Tóm tắt luận án NCS: Hoàng Thị Cương

Thứ hai - 10/02/2020 04:48

                                                                       MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Cho đến nay, hầu hết các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu và di sản văn học của ông mới chỉ dừng lại ở việc mô tả ông là một trong những tác gia tiêu biểu nhất của dòng văn học yêu nước. Ông là người đại diện cho chung cục của một thời đại văn học, nhưng với việc sáng tạo hình tượng người anh hùng vô danh đại diện cho cuộc kháng chiến của dân tộc, ông lại là người mở đầu, mở đầu chỉ ở một điểm, nhưng lại là điểm cực kì có ý nghĩa - cho trào lưu văn học chống ngoại xâm. Và do đó ông ở vị trí nhân danh toàn dân tộc chứ không chỉ một bộ phận, một thiểu số nào đó. Cho đến nay, những công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu với tư cách như một đại biểu có những đóng góp lớn lao vào bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc còn rất ít. Xuất phát từ lí do trên chúng tôi lựa chọn vấn đề nghiên cứu trên đây làm đề tài cho luận án.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là bộ phận di sản văn chương chống thực dân của Nguyễn Đình Chiểu gồm thơ văn yêu nước chống Pháp, hai truyện Nôm Dương Từ Hà MậuNgư Tiều y thuật vấn đáp, để đảm bảo tính hệ thống trong quá trình triển khai chúng tôi có liên hệ khảo sát với toàn bộ những sáng tác của ông.

Văn bản tác phẩm sử dụng khảo sát trong luận án này là Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, gồm 2 tập do Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành năm 1980 - 1982.Ngoài ra chúng tôi có tham khảo các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu do Ban Văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện gồm: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu, xuất bản các năm 1982-1983.

Để đảm bảo tính hệ thống chúng tôi có mở rộng phạm vi khảo sát bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân của các nhà nho, văn thân Việt Nam vào giai đoạn này trên phạm vi ba miền của cả nước.

Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi trong luận án này là văn học chống chủ nghĩa thực dân có phạm vi toàn thế giới, nhưng do khuôn khổ của một luận án cũng như những hạn chế về tư liệu, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ đối với một số nền văn học tiêu biểu như Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Ấn Độ, Trung Quốc - nơi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài này là nhằm chứng minh và khẳng định Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là tác giả tiên phong của bộ phận văn học đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Với mục đích nghiên cứu như trên, chúng tôi xác định những nhiệm vụ nghiên cứu của luận án như sau:

 Làm rõ khái niệm văn học chống chủ nghĩa thực dân.

 Những tiền đề hình thành bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân nửa cuối thế kỉ XIX ở Việt Nam.

 Vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân.

4. Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu quy định phương pháp nghiên cứu; do vậy, trong luận án này chúng tôi sẽ sử dụng những phương pháp nghiên cứu trọng tâm như loại hình và phương pháp nghiên cứu liên ngành.

Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác như: phương pháp lịch sử - xã hội cũng như các thao tác phân tích, so sánh, tổng hợp; trên cơ sở phân tích các dữ kiện lịch sử, các sự kiện văn hóa văn học, các tác giả và tác phẩm, luận án tổng hợp các vấn đề từ đó khái quát và đưa ra những kết luận

5. Đóng góp mới của luận án

Những khám phá mới về Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là tác giả tiên phong của bộ phận văn học đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân từ luận án có thể ứng dụng trong việc giảng dạy về tác giả này trong nhà trường phổ thông và đại học; góp thêm một góc nhìn khác về Nguyễn Đình Chiểu khẳng định vị trí hàng đầu của ông trong bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân không chỉ của Việt Nam.

Những thành tựu về lý luận và kết quả nghiên cứu về văn học chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới được vận dụng để nghiên cứu về thơ văn chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh chung của thơ văn nhà nho chống chủ nghĩa thực dân cuối thế kỷ XIX.

6. Bố cục của luận án

Luận án bao gồm ba chương:

Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Chương 2: Hệ thống đề tài, chủ đề, hình tượng văn học cơ bản trong bộ phận văn chương chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX.

Chương 3: Lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn học, thể loại, ngôn ngữ trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX

                                                                        NỘI DUNG

CHƯƠNG 1

1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1 Khái lược các vấn đề lý luận trong luận án

Luận án điểm qua những khái niệm then chốt được dùng trong quá trình triển khai các chương tiếp theo như: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa chống thực dân, văn học yêu nước và văn học chống thực dân. Hầu hết các khái niệm này, mặc dù thực tế mà chúng biểu đạt đã tồn tại từ lâu, mới chỉ chính xuất hiện chính thức trong từ điển và các văn bản còn lưu giữ từ thế kỷ 19.

Bên cạnh đó luận án cũng dành một số trang cho tình hình nghiên cứu chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.

 1.2. Tổng quan về lịch sử văn học chống chủ nghĩa thực dân tại một số nước trên thế giới

1.2.1. Văn học chống chủ nghĩa thực dân ở một số nước châu Phi – Mĩ Latinh

Dưới góc độ văn học, văn học chống chủ nghĩa thực dân khu vực châu Phi đã nổi lên các tác giả tiêu biểu như: nhà văn Nam Phi Nadine Gordimer, bà được xem là một trong những nhà văn vĩ đại của Nam Phi, đấu tranh không mệt mỏi chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid tàn bạo.

Văn chương Mỹ La-tinh buổi đầu trong giai đoạn đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân còn nghèo nàn, tiến những bước chậm chạp và chưa có những đặc tính riêng biệt. Vì vậy, có thể coi đây là thời kỳ hình thành, chuẩn bị. Từ thời kỳ văn hóa tiền Columbus, văn học Mỹ La-tinh đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân chủ yếu dưới hình thức truyền khẩu, mặc dù có những dân tộc như người Aztec và Maya đã có những cuốn kinh thánh chép tay hết sức tỉ mỉ công phu. Văn học truyền khẩu thời này hầu hết nằm trong hai lãnh vực thần thoại và tín ngưỡng tôn giáo, đã được ghi chép lại từ sau sự xuất hiện của những người thực dân châu Âu. Một điển hình khác trong văn học đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở Mỹ La-tinh thế kỷ 19 là José Hernández, người Argentina, tác giả trường ca Martin Fierro (1872). Hành trình của văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Mỹ La-tinh có rất nhiều những biến động. Trong đó, văn học chống chủ nghĩa thực dân chiếm vị trí rất quan trọng. Văn học chống chủ nghĩa thực dân ở khu vực này đã đạt lên tầm văn học - triết học, trong đó các truyện ngắn có tính triết học và có tầm ảnh hưởng rất lớn chẳng những với tất cả những nhà văn Mỹ La-tinh, mà còn với cả những nhà văn châu Âu và châu Mỹ. Vào thế kỷ 20, thơ ca trong văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Mỹ La-tinh thường bộc lộ cùng lúc tình yêu và sự quyết tâm chính trị. Đặc biệt nhất và có thể coi như mẫu mực là nhà thơ Chile được giải Nobel, Pablo Neruda.

1.2.2. Văn học chống thực dân ở một số nước châu Á: Ấn Độ, Trung Quốc

Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, văn học chống chủ nghĩa thực dân ở khu vực châu Á, người ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, xu hướng tổng hòa mang tính chất phương Tây đang hướng nhân loại đến cuộc sống vật chất ở một mức độ mà trước đó, người ta không thể hình dung được và sự tồn tại của xã hội với dân chủ, công bằng xã hội và quyền con người đang đần trở thành những chuẩn tắc của xã hội. Tính thuyết phục của thế giới phương Tây đã làm cho rất nhiều dân tộc và nhiều xã hội tự nguyện rời bỏ những phong tục tập quán và cách thức sinh sống của mình. Mặc dù có những khác biệt về tốc độ và cách thức, nhưng điều này mang ý nghĩa tiếp biến những giá trị và áp dụng xu hướng tổng hợp văn của văn học khu vực này, hướng đến xu hướng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Tây Phương.

Văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Trung Quốc

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là giai đoạn bản lề trong lịch sử văn học Trung Quốc, điểm giao nhau giữa thời đại cũ và thời đại mới, giai đoạn mà hầu hết học giả cũng như văn nghệ sĩ đều hướng mắt ra thế giới bên ngoài, tiếp nhận những điều hoàn toàn mới mẻ và đầy thách thức mà nổi bật là cách mạng văn học Ngũ Tứ.

Văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Ấn Độ

Biểu hiện của sự phong phú về tinh Văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Ấn Độ thể hiện lòng trung thành của con người vào sức mạnh và số phận của dân tộc Ấn Độ. Sự nhấn mạnh vào nền dân chủ và sự thể hiện cái tôi cá nhân trong nền văn học và thể chế Anh, Pháp và Mỹ không thể không kích động giới trí thức Ấn Độ vốn trung thành với chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước phản ứng lại sự áp chế từ bên ngoài bằng những tìm tòi của họ về các nguồn gốc đáng được đề cao của đất nước, bằng thái độ kiêu hãnh về di sản do tổ tiên để lại. Tiểu thuyết Gora của Tagore đã phân tích một cách có hệ thống về cuộc xung đột rất tự nhiên của sự hồi sinh về văn hóa này, một cuộc xung đột vẫn đeo bám và tô điểm không chỉ nền văn học của chúng ta mà còn hầu hết các phương diện khác của đời sống.

1.3. Bối cảnh chính trị - quân sự - kinh tế - xã hội ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX

1.3.1. Bối cảnh chính trị - quân sự ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX

     Bối cảnh chính trị, quân sự kinh tế và xã hội Việt Nam thế kỷ 19 đã cho thấy: sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, các vua triều Nguyễn đã tạo lập nên một Việt Nam thống nhất. Và quá trình kiến tạo quốc gia sau đó là nỗ lực “lội ngược dòng”: phục hưng Nho giáo. Đối nội ngoài phục hưng Nho giáo, duy trì chế độ tổng trấn ở phía Bắc và phía Nam, thì tiếp tục chính sách tộc người “Hán-Di” hữu hạn, hạn chế sự lan rộng của Công giáo. Về Đối ngoại, xa lánh và thận trọng, từ chối có quan hệ ngoại giao trực tiếp với người phương Tây.

So với những giai đoạn trước đó, tiềm lực cùng khả năng chiến đấu của quân đội nhà Nguyễn đã bị suy giảm nghiêm trọng việc không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học quân sự phương Tây dưới thời Tự Đức khiến quân đội nhà Nguyễn bị lạc hậu nghiêm trọng, dẫn đến những bất lợi và cuối cùng là thất bại khi đương đầu với quân xâm lược Pháp

1.3.2. Bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX

Yếu tố mới thực sự trong lòng xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVI trở đi chính là sự xuất hiện của các giáo sĩ Thiên chúa giáo và rồi từng bước, chậm rãi nhưng chắc chắn, bám rễ sâu và cố kết vững vàng, là những cộng đồng cư dân theo Thiên chúa giáo, cả ở Đàng Ngoài lẫn ở Đàng Trong.

Khoa cử là cách duy nhất nhà Nguyễn sử dụng để tuyển chọn đội ngũ quan lại thừa hành. Chế độ khoa cử này không những phỏng theo chế độ khoa cử Trung Hoa trước thời nhà Thanh mà dần dần, cùng với sự tập trung quyền lực ngày càng tăng của các vua nhà Nguyễn, thoái hóa thành cái học chuyên về mặt cử nghiệp, biến thành một phương sách để bước vào con đường danh vọng.

1.4. Tổng quan tình hình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là tác giả văn học chống chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam

1.4.1. Tình hình nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Cho đến thời điểm này nghiên cứu văn và đời Nguyễn Đình Chiểu đã có một lịch sử nghiên cứu hơn một thế kỷ và cũng đã có hẳn 1 công trình nghiên cứu về vấn đề này đó là Lịch sử tiếp nhận Nguyễn Đình Chiểu của Lê Văn Hỷ xuất bản năm 2017. Từ 1982 trong công trình Thư mục về Nguyễn Đình Chiểu thì con số đó đã là 554 đơn vị, do Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là 1 trong những tác gia của văn học Việt Nam đã được nhà trường hóa từ lâu nên con số bài viết, công trình về ông ước đoán đã hơn 1000. Đến thời điểm này đã có các luận án tiến sĩ (phó tiến sĩ) chọn Nguyễn Đình Chiểu làm đối tượng nghiên cứu. Đó là Nguyễn Phong Nam 1994, Lê Văn Hỷ 2015, Nguyễn Phước Hoàng 2016 và Tạ Thị Thanh Huyền 2019.

Từ đầu thế kỷ XX cho đến trước khi chuyên luận Nỗi lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm được công bố thì tình hình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu khá bình lặng. Nguyễn Đình Chiểu trong những năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954 có thể tìm thấy từ những tài liệu hiện còn qua các công trình sau: Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản (1949), Văn học sử Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ XIX (1952) của Nguyễn Tường Phượng - Bùi Hữu Sủng, Khởi thảo văn học sử Việt Nam - Văn chương chữ Nôm (1953) Thanh Lãng.

Miền Bắc từ 1954-1975, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quan niệm mỗi nhà văn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ vẫn được tiếp tục và duy trì. Định hướng ấy chi phối toàn bộ nền văn học, bao gồm cả định hướng toàn bộ quá trình nghiên cứu và khai thác di sản truyền thống trong đó có Nguyễn Đình Chiểu. Kết quả đỉnh cao của giai đoạn này tập trung vào sách Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật (1973). Nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu ở văn học các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 đáng chú ý là hai công trình văn học sử của Phạm Thế Ngũ -Việt Nam văn học sử giản ước tân biênBảng lược đồ văn học Việt Nam (thượng - hạ 1967) của Thanh Lãng. Ngoài ra trong dịp Kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu tại miền Nam năm 1971 một số công trình đã được xuất bản như: Kỷ yếu Lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu; Sưu tập những bài báo về Nguyễn Đình ChiểuSưu tập bổ túc các bài báo về Nguyễn Đình Chiểu, bộ sưu tập này đã tập hợp 79 bài viết về Nguyễn Đình Chiểu từ đầu thế kỷ đến năm 1971, các bài viết xuất phát từ miền Bắc - Việt Nam không có mặt trong bộ sưu tập này. Do tính chất phong phú và phức tạp của các cách tiếp cận Nguyễn Đình Chiểu trong đời sống văn học sau 1975, chúng tôi tạm chia thành các khuynh hướng như: văn học sử, thể loại, thi pháp học. Về văn học sử có các công trình của: Nguyễn Lộc, Lê Trí Viễn, Nguyễn. Q. Thắng, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Phong Nam, Nguyễn Phạm Hùng. Trần Nho Thìn (xem thêm Lê Văn Hỷ 2017; 129-139). Về hướng tiếp cận tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn văn bản học tiêu biểu là công trình Nguyễn Đình Chiểu toàn tập gồm 2 tập, tập 1 năm 1980 và tập 2 năm 1982. Khuynh hướng tiếp cận Nguyễn Đình Chiểu từ góc nhìn thi pháp học nổi bật hơn cả là công trình của Nguyễn Phong Nam: Nguyễn Đình Chiểu từ điểm nhìn thi pháp học (1997).

1.4.2. Tình hình nghiên cứu thơ văn chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu

Các nhà nghiên cứu miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, ít nhiều cũng đề cập đến vấn đề chống thực dân trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, và đáng chú ý là Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng.Các nhà nghiên cứu nói trên tuy đều có đề cập đến nội dung chống thực dân trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu nhưng phải đến Trần Ngọc Vương  với tiểu luận Những đặc điểm mang tính quy luật của sự phát triển văn học nhìn nhận qua sáng tác của một tác giả, thì vấn đề trên mới được đặt ra một cách trực diện.Về vấn đề trên gần đây nhất là ý kiến của Trần Hoa Lê trong Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, tập 2.

Chương 2. Hệ thống đề tài, chủ đề, hình tượng văn học cơ bản trong bộ phận văn chương chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX

2.1. Hệ thống đề tài, chủ đề trong văn chương nhà nho chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỷ XIX

      Chủ đề đề tài trung tâm của bộ phận văn học này vẫn là những chủ đề quen thuộc: vệ đạo bảo dân. Ngay khi tiếng súng của quân Pháp nổ rền ở cửa biển Đà Nẵng vào năm 1858, sau đó là Gia Định vào năm 1859, phần lớn các nhà nho đều bày tỏ một tinh thần chủ chiến hăng hái, thậm chí “xả thân thủ nghĩa”, như hình thức cao nhất của sự báo đền “ơn vua nợ nước”. Và có lẽ cũng chưa có thời kỳ nào trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam, tư tưởng “chính khí” được nhiều nhà nho đồng loạt tôn vinh và khẳng định mạnh mẽ đến thế. Trong số những nhà nho viết về chủ đề này tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu với Ngư tiều vấn đáp y thuật Nho y diễn ca.

Trong hệ thống chủ đề đề tài kể trên luận án tập trung khảo sát các bình diện tiêu biểu như: thái độ và nhận thức về thực dân xâm lược, thái độ với phong trào kháng chiến, vua và triều đình, cảm thán trước tình hình đất nước.

2.2. Hệ thống đề tài, chủ đề trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu

Hệ thống chủ đề đề tài xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là vệ đạo bảo dân trung quân ái quốc.Đó cũng là hệ thống chủ đề đề tài tiêu biểu của văn học Việt Nam cuối thế kỷ 19 cả trước và sau khi Pháp xâm lược Việt Nam.Trong chương này luận án tập trung khảo sát các nội dung như: bảo vệ Nho giáo trước các tôn giáo khác, đặc biệt là Thiên chúa giáo, nhận thức và thái độ đối với văn minh phương Tây, quan điểm chống thực dân  xâm lược tới cùng, thái độ với triều đình và những kẻ hợp tác, làm tay sai cho Pháp, xót xa trước cảnh nước mất nhà tan và tiếc nuối, hoài vọng “nước cũ”, “ngôi cũ”, lựa chọn ở ẩn để bảo toàn tiết tháo và làm thuốc cũng như truyền bá kiến thức y học để giúp người dân trong cảnh thuộc địa.

2.3. Hình tượng văn học cơ bản trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX

2.3.1. Hình tượng cơ bản trong văn chương nhà nho chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỷ XIX

Hình tượng văn học cơ bản của bộ phận văn học chống thực dân cuối thế kỷ 19 là hình tượng con người trung nghĩa, bên cạnh đó là hình tượng những nhà nho ẩn dật lánh đời và cuối cùng là hình tượng vua quan nhà Nguyễn, hình tượng thực dân xâm lược và những kẻ cơ hội hợp tác làm tay sai cho Pháp.

2.3.2. Hình tượng cơ bản trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu

Những hình tượng văn học cơ bản trong bộ phận văn học chống thực dân của Nguyễn Đình Chiểu gồm: hai đại diện cho lý tưởng Nho giáo (Khổng Tử và Quan Đế), các anh hùng kháng chiến như Trương Định Phan Tòng, người nghĩa binh nông dân, anh hùng vô danh.

Đóng góp quan trọng nhất của thơ văn yêu nước, chống thực dân của Nguyễn Đình Chiểu là ở hình tượng tập thể người anh hùng nông dân, tới Nguyễn Đình Chiểu thì hình tượng người anh hùng vô danh nông dân mới được xuất hiện trong thơ văn với một diện mạo khác và được nhìn nhận bằng một thái độ rất khác. Là một người sống phần lớn cuộc đời giữa những con người “nhỏ bé” ấy, nhà nho Nguyễn Đình Chiểu hiểu về họ sâu sắc, “dấu vết của sự cách bức giữa nhà nho với người dân bình thường cơ hồ biến mất” (Trần Ngọc Vương 2018: 321). Nếu không có tấm bằng tú tài và nhiều năm theo đòi cử nghiệp, có lẽ sự hòa nhập của ông vào cuộc sống ấy còn vượt xa hơn nữa. Chính vì lẽ đó mà “điểm nhìn” của ông đối với họ không phải là điểm nhìn từ trên xuống. Chưa một tác giả văn học trung đại nào có thể miêu tả về người nông dân với góc nhìn chân thực mà không có sự chênh lệch cao - thấp như Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc sống mưu sinh thực tế của họ, sự nghèo khổ nhưng thuần phác của họ đi vào thơ ông một cách tự nhiên như vốn có, không cần dụng công trau truốt. Sự “nâng tầm” người nghĩa binh nông dân như vậy không xuất hiện ở thơ văn của hầu hết các nhà nho, chỉ thấy ở sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng nếu muốn truy tìm tác nhân đã đưa đến nhận thức đi trước thời đại, của “kỳ công” (chữ dùng của Trần Ngọc Vương) này, của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta phải xem xét toàn bộ sự nghiệp thơ văn của ông. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là: tại sao Nguyễn Đình Chiểu có thể lập tức nhìn ra phẩm chất anh hùng ở người nghĩa binh nông dân và lên tiếng cổ vũ bằng một áng văn tế bi tráng, hào hùng, được xem như kiệt tác của dòng văn tế? Trong khi đó những nhà nho khác cùng thời, ngay cả những người dám đứng ra mộ quân kháng chiến, không nhìn ra điều đó? Câu trả lời khả dĩ là: ông đã sống hòa lẫn với họ và quan sát họ đủ gần, đủ lâu để không còn giữ khư khư cái nhìn từ trên cao trông xuống của nhà nho với người nông dân. Thêm vào đó, chính việc lựa chọn sáng tác văn chương giáo huấn hướng tới quảng đại quần chúng làm sự nghiệp nghiêm túc sau khi con đường công danh đứt gánh cũng đã tác động khá nhiều đến góc nhìn của Nguyễn Đình Chiểu với đối tượng này. Nhưng nguyên nhân trực tiếp nhất chính là ông đã được chứng kiến phong trào kháng chiến mà trong đó vai trò của người nông dân ứng nghĩa trở nên nổi bật, sự dũng mãnh và ý chí xả thân để bảo vệ quê hương ở họ. Việc nhận ra và ca ngợi sức mạnh tiềm tàng ở những con người bình thường như vậy là một bước tiến lớn trong nhận thức của nhà nho.

Chương 3. Lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn học, thể loại, ngôn ngữ trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX

3.1. Lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn học trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX

3.1.1. Lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn học trong văn chương nhà nho chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỷ XIX

Về lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm văn học thì dòng văn chương quan phương chính thống với tư tưởng chủ đạo “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” yêu cầu con người phải sống theo “chức năng”, “phận sự” trong trật tự của xã hội Nho giáo đương nhiên sẽ chiếm lĩnh văn đàn. Thơ văn của phần lớn các nhà nho nhất loạt cất lên điệp khúc về lý tưởng “trí quân trạch dân” như đã từng thấy ở buổi đầu thịnh trị của triều đại Lê sơ. Tinh thần thời đại này được bộc lộ rõ rệt trong thơ văn của những nhà nho - thi sĩ tiêu biểu của nhà Nguyễn thời kỳ này. Đầu tiên phải kể đến “Gia Định tam gia”: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh và Lê Quang Định.

3.1.2. Lý tưởng thẩm mỹ quan niệm văn học trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu

Lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm về văn chương của ông, trước hết, chính là tính trật tự tôn ty và hài hòa của “năm giềng”, “ba mối”, những tiêu chí thẩm mỹ về đạo đức theo ông là trung hiếu, với kẻ sĩ đời trị là trí quân trạch dân, đời loạn là giữ gìn tiết tháo. Trọng nghĩa khinh tài. Quan niệm về “văn” của Nguyễn Đình Chiểu cũng là quan niệm truyền thống và chính thống của Nho gia: “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí”.

3.2. Hệ thống thể loại, ngôn ngữ trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỉ XIX

3.2.1. Hệ thống thể loại trong văn chương nhà nho chống chủ nghĩa thực dân nửa sau thế kỷ XIX

Các thể loại được sử dụng trong bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân của nhà nho Việt Nam cuối thế kỷ 19 vẫn là các thể loại truyền thống như: hịch, phú vè, văn tế, trong đó nổi bật là hịch và văn tế. Các hình thức này là lựa chọn tối ưu nhất lúc bấy giờ khi chức năng và mục đích sử dụng của văn chương được hướng vào những vấn đề thời sự và nóng bỏng cũa đất nước: cổ động chiến đấu, tuyên truyền yêu nước, khích động lòng căm thù thực dân xâm lược và những kẻ bán nước.

3.2.2. Hệ thống thể loại, ngôn ngữ trong văn chương chống chủ nghĩa thực dân ở Nguyễn Đình Chiểu

       Trong số các tác giả văn học Nam Bộ cùng thời, chỉ có Nguyễn Đình Chiểu lựa chọn và dành tâm huyết cho thể loại truyện thơ Nôm. Ông sáng tác truyện thơ Nôm nhằm tuyên truyền và bảo vệ đạo lý Nho giáo, hướng tới đối tượng tiếp nhận là những người bình dân chứ không phải tầng lớp trí thức. Và trong các tác giả văn tế, không ai có thể sánh ngang với ông trong khả năng viết ra những bài văn tế bi tráng, căm hờn và truyền cảm hứng mãnh liệt đến vậy. Thơ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng chủ yếu là thơ điếu những lãnh tụ nghĩa quân hy sinh.

   Hệ thống thể loại và ngôn ngữ mà Nguyễn Đình Chiểu sử dụng trong bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân gồm truyện Nôm, thơ điếu, văn tế.

Trong thể loại truyện Nôm luận án khảo sát các tác phẩm như: Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp.

Bên cạnh đó là văn tế với bốn tác phẩm: Chúng tử tế mẫu văn (văn tế mẹ), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh.

Nguyễn Đình Chiểu là người làm thơ điếu nhiều nhất so với các nhà nho cùng thời với ông. Khác văn tế, thơ điếu của Nguyễn Đình Chiểu chỉ dành cho các nhân vật cụ thể như: Trương Định, Phan Tòng và Phan Thanh Giản. Với Trương Định và Phan Tòng, ông làm không phải một mà là liên hoàn hàng chục bài thơ (12 bài cho Trương Định, 10 bài cho Phan Tòng), toàn bộ bằng chữ Nôm. Với Phan Thanh Giản ông chỉ làm hai bài, một bằng chữ chữ Hán, một bằng chữ Nôm. Số lượng bài thơ điếu đối với mỗi nhân vật ít nhiều cũng nói lên thái độ của tác giả đối với nhân vật đó.

 

                                                                          KẾT LUẬN

1. Hướng nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là một tác giả tiên phong của bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam là một hướng nghiên cứu mới mẻ với một đối tượng đã được “thâm canh” đến mức tưởng chừng như không còn khoảng trống nào. Phương pháp loại hình đã chứng tỏ sự phù hợp và đắc dụng trong hướng nghiên cứu này.

Luận án đã xác định nội hàm và quá trình phát triển ở các khu vực khác nhau trên thế giới của các các khái niệm then chốt: “chủ nghĩa thực dân”, “chủ nghĩa dân tộc”, “chủ nghĩa chống thực dân”, “văn học chống chủ nghĩa thực dân”. Trong đó, luận án chú trọng quan điểm của Karl Marx xem chủ nghĩa thực dân châu Âu là một yếu tố không thể thiếu đối với sự tiến bộ của thế giới, “một công cụ không tự giác của lịch sử”, “một lực lượng hiện đại hóa quan trọng” và là một phần của “quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất phong kiến sang phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”.

Các nhà lãnh đạo các phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Châu Á, Châu Phi và Trung Cận Đông cũng như các nơi khác trong suốt thế kỷ XX đã vận dụng quan điểm này của Marx, bên cạnh những quan điểm chống chủ nghĩa thực dân khác của châu Âu và Mỹ, để xác lập cơ sở, định hướng, mục tiêu cho phong trào giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, “tính chất hai mặt” của chủ nghĩa thực dân chưa được chú ý một cách xứng đáng do chủ nghĩa thực dân Pháp gắn liền với cuộc xâm lược bằng quân sự, bóc lột về kinh tế và đàn áp về văn hóa, tiến trình chống chủ nghĩa thực dân lại gắn liền với đấu tranh giải phóng đất nước, nên những công trình nghiên cứu đối tượng này thường nhấn mạnh vào mặt tiêu cực mà ít quan tâm đến những tác động tích cực tới những biến đổi có tính cấu trúc về xã hội, kinh tế, khoa học, giáo dục của Việt Nam. Nhận thức chưa toàn diện về chủ nghĩa thực dân dẫn tới hệ quả là ý nghĩa và giá trị của nhiều hiện tượng tiến bộ của văn hóa phương Tây chưa được hiểu thấu đáo, thậm chí bị phủ định sạch trơn. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và khoa học về chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam là cần thiết, đặc biệt là với đề tài của luận án này. 

2. Văn học chống chủ nghĩa thực dân là một bộ phận quan trọng của văn học phản kháng, và rộng hơn là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa chống thực dân tại các nước bị xâm chiếm làm thuộc địa cũng như ngay trong lòng các đế quốc tư bản phương Tây. Trong phạm vi của luận án này, chúng tôi chỉ quan tâm tới bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân tại các nước thuộc địa.

Tại Châu Phi, những tác giả tiêu biểu của văn học chống chủ nghĩa thực dân nhà thơ Ai Cập ÓàfiΩ Ibràhìm, Aimé Ceasar, nhà văn Nam Phi Nadine Gordimer, nhà văn Chinua Achebe, nhà văn Kenya Ngugi wa Thiong'o.

Tại châu Mỹ La Tinh, thời kỳ văn hóa tiền Columbus, văn học tồn tại chủ yếu dưới hình thức truyền khẩu; tới cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 mới xuất hiện văn học Criollo với mục tiêu thiết lập một ý thức về bản sắc dân tộc hay nguồn cội; sang thế kỷ 20, văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Mỹ La Tinh thường bộc lộ cùng lúc tình yêu và sự quyết tâm chính trị, với đại diện mẫu mực là nhà thơ Chile được giải Nobel, Pablo Neruda.

Tại Châu Á, ở hai nền văn học lớn và lâu đời là Ấn Độ và Trung Quốc, văn học chống chủ nghĩa thực dân phát triển mạnh mẽ nhưng theo hai xu hướng khác nhau. Tại Trung Quốc, ban đầu, văn học chống chủ nghĩa thực dân đi theo xu hướng cự tuyệt và chống đối, sau đó phát triển theo xu hướng cổ vũ duy tân, học tập kỹ thuật của phương Tây trong khi vẫn kiên định lưu giữ những giá trị đạo đức thiêng liêng của phương Đông mà đỉnh cao là phong trào cách mạng văn học Ngũ Tứ. Trong khi đó, ở Ấn Độ, các nhà văn dân tộc phản ứng lại sự áp chế từ bên ngoài bằng cách tìm về những di sản vàng son của đất nước với thái độ kiêu hãnh, tiêu biểu là Tagore, Aurobindo, Bankimchandra…

Trong bức tranh toàn cảnh của văn học chống chủ nghĩa thế giới, văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX, với lực lượng sáng tác là các nhà nho mà trong đó Nguyễn Đình Chiểu là tác giả tiên phong, chưa được nghiên cứu một cách độc lập mà vẫn được nhập chung vào với những nghiên cứu văn học yêu nước.

Mặt khác, trong khoảng 1000 công trình và bài viết, 100 luận văn thạc sĩ và 4 luận án, chưa có công trình chuyên biệt nào tiếp cận Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là một tác giả của bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, Luận án nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu từ định hướng tiếp cận này sẽ có khả năng đưa ra những kiến giải mới và đem lại những nhận thức mới.

3. Để phân tích và lý giải thơ văn chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu thì việc tìm hiểu các khía cạnh cơ bản của bối cảnh chính trị - quân sự - kinh tế - xã hội triều Nguyễn thế kỷ XIX là một nội dung không thể thiếu của luận án. Dựa trên những ghi chép của những bộ sử triều Nguyễn cũng như nhiều công trình nghiên cứu uy tín về vấn đề này của các nhà nghiên cứu như Trần Văn Giàu, Nguyễn Thế Anh… luận án rút ra được những đặc điểm lớn sau đây:

Về chính trị: về đối nội, các vua triều Nguyễn chủ trương phục hưng Nho giáo, hướng tới mô hình Trung Hoa lý tưởng thời thượng cổ; về đối ngoại: thận trọng, từ chối có quan hệ ngoại giao trực tiếp với người phương Tây, thậm chí đóng cửa mà không thấy được tác hại lâu dài của chính sách này là sẽ làm thui chột nền ngoại thương đem lại sự giàu mạnh cần thiết cũng như kịp thời nắm bắt được tình hình thế giới và tiếp thu các tiến bộ khoa học - kĩ thuật để có những đối sách đúng đắn trước nguy cơ bị các đế quốc thực dân xâm lược.

Về quân sự: các vị vua đầu triều Nguyễn như Nguyễn Ánh và Minh Mạng rất chú trọng đến việc hiện đại hóa quân đội, đóng tàu, đúc súng để đề phòng ngoại xâm. Tuy nhiên, chính xu hướng “trọng văn khinh võ”, “phục cổ”, “cự tuyệt phương Tây” mà các vị vua này khởi xướng đã khiến cho các vị vua kế nghiệp như Thiệu Trị và Tự Đức ít quan tâm hơn đến phương diện quan trọng này. Hậu quả là năng lực quân sự của triều Nguyễn khi đương đầu với quân Pháp hết sức lạc hậu và yếu kém.

Về kinh tế: xã hội cổ truyền của Việt Nam cho tới cuối thế kỷ XIX vẫn là một xã hội nông nghiệp, tổ chức theo lối kinh tế tiểu nông. Các vua triều Nguyễn sau khi thống nhất được đất nước đã nhất quán với chủ trương “trọng nông ức thương”: thương mại và ngoại thương bị guồng máy hành chính của chính quyền cản trở, triều đình không bao giờ muốn lập những mối bang giao chính thức với các quốc gia Âu châu và từ chối kí kết các hiệp ước thương mại với các quốc gia phương Tây, chính quyền cũng tìm mọi cách để cản trở sự buôn bán của thường dân với người Tây phương và “khoán trắng” lĩnh vực này cho Hoa Kiều. Điều này khiến tầng lớp thương nhân nội địa không thể phát triển. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa có vai trò quyết định đến vận mệnh đất nước.

Về xã hội: dân số đầu triều Tự Đức khoảng trên 5 triệu người với mô hình xã hội nho giáo: cao nhất là vua và hoàng tộc, tiếp đến là bộ máy quan lại, quân đội thường trực, sau cùng là “tứ dân” sĩ, nông, công, thương. Trong đó, nho sĩ là tầng lớp “trung gian” bắt rễ sâu vào nông thôn nên dù có ra làm quan họ cũng không tạo thành giai cấp quý tộc với những đặc quyền riêng. Ngoài ra, thành phần cư dân mới xuất hiện là các nhóm dân theo Thiên chúa giáo mà sự tồn tại biệt lập của họ trong lòng xã hội cổ truyền của người Việt đã đưa tới sự phân biệt và xung đột lương - giáo ngày càng gay gắt.

Về giáo dục và khoa cử: theo xu hướng phục cổ và tinh thần độc tôn Nho giáo, giáo dục thời Nguyễn chuyên về mặt cử nghiệp, khoa cử phỏng theo chế độ khoa cử Trung Hoa trước thời nhà Thanh. Cách đào tạo này có thể thích hợp với một quốc gia nông nghiệp theo Nho giáo, nhưng không thể tạo ra một đội ngũ trí thức đủ khả năng đương đầu với sự tấn công của khoa học - công nghệ. Mặc dù cuối thời Tự Đức, triều đình cũng vội vàng tiến hành một số cải cách hòng cứu vãn tình thế nhưng do không xuất phát từ sự cầu thị thật sự mà chỉ mang tính chất đối phó nên thường bị bỏ dở khi gặp khó khăn, trở ngại.

4. Việc nghiên cứu văn học chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Đình Chiểu cũng không thể tách biệt với việc khảo sát bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân của giới văn thân sĩ phu Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, bởi ông là một thành phần trong đó. Họ chính là những trí thức dân tộc, đại diện cho những khuynh hướng tư tưởng và chính trị đã chi phối sự phát triển của hệ thống các quan niệm về pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ… của xã hội Việt Nam thời kỳ này. Bộ phận thơ văn này được khảo sát theo phương pháp loại hình với bốn điểm chính: lý tưởng thẩm mỹ, chủ đề - đề tài, hình tượng cơ bản và thể loại.

Về lý tưởng thẩm mỹ của thơ văn nhà nho nửa cuối thế kỷ XIX: công cuộc Nho giáo hóa gần ba mươi năm từ 1820 đến 1848 khiến cho thơ văn của phần lớn các nhà nho đồng loạt đề cao lý tưởng “trí quân trạch dân”. Tuy nhiên, từ năm 1847 cho đến khi phong trào Cần Vương thất bại hoàn toàn vào năm 1888, những giá trị cốt lõi của Nho giáo phải đối mặt với những thử thách khốc liệt. Khi vua còn gắn với nước thì “trung quân” đi đôi với “ái quốc”, nhưng khi vua và triều đình bỏ rơi dân chúng, cắt đất cầu hòa để giữ quyền lợi thì nhiều nhà nho rời bỏ lý tưởng “trung quân” mà đi theo lý tưởng “trung nghĩa”.

Đồng thời, tư tưởng “chính khí” được nhiều nhà nho đồng loạt tôn vinh vì nó cổ vũ tinh thần những người kháng chiến chịu đựng gian khổ hy sinh và nỗ lực vượt qua thử thách khốc liệt. Tuy nhiên, mặt cực đoan của tư tưởng này khiến nhà nho không có sự bình tĩnh, sáng suốt để tìm hiểu kẻ địch. Do đó, sự hy sinh của họ dù cao thượng nhưng không hiệu quả.

Các chủ đề-đề tài lớn của thơ văn nhà nho nửa cuối thế kỷ XIX gồm có: thái độ và nhận thức của các nhà nho về thực dân xâm lược (bài xích, coi thường, ác cảm xuất phát từ động cơ yêu nước  và tinh thần “vệ đạo”); thái độ của nhà nho đối với phong trào kháng chiến (làm việc nghĩa bất kể thành bại”), vua và triều đình (trước và sau năm 1862, khi triều đình ký hòa ước, tinh thần trung quân nhạt dần, xu hướng hành động “vì nghĩa” mạnh lên, thậm chí văn thân vùng Thanh-Nghệ Tĩnh còn nêu khẩu hiệu “quyết đánh cả triều lẫn Tây”); nỗi đau xót của nhà nho trước tình cảnh đất nước và đạo lý bị những kẻ xâm lược phá tan.

Các hình tượng cơ bản trong thơ văn nhà nho thời kỳ này là: hình tượng những con người trung nghĩa với khí phách lẫm liệt, tư tưởng chính khí và tinh thần tử tiết; hình tượng những nhà nho ẩn dật lánh đời; hình tượng vua quan nhà Nguyễn bạc nhược, hèn nhát; hình tượng thực dân và những kẻ cơ hội, làm tay sai cho thực dân.

Các thể loại văn chương thời kỳ này chủ yếu là các thể loại chức năng như chiếu, biểu, sớ, thư, hịch, văn tế, thơ, phú. Các tác giả nhà nho thời kỳ này huy động gần hết các thể loại truyền thống để phục vụ cho các hoạt động kháng chiến, kêu gọi và cổ vũ phong trào kháng chiến, ngợi ca và thương tiếc những con người hy sinh vì nghĩa, thể hiện thái độ đối kháng với thực dân và tay sai, bày tỏ nỗi lòng trước thời cuộc và tình cảnh đất nước, hiến kế sách cho triều đình… Hầu hết các thể loại này đều thuộc bộ phận văn chương quan phương, chức năng. Tuy nhiên, do cảm xúc mãnh liệt của các tác giả mà nhiều tác phẩm ngả hẳn về phía văn chương nghệ thuật. 

5. Những đặc điểm của bộ phận văn học chống chủ nghĩa thực dân của các nhà nho Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX cũng xuất hiện hầu như đầy đủ ở các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu thời kỳ này.

Lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Đình Chiểu luôn hướng tới tính trật tự tôn ty và hài hòa của đạo tam cương, ngũ thường. Ông đề cao hình mẫu con người phận vị, xem trọng thanh danh hơn lợi lộc, “trọng nghĩa khinh tài. Suốt cả cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu chưa từng xa rời quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí” của Nho gia.

Hệ thống chủ đề - đề tài trong sáng tác của Nguyễn Đình chiểu xoay quanh mục tiêu “vệ đạo, bảo dân, trung quân, ái quốc”. Ông nhiệt tình bảo vệ Nho giáo trước các tôn giáo khác, đặc biệt là Thiên chúa giáo trong truyện Nôm Dương Từ Hà Mậu. Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin mà ông đã hiểu không đúng về bản chất của Thiên chúa giáo nên những lập luận của ông tỏ ra thiếu thuyết phục và ít hiệu quả. Đối với văn minh phương Tây, Nguyễn Đình Chiểu giữ một thái độ phủ nhận triệt để từ đầu chí cuối. Điều đáng chú ý là ông nhìn nhận nó trong mối liên hệ chặt chẽ với đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân để cảnh báo về dã tâm xâm lược. Tuy nhiên, cũng như các nhà nho cùng thời, ông đã không đẩy nhận thức của mình đi xa hơn nữa để có thể nhìn ra tính hai mặt của chủ nghĩa thực dân. Ông chủ trương chống thực dân xâm lược tới cùng và hăng hái nhập cuộc từ rất sớm nhằm cổ vũ tinh thần những con người kháng chiến. Khi phong trào thất bại, triều đình cắt đất nhượng cho Pháp, ông đã tổ chức  phong trào “tị địa” bày tỏ thái độ bất hợp tác với kẻ xâm lược. Các sáng tác cuối đời của ông, đặc biệt là tác phẩm Ngư tiều vấn đáp y thuật phản ánh lựa chọn ở ẩn để bảo toàn tiết tháo, nhắc nhở và nêu gương cho các nhà nho về cách ứng xử của “kẻ có đạo sống trong đời loạn”.

Hình tượng văn học cơ bản trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thời kỳ này bao gồm: hai đại diện cho lý tưởng Nho giáo là Khổng Tử (được ông xem như đối trọng của Chúa Giê-xu trong đạo Thiên chúa) và Quan Vũ (đại diện cho mẫu người anh hùng lý tưởng và bậc trung thần - mẫu người rất cần thiết cho triều đình và đất nước lúc bấy giờ); hình tượng các anh hùng kháng chiến và người nghĩa binh nông dân là thành công lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu: ông là tác giả nhà nho duy nhất tôn vinh những con người có xuất thân bình thường như những anh hùng theo lý tưởng Nho giáo.

Các thể loại trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu thời kỳ này bao gồm: truyện Nôm Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều vấn đáp y thuật - hai truyện nôm mang tính luận đề (lập trường tư tưởng - tôn giáo và lối ứng xử để bảo toàn tiết tháo của nhà nho khi gặp “thời cùng”); văn tế là thể loại Nguyễn Đình Chiểu gặt hái nhiều thành tựu nhất, với bốn tác phẩm, trong đó xuất sắc nhất là “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, thống thiết, bi tráng, hào hùng; thơ của Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ điếu và thơ vịnh: Nguyễn Đình Chiểu là người làm thơ điếu nhiều nhất thời kỳ này và ông cũng viết nhiều bài thơ vịnh “đạo” nhằm ca ngợi và khẳng định đạo Nho, vịnh các nhân vật lịch sử mà đáng chú ý nhất là Quan Vũ, vịnh những con vật mang ý nghĩa biểu tượng như ngựa tiêu sương (biểu tượng cho lòng trung thành), con dê (biểu tượng cho người Tây dương), sen nở mùa thu (biểu tượng cho người tài không gặp thời), những điều kiện bất lợi của tự nhiên như trời bão, mưa dầm, nước lụt (biểu tượng cho “nạn trời” mà đất nước đang phải gánh chịu)…

6. Những kiến giải mới mẻ về Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là tác giả tiên phong của bộ phận văn học đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của luận án có thể ứng dụng trong việc giảng dạy trong nhà trường phổ thông và đại học.

Sự thành công trong việc tiếp cận Nguyễn Đình Chiểu theo định hướng này sẽ đặt nền móng cho những nghiên cứu trong tương lai về văn học chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam với quy mô lớn hơn, bao quát phạm vi rộng hơn rất nhiều.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây