Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV phát biểu khai mạc (Ảnh: KL)
Tham dự buổi lễ có: Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam; Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Giáo sư Michel Zink, Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp cùng đại diện lãnh đạo Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đông đảo cán bộ giảng viên và sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Phát biểu tại buổi Lễ, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ vinh dự được đón tiếp Giáo sư Michel Zink, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam đã đến tham dự Lễ ra mắt tác phẩm Lục Vân Tiên.
Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Minh cho biết, năm 2011, trong một dịp thăm Thư viện Viện Pháp, Giáo sư sử học Phan Huy Lê (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) được giới thiệu một số tư liệu quý, trong đó có một bản thảo với những bức vẽ minh hoạ vô cùng tươi mới, đặc sắc, tinh tế, mặc dù đã được thực hiện cách đây hơn 100 năm. Giáo sư Phan Huy Lê đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra đây chính là tác phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng của Việt Nam đã được cất giữ trong thư viện này hơn một thế kỷ mà không hề được ai biết đến.
Bản thảo tranh vẽ truyện Lục Vân Tiên này được ra đời từ ý tưởng của một Đại úy pháo binh Hải quân Pháp tên là Eugène Gibert từ cuối thế kỷ XIX, khi có mặt ở Việt Nam. Bị mê hoặc bởi tác phẩm văn học nổi tiếng của thi hào Nguyễn Đình Chiểu, ông đã tổ chức thực hiện bản thảo chép tay truyện thơ nổi tiếng này bằng chữ Nôm lẫn tiếng Pháp với phần tranh minh họa do một người Việt Nam tên là Lê Đức Trạch thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1895 đến năm 1897. Khi trở về Pháp vào năm 1899, ông Gibert đã trao tặng công trình này cho Thư viện Viện Pháp và nó được lưu giữ ở đó cho đến ngày nay. Sau một thời gian được các học giả Pháp – Việt hợp tác nghiên cứu, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã quyết định xuất bản tập bản thảo này thành sách gồm hai tập, chia làm ba phần: phần một (tập một) là truyện thơ có tranh minh họa, phần hai (tập hai là phần chú giải của Gibert cùng phần ba là bản in truyện thơ). Đây là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ 19 được xuất bản bằng 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp; qua đó góp phần quảng bá rộng rãi đến với các độc giả trên thế giới để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tác phẩm này.
Giáo sư Michel Zink, Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp đánh giá cao vai trò đóng góp của Giáo sư Phan Huy Lê trong việc phát hiện ra giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên được trưng bày tại Thư viện Viện Pháp.
Giáo sư Michel Zink, Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp phát biểu (Ảnh: KL)
Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp, Giáo sư Michel Zink cho biết, với truyền thống nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ, ngữ văn, khảo cổ, trong nhiều thế kỷ qua, Viện thường xuyên tập hợp những nguồn tư liệu từ các nước, trong đó có các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Có thể nói tác phẩm Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam được trưng bày tại Thư viện Viện Pháp. Việc tác phẩm “Lục Vân Tiên” được xuất bản bằng Tiếng Pháp đã góp phần giúp các độc giả Pháp hiểu hơn về ý nghĩa cũng như dành nhiều tình cảm yêu mến đối với nền văn học Việt Nam.
Chia sẻ kỷ niệm khi đến thăm Pháp vào năm 2011 và phát hiện ra bộ bản thảo của tác phẩm Lục Vân Tiên bằng tranh màu, Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, bản thảo được viết tay với nội dung “Lịch sử Lục Vân Tiên” được minh họa của Lê Đức Trạch và do Đại úy pháo binh Hải quân Pháp tên là Eugène Gibert đã từng làm việc tại Huế (Việt Nam) đã kính tặng cho Viện vào ngày 26/5/1889. Trong bản thảo, có các câu thơ Lục Vân Tiên bằng tiếng Hán Nôm, xung quanh được minh họa bằng những nét vẽ bức tranh dân gian Việt Nam, phản ảnh rõ nét nội dung của mỗi bài thơ. Bản thảo với rất nhiều màu sắc. “Nhận thấy đây là một tác phẩm quý giá, tôi xin được nghiên cứu tìm hiểu và mong muốn phối hợp với Viện Viễn đông Bác cổ Pháp xuất bản tác phẩm này. Vào năm 2016, được sự đồng ý của Viện, tác phẩm này đã được xuất bản thành 2 tập với bản gốc bằng chữ Hán Nôm và bản tiếng Việt được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh, trong đó có các phần ghi chú của các nhà nghiên cứu”, Giáo sư Phan Huy Lê nói.
Nhân dịp này, các diễn giả Việt Nam và Pháp cũng đã chia sẻ, trao đổi với các đại biểu và các em sinh viên về nguồn gốc lâu đời, quá trình phát hiện cũng như giá trị lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ đặc biệt của công trình Lục Vân Tiên./.
Khánh Lan
Tác giả: Khánh Lan - Báo ĐT ĐCSVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn