Ngôn ngữ
Trong những năm qua, công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn là một trong những công đoàn vững mạnh, tiên phong trong hoạt động công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Công đoàn Nhà trường có nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú; vừa tích cực trong chăm lo đời sống cán bộ viên chức, vừa mạnh mẽ trong bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Công đoàn Trường ta cũng là một nhân tố gương mẫu trong các phong trào của công đoàn cấp trên, công đoàn ngành, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Tuy nhiên, khi tìm kiếm thông tin về hoạt động công đoàn trường Xã hội nhân văn Hà Nội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi thấy thông tin chưa nhiều, chưa tương xứng với những gì chúng ta đã làm được.
Trên thực tế đó, có thể nói, thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền công đoàn, nhưng nghiệp vụ truyền thông công đoàn chưa được chú trọng. Thông tin công đoàn có tính nội bộ, tập trung nhiều về chủ trương, chính sách, pháp luật, quy chế của Đảng, Nhà nước, ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội và Nhà trường. Trong khi đó, thông tin về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đời sống, tình đồng chí đồng nghiệp và các hoạt động xã hội vô cùng phong phú của Trường, hay của từng Khoa, Bộ môn, trung tâm dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Chúng ta vốn đã có nhiều cơ chế, nhiều diễn đàn để truyền thông về nhóm thông tin chủ trương, đường lối. Riêng về truyền thông công đoàn, chúng ta nên định hướng, ưu tiên thông tin về những vấn đề giản đơn nhưng thiết thực, gần gũi, hiệu quả nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, không khí gắn bó với Nhà trường, với cơ quan, đơn vị của cán bộ viên chức. Như thế là thành công rồi.
Với tiền đề nêu trên, chúng tôi xin mạnh dạn chia sẻ 5 điểm đề xuất như sau:
Một là, truyền thông công đoàn cần được nhận thức đầy đủ hơn, có được sự chia sẻ, quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng liên quan và lãnh đạo các Khoa, Bộ môn, trung tâm trong Trường.
Hai là, nội dung thông tin về các hoạt động của công đoàn cần thường xuyên, liên tục, đề cập đến những vấn đề gần gũi, thiết thực phát sinh hàng ngày hàng giờ trong đời sống cán bộ viên chức, như: đảm bảo giờ giảng, giờ nghiên cứu, thu nhập ngoài lương, các hoạt động xã hội (hoặc xã hội gắn với chuyên môn), hoạt động thực địa, khảo sát, thực tế của cán bộ giảng viên, thậm chí là các thông tin về tham quan điền dã, thể thao, văn hoá văn nghệ… của cán bộ viên chức trong Trường. Tránh việc thông tin chỉ chú trọng vào một vài cuộc hội nghị, đại hội chung chung.
Ba là, hình thức thông tin cũng cần đổi mới, phong phú, đa dạng hơn. Không nên là một vài tin tức đơn lẻ, cũng không nên là một bài luận văn tuyên truyền, mà có thể là phỏng vấn một nhân vật công đoàn, ảnh, video, băng rôn, áp phích… thậm chí là status trên mạng xã hội.
Bốn là, chúng ta nên quan tâm đến việc tận dụng các loại hình phương tiện truyền thông để công bố thông tin về hoạt động công đoàn. Những hoạt động có tầm vĩ mô, có ý nghĩa xã hội rộng và tính chất thời sự có thể mời báo chí, các báo điện tử. Nhưng bên cạnh đó, các hoạt động khác giản dị hơn, diễn ra hàng ngày hàng giờ của các phòng ban, Khoa, Bộ môn, trung tâm chúng ta có thể đăng tải trên website của Trường, diễn đàn sinh viên, mạng xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tìm hiểu để sử dụng một số công cụ đơn giản nhưng có thể mang thông điệp truyền thông như standy, tờ rơi, sổ tay, bút viết v.v…
Năm là, cần có sự liên thông, chia sẻ thông tin, tin bài, ảnh, clip từ hoạt động của các công đoàn bộ phận. Như vậy, chúng ta sẽ có nguồn thông tin phong phú, đa dạng, nhiều mặt để thực hiện công tác truyền thông công đoàn được thường xuyên, liên tục. Quan trọng nhất là, ở góc độ truyền thông nội bộ, cán bộ viên chức Nhà trường có thể biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn với hoạt động công đoàn Trường nói riêng, các hoạt động khác của Nhà trường nói chung.
Một vài chia sẻ không có kỳ vọng nào khác là mong muốn hoạt động công đoàn Trường Đại học KHXH và NV ngày càng vững mạnh và phát triển, nói đi đôi với làm, thực tế và hiệu quả nhiều hơn../.
Tác giả: ThS. Nguyễn Sơn Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn