Lễ ký kết văn bản hợp tác giữa trường ĐH KHXH&NV và trường ĐH Nông Nghiệp Vân Nam, Trung Quốc

Thứ ba - 28/11/2023 20:15
Ngày 27/11 vừa qua, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU - USSH) đã có buổi làm việc và ký kết văn bản hợp tác với trường ĐH Nông Nghiệp Vân Nam, Trung Quốc về trao đổi sinh viên, đồng nghiên cứu và tổ chức hội thảo.
Về phía trường ĐH KHXH&NV có sự tham dự của PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng đại diện lãnh đạo các phòng Hợp tác và Phát triển, phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học, phòng Đào tạo; đại diện lãnh đạo các khoa Ngôn ngữ và khoa Khoa học Quản lý.
Về phía trường ĐH Nông Nghiệp Vân Nam có sự tham dự của GS. FAN Yuanhong - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện của các phòng Chức năng và lãnh đạo từ các khoa đào tạo
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh: Hợp tác và trao đổi với các đối tác trên toàn cầu đang là xu thế chính và là ưu tiên của nhà trường. Trong đó, trường ĐH KHXH&NV đặc biệt coi trọng các đối tác đến từ Trung Quốc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên, giảng viên.
Trước đó vào tháng 6/2023, PGS.TS. Lại Quốc Khánh đã dẫn đầu đoàn công tác đến và làm việc cùng các trường Đại học và Viện Nghiên cứu thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về các cơ hội hợp tác trao đổi cán bộ, đồng tổ chức hội thảo và nghiên cứu về các dân tộc thiểu số tại hai quốc gia.
Thông qua buổi ký kết, PGS.TS. Lại Quốc Khánh mong muốn hai bên có những trao đổi cụ thể hơn về kế hoạch triển khai hội thảo, hướng nghiên cứu chuyên đề và cụ thể hóa những phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
GS. FAN Yuanhong - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Nghiệp Vân Nam vui mừng khi được gặp lại PGS.TS. Lại Quốc Khánh và có cơ hội được làm việc trực tiếp tại Hà Nội. Trong chuyển công tác đến hai nước Campuchia và Việt Nam, ban giám hiệu trường ĐH Nông Nghiệp Vân Nam đặc biệt quan tâm đến các nghiên cứu và phương thức đào tạo về các ngành nông nghiệp, nhân văn và ngôn ngữ.
GS. FAN Yuanhong khẳng định: Trường ĐH KHXH&NV là đơn vị đối tác đặc biệt quan trọng, với thế mạnh là đơn vị đứng đầu trong việc nghiên cứu chính sách, chủ nghĩa Mác, dân tộc thiểu số và ngôn ngữ.
PGS.TS Nguyễn Anh Cường - Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Quản lý chia sẻ: Chính sách Tam nông là một trong những tiêu điểm của Việt Nam, được khoa đặc biệt chú ý và nghiên cứu mạnh. Với xu thế nông nghiệp chiếm gần 40% GDP toàn quốc, PGS.TS Nguyễn Anh Cường hy vọng thông qua những nghiên cứu và hội thảo đồng tổ chức về chủ đề trên với trường ĐH Nông Nghiệp Vân Nam, Việt nam sẽ hiểu hơn và học được nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực thi chính sách Tam nông tại Trung Quốc.
PGS.TS Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học chia sẻ: Khoa Ngôn ngữ học đã và đang đào tạo nhiều sinh viên từ Trung Quốc, và trong học kì 2 năm nay dự kiến sẽ đón thêm 20 sinh viên từ các trường đối tác qua học. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Khoa Ngôn ngữ học cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội được đón nhiều sinh viên Trung Quốc đến học tập tại mái trường Nhân văn.
Trong chương trình đào tạo và nghiên cứu, khoa đặc biệt quan tâm đến các tình hình phát triển và văn hóa của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Trường ĐH KHXH&NV cũng
hợp tác với nhiều trường Đại học tại Trung Quốc tổ chức các hội thảo về nghiên cứu các dân tộc thiểu số, với sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác giữa trường ĐH KHXH&NV và trường ĐH Nông nghiệp Vân Nam chiều ngày 27/11/2023
Tại lễ ký kết, hai bên thống nhất các chương trình trao đổi sinh viên cũng như công nhận tín chỉ. Ngoài ra, trường ĐH KHXH&NV sẽ triển khai chương trình đào tạo tiếng Việt chuyên ngành Nông nghiệp cho các sinh viên nước ngoài, mở thêm các khóa đào tạo ngắn hạn. Hai bên cũng dự kiến về các hướng nghiên cứu chung và đồng tổ chức hội thảo về tộc người và chính sách Tam nông trong năm 2024.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Đại Hữu - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây