Ngôn ngữ
Hiện nay, Trường ĐHKHXH&NV có 278 cán bộ dưới tuổi 40 trên tổng số 527 cán bộ, chiếm 52,75%. Số cán bộ dưới 40 tuổi có học hàm PGS là 11 người, chiếm 11,58% số PGS toàn trường. Số NCS là cán bộ trẻ là 106, chiếm 83,46% số NCS là cán bộ toàn trường. Số cán bộ trẻ thành thạo tiếng Anh (tốt nghiệp ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ quốc tế, có bằng ĐH ngoại ngữ) chiếm 56,86% số cán bộ thành thạo ngoại ngữ trong toàn trường.
Chia sẻ các thông tin trên, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh rằng đội ngũ cán bộ trẻ của Nhà trường là lực lượng quan trọng, nòng cốt, được kỳ vọng sẽ tiếp nối làm nên tên tuổi và uy tín khoa học của Nhà trường ở cả hiện tại và tương lai. Năm nay, một thông tin đáng mừng là toàn trường có 80 công bố quốc tế, trong đó có 22 bài báo thuộc danh mục ISI và Scopus - con số cao nhất từ trước đến nay. Trong số đó, nhiều cán bộ trẻ đã đóng góp tích cực vào thành tích công bố quốc tế của Nhà trường thời gian qua như: Thạch Mai Hoàng (Khoa Nhân học), Nguyễn Thị Như Trang (Khoa Xã hội học), Phạm Lê Huy (Khoa Đông phương học), Nguyễn Thu Hiền (Khoa Văn học), Trịnh Thị Linh (Khoa Tâm lý học)...
Gần đây nhất, Nhà trường đã công bố chính sách hỗ trợ tối đa 250 triệu cho một cuốn sách được xuất bản tại các NXB quốc tế; các mức hỗ trợ thấp hơn cho các công bố bằng tiếng Anh tại các NXB uy tín trong nước cùng các hỗ trợ khác cho cán bộ có công bố quốc tế hay tham dự hội thảo quốc tế ở nước ngoài ... Bên cạnh đó, Nhà trường hàng năm tổ chức hàng chục hội thảo quốc tế; mở các khóa tiếng Anh học thuật, các buổi tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế; nỗ lực xây dựng mạng lưới kết nối các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài trường...
GS.TS Phạm Quang Minh đề nghị các cán bộ trẻ hãy chủ động tận dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ trên để sớm đưa năng lực nghiên cứu của mình đạt chuẩn quốc tế vì “đó là con đường sống còn và không thể khác” trong bối cảnh Nhà trường đang có chiến lược phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, tiệm cận đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Trước ý kiến cho rằng công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khó và nhạy cảm, Giáo sư Hiệu trưởng bày tỏ thái độ không đồng tình, đồng thời nhấn mạnh: công bố quốc tế phụ thuộc vào chất lượng nghiên cứu, ý tưởng mới trong khoa học, khả năng kết nối với các nhà khoa học quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành của mình và kết nối với các tạp chí khoa học thế giới... Giáo sư Hiệu trưởng đề nghị các cán bộ trẻ hãy bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức về công bố quốc tế theo hướng tích cực, tăng cường tham dự hội thảo quốc tế trong và ngoài nước, chủ động “hòa mình” vào dòng chảy các vấn đề khoa học thời sự của thế giới, tìm hiểu các yêu cầu riêng của tạp chí khoa học quốc tế mà mình quan tâm, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà khoa học đi trước để học hỏi kinh nghiệm, tham gia các nhóm nghiên cứu liên ngành...
Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), cơ hội đăng ký thành công các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, đặc biệt là từ các quỹ như Nafosted... ngày càng mở rộng đối với các nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học trẻ có những thế mạnh về ngoại ngữ, được cập nhật những tri thức khoa học mới, khả năng kết nối tốt với khu vực và thế giới cùng khát vọng vươn lên... Vấn đề quan trọng là họ không được e ngại hay tự ti mà cần luôn tiến về phía trước, kiên trì và có chiến lược để tiếp cận thành công mục tiêu của mình. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng các nhà khoa học đi trước, đã thành công trong việc chinh phục các tạp chí khoa học quốc tế cần dìu dắt và tạo cơ hội cho các cán bộ trẻ tham gia nhóm nghiên cứu của mình, từ đó giúp đỡ họ trưởng thành...
Tại tọa đàm, các nhà khoa học lắng nghe trao đổi của TS. Đỗ Tiến Dũng về những cơ chế chính sách, các tiêu chí và điều kiện đăng ký đề tài của Quỹ Nafosted; những ưu tiêu trong định hướng nghiên cứu của Quỹ và những ưu đãi của Quỹ ra đối với các nhà khoa học trẻ...
Các cán bộ trẻ cũng trao đổi với lãnh đạo Nhà trường về nhiều vấn đề như: làm thế nào để có những chính sách động viên kịp thời cán bộ trẻ trong công tác nghiên cứu; điều gì quan trọng hơn trong công bố quốc tế: số lượng hay chất lượng ?...
Tác giả: Thanh Hà, Công Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn