Tin tức

Thuyết trình “Tết Mậu Thân 1968: 50 năm nhìn lại”

Chủ nhật - 19/08/2018 22:42
Ngày 17/8/2018, GS. Nguyễn Thị Liên Hằng (Khoa Lịch sử, Đại học Columbia, Hoa Kỳ) đã có bài thuyết trình với chủ đề “Tết Mậu Thân 1968: 50 năm nhìn lại” trước đông đảo cử tọa tại Trường ĐHKHXH&NV.

GS. Nguyễn Thị Liên Hằng đã khảo sát quá trình hoạch định chính sách liên quan tới cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Theo bà, vào thời điểm đó, tại Hoa Kỳ tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều về chiến lược quân sự của tổng thống Lyndon B. Johnson. Phe “bi quan” trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara và Thượng Nghị sĩ William Fullbright, cho rằng chính sách của ông không thể giúp Hoa Kỳ chiến thắng Việt Nam. Phe “lạc quan” trong đó có Tổng tham mưu trưởng Earl G. Wheeler và Thượng Nghị sĩ John Cornelius Stennis, muốn leo thang cuộc chiến và tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ. Họ cho rằng Johnson quá dè dặt và bảo thủ. Đáp lại, Tổng thống Johnson đã chọn con đường trung dung để làm vừa lòng cả hai phe. Do đó, cuối năm 1967, ông triệu tập Đại tướng William Westmoreland về nước để giúp khơi dậy sự ủng hộ trong dân chúng với chính sách của mình. Đầu tháng 1/1968, Tổng thống Johnson yêu cầu tất cả các tướng lĩnh Hoa Kỳ ở Việt Nam phòng thủ chặt chẽ các cứ điểm tại Khe Sanh, bởi ông coi đây là mục tiêu cận kề mà quân đội Bắc Việt có thể tiến công. Ông cũng tin rằng quân đội Hoa Kỳ và Sài Gòn có thể cố thủ tại Khe Sanh, qua đó dập tắt hoàn toàn sức chiến đấu của đối thủ.

Qua khảo cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, GS. Nguyễn Thị Liên Hằng cũng đã phân tích quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam vào thời điểm đó. Theo bà, trong nội bộ chính trị Việt Nam cũng có sự khác biệt giữa hai nhóm lạc quan-bi quan đối với chiến lược và khả năng chấm dứt chiến tranh tại miền Nam. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay của Tổng bí thư Lê Duẩn. Khởi đầu của quyết định tổng tiến công bắt đầu vào cuối năm 1963 tại Đại hội thứ 9 của ĐCSVN, khi chính phủ VNDCCH quyết định sử dụng vũ lực tấn công miền Nam. Đầu năm 1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tuyên bố không thể dựa vào chiến tranh du kích để đánh bại quân đội của chính quyền Sài Gòn. Ông được Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ. Tháng 5/1967, Bộ Chính trị triệu tập một phiên họp thông qua quyết tâm tiến công chiến lược, với những mục tiêu như “trong một năm, tiêu diệt từ 3 đến 5 lữ đoàn Mỹ... Đối với quân Ngụy, cố gắng tiêu diệt một số chiến đoàn hoặc trung đoàn, đánh quỵ từ 3 đến 5 sư đoàn”.

Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Thị Liên Hằng, kế hoạch này vẫn gặp phải một số vướng mắc trong nội bộ chính phủ VNDCCH, nhất là sau tháng 7/1967 khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời. Trong một phỏng vấn với báo Quân đội Nhân dân năm 2004, người kế nhiệm ông là Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng, kế hoạch tổng tiến công mà Bộ Chính trị đề ra đáng lẽ phải có những mục đích, mục tiêu, phương pháp tiến công mới. Trong cuộc họp vào cuối tháng 7/1967 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý thêm rằng, kế hoạch tiến công cần xét tới khả năng chiến đấu trường kỳ, cần đảm bảo về hậu cần, sức dân cũng như khả năng kéo dài chiến tranh du kích. Tháng 10/1967, trong cuộc họp của Bộ Chính trị về kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 – 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều vắng mặt. Tuy nhiên, Bộ Chính trị vẫn triển khai kế hoạch qua việc ấn định thời gian bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân. Tháng 12/1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết chuyển cuộc cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định.

Theo GS. Nguyễn Thị Liên Hằng, ta có thể thấy sự tương đồng nhất định giữa quá trình ra quyết định chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ với cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Ở cả hai bên đều có những ý kiến khác nhau về chiến lược tấn công và khả năng giành chiến thắng. Ở Hoa Kỳ, sau khi gặp phải áp lực chính trị, Tổng thống Lyndon Johnson triệu tập Đại tướng Westmoreland về nước để thảo luận về chính sách quân sự của Mỹ; ở Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được triệu tập từ miền Nam ra Bắc để thảo luận về kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy. Về cơ bản, cả hai bên đều tin vào khả năng giành chiến thắng chớp nhoáng và toàn diện. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận tính tương đối của những đối sánh mình đặt ra; hy vọng có nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ các tình tiết xoay quanh sự kiện lịch sử đáng chú ý này.

Sau phần thuyết trình, GS. Nguyễn Thị Liên Hằng đã nhận được những bình luận, câu hỏi từ các cử tọa về các vấn đề như tác động từ bối cảnh chính trị quốc tế, nhất là từ Liên Xô và Trung Quốc tới quyết định thực hiện Tổng tiến công; sự liên hệ giữa chiến thắng Tết Mậu Thân với chiến thắng trong cả cuộc chiến của phía Việt Nam; sự thống nhất của ban lãnh đạo Việt Nam trong quá trình lập kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy; ảnh hưởng của cá nhân các lãnh tụ Việt Nam trong quá trình ra quyết định quân sự trong giai đoạn này. 

GS. TS Phạm Quang Minh và đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chụp ảnh lưu niệm với GS. Nguyễn Thị Liên Hằng

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây