấp theo thứ bậc của vị trí xã hội thể hiện rõ khi cá nhân tham gia nhóm xã hội, bởi khi đó vị trí xã hội mà mỗi thành viên chiếm giữ sẽ khác nhau. Do vậy, nói đến vị trí xã hội còn là nói đến sự so sánh xã hội giữa các thành viên trong nhóm. Sự so sánh này liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như: thu nhập, học vấn, việc làm, hệ tư tưởng, giá trị văn hóa ...

Vị trí xã hội mà một cá nhân chiếm giữ có thể là vị trí được xã hội gán cho, cũng có thể là vị trí mà cá nhân đạt được. Vị trí xã hội được gán cho là những vị trí gắn liền với yếu tố văn hóa, hệ tư tưởng của nhóm xã hội đó. Vị trí xã hội đạt được là những vị trí gắn liền với yếu tố cá nhân như: nghề nghiệp, thu nhập, kinh nghiệm sống ...

Theo lý thuyết vai trò xã hội thì vai trò là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả hành vi phù hợp với các chuẩn mực xã hội hoặc những kỳ vọng xã hội đối với hành vi của từng cá nhân trong từng vị trí xã hội khác nhau.

Lý thuyết vai trò giải thích rằng, con người trong những vị trí xã hội khác nhau thì giữ những trọng trách khác nhau, do vậy, cần có những hành vi phù hợp theo vị trí và đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.

Trong lĩnh vực xã hội học, vai trò được hiểu là sự đồng thuận của một nhóm các cá nhân đang tương tác với nhau. Thông qua cơ chế đồng thuận, các cá nhân trong nhóm cùng nhau xác lập một hành vi lý thuyết áp dụng cho tất cả mọi người khi được đưa vào vị trí đó.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Phương pháp tổng thuật tài liệu

Việc sử dụng phương pháp này cho phép luận án thu thập thông tin thông qua nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau nhằm phục vụ cho mục đích viết tổng quan nghiên cứu, hình thành tư duy lý luận, tư duy phân tích kết quả thu được của luận án.

2.3.2. Phương pháp quan sát

Quá trình quan sát này được thực hiện tại nhiều thời điểm trong ngày nhằm thu thập thông tin đa dạng và phong phú về cuộc sống của NCT.

2.3.3. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Công thức tính cỡ mẫu thỏa mãn yêu cầu có độ lệch chuẩn dao động từ 1% đến 5% và khoảng tin cậy lên đến 95% được xác định như sau:

n =

 x p(1-p)

Trong đó:   n : là số mẫu cần khảo sát

           t: là độ tin cậy (lên tới 90%, 95%, hoặc 99%)

           p : tỷ lệ ước tính (ước tính tỷ lệ NCT đang làm việc)

           m : sai số cho phép (ở mức 5% hoặc giảm xuống còn 1%).

Theo công thức tính trên, cũng như dựa theo Bộ số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình được Tổng cục Thống kê thực hiện trên quy mô toàn quốc vào năm 2016, cỡ mẫu khảo sát của đề tài lên tới 480 NCT đang làm việc tạo thu nhập riêng cho bản thân.

2.4. Khái quát về địa bàn nghiên cứu và đặc điểm của người cao tuôi

2.4.1. Khái quát về địa bàn nghiên cứu

Quận Nam Từ Liêm được hình thành trên cơ sở phân chia địa giới hành chính của huyện Từ Liêm theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ. Tổng dân số đạt 368.174 người vào năm 2016. Tính đến cuối năm 2018, tổng thu nhập của quận đạt 44.585 tỷ đồng, trong đó, thương mại – dịch vụ đóng góp tới 57,5% GDP, công nghiệp – xây dựng đóng góp 42,3%, và nông nghiệp chỉ chiếm 0,2%.  Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng cho thấy số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa lên tới 88,4% và tập trung vào những hộ gia đình có NCT.

2.4.2. Đặc điểm chung của người cao tuổi tham gia khảo sát

NCT thuộc độ tuổi 60 – 64 chiếm 35,0%, thuộc độ tuổi 65 – 69 chiếm 60,0% và thuộc độ tuổi 70 trở lên chiếm 29,0%, trong đó, nam giới chiếm 47,9% và nữ giới chiếm 52,1%. Số NCT có sức khỏe tốt = 13,8%, bình thường = 75,0% và yếu = 11,3%. Số NCT thụ hưởng CSXH = 42,5%, không thụ hưởng = 57,5%.

Chương 3. CHÂN DUNG XÃ HỘI PHÁC HỌA TỪ CUỘC SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở NAM TỪ LIÊM, HÀ NỘI

3.1. Quan hệ trong gia đình của người cao tuổi

Số NCT có vợ/chồng sống chung chiếm tỷ lệ cao ở giai đoạn trước tuổi 60, nhưng giảm mạnh ở giai đoạn sau tuổi 60, từ 83,3% xuống còn 57,5%. Tỷ lệ NCT sống trong hộ gia đình có từ 3 thế hệ trở lên chiếm đa số, đạt 52,1% ở giai đoạn trước tuổi 60 và mặc dù có sự giảm nhẹ, nhưng vẫn đạt 51,7% ở giai đoạn sau tuổi 60. Số NCT sống trong hộ gia đình chỉ có 1 thế hệ cũng tăng lên, từ 5,0% ở giai đoạn trước tuổi 60 lên tới 16,7% ở giai đoạn sau tuổi 60. Số lượng thành viên của hộ gia đình NCT đạt mức trung bình là 5,4 người ở giai đoạn sau tuổi 60, giảm 0,3 người so với giai đoạn trước.

3.1.2. Hành vi ứng xử của người cao tuổi với gia đình

NCT thường xuyên “Chia sẻ chuyện vui, buồn, khó khăn với người nhà” ở giai đoạn trước và sau tuổi 60. Điểm trung bình (ĐTB) lượng giá hành vi ứng xử này lần lượt đạt 3,65 điểm và 3,60 điểm trên thang điểm số 5, trong đó, 1 là không bao giờ và đến 5 là rất thường xuyên.

Tương tự, NCT cũng có lúc mâu thuẫn với người thân thể hiện thông qua hành vi “nói nặng lời với người nhà”. ĐTB đo lường mức độ này lần lượt đạt 2,23 điểm ở giai đoạn trước tuổi 60 và đạt 2,36 điểm ở giai đoạn sau tuổi 60.

3.2. Trách nhiệm trong gia đình của người cao tuổi

3.2.1. Trách nhiệm định hướng, tư vấn cho con, cháu

Có tới 43,5% và 25,6% NCT thừa nhận thực hiện trách nhiệm định hướng công việc cho con/cháu là “hoàn toàn đúng” ở giai đoạn trước và sau tuổi 60.

Tương tự, 43,1% NCT ở giai đoạn trước tuổi 60, và 35,0% ở giai đoạn sau tuổi 60 thừa nhận bản thân thực hiện trách nhiệm tư vấn trợ giúp con/cháu vượt qua khó khăn là “hoàn toàn đúng”.

3.2.2. Trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn và quyết định việc lớn trong nhà

Có tới 36,0% và 35,2% NCT thừa nhận thường xuyên thực hiện tránh nhiệm hòa giải mâu thuẫn gia đình là “Hoàn toàn đúng” ở giai đoạn trước và sau tuổi 60.

Tương tự, số NCT thừa nhận thực hiện trách nhiệm quyết định việc lớn trong gia đình (như: hiếu, hỷ, mua bán/sửa chữa nhà cửa, đối nội, đối ngoại...) là “hoàn toàn đúng” lên tới 43,8% ở giai đoạn trước tuổi 60 và 41,9% ở giai đoạn sau tuổi 60.

3.3. Sự trọng thị của gia đình dành cho người cao tuổi

3.3.1. Mức độ tôn trọng sự định hướng, tư vấn của người cao tuổi từ phía gia đình

ĐTB đo lường mức độ lắng nghe ý kiến định hướng công việc cho con/cháu của NCT từ phía gia đình luôn đạt mức cao, lên tới 3,89 điểm trên thang điểm số 5 ở giai đoạn trước tuổi 60 và 3,80 điểm ở giai đoạn sau tuổi 60. Điều đó cho thấy NCT nhận được sự trọng thị lớn từ gia đình.

Tương tự, ĐTB thể hiện mức độ lắng nghe ý kiến “tư vấn trợ giúp con/cháu vượt qua khó khăn”  đạt 3,89 điểm và 3,95 điểm ở giai đoạn trước và sau tuổi 60

3.3.2. Mức độ tôn trọng sự hòa giải mâu thuẫn và quyết định việc lớn của người cao tuổi từ phía gia đình

ĐTB phản ánh mức độ lắng nghe ý kiến hòa giải mâu thuẫn từ phía các thành viên gia đình dành cho NCT lên tới 3,96 điểm ở giai đoạn trước tuổi 60 và dù giảm nhẹ, song vẫn đạt mức 3,92 điểm ở giai đoạn sau tuổi 60.

Mức độ lắng nghe ý kiến “quyết định việc lớn trong nhà” từ phía thành viên gia đình dành cho NCT cũng phản ánh NCT được gia đình thừa nhận và tôn trọng. ĐTB đo lường mức độ lắng nghe này đạt 4,06 điểm ở giai đoạn trước tuổi 60 và 4,02 điểm ở giai đoạn sau tuổi 60.

3.3.3. Mức độ hài lòng của người cao tuổi về sự tôn trọng của gia đình

ĐTB đo lường mức độ hài lòng với sự tôn trọng của người nhà từ phía NCT lên tới 4,31 điểm trên thang điểm 5 ở giai đoạn trước tuổi 60 và 4,39 điểm ở giai đoạn sau tuổi 60. Điều này có nghĩa, NCT có sự hài lòng cao với sự tôn trọng đó.

Chương 4. CHÂN DUNG XÃ HỘI PHÁC HỌA TỪ CUỘC SỐNG Ở CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở NAM TỪ LIÊM, HÀ NỘI

4.1. Quan hệ xã hội của người cao tuổi

4.1.1. Tần suất thăm hỏi bạn thân, họ hàng và hàng xóm

Căn cứ theo mức ĐTB đạt được trên thang điểm số 5 thì NCT ở giai đoạn trước tuổi 60 duy trì nhịp độ thường xuyên cao đến chơi nhà bạn thân, nhà họ hàng và nhà hàng xóm (ĐTB = 3,62 ; = 3,61 và = 3,25). Mặc dù mức độ này giảm đi ở giai đoạn sau tuổi 60, nhưng tần suất duy trì các mối QHXH của NCT vẫn đạt mức ấn tượng (ĐTB = 3,50; = 3,25 và = 3,23).

4.1.2. Tần suất chia sẻ chuyện riêng với bạn thân, họ hàng, hàng xóm

Kết quả khảo sát cho thấy mức độ chia sẻ đó là không lớn. ĐTB dao động quanh ngưỡng 2,5 điểm ở cả giai đoạn trước và sau tuổi 60, nghĩa là ở mức trung bình so với thang điểm có giá trị từ 1 đến 5, trong đó đến 5 là rất thường xuyên.

4.1.3. Tần suất mâu thuẫn với bạn thân, họ hàng, hàng xóm

Thực tế khảo sát cho thấy ĐTB đánh giá mức độ mâu thuẫn của NCT với bạn thân, họ hàng và hàng xóm dao động ở mức thấp, dưới 2 điểm, nghĩa là nghiêng về phía không bao giờ xảy ra, dù rằng thang ĐTB này thể hiện có tồn tại sự mẫu thuẫn giữa NCT với cộng đồng. Tuy nhiên, ĐTB đo lường mức độ mâu thuẫn của NCT ở giai đoạn sau tuổi 60 là thấp hơn so với ở giai đoạn trước (ĐTB = 1,56, = 1,76 và = 1,76 so với = 1,83, = 1,83 và = 1,89).

4.2. Trách nhiệm xã hội của người cao tuổi

4.2.1. Mức độ sẵn sàng trợ giúp bạn thân, họ hàng, hàng xóm vượt qua mâu thuẫn gia đình

ĐTB đánh giá mức độ sẵn sàng trợ giúp của NCT dành cho bạn thân vượt qua mâu thuẫn gia đình luôn đạt mức cao trên thang điểm số 5, dù là ở giai đoạn trước hay sau tuổi 60 (ĐTB = 3,81 và = 3,68). Điều này tương tự được quan sát thấy ở nhóm họ hàng (ĐTB = 3,7 và = 3,69) và hàng xóm (ĐTB = 3,7 và = 3,5). Nhưng tinh thần sẵn sàng trợ giúp của NCT ở giai đoạn sau tuổi 60 đã giảm xuống so với ở giai đoạn trước, dù rằng mức độ suy giảm còn ở ngưỡng thấp.

4.2.2. Mức độ sẵn sàng trợ giúp bạn thân, họ hàng, hàng xóm vượt khó khăn

ĐTB về mức độ sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng của NCT ở giai đoạn trước tuổi 60 luôn đạt mức ấn tượng (tính theo thang điểm 5, trong đó, 1 là không bao giờ và đến 5 là rất sẵn sàng). ĐTB này dao động từ mức 3,86 ở nhóm hàng xóm, đến 4,19 ở nhóm bạn thân, và đạt 4,21 ở nhóm họ hàng. Mặc dù giảm xuống ở giai đoạn sau tuổi 60 nhưng ĐTB này tiếp tục đạt mức cao, trong đó, mức thấp nhất đạt 3,50 ở nhóm hàng xóm và mức cao nhất đạt 3,69 ở nhóm họ hàng.

4.3. Sự trọng thị xã hội dành cho người cao tuổi

4.3.1. Mức độ trọng thị từ phía bạn thân, họ hàng và hàng xóm

ĐTB đo lường mức độ lắng nghe ý kiến của NCT lên tới 3,81 điểm từ phía bạn thân, 3,81 điểm từ phía họ hàng và 3,41 điểm từ phía hàng xóm ở giai đoạn trước tuổi 60. Mức điểm cao hơn ngưỡng trung bình theo thang điểm 5 này nêu rõ sự trọng thị cao mà các nhóm xã hội dành cho NCT. Ở giai đoạn sau tuổi 60, ĐTB về mức độ tôn trọng nêu trên tiếp tục đạt mức ấn tượng, lần lượt đạt 3,81 điểm, 3,62 điểm và 3,58 điểm.

4.3.2. Mức độ hài lòng của người cao tuổi về sự trọng thị của xã hội

ĐTB đánh giá mức độ hài lòng của NCT lên tới 4,19 điểm trên thang điểm 5 với trường hợp của bạn thân, 4,24 điểm với trường hợp của họ hàng và 3,94 điểm với trường hợp của hàng xóm ở giai đoạn trước tuổi 60. Mặc dù mức độ hài lòng này có giảm xuống ở giai đoạn sau tuổi 60, nhưng ĐTB vẫn ở mức rất cao, lần lượt đạt 4,15 điểm, 4,10 điểm và 3,98 điểm. Điều này có nghĩa NCT có sự hài lòng cao về sự trọng thị của xã hội.

Chương 5. VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở NAM TỪ LIÊM, HÀ NỘI

5.1. Yếu tố thúc đẩy tham gia hoạt động sản xuất của người cao tuổi

5.1.1. Động cơ làm việc

Kết quả khảo sát cho thấy động cơ làm việc vì lý do kinh tế của NCT ở Nam Từ Liêm, Hà Nội có sự biến đổi rõ nét. Nếu như trước tuổi 60, số NCT thừa nhận động cơ làm việc để tự lo cuộc sống là “Hoàn toàn đúng” lên tới 61,6% thì sau tuổi 60 tỷ lệ này giảm xuống còn 18,8 %.

Tương tự, kết quả khảo sát cho thấy động cơ làm việc để cuộc sống đỡ buồn là “Hoàn toàn đúng” chỉ chiếm 14,2% khi NCT ở giai đoạn trước tuổi 60, nhưng sau đó tăng lên đạt 21,3% ở giai đoạn sau tuổi 60.

Cuối cùng, kết quả khảo sát cho thấy “sự tôn trọng” của con/cháu, hay sự khẳng định giá trị của bản thân đối với xã hội trở thành một trong những động cơ quan trọng thúc đẩy NCT làm việc. Tuy nhiên, động cơ này giảm xuống theo độ tuổi, bởi nếu như ở giai đoạn trước tuổi 60 có tới 44,0% NCT thừa nhận động cơ làm việc để con/cháu tôn trọng là “Hoàn toàn đúng”, thì ở giai đoạn sau tuổi 60, tỷ lệ này giảm xuống còn 36,7%.

5.1.2. Nhu cầu hưu trí

Kết quả khảo sát cho thấy số NCT có nhu cầu hưu trí thể hiện qua dự định làm việc đến khi có đủ tiền dưỡng già là “Hoàn toàn đúng” chiếm tỷ lệ thấp và có sự chênh lệch không đáng kể ở giai đoạn trước và sau tuổi 60 (15,2% và 14,8%).

Tương tự, có tới 46,3% NCT ở giai đoạn trước tuổi 60 thừa nhận bản thân sẽ rút khỏi TTLĐ khi cảm nhận sức khỏe không đủ để làm việc là “Hoàn toàn đúng”, và ở giai đoạn sau tuổi 60 thì tỷ lệ này lên tới 55,6%.

Tỷ lệ NCT thừa nhận dự định làm việc đến khi không còn người thuê là “Hoàn toàn đúng” lên tới 36,3% ở giai đoạn trước tuổi 60 và 51,7% ở giai đoạn sau tuổi 60.

5..2. Nghề nghiệp của người cao tuổi

5.2.1. Loại hình công việc

Nếu ở giai đoạn trước tuổi 60, tỷ lệ NCT làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 32,7% thì ở giai đoạn sau tuổi 60, tỷ lệ này giảm xuống còn 21,7%. Trong khi đó, tỷ lệ NCT làm việc trong lĩnh vực KD-DV có sự gia tăng mạnh mẽ, từ 39,6% lên 71,9%.

Hai vị trí thu hút chủ yếu NCT ở giai đoạn trước cũng như sau tuổi 60 đó là lao động tự do (34,0% và 55,6%) và làm công ăn lương (31,9% và 25,2%).

Song, mặc dù có tỷ lệ cao ký hợp đồng lao động ở giai đoạn trước tuổi 60, nhưng tỷ lệ này giảm nhiều ở giai đoạn sau tuổi 60, tương ứng với mức giảm từ 48,8% xuống còn 26,7%.

5.2.2.Thời gian làm việc

Kết quả khảo sát cho thấy, số ngày làm việc trung bình/tuần của NCT ở giai đoạn trước tuổi 60 dài hơn 0,25 ngày so với giai đoạn sau tuổi 60 (6,35 ngày/tuần so với 6,10 ngày/tuần). Điều đó cho thấy NCT có cường độ làm việc cao, bởi nếu xét theo số ngày làm việc, thì đa số đều cần dành thời gian cả tuần cho công việc mà không có ngày nghỉ.

Tương tự, nếu xét theo số giờ làm việc trung bình thì NCT dành ra 9,34 giờ/ngày để làm việc ở giai đoạn trước tuổi 60 và 7,55 giờ/ ngày ở giai đoạn sau tuổi 60. Điều này cũng có nghĩa NCT có cường độ làm việc cao, nếu xét theo số giờ làm việc trung bình/ngày.

5.3. Kết quả thực hiện công việc của người cao tuổi

5.3.1. Thu nhập trung bình từ công việc

Kết quả khảo sát cho thấy, nếu như mức thu nhập trung bình từ công việc theo tháng của NCT ở giai đoạn trước tuổi 60 lên tới hơn 7,2 triệu thì ở giai đoạn sau tuổi 60, mức thu nhập này giảm xuống còn gần 5,5 triệu. Điều này đồng nghĩa với mức giảm khoảng 1,7 triệu/tháng.

5.3.2. Sự thỏa mãn về công việc

Kết quả thu được cho thấy, sự hài lòng về công việc của NCT cao hơn so với kỳ vọng. Cột mức độ đo lường ĐTB khác biệt luôn hiển thị các giá trị dương. Điều này có nghĩa, sự hài lòng mà NCT lượng giá cao hơn so với mức điểm 3 được đem ra làm tiêu chí so sánh. Theo đó, ở giai đoạn trước tuổi 60, NCT có mức độ hài lòng cao nhất về công việc của bản thân (cao hơn 0,875 điểm so với mức điểm 3). Nhưng ở giai đoạn sau tuổi 60 thì mức độ hài lòng cao nhất được dành cho thời gian làm việc (cao hơn 0,665 điểm so với mức điểm 3).

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Dựa theo hướng tiếp cận dưới góc độ kinh tế và xã hội, luận án đề cập đến cuộc sống của NCT nhằm mục đích phác họa chân dung xã hội của họ thông qua cuộc sống trong gia đình và ở cộng đồng, cũng như phân tích thực trạng việc làm của nhóm dân số này thông qua quá trình tham gia TTLĐ, để từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT.

Với hướng tiếp cận và mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án tập trung vào nghiên cứu các mối quan hệ xã hội, trách nhiệm xã hội của NCT với gia đình, bạn thân, họ hàng và hàng xóm, cũng như nghiên cứu sự trọng thị xã hội đến từ các chủ thể xã hội này dành cho NCT. Những nội dung trên đều được đề cập theo các nhóm xã hội khác biệt về giới tính, sức khỏe, và tình trạng thụ hưởng CSXH.

Đồng thời, với hướng tiếp cận và mục đích trên, luận án đi sâu phân tích yếu tố thúc đẩy tham gia TTLĐ (động cơ làm việc, nhu cầu hưu trí), nghề nghiệp (bao gồm loại hình công việc và thời gian làm việc), và kết quả thực hiện công việc của NCT (thu nhập và sự thỏa mãn về công việc). Những nội dung này cũng được phân tích theo các nhóm xã hội khác biệt về giới tính, sức khỏe, và tình trạng thụ hưởng CSXH.

Hướng tiếp cận và mục đích nghiên cứu trên được làm sáng tỏ dưới lăng kính của lý thuyết nhận diện xã hội, lý thuyết vị trí, vai trò xã hội và lý thuyết động cơ làm việc. Lý thuyết nhận diện xã hội và lý thuyết vị trí, vai trò xã hội tập trung vào phân tích chân dung xã hội trong gia đình và ở cộng đồng, qua đó nêu bật bản sắc xã hội, vị trí, vai trò của NCT thông qua các mối QHXH, trách nhiệm xã hội và sự trọng thị xã hội. Trong khi đó, lý thuyết động cơ làm việc là lý thuyết chủ đạo được vận dụng trong nghiên cứu về thực trạng việc làm của NCT để giải thích các yếu tố thúc đẩy tham gia hoạt động sản xuất, việc lựa chọn nghề nghiệp, cũng như kết quả thực hiện công việc.

Hướng tiếp cận và mục đích nghiên cứu của luận án được thực hiện bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, trong đó, cơ bản nhất là phương pháp điều tra bằng bảng hỏi với 480 mẫu đại diện cho NCT đang làm việc và sinh sống ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Việc lựa chọn cỡ mẫu này được thực hiện dựa theo các căn cứ khoa học về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, cũng như dựa theo các thông tin thực tiễn về địa bàn nghiên cứu, nhờ vậy mà các kết luận của luận án có độ tin cậy và giá trị khoa học.

Sự kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau với góc nhìn từ phía các lý thuyết nêu trên góp phần làm phong phú thêm nội dung của các lý thuyết, đồng thời cho phép luận án trả lời câu hỏi nghiên cứu và kiểm chứng giả thuyết đưa ra.

Các phát hiện trong nghiên cứu cho phép đề tài phác họa cuộc sống trong gia đình của NCT, theo đó, đa số NCT đang chung sống cùng vợ/chồng, trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, dù rằng quy mô hộ gia đình của họ có sự suy giảm ở giai đoạn sau tuổi 60. Đa số NCT duy trì được mối quan hệ gần gũi, thân thiện, tích cực, tốt đẹp với các thành viên khác trong gia đình ở cả giai đoạn trước và sau tuổi 60. Điều này được thể hiện qua ĐTB cao đo lường về mức độ thường xuyên “Chia sẻ chuyện vui, buồn, khó khăn với người nhà”, cũng như qua ĐTB thấp đo lường về mức độ thường xuyên “nói nặng lời với người nhà”.

Trong cuộc sống gia đình, đa số NCT thực hiện tốt trách nhiệm “Tư vấn, định hướng” cho con cháu, cũng như trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn gia đình và quyết định việc lớn trong nhà. Nhờ vậy, họ nhận được sự trọng thị cao từ phía gia đình.

Việc phân tích dưới các chiều cạnh giới tính, sức khỏe, và tình trạng thụ hưởng CSXH đã góp phần tạo ra nhiều chân dung xã hội trong gia đình giữa các nhóm NCT. Theo đó, NCT nam giới, có sức khỏe tốt, và thụ hưởng CSXH đối diện nguy cơ sống cô đơn trong gia đình của mình là thấp hơn, nhưng họ cũng đồng thời là nhóm có khả năng thấp hơn trong việc duy trì mối quan hệ thân thiện, tốt đẹp với các thành viên khác trong gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy NCT nam giới, có sức khỏe tốt và thụ hưởng CSXH là nhóm thực hiện tích cực hơn trách nhiệm “Tư vấn, định hướng” cho con cháu, hòa giải mâu thuẫn gia đình, cũng như quyết định việc lớn trong nhà, nhờ vậy, họ là nhóm nhận được sự trọng thị từ phía gia đình ở mức độ cao hơn, và nhìn chung, họ cũng là nhóm có sự hài lòng cao hơn về sự trọng thị đó.

Tương tự, thông qua cuộc sống ở cộng đồng, luận án đã phác họa rõ nét một phần bức tranh về chân dung xã hội của NCT ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Kết quả nghiên cứu phản ánh NCT nơi đây luôn biết cách duy trì tốt các mối QHXH với bạn thân, họ hàng, hàng xóm ở cả giai đoạn trước và sau tuổi 60. Điều này được thể hiện ở tần suất cao đến nhà thăm hỏi nhau, ở mức độ trên ngưỡng trung bình về chia sẻ chuyện riêng, cũng như ở mức độ thấp về mẫu thuẫn xã hội.

Trong quá trình tham gia vào các hoạt động xã hội, NCT luôn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của bản thân đối với các chủ thể xã hội nêu trên, như trợ giúp họ hòa giải mâu thuẫn gia đình, cũng như hỗ trợ vượt qua những khó khăn gặp phải. Nhờ vậy, NCT nhận được sự trọng thị cao từ phía các chủ thể xã hội này.

Tương tự, việc phân tích dưới các chiều cạnh giới tính, sức khỏe và tình trạng thụ hưởng CSXH đã góp phần tạo ra nhiều chân dung xã hội khác biệt nhau giữa các nhóm NCT. Theo đó, NCT nam giới luôn có hình ảnh xã hội phong phú hơn so với NCT nữ giới. Tương tự, NCT có sức khỏe tốt ở giai đoạn trước tuổi 60 và NCT có sức khỏe bình thường và yếu ở giai đoạn sau tuổi 60 cũng là nhóm xã hội có chân dung xã hội tích cực hơn.

NCT thụ hưởng CSXH dường như tham gia hạn chế hơn so với NCT không thụ hưởng vào hoạt động xã hội, nhưng họ luôn là nhóm xã hội nhận được sự trọng thị của xã hội ở mức độ cao hơn. Kết quả này dường như bắt nguồn từ yếu tố kinh tế bởi NCT thụ hưởng CSXH là nhóm có mức thu nhập trung bình/tháng cao hơn, mà theo nhiều nghiên cứu khác nhau thì địa vị kinh tế quyết định địa vị xã hội, nhờ vậy mà ý kiến của họ được lắng nghe nhiều hơn, nghĩa là họ được tôn trọng ở mức độ cao hơn.

Để nghiên cứu về thực trạng việc làm của NCT, luận án khái quát và phân tích động cơ làm việc và nhu cầu hưu trí của nhóm dân số này theo yếu tố kinh tế, cá nhân và xã hội. Phát hiện của nghiên cứu cho thấy ở giai đoạn trước tuổi 60 thì kinh tế là yếu tố cơ bản thúc đẩy NCT tham gia TTLĐ, nhưng ở giai đoạn sau tuổi 60 thì yếu tố cá nhân và xã hội trở thành động cơ thúc đẩy mạnh mẽ.

Mặc dù là yếu tố cơ bản nhất thúc đẩy NCT tham gia hoạt động sản xuất ở giai đoạn trước tuổi 60, nhưng kinh tế không trở thành yếu tố cơ bản nhất ảnh hưởng đến nhu cầu hưu trí của họ. Thay vào đó, yếu tố cá nhân và yếu tố xã hội tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định hưu trí của nhóm dân số này.

Giới tính, sức khỏe và tình trạng thụ hưởng CSXH là các yếu tố có ảnh hưởng đến việc tham gia TTLĐ của NCT. Nhưng sự ảnh hưởng này là không đồng nhất, dù rằng trong nhiều trường hợp các thông tin thu được chưa cho phép luận án đưa ra kết luận có ý nghĩa thống kê (P > 0,1).

Trong quá trình tham gia TTLĐ, NCT làm nhiều ngành nghề khác nhau, và KD-DV là lĩnh vực thu hút NCT vào làm việc nhiều nhất ở giai đoạn sau tuổi 60. Tương tự, hộ gia đình là nơi có số NCT làm việc cao nhất. Nhưng đa số NCT không được ký kết hợp đồng lao động ở giai đoạn sau tuổi 60. Sự biến đổi về lĩnh vực làm việc, về công việc cụ thể, về vị trí công việc, cũng như về địa chỉ làm việc của NCT từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau tuổi 60 là phù hợp với sự biến đổi về kinh tế - xã hội ở Nam Từ Liêm, Hà Nội dưới tác động của quá trình đô thị hóa, quá trình chuyển đổi quỹ đất từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Các phát hiện trong nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ khác biệt của các yếu tố giới tính, sức khỏe và CSXH bởi chúng tạo ra sự ổn định, cũng như biến đổi không đồng nhất về nghề nghiệp của NCT ở giai đoạn trước và sau tuổi 60.

Các phát hiện trong nghiên cứu cũng cho thấy cường độ làm việc của NCT là cao nếu tính theo số ngày làm việc trung bình/ tuần và số giờ làm việc trung bình/ngày. Kết quả so sánh cho thấy thu nhập trung bình từ công việc của NCT giảm xuống ở giai đoạn sau tuổi 60. Nhưng thu nhập và mức độ suy giảm thu nhập trung bình từ công việc của NCT có sự biến động theo giới tính, sức khỏe và tình trạng thụ hưởng CSXH. Trong đó, dù ở giai đoạn nào thì NCT nữ giới, có sức khỏe yếu và không thụ hưởng CSXH cũng là nhóm có thu nhập trung bình thấp hơn và có mức độ suy giảm thu nhập nhanh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia TTLĐ, NCT có cách nhìn nhận đánh giá tích cực về công việc, thời gian làm việc, cũng như thu nhập từ công việc. Sự đánh giá này cho thấy mức độ hài lòng cao của NCT về công việc của bản thân.

Khuyến nghị

Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT, luận án đề xuất một số biện pháp áp dụng đối với Nhà nước, với chính quyền địa phương, với hộ gia đình và với bản thân NCT.

Đối với Nhà nước

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững, hệ thống CSXH dành cho NCT cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện theo hướng phát huy tối đa vị thế, vai trò và tiềm năng to lớn của NCT, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững. Lồng ghép CSXH đối với NCT trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật khác liên quan. Cần thay đổi tư duy “NCT cần nghỉ ngơi” bằng tư duy “NCT cần phát huy năng lực”, coi NCT là một nguồn lực có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Nghiên cứu xây dựng chính sách đáp ứng nhu cầu việc làm của NCT trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi và các luật liên quan đối với NCT còn khả năng lao động, nhất là cho nhóm 60 - 70 tuổi, để giải quyết sự mất cân bằng giữa cung và cầu lao động, giảm thiểu sự chênh lệch, mâu thuẫn giữa các thế hệ.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tạo điều kiện cho lao động là NCT có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với lứa tuổi. Phát triển các hình thức hoạt động kinh tế phù hợp với lứa tuổi cho NCT, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, dịch vụ cấp hộ gia đình phù hợp với NCT là nữ.

Cần xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển TTLĐ dành cho NCT nhằm thu hút lực lượng lao động xã hội này vào làm việc mà không làm sụt giảm vị trí việc làm dành cho giới trẻ, đồng thời cần tiếp tục xác lập, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy sự phát triển thị trường việc làm của khu vực chính thức nhằm thu hút dần lực lượng lao động là NCT từ khu vực phi chính thức chuyển sang. Cũng như tiếp tục nghiên cứu thực hiện đồng bộ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế với các CSXH dành cho NCT nhằm đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập cho nhóm dân số này.

Cần thực hiện linh hoạt nhiều hình thức vận động, khuyến khích NCT tiếp tục làm việc khi sức khỏe còn cho phép, tuyên truyền, giải thích giúp NCT hiểu rằng điều đó giúp họ có cơ hội tiếp tục được giao tiếp với xã hội, tiếp tục cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa, tận dụng cuộc sống một cách hợp lý, tránh lệ thuộc và tạo gánh nặng cho con/cháu, đồng thời gạt bỏ được nguy cơ đối diện cuộc sống cô đơn, trầm cảm lúc tuổi già.

Nghiên cứu hướng tới thực hiện phổ cập các chế độ trợ cấp xã hội/ hưu trí xã hội dành cho NCT sao cho đảm bảo mỗi người từ đủ 60 tuổi trở lên đều được thụ hưởng tối thiểu một loại hình trợ cấp, đồng thời nghiên cứu thực hiện tốt các CSXH dành cho NCT có hoàn cảnh đặc biệt nhằm giảm bớt áp lực tìm kiếm việc làm đến từ động cơ làm việc bởi kinh tế khó khăn.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên dương NCT điển hình trong việc duy trì đời sống gia đình văn hóa, NCT có những đóng góp tích cực vào phát triển phòng trào cư xử lễ phép, đúng mực trong gia đình, đồng thời tạo cơ hội và khuyến khích NCT tham gia đầy đủ vào các hoạt động của cộng đồng, của xã hội nhằm mở rộng hơn các mối QHXH của NCT, phát huy và tận dụng tốt vốn sống, kinh nghiệm cũng như những giá trị cao đẹp ở NCT. Tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức Hội người cao tuổi từ cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn đã được hình thành trong việc huy động sự tham gia của NCT vào các hoạt động cộng đồng.

Cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội dành cho NCT nhằm phát huy lợi thế của các tổ chức này trong việc thu hút NCT tham gia các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân, các hoạt động trợ giúp dành cho cộng đồng, các hoạt động văn hóa, xã hội, tâm linh của địa phương, đồng thời cần thực hiện thường xuyên hơn các hoạt động tuyên truyền, huy động NCT tham gia vào các tổ chức xã hội nhằm phát huy lợi thế của nhóm dân số này trong việc phát triển đời sống văn hóa, xã hội, tâm linh theo chiều hướng tích cực, cũng như tiếp tục chú trọng thực hiện các biện pháp tuyên dương những quận/huyện, xã/phường làm tốt công tác xã hội với NCT.

Đối với chính quyền quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, thu hút và khuyến khích tạo lập nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh mới, ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình mở rộng hoạt động kinh tế tạo việc làm phù hợp cho NCT. Thực hiện đầy đủ các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất dành cho NCT theo chính sách, pháp luật quy định.

Nghiêm túc thực hiện theo định kỳ công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến NCT để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội, của các hộ gia đình trong việc chăm sóc và phát huy năng lực của NCT, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, nêu gương NCT tiêu biểu về lao động, sản xuất, về tham gia các hoạt động xã hội từ đó nâng cao mức độ trọng thị của xã hội dành cho họ.

Tạo điều kiện cho NCT tiếp tục cống hiến, truyền thụ kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, khuyến khích, động viên họ đảm nhận vai trò gương mẫu đi đầu và làm nòng cốt trong các phong trào xã hội tại địa phương. Tổ chức các hoạt động tiếp thu ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của NCT với cơ quan, tổ chức công quyền, khuyến khích, hỗ trợ họ tham gia thực hiện những sáng kiến phát triển cộng đồng.

Cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng nếp sống, môi trường ứng xử văn hóa phù hợp đối với NCT ở trong gia đình, tại các địa điểm công cộng và thường xuyên tổ chức các hoạt động, văn hóa, xã hội, tâm linh, các hoạt động thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với NCT, cũng như hỗ trợ NCT tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần, đồng thời hỗ trợ tăng cường mối liên kết giữa NCT với cộng đồng, xã hội.

Đối với hộ gia đình ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Cần tiếp tục ủng hộ nhu cầu tham gia TTLĐ của NCT, coi đó là một trong những điểm tựa vững chắc giúp họ có được cuộc sống năng động, hòa đồng, mạnh khỏe lúc tuổi già.

Khuyến khích NCT thăm hỏi bạn thân, họ hàng, hàng xóm, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội để duy trì cuộc sống tinh thần vui vẻ, lành mạnh.

Cần tôn trọng cách nghĩ, cách làm, nếp sống, thói quen sinh hoạt của NCT bằng cách đặt mình vào vị trí của họ để cân nhắc, suy nghĩ và hành động.

Đối với bản thân NCT ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Tiếp tục tham gia TTLĐ khi còn đủ năng lực làm việc để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển xã hội, đồng thời truyền đạt, nâng cao tinh thần hăng say lao động cho các thế hệ kế tiếp.

Tham gia tích cực vào việc duy trì nếp sống gia đình văn hóa, vào các hoạt động xã hội, cũng như vào việc tạo lập và thúc đẩy bầu không khí hữu ích, vui vẻ, thân thiện, hòa đồng với các thành viên khác trong gia đình và ở cộng đồng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây