Tin tức

“Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học”

Thứ bảy - 03/11/2018 19:40
Ngày 03/11/2018, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về tiếng Việt và Việt Nam học ở Việt Nam và nhiều trường đại học trên thế giới. Gần 100 tham luận đã được gửi đến Hội thảo.
“Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học”
“Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học”

Trong phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ: Hội thảo được tổ chức vào một dịp rất đặc biệt khi sắp tới đây, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Từ nhiệm vụ đầu tiên được Chính phủ giao cho đào tạo tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài theo Hiệp định của chính phủ Việt Nam và các nước, cho đến nay, Khoa đã trở thành một trung tâm đào tạo tiếng Việt và Việt Nam học có uy tín ở Việt Nam cũng như ở khu vực và thế giới.

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV

Tiếng Việt là cầu nối cho sự hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, giúp thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ngày càng tăng. Tiếng Việt đã trở thành môn đại cương hoặc môn chuyên ngành tại nhiều trường đại học trên thế giới. Trường ĐHKHXH&NV trên con đường trở thành một đại học nghiên cứu tiên tiến có trách nhiệm và sứ mệnh đưa tiếng Việt, văn hóa Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới, giúp cho nhân dân thế giới hiểu biết về Việt Nam.

Nhà trường cũng nhận lãnh trách nhiệm xây dựng và phát triển ngành Việt Nam học trở thành nhân tố thực sự tham gia vào đời sống xã hội một cách hiệu quả và mạnh mẽ; gắn bó với cuộc sống và sự đổi mới phát triển của Việt Nam. Ngành Việt Nam học rất cần tập hợp những nhà khoa học liên ngành nhằm giải quyết những vấn đề có tính chất vĩ mô, đồng thời cần kết nối thông tin để xây dựng cộng đồng các nhà Việt Nam học thế giới ngày càng phát triển.

Ngài Saadi Salaman, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam

Ngài Saadi Salaman, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, cựu sinh viên Khoa Tiếng Việt khóa 1980 – 1984 chia sẻ tình yêu của ông với tiếng Việt: “Để nói giỏi tiếng Việt thì cần có một tình yêu đối với Việt Nam nói chung và tình yêu đối với tiếng Việt nói riêng. Bạn phải phải có sự say mê với văn hóa, phong tục, tập quán và những truyền thống lâu đời, những trang sử vẻ vang của Việt Nam”. Tình yêu ấy khiến người nước ngoài sẽ vượt qua được những khó khăn và bền lòng cùng tiếng Việt. Ông bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, bởi “nếu không có sự giúp đỡ, ủng hộ và cảm thông từ các thầy cô của Khoa, chưa chắc tôi đã thành đạt như ngày hôm nay”.

Bà Tsujimoto Chika - Trưởng ban Chính trị, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản

Một cựu sinh viên khác của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - bà Tsujimoto Chika (Trưởng ban Chính trị, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản) thì phát biểu: Trong những năm tháng học tập tại Khoa, chính mong muốn trở thành cầu nối hữu nghị hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đã động viên bà cố gắng hết sức trong việc học tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Bà cũng chúc mừng những thành tựu của Khoa trong 50 năm qua khi nỗ lực quảng bá tiếng Việt và Việt Nam học ra thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt trình bày báo cáo tại phiên toàn thể

Tại phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe các tham luận chính: “Sáu mươi năm giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học cho người nước ngoài tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN” của PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt); “Hơn năm mươi năm đào tạo tiếng Việt và Việt Nam học tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc (HUFS)” của GS.TS Song Jeong Nam (Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc) cùng PGS.TS Nguyễn Văn Phúc (ĐHKHXH&NV); “Chương trình giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Đại học Charles - Cộng hòa Séc” của TS. Bình Slavická (Đại học Charles - Cộng hòa Séc).

Hội thảo khoa học quốc tế về “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học” tổng hợp những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam học trong nước và quốc tế. Hội thảo có hai tiểu ban về “Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng” và “Việt Nam học”. Quy mô lần này của Hội thảo đã thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của học giả thế giới về hai lĩnh vực trên và thúc đẩy sự hợp tác trao đổi mạnh mẽ hơn trong cộng đồng các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới.

Ngài Saadi Salaman, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam và GS.NGND Hoàng Trọng Phiến - nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

GS.TS Phạm Quang Minh và các nhà khoa học tại hội thảo

Một số hình ảnh tại các tiểu ban

Tin bài liên quan

http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Dai-su-Rumani-Valeriu-Arteni-Quay-lai-Viet-Nam-nhu-tro-ve-nha--1-702-17852

http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Dai-su-Palestine-Saadi-Salama-Yeu-tieng-Viet-nhu-tieng-me-de-1-702-17853

http://m.cand.com.vn/giao-duc/Muon-noi-tieng-Viet-gioi-phai-co-tam-hon-Viet-Nam-518238/?fbclid=IwAR17bgdHuK6nXfutXtc53yNL9WuG-XU4Kku0pcWCQeBXwomE99vk5XHFnxY

Tác giả: Thanh Hà, Mỹ Nhàn, Công Minh. Ảnh:Thành Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây