Tăng cường hợp tác đào tạo và trao đổi khoa học với các đối tác văn học Đài Loan

Thứ tư - 22/03/2017 02:58
Tăng cường hợp tác đào tạo và trao đổi khoa học với các đối tác văn học Đài Loan
Tăng cường hợp tác đào tạo và trao đổi khoa học với các đối tác văn học Đài Loan

Được sự hỗ trợ từ Giáo sư Trần Ích Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Thành Công (Đài Loan), từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 3 năm 2017, đoàn công tác của Ban Giám hiệu và Lãnh đạo Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đã thăm và ký kết một số văn bản hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên và cán bộ, hợp tác nghiên cứu và dịch thuật với các đối tác Đài Loan. Tham gia đoàn công tác có PGS.TS Hoàng Anh Tuấn- Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học, TS. Nguyễn Thu Hiền - Phó Trưởng Khoa Văn học.

Sáng ngày 01 tháng 3, Đoàn công tác đã thăm Trường Đại học Thành Công ở thành phố Đài Nam. Tại đây, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã trao đổi công việc với Phó Hiệu trưởng Trần Đông Dương và Giáo sư Trần Ích Nguyên,Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Thành Công, thống nhất chủ trương thúc đẩy hợp tác đào tạo và nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa hai đơn vị trong thời gian tới. Trong khuôn khổ chuyến thăm, PGS.TS Phạm Xuân Thạch đã ký kết văn bản về hợp tác trao đổi sinh viên, cán bộ và tổ chức các hoạt động dịch thuật, xuất bản văn học với Khoa Văn học Trung Quốc của Đại học Thành Công. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn công tác cũng đã trao đổi với Giáo sư Tưởng Vi Văn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam) về khả năng hỗ trợ sinh viên ngành Hán Nôm sang thực tập ngắn hạn tại Đại học Thành Công.

Phó hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn tặng quà lưu niệm cho Phó hiệu trưởng Trần Đông Dương của Đại học Thành Công (Đài Loan)

 

PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học và GS. Lâm Triều Thành, Trưởng Khoa Văn học Trung Quốc ký kết văn bản hợp tác giữa hai Khoa

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Sở Văn hóa Thành phố Đài Nam. Tại đây, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã trao đổi với Giám đốc Sở Diệp Trạch Sơn về khả năng tuyển chọn một số tác phẩm văn học tiêu biểu của Đài Nam để dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam nhằm đưa hình ảnh của Đài Nam nói riêng (Đài Loan nói chung) đến với cộng đồng người Việt. Đoàn cũng đến thăm và trao đổi với Giám đốc Bảo tàng Văn học Đài Nam Liệu Chấn Phú về khả năng hợp tác khoa học. Giám đốc Bảo tàng sẽ cân nhắc phối hợp với Nhà trường để tổ chức một số hoạt động trưng bày thành tựu văn học Đài Nam ở Hà Nội cũng như tổ chức dịch thuật một số tác phẩm của Việt Nam về các lĩnh vực văn học, sử học, văn hóa học…để phục vụ cộng đồng người Việt ở Đài Loan nói chung.

Ngày 02 tháng 3, Đoàn đã đến thăm và làm việc với các đối tác của Thành phố Đài Trung. Tại đây, Đoàn công tác đã đến thăm và trao đổi các khả năng hợp tác với Giám đốc Sở Văn hóa Vương Chí Thành. Hai bên thống nhất tìm kiếm các khả năng tiến hành dịch thuật các tác phẩm văn học Đài Loan tiêu biểu để giới thiệu ở Việt Nam, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa thành phố Đài Trung với Nhà trường. Cùng ngày, Đoàn đã đến thăm và trao đổi công việc với Trưởng Khoa Văn học Trung Quốc của Đại học Trung Hưng.

Phó hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn trao quà lưu niệm của nhà trường cho Giáo sư Trưởng Khoa Lâm Nhân Dục (Đại học Trung Hưng)

Ngày 03 tháng 3, Đoàn đã đến thăm Đại học Kim Môn ở đảo Kim Môn. Tại đây, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường ký kết văn bản hợp tác với Đại học Kim Môn nhằm mở ra quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai đại học. Trước mắt, hai trường sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi sinh viên và cán bộ; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ hỗ trợ Đại học Kim Môn trong việc xây dựng ngành Việt Nam học ở Kim Môn trong những năm tới. Phát biểu trong buổi ký kết, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh đến sự tương đồng văn hóa và quan hệ lịch sử gắn bó giữa hai quốc gia, mong muốn tăng cường hợp tác giáo dục và khoa học bền chặt giữa hai Nhà trường: “Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có thể đóng vai trò là “tiền môn” trong nỗ lực “hướng nam” của Đại học Kim Môn cũng như các đối tác Đài Loan trong thời gian tới”!

Các hình ảnh tại lễ ký kết

Giáo sư Trần Ích Nguyên đã có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam trong lĩnh vực văn học cổ điển và thư tịch cổ. Ông từng là Chủ nhiệm Khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Thành Công, Đài Loan; Phó Chủ tịch Hội Folklore Châu Á Quốc tế; Thư ký Hội Folklore Trung Quốc; Thành viên Hội Tự sự học Đài Loan; Thư ký Hội nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc… GS Trần Ích Nguyên đã có 70 bài nghiên cứu đăng trên các Tạp chí khoa học, hơn 80 tham luận phát biểu tại các hội thảo, hơn 50 sách chuyên luận, chuyên chương. Riêng ở Việt Nam, GS Trần Ích Nguyên đã có 6 sách chuyên khảo được xuất bản bằng tiếng Việt.

Đại học Thành Công là một trong những đại học tổng hợp định hướng nghiên cứu, có bề dày gần 90 năm lịch sử, nằm trong danh sách các trường Đại học hàng đầu của Đài Loan. Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Thành Công có quan hệ chặt chẽ với Trường Đại học KHXH&NV trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ. Giữa hai trường đã tổ chức nhiều hội thảo nghiên cứu, trao đổi cán bộ và sinh viên cũng như triển khai nhiều hợp tác trong đào tạo.

Đại học Kim Môn được thành lập vào năm 1992, là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, bên cạnh các ngành đào tạo về KHXH&NV, trường còn có các ngành về kỹ thuật, quản lý và y học.Quy mô đào tạo của trường khoảng 4500 sinh viên ở cả ba bậc đào tạo cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ.

Các đối tác Đài Loan đưa tin về chuyến công tác của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn:

1.    http://news.secr.ncku.edu.tw/files/14-1054-163691,r81-1.php?Lang=zh-tw

2.    http://hk.crntt.com/crn-webapp/touch/detail.jsp?coluid=92&kindid=0&docid=104593775

3.    http://www.chinatimes.com/realtimenews/20170303004237-260405

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây