Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội nghị công tác đào tạo
Sau phần phát biểu khai mạc của GS.TS Phạm Quang Minh, các vị đại biểu đã lắng nghe bản báo cáo kết quả 10 năm đào tạo tín chỉ tại trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Những kết quả đạt được sau 10 năm
Trải qua 10 năm triển khai, có thể khẳng định rằng, toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đã đều đồng tâm, đồng lòng trong công tác áp dụng,triển khai và đổi mới để đạt tới hiệu quả cao nhất việc áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Kể từ năm 2006 đến nay, hệ thống CTĐT của Nhà trường đã trải qua 6 lần điều chỉnh cho phù hợp với phương thức đào tạo theo tỉn chỉ. Nếu như năm 2006, năm khởi điểm của quá trình chuyển đổi theo tin chỉ, hệ thống CTĐT được chuyển ngành theo cách cơ học từ niên chế sang tín chỉ thì 3 năm tiếp theo, hệ thống CTĐT được điều chỉnh để phù hợp hơn với phương thức đào tạo mới này. Đặc biệt năm 2012 đã đánh dấu bước chuyển căn bản khi toàn bộ các CTĐT được xây dựng và điều chỉnh theo chuẩn đầu ra. Đến năm 2015 hệ thống CTĐT tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với quy chế mới.
Nhìn lại chặng đường 10 năm điều chỉnh và hoàn thiện, các chuyên gia đã nhận định, nhìn chung chất lượng CTĐT đã được nâng cao, việc sắp xếp các học phần trong từng CTĐT đã có sự chọn lọc, tỉ lệ liên thông, liên kết giữa các ngành trong trường và giữa các trường trong ĐHQGHN đã được gia tăng, cơ bản phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ.
Việc biên soạn đề cương học phần cũng được thực hiện toàn diện ở tất cả các CTĐT. Gần 2500 đề cương học phần đã được biên soạn và điều chỉnh. Công tác biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong 10 năm qua, Nhà trường đã tổ chức nghiệm thu 341 giáo trình bài giảng, 77 tài liệu dịch tham khảo và tiếp tục ký hợp đồng biên soạn đối với 357 giáo trình, bài giảng, 94 tài liệu tham khảo ở bậc đại học.
Công tác đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo đã phát huy được tối đa tính linh hoạt, mềm dẻo của đào tạo theo tín chỉ trong việc lập kế hoạch. Quá trình tổ chức hoạt động đào tạo có sự tham gia tích cực từ phía giảng viên và sinh viên. Kết quả học tập của người học có bước chuyển đáng khích lệ. Yếu tố liên thông, liên kết trong công tác quản lý, tổ chức đào tạo giữa các đơn vị trong trường và trong đại học quốc gia ngày càng hiệu quả. Điều này đã giúp Nhà trường đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình quản lý và tổ chức đào tạo.
Phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá đã có sự đổi mới khá toàn diện theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của sinh viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã tăng lên đáng kể. Diện tích giảng đường, phòng thực hành, phòng làm việc được mở rộng thêm; hệ thống thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng được đầu tư bổ sung, nâng cấp.
Các đoàn đánh giá ngoài của AUN và ĐHQGHN đều đánh giá các CTĐT của Nhà trường có cấu trúc hợp lý, cân đối giữa các nội dung và hướng đạt chuẩn đầu ra đã công bố.
ThS. Đào Minh Quân, Phó Trưởng phòng Đào tạo đang trình bày báo cáo tổng kết 10 năm đào tạo theo tín chỉ ở Trường ĐHKHXH&NV
Những thách thức trong chặng đường sắp tới
Bên cạnh những mặt đã đạt được, 10 năm qua, phương thức đào tạo tín chỉ cũng đã đặt ra nhiều thách thức cho Nhà trường trong thời gian sắp tới. Cụ thể, phương thức tuyển sinh đại học thiếu ổn định, gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển sinh; CTĐT còn thiếu các ngành học có tính tiên phong, đặc thù, liên ngành; Một số CTĐT, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản, nội dung chuyên môn còn chậm đổi mwois, chuẩn đầu ra chưa thực sự rõ ràng; Chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là thị trường yêu cầu lao động chất lượng cao; Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ đào tạo, nghiên cứu, quản trị còn chưa đồng bộ, chồng chéo về dữ liệu; Công tác kiểm tra, đánh giá vẫn là vấn đề đáng được quan tâm; Tỉ lệ giảng viên trên người học còn cao, giảng viên có khả năng giảng dạy chương trình quốc tế còn thấp và Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động rất lớn đến giáo dục đại học trong thời gian tới.
Phát biểu về vấn đề này, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường lưu ý: "Phương thức đào tạo tín chỉ đến nay đã là phương thức phổ biến ở hầu hết các trường đại học. Mục tiêu của phương thức nhấn mạnh đến tính chủ động của người học và tính dẫn dắt của người dạy, nhưng khi áp dụng vào thực tế tại trường, dường như yếu tố này còn mang tính "nửa mùa", chưa phát huy được tối đa. Minh chứng của điều này là sự thiếu tự do trong đăng ký các học phần trong tiến trình đào tạo, sinh viên còn chưa chủ động trong việc học, nguồn học liệu còn thiếu thốn và nhà trường còn chưa có những hình thức khen thưởng, động viên kịp thời tới các bạn sinh viên tốt nghiệp sớm…Điều này đỏi hòi chúng ta cần có tiếp tục có những phương án điều chỉnh kịp thời, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị
Đứng trước thách thức đó, về công tác đào tạo và quản lý sinh viên, Nhà trường sẽ sắp xếp, tái cấu trúc các ngành và chuyên ngành; điều chỉnh các CTĐT theo hướng tăng cường liên thông, liên kết tạo cơ chế thuận lợi để người học có thể liên thông giữa các bậc học, ngành học và CTĐT.
Nhà trường sẽ hướng tới đổi mới và hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo; tăng cường trách nhiệm của cán bộ quản lý, chuyên viên. Xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở nhằm đón đầu xu hướng xây dựng đại học 4.0 theo triết lý giáo dục khai phóng và tự do sáng tạo.
Đổi mới chính sách đầu tư cho giảng viên biên soạn giáo trình, xuất bản tài liệu tham khảo trên cơ sở phân tầng, phân loại giáo trình, học liệu. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, thành lập mạng lưới cựu sinh viên theo khoa và khóa học.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn