Ngôn ngữ
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Hội Thư viện Việt Nam; Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An; Thư viện tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Liên chi hội thư viện các trường ĐH khu vực Bắc & Trung bộ cùng các nhà khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu, các cơ quan thông tin, thư viện trên cả nước.
PGS.TS.NGUT Đinh Xuân Khoa, Tỉnh ủy viên, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu chào mừng
Hội thảo còn thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều công ty cung cấp các trang thiết bị sử dụng trong hoạt động thông tin, thư viện; đại diện các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách uy tín trong và ngoài nước.
Hội thảo hướng tới mục đích nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của ngành thông tin, thư viện trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH theo tinh thần Nghị quyết số 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội thảo cũng đưa ra những đề xuất và các giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động của ngành thông tin, thư viện nói chung và của các trường ĐH nói riêng trong việc góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.
PGS.TS. Trần Thị Quý t(Chủ nhiệm Khoa Thông tin Thư viện) trình bày báo cáo đề dẫn
Hội thảo đã nghe 14 tham luận tiêu biểu trong tổng số 60 báo cáo đi sâu phân tích thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp đổi mới công tác tổ chức và hoạt động của hệ thống thư viện ĐH. Hầu hết các báo cáo đều tập trung giải quyết các vấn đề về vai trò và nhiệm vụ của hoạt động thông tin, thư viện ĐH trong giai đoạn đổi mới giáo dục ĐH; quản lý sự nghiệp thông tin, thư viện; lãnh đạo cơ quan trong tin –thư viện; kiểm định, đánh giá chất lượng các cơ quan thông tin, thư viện ĐH đáp ứng yêu cầu xếp hạng các trường ĐH và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH; tổ chức và hoạt động của các cơ quan thông tin, thư viện ĐH; phát triển nguồn nhân lực; sản phẩm và dịch vụ thông tin, thư viện; tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn lực thông tin; marketing; bản quyền; phát triển Hội nghề nghiệp; nghiên cứu người dùng tin…
Hội thảo đã đề cập đến vai trò quan trọng của thư viện đại học trong đổi mới giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, các công ty, các nhà cung cấp cũng giới thiệu nhiều công nghệ mới, các cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến, phần mềm tự động hóa thư viện, các thiết bị số hóa trong ngành thông tin thư viện - một trong những ngành khoa học có sự cập nhật nhanh nhất những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động của mình.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã giới thiệu và phát hành tập chuyên khảo với tên gọi: “Hoạt động thông tin - thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam”. Chuyên khảo tập hợp 60 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và cán bộ các cơ quan thông tin, thư viện trong và ngoài nước. Chuyên khảo có độ dày 655 trang được chia thành 2 phần: “Những vấn đề chung về hoạt động thông tin, thư viện với vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học” và “Hoạt động thực tiễn của ngành thông tin, thư viện”. Chuyên khảo do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.
Tác giả: Trần Đức Hoà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn