Ngôn ngữ
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đang điều hành hội nghị
Chủ trì buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã đưa ra những luận điểm minh chứng về việc cần có sự tăng cường liên thông giữa các ngành đào tạo của trường: "Từ phương diện người học, nhiều sinh viên đã có những phàn nàn nhiều về tính biệt lập các ngành đào tạo của Nhà trường. Điều này làm giảm đi khả năng hiểu biết cũng như cơ hội việc làm của các bạn khi ra trường".
"Số liệu nghiên cứu cho thấy, gần 70% công việc của sinh viên khi ra trường không thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học hàn lâm, điều mà như thế mạnh Nhà trường đang khẳng định. Và việc sinh viên quốc tế nhiều lần từ chối lựa chọn theo học vì thiếu tính liên kết giữa các chương trình đào tạo đã đặt ra những thách thức cho nhà trường trong việc cần có những giải pháp để tăng cường tính liên thông này", PGS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Trên thế giới và cả Việt Nam, xu hướng liên thông này đang hiện hữu một cách rõ nét. Như trường hợp của Trường ĐH Công Nghệ, ĐHQGHN, họ đã tổ chức liên thông 4 đến 5 hướng chuyên ngành để sinh viên tự chọn bên cạnh những môn cơ sở ngành bắt buộc. Hay trường hợp của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN họ thiết kế chung nhau rất lớn, giúp sinh viên các ngành kế toán, quản trị kinh doanh chỉ cần học thêm 26 tín chỉ là có thể có được hai bằng chính quy khi tốt nghiệp...
Tại Trường ĐHKHXH&NV, khoa Báo chí và Truyền thông của Nhà trường là một trong số ít những đơn vị đã tiên phong điều chỉnh để phát huy tối đa tính liên thông giữa các ngành học. Theo đó, sinh viên ngành Báo chí có thể lựa chọn từ 1 đến 3 phương án cho chuyên ngành mình học, là báo in-báo điện tử, phát thanh-truyền hình, quan hệ công chúng. Tuy nhiên việc triển khai này mới chỉ bó hẹp trong một khoa, chưa triển khai lan rộng ra toàn trường.
PGS.TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo của Nhà trường đang trình bày tại hội nghị
Để cụ thể hơn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo của Nhà trường đã trình bày bản báo cáo về thực trạng các chương trình đào tạo ở trường ĐHKHXH&NV và định hướng điều chỉnh.
Theo đó, sự liên thông giữa các đơn vị đào tạo của nhà trường còn nhiều hạn chế. Số học phần không thuộc khối kiến thức theo lĩnh vực có hai ngành cùng học trở lên quá ít (chỉ chiếm khoảng 6%); có nhiều học phần cùng tên gọi nhưng khác thời lượng khi được sử dụng ở các ngành khác nhau; một số học phần khác tên gọi nhưng lại giống nhau về nội dung; các chương trình đào tạo hầu như biệt lập với nhau, mức độ bỏ sung hoặc tương tác rất thấp; nhiều học phần khối kiến thức tự chọn chưa được đưa vào giảng dạy. Điều này đã gây ra những khó khăn trong việc xây dựng các loại hình chương trình đào tạo theo hướng liên thông, liên kết. Trong khi nguồn lực của Nhà trường còn khó khăn thì việc không đưa vào giảng dạy nhiều học phần gây ra lãng phí.
Các modul kiến thức vẫn chia khá nhỏ và có tính biệt lập giữa các ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đòi hỏi một cán bộ giảng dạy phải đảm nhiệm nhiều học phần hoặc mời thêm nhiều cán giảng viên kiêm nhiệm.
Cơ hội lựa chọn học phần cho sinh viên giữa các ngành là hạn chế, dẫn đến việc chủ trương lấy người học làm trung tâm còn mang tính hình thức. Hiện trạng này đã gây nhiều khó khăn cho việc tiếp tục hoàn thiện lộ trình đào tạo theo tín chỉ của Nhà trường.
Từ thực tế trên, Nhà trường sẽ tiến hành điều chỉnh và hoàn thiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính liên thông, liên kết giữa các ngành trong trường và các trường trong ĐHQGHN.
Nguyên tắc điều chỉnh dựa trên các căn cứ, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế đào tạo ở ĐHQGHN. Theo đó, điều chỉnh và hoàn thiện các chương trình phải căn cứ và việc xác định chuẩn đầu ra phù hợp với chiến lược, sứ mệnh, mục tiêu và giá trị cốt lõi của Nhà trường và các đơn vị đào tạo. Công tác điều chỉnh sẽ vừa đảm bảo tính kế thừa vừa thể hiện nhân tố mới trong nội dung của các khối kiến thức, các học phần cũng như cấu trức của CTĐT. Chương trình đào tạo sau khi hoàn thiện sẽ mang tính tích hợp, liên thông, liên kết giữa các lĩnh vực, khối ngành, nhóm ngành trong một trường cũng như của các trường trong ĐHQGHN và hội nhập với khu vực.
Tại hội nghị, PGS.TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo Nhà trường cũng đưa ra bản dự thảo nội dung điều chỉnh, phân theo khối ngành và nhóm ngành với hai phương án; phân theo nhóm ngành - 2 phương án; Liên thông giữa các ngành trong khối ngành; phân cấp trách nhiệm xây dựng các học phần cho mỗi khung kiến thức và bản kế hoạch điều chỉnh chương trình đào tạo.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường đang tham góp ý kiến tại hội nghị
Đưa ra quan điểm vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo Nhà trường hoàn toàn ủng hộ. Giáo sư cho rằng, "Việc điều chỉnh chương trình đào tạo là mong muốn, nhu cầu bức thiết và tự thân của mỗi một chương trình, mỗi một trường đại học. Khi tiến hành thay đổi, Nhà trường nên xoay quanh ba yếu tố: cơ bản - cập nhật - linh hoạt."
Lộ trình cho việc thực hiện, Ban Giám hiệu và phòng Đào tạo cần xác định ngành nào thuộc nhóm ngành nào? Sau đó phân công đội ngũ nhân sự đứng ra chủ trì tôt chức các khối kiến thức điều chỉnh? Rà soát lại toàn bộ các môn tự chọn theo hướng môn nào 3 năm không có người học thì nên thay thế? Các môn học khuyến khích theo hướng 3 tín chỉ.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh cũng lưu ý Ban Giám hiệu và phòng đào tạo về thời gian cũng như tiến độ thực hiện, khoản kinh phí dự trù và các văn bản pháp quy liên quan tới hoạt động này.
Bày tỏ sự ủng hộ về chủ trương trên, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Bí Thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường lưu ý thêm: Nhà trường cần tính toán cụ thể xem chúng ta sẽ lựa chọn mục tiêu liên thông nào trong các hướng liên thông hiện nay (giữa các ngành đào tạo trong trường; giữa các trình độ đào tạo và phương thức đào tạo; giữa các đơn vị trong ĐHQGHN, các đơn vị bên ngoài đào tạo cùng lĩnh vực và với môi trường đào tạo khu vực và quốc tế). Từ đó tập trung các đi tìm các phương án để thực hiện, tháo gỡ những nút thắt căn bản nhất và tạo cơ chế thông thoáng trong tổ chức thực hiện nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường tham góp ý kiến tại hội nghị
Tán thành quan điểm ủng hộ, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông đưa ra gợi ý, phòng nên cân nhắc kỹ trong việc phần chia. Việc phân chia nên theo các cụm, để sinh viên lựa chọn có tính bao quát và hệ thống.
Còn đối với việc tổ chức các môn, PGS.TS Trương Thị Khánh Hà cho rằng để gia tăng tính liên kết mà không mất đi giá trị bản sắc của từng chuyên ngành, Nhà trường có thể điều chỉnh theo cách, các môn bắt buộc của ngành này sẽ là môn tự chọn của ngành khác. Đồng thời, Nhà trường cũng có những chính sách để công nhận cho sinh viên tốt nghiệp khi lựa chọn các môn học thay thế đó.
Phát biểu với vai trò vừa là Hiệu trưởng Nhà trường vừa là một giảng viên, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng "Sự thay đổi là cần thiết. Sự thay đổi chính là vị sự phát triển chung của Nhà trường và vì những khách hàng sinh viên".
GS.TS Phạm Quang Minh chỉa sẻ lại về tinh thần của Giám đốc ĐHQGHN nhằm đem đến cho toàn thể đội ngũ giảng viên, sinh viên được hưởng những lợi ích của môi trường giáo dục đại học quốc gia đem lại. Sinh viên vào ĐHQGHN sẽ được học tất cả những ngành, những kiến thức mà mình thích. Vậy nên phải phả bỏ những rào cản về mặt tiếp cận tri thức, đi theo hướng liên ngành, tạo cho người học những nền tảng kiến thức đa dạng và phong phú.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn