Tin tức

“Bất đối xứng và quan hệ quốc tế”

Thứ hai - 10/12/2018 08:17
Ngày 10/12/2018, GS. Brantly Womack (Đại học Virginia, Hoa Kỳ) đã có bài thuyết trình trước các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV về chủ đề “Bất đối xứng và quan hệ quốc tế”.

Bài thuyết trình của GS. Brantly Womack đã phân tích sự khác nhau trong văn hóa quan hệ quốc tế giữa phương Tây - phương Đông vào những năm 1450, từ đó liên hệ với giai đoạn hiện đại.

Vào những năm 1450, ở phương Đông và cụ thể ở Châu Á tồn tại quan hệ quốc tế bất đối xứng. Trung Quốc nổi lên như là trung tâm ổn định với dân số, tài nguyên và lãnh thổ lớn nhất trong các nước và vùng lãnh thổ. Chính sách của triều đình Minh Đại Tông là quản lý quan hệ để các nước nhỏ hơn không trở thành mối đe dọa; xây dựng một mô hình quan hệ suôn sẻ với các nước nhỏ thông qua chế độ cống nạp; tăng cường an ninh biên giới ở phía bắc, đảm bảo sự ổn định bên ngoài Vạn lý trường thành. Về phần mình, trong quan hệ với Trung Quốc, vua Lê Thánh Tông ổn định hóa vị thế lãnh đạo trong nước, du nhập Nho giáo vào Đại Việt, duy trì quan hệ hòa bình nhưng tự chủ với Trung Quốc, bình định hóa lãnh thổ các tộc người Chăm ở phía Nam.

Trái lại, ở Tây bán cầu có sự cạnh tranh và đối trọng để giành vị thế thống trị. GS. Brantly Womack đã điểm qua vương quốc của một số nhà quân chủ như vua Henry VI ở Anh, vua Charles VII ở Pháp, vua Alfonso của Vương quốc Navarre và nữ hoàng Isabella I của Vương quốc Castille, Giáo hoàng Nicholas V. Qua đó, ông cho rằng tại Châu Âu các vương quốc tối đa hóa quyền lực tương đối và duy trì tình trạng cân bằng quyền lực. Do đó không có sự nổi lên của một trung tâm cố định như Trung Quốc ở phương Đông.

GS. Brantly Womack trình bày bài thuyết trình

Xu hướng trên tiếp diễn cho tới năm 1500. Sau dấu mốc này, các nước phương Tây như Anh, Pháp, Tây Ban Nha nổi lên thành cường quốc nhờ khai thác tài nguyên, lao động từ thuộc địa. Nhưng họ vẫn giao tranh với nhau theo mô hình đối xứng. Các cuộc chiến một mất một còn như Thế chiến thứ nhất và thứ hai xuất hiện nhiều hơn, nhưng vẫn chưa phá vỡ thế cân bằng quyền lực. Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, mô hình đối xứng được duy trì giữa khối TBCN và XHCN. Tuy nhiên, tới thế kỷ 21, mô hình cạnh tranh quyền lực tỏ ra lép vế trước xu hướng toàn cầu hóa và thúc đẩy hợp tác đa dạng, đa điểm nút. Tại Châu Á, Trung Quốc ngày càng trỗi dậy như thế lực có ảnh hưởng nhất về mọi mặt, tạo thế bất đối xứng với các nước khác.  

Theo GS. Brantly Womack, cho tới nay, lý thuyết quan hệ quốc tế hiện đại thường bị chi phối bởi các mô hình quan hệ đối xứng và chiến tranh triệt để giữa các cường quốc. Việc quản lý các quan hệ bất đối xứng chưa được chú ý đúng mức. Theo ông, trong một quan hệ bất đối xứng, thay vì cạnh tranh quyền lực với bên lớn hơn, một mặt nước nhỏ hơn có thể tuân phục để giữ hòa khí, mặt khác có thể phát triển quan hệ với các nước khác để tránh sự phụ thuộc quá mức. Đây là điều không chỉ xảy ra với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mà cả những quan hệ khác như Hoa Kỳ-Cuba, Ý-Ethiopia, Việt Nam-Lào-Campuchia. GS. Brantly Womack cũng nhấn mạnh tới biện pháp xây dựng niềm tin, tôn trọng sự khác biệt giữa các nước trong quan hệ bất đối xứng.

Các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV tại buổi thuyết trình

Đối với Việt Nam-Trung Quốc, GS. Brantly Womack bày tỏ sự lạc quan vào việc cải thiện quan hệ song phương bất đối xứng. Về phía Trung Quốc, nước này cần tránh gây căng thẳng trong quan hệ với các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á cũng như với siêu cường Hoa Kỳ. Trung Quốc cần chứng tỏ mình là một đối tác có trách nhiệm, đáng tin cậy với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt trong các vấn đề nóng như tranh chấp Biển Đông. Về phía mình, Việt Nam cần duy trì sự tự chủ mà không gây hấn, chống đối Trung Quốc. GS. Brantly Womack cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, tránh tư tưởng bè phái, củng cố sự đoàn kết trong ASEAN và duy trì sự tin cậy. Hai nước cần xây dựng một quan hệ bất đối xứng ổn định, dựa trên sự tôn trọng thay vì đối đầu lẫn nhau.

Sau phần thuyết trình, nhiều câu hỏi được đặt ra cho GS. Brantly Womack về các vấn đề như vai trò bá quyền của Hoa Kỳ với các quan hệ bất đối xứng hiện đại; chính sách ngoại giao của các nước nhỏ như Việt Nam và Thái Lan trong quan hệ với các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc; tính quan yếu của mô hình bất đối xứng trong giai đoạn trung-cận đại so với hiện đại; ảnh hưởng của Công Giáo La Mã tới quan hệ đối xứng của các vương quốc Châu Âu thế kỷ 15; vai trò của sự tuân phục trong duy trì quan hệ bất đối xứng ổn định…

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây