Tin tức

Master’s Tea Club số 2: Hãy năng động và đừng ngại trải nghiệm

Thứ hai - 22/05/2017 04:25
Master’s Tea Club số 2 diễn ra ngày 18/5 với nội dung xoay quanh những trao đổi của GS. Colman Patrick Ross về những kỹ năng mà các sinh viên cần có trong học tập và nghiên cứu cũng như tìm kiếm việc làm.
Master’s Tea Club số 2: Hãy năng động và đừng ngại trải nghiệm
Master’s Tea Club số 2: Hãy năng động và đừng ngại trải nghiệm

Theo GS. Colman Ross, có một lỗ hổng và khoảng cách về kỹ năng giữa những người học khoa học xã hội nhân văn và các ngành khác. Các bạn có thể trở thành nhà khoa học xã hội, bạn cũng có thể là thợ mộc, nhân viên công nghệ thông tin, nhà quản lý, nhà truyền thông thì đều cần những kỹ năng đó. Nhưng ở trường đại học, sinh viên không thể có những kỹ năng đó vì quá bận với các kiểm tra. Vì vây, các bạn trẻ cần tự thân vận động để tự mình phát triển các kỹ năng ấy ngoài việc học lý thuyết trên trường.   

Cho rằng việc có phông nền kiến thức về thế giới, về khoa học xã hội nhân văn là rất quan trọng đối với các bạn sinh viên, GS. Coman Ross chia sẻ suy nghĩ rằng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống để hiệu quả và phù hợp hơn với những thế hệ người Việt mới. Và điều này tùy thuộc vào nỗ lực của tất cả các thành phần xã hội, nhưng cần có một cuộc bàn thảo giữa các cơ sở giáo dục để cấu trúc lại hệ thống. Cần phải cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, giữa một đại học nghiên cứu và sự quan tâm tới ứng dụng trong cộng đồng. Cần phải công nhận rằng, những người làm lao động chân tay như nông dân và lao động trí óc như các giáo sư đều đóng góp vào nền kinh tế. Hai loại lao động này đều được trả công bằng, đều là lực lượng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển. Một số nước như Thụy Điển, Phần Lan đã làm được điều này.

Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng khoa học tự nhiên họ có đối tượng nghiên cứu khá nhỏ mà họ có thể tác động trực tiếp vào nhưng khoa học xã hội thì khó hơn vì đối tượng quá rộng. Do đó, khi làm nghiên cứu, chúng ta có thể có những ý tưởng mới song lại lúng túng trong việc thu hẹp nội dung nghiên cứu. Do đó, GS. Ross cho rằng, đừng làm cái gì quá rộng, mà hãy chọn thứ gì thật nhỏ trong lĩnh vực chuyên môn của bạn để bắt đầu. Nếu bạn có những dữ liệu riêng mà chỉ mình tiếp cận được, nghiên cứu của bạn sẽ có giá trị hơn rất nhiều hơn là chỉ nhắc đi nhắc lại quan điểm của người khác. Người nghiên cứu cũng cần biết kết nối những lý thuyết, phương pháp trong nghiên cứu với dữ kiện ngoài thực địa. Ví dụ, các bạn có thể thực hiện nhiều nghiên cứu về sự tham gia của các bên liên quan trong chiến tranh Việt Nam, thay về chỉ phỏng vấn các chính trị gia thì hãy phỏng vấn những người bình thường trong cuộc chiến thì tư liệu của bạn sẽ trung thực và hấp dẫn hơn nhiều.

Đánh giá cao những trải nghiệm thực tế, GS. Ross khuyên các bạn trẻ nên tranh thủ mọi cơ hội để tham gia các hoạt động tình nguyện để nâng cao kỹ năng, đặc biệt là trong các tổ chức phi chính phủ. Việc tự tìm kiếm môi trường học tập cho riêng mình là điều quan trọng và cần thiết vì nó giúp sinh viên có được nhiều kỹ năng, nhiều mối quan hệ hơn hỗ trợ việc học. Tới trường đại học đã là một cơ hội và nếu chưa rõ học để làm gì thì các bạn trẻ hãy dành thời gian để tìm hiểu bản thân trước. Hãy tự đặt câu hỏi: liệu tôi muốn làm nhà công tác xã hội, muốn học quản trị kinh doanh…? Và cuối cùng, đừng nghĩ tới chuyện tiền bạc vội mà hãy làm những gì bạn thích, hãy đầu tư vào các hoạt động thực tập thực tế và đôi khi chính những kinh nghiệm ấy lại giúp bạn có được cơ hội việc làm trong tương lai.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây