Tin tức

Hoạt động tài chính năm 2016 - Đảm bảo ổn định qua các năm

Thứ hai - 09/01/2017 16:06
Ngày 06/01/2017, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức Hội nghị tài chính năm 2016. Đây là Hội nghị chuyên sâu về tài chính, do phòng Kế hoạch - Tài chính phụ trách, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì. Đại diện lãnh đạo và các cán bộ phụ trách mảng tài chính của tất cả các đơn vị trong Trường đến tham dự. Nội dung của Hội nghị là: báo cáo bức tranh tài chính của Nhà trường trong năm 2016 và những kế hoạch đặt ra trong năm 2017, công bố các điểm điều chỉnh trong Quy chế chi tiêu nội bộ được áp dụng năm 2017
Hoạt động tài chính năm 2016 - Đảm bảo ổn định qua các năm
Hoạt động tài chính năm 2016 - Đảm bảo ổn định qua các năm

 

PGS.TS Trần Thị Minh Hoà, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội nghị tài chính năm 2016

PGS.TS Trần Thị Minh Hòa phát biểu khai mạc, nêu chương trình hội nghị và chia sẻ: “Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường ĐHKHXH&NV được điều chỉnh thường niên, sau khi lấy ý kiến từ phía tất cả các đơn vị trong Trường. Tại Hội nghị tài chính, các phương án chốt những điểm điều chỉnh, bổ sung… được công bố, áp dụng thực hiện ngay từ đầu năm 2017. Trường ĐHKHXH&NV được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác chi tiêu nội bộ trong hệ thống ĐHQGHN: sớm xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, thường xuyên điều chỉnh qua các năm và phần lớn các điểm điều chỉnh đều có lợi hơn cho người lao động".

ThS. Lê Thị Quyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính

Ths. Lê Thị Quyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, báo cáo về Hoạt động tài chính năm 2016.  Nguồn tài chính của Nhà trường từ 3 nguồn chính: nguồn ngân sách Nhà nước cấp, nguồn thu bổ sung và nguồn tài trợ, viện trợ. Tình hình thu năm 2016 so với năm 2015, 2014 nhìn chung là không thay đổi, trong đó các nguồn thu cụ thể có mức độ tăng giảm khác nhau. Các nguồn thu bổ sung của Nhà trường hiện nay là: học phí, nguồn thu dịch vụ (các chương trình đào tạo ngắn hạn, lớp liên kết quốc tế, các đơn vị hoạt động dịch vụ) và nguồn thu từ các Trung tâm hoạt động có thu thuộc Trường.

Nguồn ngân sách Nhà nước cấp hiện nay chiếm 46% tổng thu và có xu hướng giảm dần (năm 2014 là 48%), nếu đảm bảo cho tất cả các hoạt động của Nhà trường và để tăng thu nhập cho người lao động thì nguồn thu bổ sung phải đảm bảo hoặc tăng lên mạnh hơn nữa. Trong nguồn thu, nguồn thu từ học phí vẫn đang ở mức cao ( trên 70%), còn các nguồn thu từ dịch vụ hoặc từ các Trung tâm còn rất khiêm tốn. Những thách thức đối với nguồn thu của Nhà trường là: chỉ tiêu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến nguồn học phí, tình trạng nợ học phí của sinh viên và mức độ ổn định của các chương trình đào tạo ngắn hạn, liên kết quốc tế.

Trên cơ sở nguồn thu ổn định, Nhà trường cân đối các nguồn chi hàng năm: quỹ lương, công lao động, chi biên soạn bài giảng giáo trình, hỗ trợ học phí và hỗ trợ kinh phí học tập cho cán bộ học tập nâng cao trình độ, hành chính phí. Hiện nay, Nhà trường có 145 cán bộ đang học NCS và 11 cán bộ học Cao học với tổng mức hỗ trợ lên đến 3 tỷ đồng. Trường ĐHKHXH&NV có chính sách ưu đãi lớn đối với cán bộ trẻ, khuyến khích học tập nâng cao trình độ so với các Trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Năm 2016, Trường đưa 10 phòng học thông minh với hệ thống trang thiết bị hiện đại cũng đứng trước thách thức về chi phí điện. Kinh phí cho hoạt động vệ sinh môi trường. Hoạt động cải tạo, tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị của Nhà trường trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển. Số lượng máy tính làm việc, điều hoà tăng lên nhanh chóng, các toà nhà được nâng tầng, phòng học được trang bị các phương tiện giảng dạy hiện đại.... tạo ra diện mạo mới cho môi trường làm việc và học tập, nhưng đồng thời cũng cho thấy thách thức trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kệm. Nhà trường cũng khuyến cáo các đơn vị trên cơ sở các nguồn chi uỷ quyền cho hành chính phí cần sử dụng tiết kiệm, hợp lý để có thể chuyển sang các hoạt động chuyên môn.

ThS. Kim Thị Diệp Hà, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính

ThS. Kim Thị Diệp Hà, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính trình bày báo cáo Tình hình tài chính của các đơn vị. Công tác thanh quyết toán của các đơn vị vẫn còn tình trạng chưa đảm bảo tiến độ, chưa chủ động. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi góp ý kiến xây dựng giữa các đơn vị và Phòng Kế hoạch - Tài chính để hoạt động rõ ràng, hiệu quả hơn. Thông qua báo cáo, các Khoa trong Trường nắm được tình hình các nguồn kinh phí để thực hiện trong công tác hỗ trợ đào tạo, phúc lợi, quản lý phí, hành chính phí của đơn vị mình. Phòng Kế hoạch tài chính đề nghị các đơn vị chuẩn hoá quy trình hoạt động thanh quyết toán và sử dụng, khai thác các nguồn kinh phí hợp lý, đảm bảo nguyên tắc tài chính.

ThS. Nguyễn Tích Nghị, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ

ThS. Nguyễn Tích Nghị, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ trình bày báo cáo về Các điểm bổ sung, điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ năm 2017.  Quy chế sau khi được đưa về các đơn vị trong Trường để lấy ý kiến, đồng thời tham khảo các Trường Đại học trong hệ thống ĐHQGHN và các trường ĐH khác, Ban Giám hiệu cùng các phòng ban chức năng đã họp bàn để thống nhất, công bố công khai. Quy chế chi tiêu nội bộ mới ban hành được áp dụng từ tháng 01/2017.

PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Trưởng Khoa Ngôn Ngữ học          

Nhiều Khoa đã có ý kiến phát biểu và nhận được phản hồi cụ thể, chi tiết từ Phó Hiệu trưởng Nhà trường và các phòng ban chức năng như Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính. Đặc biệt, có những nội dung thu chi được triển khai trên cơ sở các quy định mới ban hành của Nhà nước, Nhà trường đang áp dụng và sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến đề đề xuất, tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để giải quyết các vấn đề bất hợp lý. Tất cả các đơn vị đều ghi nhận những đổi mới, sự chuyên nghiệp của hoạt động tài chính của Nhà trường thời gian qua, vừa đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính đồng thời cũng rất linh hoạt và ưu tiên đầu tư cho người lao động.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

PGS.TS Trần Thị Minh Hoà đã tổng kết Hội nghị: " Thông qua báo cáo về tình hình tài chính để các đơn vị có thể nắm được bức tranh tài chính tổng thể của Nhà trường. Thứ hai, các điểm yếu của các đơn vị cần được khắc phục như: văn bản cần đúng quy định, quy trình thanh quyết toán cần đảm bảo tiến độ. Thứ ba là xem xét các biện pháp nhằm đánh giá công lao động để tính thu nhập tăng thêm hợp lý. Thứ tư, các bộ phận chức năng của Nhà trường và các Khoa phải cùng nhau nỗ lực chi tiêu tiết kiệm các chi phí trực tiếp như điện nước, hành chính phí... Thứ năm, thủ trưởng và các bộ phận phụ trách tại các đơn vị cần phải thông tin đầy đủ, kịp thời tới sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của đơn vị mình về kế hoạch thu học phí, để giải quyết tình trạng nợ đọng... Công tác tài chính trong Trường là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và cần rất chặt chẽ và thấu đáo. Trong bối cảnh tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, mỗi cán bộ, viên chức của Nhà trường cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và có chung một tiếng nói trong vấn đề đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững hoạt động tài chính của Nhà trường".

Tác giả: Thu Ha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây