Tin tức

Thảo luận đào tạo nhân tài và phát triển think tank cùng Viện Hàn lâm KHXH tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Thứ năm - 23/11/2023 20:44
Ngày 22/11/2023, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã có buổi tiếp và làm việc với Viện Hàn lâm KHXH tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) có sự tham dự của PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Phạm Hoàng Hưng - Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển; PGS.TS. Bùi Thành Nam - Trưởng phòng Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Văn Chiều - Trưởng Khoa Khoa học Chính trị và TS. Trịnh Ngọc Thạch - Giảng viên Khoa Khoa học Quản lý.
Về phía đối tác có sự tham dự của GS. Yuan Hong Ying - Viện trưởng Viện Hàn lâm KHXH tỉnh Sơn Đông; ông Xu Guang Ping - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển khu vực và đô thị; cô Ling Qi - Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Kho Trí tuệ; cô Sun Ling Yan - Phó phòng Nghiên cứu Thị trường Tài chính và ông Wang Yan - Phó phòng Quản lý khoa học.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV chia sẻ: Hợp tác và trao đổi với các đối tác trên toàn cầu đã và đang là ưu tiên hàng đầu của nhà trường nhằm góp phần thực hiện mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến của khu vực và thế giới. Trong đó, các trường đại học, các viện nghiên cứu của Trung Quốc là đối tác quan trọng của nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên, xuất bản quốc tế và tổ chức hội thảo. Nhà trường đã có quan hệ hợp tác với 60 trường đại học, viện nghiên cứu của Trung Quốc. Hàng năm có khoảng 700 sinh viên Trung đến theo học tại VNU - USSH và gần 1000 sinh viên nhà trường theo học hoặc trao đổi tại các trường Đại học và Viện Nghiên cứu đối tác tại Trung Quốc.
Với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nhà trường hướng đến mở rộng và phát triển các ngành khoa học định hướng đan xen cùng khoa học truyền thống - bắt kịp xu thế thay đổi nhanh chóng của xã hội và thị trường việc làm. Nhà trường hiện có 17 viện/khoa/bộ môn trực thuộc, 01 viện nghiên cứu và 5 trung tâm nghiên cứu, cung cấp hệ thống các chương trình đào tạo phong phú gồm 28 chương trình đào tạo bậc cử nhân, 36 chương trình đào tạo bậc thạc sỹ và 30 chương trình đào tạo tiến sĩ.
GS. Yuan Hong Ying bày tỏ sự khâm phục về truyền thống về giá trị hàn lâm kinh điển của VNU - USSH
Theo GS. Yuan Hong Ying, tỉnh Sơn Đông là một trong những tỉnh trọng điểm chính trị của Trung Quốc, và Viện Hàn lâm KHXH tỉnh Sơn Đông là đơn vị nghiên cứu lý luận hàng đầu cho Đảng. Với hơn 300 cán bộ và 6 viện nghiên cứu trực thuộc chuyên về khoa học tri thức, Viện Hàn Lâm KHXH tỉnh Sơn Đông cũng có những đơn vị đào tạo và nghiên cứu giống với trường ĐH KHXH&NV như Triết học, Việt Nam học, Khoa học Chính trị,... Sự tương đồng trong hướng phát triển và nghiên cứu sẽ là cầu nối cho sự hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo trong tương lai.
Tại buổi làm việc, hai bên thảo luận và trao đổi cụ thể về các chủ đề:
  • Tình hình xây dựng kinh tế, phát triển công nghiệp, xúc tiến đầu tư và hợp tác nước ngoài tại Việt Nam
  • Trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn và sự thành công của Nhà trường/Viện trong xây dựng think tank, đào tạo nhân tài và chuyển giao tri thức.
PGS.TS. Bùi Thành Nam trao đổi về tình hình xây dựng kinh tế, đầu tư và hợp tác nước ngoài tại Việt Nam
Theo PGS.TS. Bùi Thành Nam, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế năng động, đang phát triển theo mô hình công nghiệp hóa. Việt Nam cam kết giữ vững hòa bình ổn định trong khu vực và quốc tế, tránh những yếu tố có thể dẫn đến xung đột. Việt Nam đã ký kết hiệp định xây dựng đối tác chiến lược với tổng số 18 quốc gia, trong đó 6 quốc gia đã nâng lên trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do ( FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó đã ký kết và thực thi 16 FTA.
Việt Nam đề cao đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng trong 5 năm qua, đặc biệt thành công xây dựng hệ thống đường cao tốc với tổng chiều dài tăng gấp hai lần trước đây, giúp đẩy nhanh sự lưu thông qua các tỉnh thành, tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và nâng cao sự phát triển kinh tế toàn quốc.
TS. Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh: Việt Nam coi nguồn nhân lực như tài nguyên quốc gia.
Trao đổi về các phương hướng đào tạo nhân tài tại Việt Nam, TS. Trịnh Ngọc Thạch cho biết, Việt Nam có các đề án đào nhân tài được chia theo 2 nhánh: Nhân tài khoa học công nghệ và Nhân tài khoa học Quản lý. Trong đó, VNU đã phát triển thành công chương trình đào tạo tài năng và chương trình chất lượng cao, hướng đến đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bộ, ban ngành Trung ương.
Trong thời thời kỳ hiện nay, cần có sự cải tổ trong chế độ đãi ngộ, sắp xếp vị trí việc làm cho nguồn nhân lực phù hợp với chuyên môn và năng lực. Theo đó, việc xác định nhân tài và định vị người có thể đào tạo nhân tài cũng cần được đề cao, đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cần thiết, từ đó tối ưu hóa được nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng của quốc gia.
PGS.TS. Đào Thanh Trường khẳng định: IPAM sẽ là một mô hình think tank điển hình trong lĩnh vực chính sách và quản lý.
Theo PGS.TS. Đào Thanh Trường, Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Được thành lập từ năm 1991, IPAM là sự kết hợp giữa phân hệ đào tạo và phân hệ nghiên cứu, sẽ là một mô hình Think tank điển hình trong lĩnh vực chính sách và quản lý. Viện nỗ lực trở thành nơi nghiên cứu và đào tạo về chính sách và quản lý trọng điểm quốc gia. Tháng 02/2021, Viện Chính sách và Quản lý được vinh danh trong Top 2020 Social Policy Think Tanks và Top 2020 Best New Think Tanks của Chương trình Think Tanks and Civil Societies (TTCSP) - Đại học Pennsylvania - Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới, Viện Chính sách và Quản lý tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm Taskforce trong triển khai đề tài dự án làm nền tảng để mở rộng lĩnh vực hoạt động; tập trung tăng cường năng lực hội nhập quốc tế cho nguồn nhân lực tại chỗ.
Một số hình ảnh khác tại buổi hội thảo:
 
 
Tin bài liên quan
Kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa IPAM và RLS: Mối quan hệ đặc biệt, lâu dài, bền vững
Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Chính sách và Quản lý: Chặng đường gặt hái nhiều thành tựu

Tác giả: Đại Hữu - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây