Ngôn ngữ
Khoảng hơn mươi năm trở lại đây, trong đời sống văn hoá văn học Việt Nam, đề tài tính dục có vẻ nóng lên như là một cái gì thời thượng, nhiều lúc trở thành một trong những chiến lược câu khách của nhiều cây bút.
Giữa lúc nhiều nhà nghiên cứu phê bình đang nỗ lực nhận diện, miêu tả và kiến giải đề tài/yếu tố tính dục trong văn chương đương đại, thì nhà nghiên cứu trẻ Phạm Văn Hưng lội ngược dòng trình xuất công trình Văn hoá tính dục ở Việt Nam thế kỉ X-XIX, ngay lập tức thu hút sự quan tâm chú ý của giới chuyên môn học thuật. Có thể thấy văn hoá tính dục Việt Nam 10 thế kỉ trung đại dẫu có những biểu hiện rất đa dạng nhưng thiếu những tổng kết và truyền thừa qua tư liệu thành văn. Công trình của Phạm Văn Hưng là một nỗ lực bổ khuyết vào khoảng trống nghiên cứu này. Đứng trước khó khăn bởi sự thiếu thốn của tư liệu, văn hiến nước nước nhà, tác giả công trình chọn giải pháp phục dựng văn hoá tính dục Việt Nam thế kỉ X - XIX chủ yếu qua hai nguồn tư liệu thành văn: lịch sử và văn học.
Công trình được cấu trúc thành 3 chương: Chương 1/ GIỮA LỄ VÀ LUẬT: BẢN NĂNG VÀ QUY PHẠM, Chương 2/ ĐẠI SỰ PHÒNG THE: MĨ CẢM VÀ KHOÁI CẢM và Chương 3/ NHỮNG NGẢ RẼ VÀ HIỆN TƯỢNG TÍNH DỤC ĐẶC THÙ.
Giữa đời sống tính dục của số đông, ở đây đó, vẫn có những ngả rẽ tính dục và hiện tượng tính dục đặc thù trong văn hoá tính dục Việt Nam thời trung đại. Do là số ít, là đặc thù nên các hiện tượng tính dục này thường không được ghi lại hoặc ghi lại với rất nhiều điểm mờ và khoảng trống. Đóng góp của công trình Văn hoá tính dục ở Việt Nam thế kỉ X-XIX còn là bước đầu tường minh hoá những điểm mờ này, san lấp những khoảng trống này.
Qua công trình của Phạm Văn Hưng, người đọc hiểu thêm rằng, có những “di sản” của văn hoá tính dục thời trung đại mà thời hiện đại đang kế thừa, thậm chí qua hàng thế kỉ nó vẫn giữ nguyên tính “chất phác” của thuở ban đầu với những ngộ nhận, định kiến đã thành lối mòn không dễ vượt qua và có những hạn chế, khiếm khuyết len lỏi trong các tầng, vỉa của trầm tích văn hoá tính dục mà nguyên nhân phát sinh của nó không chỉ đến từ bất bình đẳng xã hội hay bất bình đẳng giới.
Tiến sĩ Phạm Văn Hưng sinh năm 1983. Giải Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2014. Hiện công tác tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác phẩm đã công bố: Lược khảo các vụ án văn chương ở Việt Nam thế kỉ X - XIX(Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013); Tự sự của Trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỉ X - XIX (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016); Văn hoá tính dục ở Việt Nam thế kỉ X - XIX (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018).
Theo vannghequandoi.vn
Tác giả: Tâm Thư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn