Ngôn ngữ
Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả thực hiện các đề án thành phần thuộc Nhiệm vụ chiến lược tại Trường ĐHKHXH&NV, ghi nhận những kết quả đạt được và chỉ ra những khó khăn cần tháo gỡ trong việc thực hiện NVCL tại Trường ĐHKHXH&NV.
Tháng 3/2007, Trường ĐHKHXH&NV trình ĐHQGHN 16 đề án ngành, chuyên ngành đào tạo đẳng cấp quốc tế, trong đó có 5 đề án trình độ cử nhân, 6 đề án trình độ thạc sỹ và 5 đề án trình độ tiến sỹ. Sau khi xem xét các điều kiện thực tế, Trường quyết định thực hiện thí điểm 3 đề án: Đề án phát triển ngành Ngôn ngữ học, Đề án phát triển phát triển chuyên ngành Lịch sử Việt Nam trình độ thạc sỹ, Đề án phát triển chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ đại và trung đại trình độ tiến sỹ. Ba đề án này được triển khai từ năm 2008. Ban điều hành Đề án “Xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đào tạo đạt trình độ quốc tế” của Trường ĐHKHXH&NV cũng được thành lập.
Sau nhiều năm triển khai các đề án thuộc NVCL, một số thành công bước đầu được ghi nhận là: đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng cao về chuẩn mực bằng cấp, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học; các CTĐT được xây dựng phù hợp với chuẩn đầu ra và chuẩn mực quốc tế, hệ thống học liệu, bài giảng được biên soạn, điều chỉnh phù hợp với các bậc đào tạo; bước đầu đào tạo được một số cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực CLC của xã hội; hoạt động NCKH được đẩy mạnh cả về số lượng và chiều sâu, hướng tới hội nhập quốc tế; tạo ra những thay đổi bước đầu về mô hình và tiêu chí quản trị đại học của thế giới.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và GS.TS Vũ Đức Nghiệu chủ trì Hội nghị
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cho bộc lộ những hạn chế: số lượng tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu vì các tiêu chí quá cao, đặc biệt là tiêu chuẩn về ngoại ngữ; số lượng giảng viên tham gia CT giảm sút do yêu cầu về tiêu chuẩn tuyển dụng cao; chưa có đề tài khoa học cấp ĐHQGHN ưu tiên cho việc thực hiện các đề án thành phần; việc gửi sinh viên, học viên đi thực tập ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn…
Các đại biểu cũng kiến nghị: cần mở song song các chương trình đào tạo chuẩn bên cạnh các CT NVCL để khắc phục tình trạng khó tuyển sinh đầu vào; cần có sự chia sẻ cởi mở hơn nữa giữa những người thiết kế đề án với những người triển khai đề án trong thực tiễn; NVCL cần tính đến hỗ trợ việc xuất bản sách, công bố các công trình nghiên cứu của giảng viên và học viên; cần chú ý đến những đặc thù trong đào tạo đẳng cấp quốc tế đối với các ngành KHXH&NV, đặc biệt là ở các tiêu chuẩn về ngoại ngữ…
Phát biểu tại hội nghị, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá: Trường ĐHKHXH&NV đã quán triệt và triển khai NVCL một cách chủ động, có chuẩn bị kỹ lưỡng với những chọn lựa tốt nhất có thể, với một quyết tâm cao. Trường đã có những nỗ lực vượt bậc và có những thành công bước đầu, mà thành tựu nổi bật nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Bên cạnh nguồn lực của ĐHQGHN, Nhà trường tích cực huy động thêm các nguồn lực khác đầu tư cho NVCL. Các đề án NVCL của Trường được triển khai đều ở cả bậc cử nhân, thạc sĩ lẫn tiến sĩ, những kết quả thực tiễn này sẽ là cơ sở quan trọng để có những điều chỉnh chính sách thích hợp cho các năm tiếp theo.
Trả lời những ý kiến phản ánh tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Đình Đức cũng nhấn mạnh: Trước hết, đào tạo đẳng cấp quốc tế là một quá trình và phải có lộ trình thích hợp để thực hiện và đạt được các mục tiêu, không thể nóng vội. Bên cạnh đó, mức đầu tư cho các đề án NVCL còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Sắp tới, cần có kế hoạch rà soát, đánh giá thực trạng những sinh viên, học viên tốt nghiệp của các chương trình thuộc NVCL để ghi nhận ý kiến phản ánh của người học. GS.TS Nguyễn Đình Đức cho rằng, với điều kiện của mình, Trường hoàn toàn có thể hướng tới mở thêm các chương trình đào tạo CLC và đào tạo tài năng trong thời gian tới.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn