“Hạn chế của chính sách tăng trưởng dựa trên thu nhập và tìm kiếm chính sách thay thế”

Thứ ba - 30/10/2018 21:59
Ngày 30/10/2018, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) dự buổi thuyết trình của GS. Hak K. Pyo (Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Seoul) về chủ đề “Hạn chế của chính sách tăng trưởng dựa trên thu nhập và tìm kiếm chính sách thay thế”. Cùng tham dự có cán bộ, giảng viên Khoa Đông phương học và Khoa Khoa học chính trị.
“Hạn chế của chính sách tăng trưởng dựa trên thu nhập và tìm kiếm chính sách thay thế”
“Hạn chế của chính sách tăng trưởng dựa trên thu nhập và tìm kiếm chính sách thay thế”

Chính sách tăng trưởng dựa trên thu nhập hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua tăng cường thu nhập của người lao động, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng, đẩy mạnh nguồn cung. Chính sách này bắt đầu được thực hiện từ những năm 1980 khi Chiến tranh lạnh đang tới hồi kết, giúp tạo đà cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nước Bắc Mỹ và Bắc, Tây, Trung Âu. Sau đó nó tiếp tục được lan truyền sang các nền kinh tế mới nổi ở Nam Âu, Nam Mỹ và Đông Á. Ở các nước, các chính trị gia cũng sử dụng chính sách này để lấy lòng cử tri, nhất là tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, chính sách này gây ra sự bất bình đẳng trên toàn cầu. Theo dữ liệu của Tổ chức Phát triển Hợp tác Kinh tế (OECD), giữa những năm 1980, thu nhập bình quân của nhóm 10% người giàu nhất so với nhóm 10% người nghèo nhất gấp 11 lần. Tới năm 2013, con số này tăng lên 19; con số này tại Hàn Quốc là 10.1. Mặt khác chính sách này còn gây ra sự giảm sút trong năng suất lao động. Nếu trong giai đoạn 1999-2006, năng suất trung bình toàn thế giới tăng 2,6% thì tới năm 2014, tỉ lệ này là -2,1%. Châu Âu và Nhật Bản bắt đầu chứng kiến sự giảm năng suất lao động vào những năm 1990. Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn 1991-2000, tỉ lệ tăng trưởng thực hàng năm dựa vào năng suất lao động là 4.17%; tới giai đoạn 2001-2002 chỉ còn 2,91%.

GS. Hak K. Pyo phân tích những hệ lụy chính sách của mô hình tăng trưởng dựa trên thu nhập

Theo GS. Hak K. Pyo, nguyên nhân của tình trạng trên là do mô hình tăng trưởng dựa trên thu nhập chỉ nhấn vào động cơ tăng tiền lương, tạo lợi nhuận trong nền kinh tế nhưng không chú ý tới năng suất lao động và tác động của sự phân phối thu nhập. Ông lấy ví dụ về Hy Lạp, một nền kinh tế vốn tập trung nhiều vào du lịch để kích thích tăng trưởng. Khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra, du khách Hoa Kỳ và phương Tây phải thắt chặt chi tiêu, dẫn tới giảm nhu cầu du lịch tại những nước như Hy Lạp. Kết quả là nước này mất tính cạnh tranh kinh tế, rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.

Tại Châu Á, ông cũng cảnh báo xu hướng này tại những nền kinh tế mở, hướng vào xuất khẩu như Trung Quốc, bởi sự lạm phát thu nhập sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam, GS. Hak K. Pyo bày tỏ sự lạc quan hơn về mô hình tăng trưởng dựa trên thu nhập. Sở dĩ như vậy vì trong thời gian ngắn, Việt Nam vẫn cần thu hút vốn đầu tư, gia tăng thu nhập để nâng cao đời sống của người lao động. Điều này góp phần tạo tăng trưởng GDP ấn tượng 6,8% năm 2017. Tuy nhiên, những dấu hiệu bất bình đẳng ở nước ta cũng đã xuất hiện, nhất là giữa thành thị và nông thôn. Sự sụt giảm nhân công giá rẻ cũng sẽ khiến Việt Nam mất dần khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Để thay thế mô hình tăng trưởng dựa vào thu nhập, GS. Hak K. Pyo đề xuất một mô hình dựa trên đầu tư, trong đó tập trung vào vốn con người và sự phát triển công nghệ. Các nền kinh tế cần nâng cao hiệu quả đầu vào lao động (tập trung vào chất thay vì lượng) cũng như tổng năng suất dựa theo các Nhân tố (Total factor production). Chẳng hạn, các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á cần tránh sa đà vào tăng trưởng kinh tế qua xuất khẩu và dịch vụ, mà phải cân nhắc tới cả năng suất trong lĩnh vực công nghiệp. Chỉ như vậy mới tránh được điều mà Mark gọi là “sự tích lũy tư bản vô tận và ngày tàn của xã hội tư bản”. Theo ông, điều này cũng là tất yếu với Việt Nam trong vòng từ 10, 20 năm tới; khi Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa.   

Sau phần thuyết trình, GS. Hak K. Pyo nhận được một số câu hỏi từ phía cử tọa về các vấn đề như các biện pháp của chính phủ Hàn Quốc nhằm bảo vệ người lao động thu nhập thấp, các phương pháp nâng cao năng suất trong nền kinh tế, tính ứng dụng của mô hình tăng trưởng dựa trên thu nhập với các nền kinh tế tiêu dùng và dịch vụ.

GS. Hak. Pyo là Giáo sư Danh dự tại Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Seoul. Ông nhận bằng cử nhân tại Đại học Quốc gia Seoul năm 1970 và bằng Tiến sĩ tại Đại học Clark năm 1977. Ông giảng dạy môn Kinh tế học và Kinh tế lượng tại Đại học Quốc gia Seoul từ năm 1981 tới năm 2013. Ông cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (1989-1990), Đại học John Hopkins (1997-1998), Đại học Tokyo (1998-1999; tháng 6-8/2005). Ông từng là cố vấn tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (1996), Ngân hàng Thế giới (1997), Viện các nền Kinh tế đang Phát triển ở Tokyo (1992-1999) và giảng dạy tại khóa tập huấn do Tổ chức Năng suất Châu Á và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 11-15/9/2017.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây